Tái hiện khúc tráng ca của những anh hùng áo nâu
Sáng ngày 16/3, huyện Yên Thế (Bắc Giang) tổ chức Lễ kỷ niệm 131 năm khởi nghĩa Yên Thế và Lễ hội Yên Thế với sự tham dự của hàng nghìn người dân và du khách thập phương.
Tại Lễ kỷ niệm, ông Lưu Xuân Vượng, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế đã nêu bật công lao to lớn của những anh hùng áo nâu như Hoàng Đình Kinh (cai Kinh), Lương Văn Nắm (Đề Nắm) và đặc biệt là Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) trong cuộc đấu tranh với phong kiến và thực thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Với câu nói bất hủ: “Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng”, Hoàng Hoa Thám là người khiến cho thực dân Pháp phải “bạt vía”, đồng thời cũng là người khôi phục lễ hội cầu mùa ở Phồn Xương (Yên Thế) để sau này tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) lấy đó làm lễ hội ghi nhận công lao của những anh hùng áo nâu.
Những màn tế cờ, phóng ngư, phóng điểu… tại lễ hội đã thể hiện khát vọng tự do, ý chí quật cường của người dân Việt Nam. Tại lễ hội cũng đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa thể thao như thi bịt mắt, bắt dê, đẩy gậy, bắn nỏ, biểu diễn múa rối nước, thi trang phục dân tộc đẹp…
Để đảm bảo an ninh trật tự và phân luồng giao thông tránh bị ùn tắc, ban tổ chức đã huy động hơn 100 cán bộ chiến sĩ công an huyện, cảnh sát cơ động công an tỉnh, cán bộ chiến sĩ ban chỉ huy quân sự huyện nên cảnh tắc đường không còn tái diễn như mọi năm.
Tuy vậy, bên cạnh các trò trơi dân gian vẫn còn các trò trơi mang tính bạo lực như phi tiêu bóng bay, cờ thế trá hình ăn thua bằng tiền.
Video đang HOT
Trò chơi đỏ đen trá hình vẫn xuất hiện tại lễ hội.
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận 23 địa điểm khởi nghĩa Yên Thế là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Năm 2013, Lễ hội Yên Thế được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bá Đoàn
Theo Dantri
Lễ hội Yên Thế tưởng nhớ người anh hùng áo nâu Hoàng Hoa Thám
Mặc dù sáng mai 16/3 mới chính thức khai mạc lễ hội Yên Thế - Bắc Giang, nhưng từ chiều nay, huyện Yên Thế đã tổ chức lễ tế cờ tại sân trước tượng đài Hoàng Hoa Thám với sự tham gia của hàng nghìn người dân và du khách.
Nhân dịp kỷ niệm 131 năm (1884-2015) Khởi nghĩa Yên Thế, để tưởng nhớ công ơn của người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám, lễ hội năm nay được huyện Yên Thế tổ chức với nhiều nghi lễ trang nghiêm và long trọng. Sau tiếng trống, tiếng chiêng là màn dâng lễ vật, dâng rượu tiên tế tới Hoàng thiên anh linh và nghĩa quân anh dũng...; lễ dâng hương báo công về những thành tựu nổi bật của huyện Yên Thế trong một năm qua và lễ phóng ngư tại Hồ sinh thái có lịch sử từ hơn 100 năm trước.
Một trong những nét đặc sắc đáng chú ý về phần lễ của lễ hội Yên Thế đó là lễ tế cờ tại sân trước tượng đài Hoàng Hoa Thám.
Lễ tế cờ
Phần hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú như: ca nhạc, hội trại thanh niên với các trò chơi dân gian: thi nấu cơm niêu, đập niêu, ném còn, bịt mắt bắt dê, kéo co, thi bắn nỏ, biểu diễn nghệ thuật rối nước, hội diễn quần chúng thi mặc trang phục dân tộc đẹp....
Tất cả các hoạt động trên nhằm tái hiện một cách sinh động truyền thống yêu nước của cha ông cùng những nét văn hóa bản sắc, mang đặc trưng vùng.
Lễ phóng ngư tại hồ sinh thái.
Lễ hội Yên Thế tại thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế tỉnh Bắc Giang là lễ hội được tổ chức hàng năm để nhân dân nơi đây bày tỏ lòng tôn kính cũng như tưởng nhớ công ơn Hoàng Hoa Thám, vị tướng tài năng, người thủ lĩnh tối cao của phong trào nông dân Yên Thế và nghĩa quân đã chiến đấu chống thực dân Pháp trong những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Lễ hội Yên Thế được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 16 tháng 3 năm 1984 nhân dịp kỷ niệm 100 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Từ đó đến nay cứ đến ngày 16/3 dương lịch, lễ hội lại được tổ chức tại trung tâm thị trấn Cầu Gồ, đại bản doanh Phồn Xương năm xưa.
Hoàng Hoa Thám thuở nhỏ tên là Trương Văn Nghĩa, quê làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, sau này di cư lên Yên Thế. Năm 26 tuổi, Hoàng Hoa Thám tham gia khởi nghĩa của Cai Vàng; năm 34 tuổi lại gia nhập cuộc khởi nghĩa Đại Trận, và được gọi là Đề Dương. Khi Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất (11-1873) Hoàng Hoa Thám gia nhập nghĩa binh của Trần Xuân Soạn. Khi Pháp chiếm Bắc Kỳ lần thứ 2 (4-1884), ông tham gia khởi nghĩa của Cai Kinh (Hoàng Đình Kinh) ở Hữu Lũng. Cuối năm 1885, ông cùng Bá Phức trở lại Yên Thế đứng dưới cờ của Lương Văn Nắm tức Đề Nắm và trở thành một tướng lĩnh có tài. Tháng 4 năm 1892, Đề Nắm bị thủ hạ Đề Sặt sát hại, Hoàng Hoa Thám trở thành thủ lĩnh tối cao của phong trào Yên Thế, tiếp tục hoạt động, lập căn cứ ở Yên Thế và trở thành thủ lĩnh danh tiếng nhất của phong trào với biệt danh "Hùm xám Yên Thế". Đây là cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất, dài nhất trong lịch sử dân tộc ta chống thực dân Pháp, kéo dài gần 30 năm từ năm 1884 đến năm 1913, làm cho thực dân Pháp bao phen khiếp vía kinh hồn.
Bản lĩnh, tinh thần, lòng yêu nước của Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế đã khắc sâu trong lịch sử và tâm trí của nhiều thế hệ người dân Bắc Giang nói riêng và Việt Nam nói chung, trở thành bản hùng ca bất diệt.
Bá Đoàn
Theo Dantri
"Vượt nắng thắng mưa" trên các sân tập diễu binh Hướng tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014), quân và dân cả nước đang có nhiều hoạt động thi đua sôi nổi trong công tác, thiết thực chào mừng ngày Lễ trọng đại này. Vinh dự được tham gia diễu binh, xếp hình, xếp chữ tại Lễ kỷ niệm, những cán bộ, chiến sĩ các đơn vị...