Tái giá vẫn được phong Mẹ Việt Nam Anh hùng
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, theo quy định từ 10/10, trường hợp tái giá vẫn được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chấm dứt tranh cãi thời gian qua.
Đây là thông tin từ Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền trong Chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời”, phát sóng trên VTV, tối 12/10.
“Dẫu có muộn nhưng rất thiết thực”
Tại chương trình, người dân hỏi Bộ trưởng về việc phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho các bà mẹ có chồng và 1 con trai hy sinh trong kháng chiến mà tái giá.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền trả lời những thắc mắc của người dân
Nguyên văn câu hỏi gửi Bộ trưởng: “Bộ trưởng đã từng ủng hộ chủ trương phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho các mẹ kể trên, nhưng sẽ tham vấn thêm các cơ quan phối hợp. Vậy đến thời điểm này đã có chính sách cụ thể cho các bà mẹ kể trên hay chưa?”
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, ngày 10/10, Bộ LĐTBXH, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ đã có thông tư liên tịch hướng dẫn triển khai thực hiện. Trên cơ sở thông tư này các trường hợp nêu trên sẽ được xem xét giải quyết.
“Như vậy, dẫu có muộn nhưng rất thiết thực, là việc làm đầy trách nhiệm đối với những người đã cống hiến đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước”, Bộ trưởng bày tỏ.
Video đang HOT
Trước đó, thông tin từ báo chí được nhiều người quan tâm về trường hợp bà Trần Thị M., 83 tuổi, nguyên quán huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, hiện ở quận Bình Thạnh, TP.HCM có chồng và 1 con trai là liệt sỹ nhưng chưa được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng chỉ vì bà đã tái giá.
Như vậy, với thông tin từ Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền như trên, trường hợp tái giá như và M. vẫn được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chấm dứt tranh cãi thời gian qua.
Chạy đua, xoay vòng, bám trụ hộ nghèo?
Cũng tại Chương trình, một người dân cho biết tại xóm mình, viêc bình xét hộ nghèo được thực hiện theo cách xoay vòng. Tức là nhà này được thì năm sau nhường nhà khác không kể gia đình có điều kiện thế nào.
Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho hay, theo quy định của Bộ LĐTBXH về rà soát hộ nghèo nêu rõ từng cơ sở, thôn, bản phải xác lập danh sách hộ nghèo, trên cơ sở đó có bình xét với sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, sau đó công khai.
“Nếu như đơn vị làm “xoay vòng” hộ nghèo là trái với quy định của Nhà nước và tôi nghĩ rằng dứt khoát phải xem xét, rà soát lại cho phù hợp”, Bộ trưởng khẳng định.
Tại Chương trình, một người dân khác chia sẻ: Cứ vào dịp tháng 10 hằng năm các thôn, làng, cụm dân cư chỗ tôi lại “chạy đua” trong cuộc rà soát bình xét hộ nghèo. Bên cạnh một số hộ không thể thoát nghèo, thì không ít hộ có tư tưởng không muốn thoát nghèo, thậm chí còn thể hiện rõ quyết tâm “bám trụ” hộ nghèo để tiếp tục nhận ưu đãi của Nhà nước.
Người dân hỏi: “Vậy Bộ LĐTBXH cùng các bộ, ngành đang có chính sách như thế nào để người dân nâng cao ý thức phấn đấu thoát nghèo, đồng thời có sinh kế để thoát nghèo bền vững?”.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Bộ đã nhận được một số phản ánh “chạy” hộ nghèo tại một vài địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu xem xét lại thực tế này.
Theo Bộ trưởng, thời gian tới, nhóm chính sách hỗ trợ người dân nỗ lực thoát nghèo như giúp người dân vay vốn, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, hay cho vay cho con đi học sẽ tiếp tục được phát huy. Trong khi đó, chính sách cho trực tiếp, sẽ dần phải giảm đi.
Bắt đầu từ năm 2016, tiêu chí về hộ nghèo chỉ tính trên phần thu nhập cũng sẽ không phù hợp. Vì vậy, Bộ LĐTBXH đề xuất với Chính phủ nghiên cứu chuẩn nghèo đa chiều và đang xin ý kiến của các tổ chức, cá nhân, địa phương để làm cơ sở xác định chuẩn nghèo đa chiều và áp dụng trong giai đoạn 2016-2020.
Theo Khampha
Mẹ tái giá vẫn được phong "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"
Mẹ có chồng và một con là liệt sĩ đã tái giá thì tinh thần ý kiến của Thủ tướng là cần phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra trong phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra vào ngày 30/7.
Cụ thể, trên tờ Tuổi trẻ, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sớm có hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc cho các trường hợp cụ thể mà các văn bản trước đây chưa đề cập.
Theo bà Chuyền, riêng đối với trường hợp mẹ có chồng và một con là liệt sĩ đã tái giá thì tinh thần ý kiến của Thủ tướng là cần phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Mới đây, vấn đề này đã được đề cập đến tại buổi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng tại quận Tân Bình và huyện Bình Chánh (TP.HCM) của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trong một lần thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Báo cáo với đoàn giám sát, bà Trần Thị Kim Giàu, phó Phòng lao động - thương binh và xã hội Q.Tân Bình cho biết trên địa bàn quận cũng có trường hợp bà mẹ có chồng và một con là liệt sĩ nhưng đã tái giá.
Bà Giàu cho biết, quận có hỏi ý kiến Sở Lao động - thương binh và xã hội xem có được không thì bộ phận nghiệp vụ của sở trả lời rằng mẹ đã tái giá, chồng mẹ đâu phải là liệt sĩ nữa. Sở dĩ mẹ được nhận trợ cấp tiền tuất hằng tháng vì mẹ có công phụng dưỡng cha mẹ liệt sĩ và công nuôi dưỡng con liệt sĩ trưởng thành.
Bà Giàu cũng cho biết phòng nghiệp vụ của Sở Lao động - thương binh và xã hội không nói rõ căn cứ vào văn bản cụ thể nào để trả lời là không được và sau đó quận cũng không gửi hồ sơ trường hợp mẹ tái giá lên sở.
Bà Trương Thị Mai, chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt câu hỏi: "Thử hỏi có người phụ nữ nào lấy chồng mà muốn chồng mình thành liệt sĩ để hưởng chính sách? Có người phụ nữ nào muốn chồng là liệt sĩ để mình đi lấy chồng khác không? Chắc là cũng không có đâu. Một người phụ nữ, chồng là liệt sĩ, phải đi lập gia đình lần thứ hai cũng là đau đớn với người ta rồi".
Bà Mai cho biết mong muốn Bộ Quốc phòng và những người làm chính sách hiểu quan hệ bà mẹ Việt Nam anh hùng là quan hệ mẹ - con; quan hệ vợ liệt sĩ là quan hệ vợ chồng là hai quan hệ hoàn toàn khác nhau.
"Mình không được xử sự một cách thiếu uyển chuyển. Tôi rất mong các cơ quan làm chính sách hết sức linh hoạt, hết sức nhân văn trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách. Mà cái này phải nhanh lên, phải cố gắng hết mức.
Tôi đi dự lễ trao tặng danh hiệu, có mẹ khi mình làm quyết định thì là phong tặng, đến khi trao mẹ đã mất rồi, không chờ kịp", bà Trương Thị Mai nói.
Hà Anh
Theo_Báo Đất Việt
Sẽ xử lý người có công "rởm" Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, sẽ xử lý những trường hợp "khai man người có công" để hưởng chính sách. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền Thông tin do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết tại chương trình Dân hỏi Bộ trưởng...