Tái giá chưa thể được phong Bà mẹ VN anh hùng
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền lý giải: Tái giá chưa được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vì “chưa được hướng dẫn tại Nghị định”.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã trả lời nhiều câu hỏi của người dân trong Chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng”, ngày 27/7.
Thưa Bộ trưởng, theo ghi nhận trên báo chí và người dân thì bà Trần Thị M., 83 tuổi, nguyên quán huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, hiện ở quận Bình Thạnh, TP.HCM có chồng và 1 con trai là liệt sỹ nhưng chưa được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng chỉ vì bà đã tái giá.
Người dân gửi thư về chương trình có viết: “Trong chiến tranh, các mẹ có tính toán thiệt hơn gì đâu, mà trong thời bình, những người làm chính sách lại tính toán chi li với các mẹ có tái giá hay không”. Xin hỏi Bộ trưởng, liệu những mẹ như bà Trần Thị M. có được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng hay không?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng và Nghị định 56 của Chính phủ thì có quy định rõ trường hợp một chồng và một con là liệt sỹ thì được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Video đang HOT
Đối với trường hợp của bà M. có một con là liệt sỹ và chồng là liệt sỹ nhưng đã tái giá thì đến nay chưa được hướng dẫn tại Nghị định 56 – Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Chính vì vậy, thời gian tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng tập hợp những ý kiến phản ánh những vấn đề chưa rõ để có hướng dẫn kịp thời. Sau buổi trả lời hôm nay, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ – cơ quan thực hiện công nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng – sẽ xem xét, có văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện đối với các đối tượng này.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Trường hợp tái giá chưa được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vì “chưa được hướng dẫn tại Nghị định”.
Chương trình cũng nhận được nhiều câu hỏi về hướng giải quyết đối với các trường hợp thương bệnh binh, liệt sỹ, người có công bị mất hồ sơ gốc. Vậy tình hình xử lý những trường hợp này đã có tiến triển như thế nào sau khi Bộ LĐ-TB&XH có Thông tư hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Tuyệt đại bộ phận những người có công đã được nhận chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, còn một số trường hợp do không còn đủ hồ sơ gốc, đặc biệt do rất nhiều yếu tố của lịch sử để lại, nhất là chiến tranh kéo dài. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 28, ngày 22/10/2013, để giải quyết các trường hợp không còn đủ và mất hồ sơ gốc. Theo báo cáo của 26/63 tỉnh, thành trong cả nước đến nay đã xem xét duyệt 112 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sỹ, thương binh là 396 hồ sơ.
Chúng tôi cũng nhận được không ít thư tố cáo về các trường hợp làm giả hồ sơ để hưởng chế độ người có công, phổ biến nhất là hưởng chế độ cho người nhiễm chất độc da cam. Có trường hợp người dân kiến nghị có các cựu quân nhân chỉ đóng quân ở Hà Tây hay ở Bắc Lào chưa bao giờ tới Vĩ tuyến 17 nhưng vẫn được hưởng chế độ cho người bị nhiễm chất độc da cam. Và những người dân này đặt câu có hỏi: “Phải chăng cứ là thương binh chiến đấu ở bất kỳ vùng nào như Hà Nội hay Bắc Lào thì cũng có thể bị nhiễm chất độc da cam? Và có hay không các tiêu cực về khai man hồ sơ cộng với sự tiếp tay của địa phương để trục lợi chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước?”.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Giai đoạn 2008-2013, Bộ LĐ-TB&XH đã rà soát, xem xét và cắt một số trường hợp, và có những trường hợp vi phạm đến mức đã chuyển sang các cơ quan pháp luật.
Bộ trưởng có thể cho biết bao nhiêu trường hợp đã được chuyển cho cơ quan điều tra để làm rõ những trường hợp khai man như vậy?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Các đơn vị của Quân khu 1 khoảng gần 2.000 trường hợp. Hay vừa rồi chúng tôi thanh tra các đơn vị của Quân khu 2 cũng gần 1.000 trường hợp sai phạm đã bị xem xét để xử lý. Hay việc xác nhận thanh niên xung phong sai ở Ninh Bình những năm gần đây là những việc thái độ của cơ quan quản lý Nhà nước là cùng với hướng dẫn triển khai có thanh tra, kiểm tra và xử lý theo quy định của Nhà nước.
Trách nhiệm của cá nhân hay tổ chức trong việc để xảy ra việc khai man hồ sơ nhận chế độ?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Có trường hợp đường dây khai man hồ sơ giả, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu tổ chức làm hồ sơ giả. Cá biệt, trường hợp cán bộ làm sai, xử lý cán bộ. Tuyệt đại bộ phận do hồ sơ gian lận từ lúc sai đến lúc xác nhận bởi do chiến tranh lâu rồi, nên nhiều người không còn hồ sơ gốc. Theo quy định, chỉ cần hai người xác nhận cũng đủ điều kiện xác nhận người có công. Do vậy, do nể nang hoặc thiếu trách nhiệm của người xác nhận, nên hồ sơ thì đủ nhưng bản chất không đúng.
Nhưng người dân cũng viết thư chia sẻ những trường hợp vi phạm có sự tham gia, tiếp tay của một số cán bộ địa phương và nhiều khiếu nại của người dân đã không được trả lời. Vậy người dân nên gửi thư đến đâu trong những trường hợp như vậy?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Ngoài các cơ quan quản lý như tôi nói thì thanh tra cấp huyện, cấp tỉnh cũng là những cơ quan rất quan trọng; hay là các đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh cũng là những nơi tiếp nhận đơn thư phản ánh của công dân, và sẽ chuyển đến cơ quan chức năng để giải quyết. Còn nếu có đơn tố cáo thì sẽ chuyển cho bộ phận thanh tra của Bộ LĐ-TB&XH để giải quyết theo quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Khampha