Tái định cư ở các dự án thuỷ điện: Sai lầm chồng sai lầm
Ở địa phương có cả trăm dự án thuỷ điện bậc thang lớn nhỏ như Quảng Nam, không chỉ hàng vạn dân vùng dự án, mà cả triệu đồng bào vùng hạ du cũng bị tác động lớn vì lũ lụt, hạn hán, động đất, nguy cơ vỡ đập…
Hiện trạng hạ tầng ở khu TĐC thủy điện A Vương khiến đời sống người dân khổ hơn nơi ở cũ – ảnh: Hải-Thư
Đây là vấn đề luôn làm “ nóng” diễn đàn các kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam, diễn đàn Quốc hội. Thế nhưng, lỗi của những dự án đi trước vẫn lặp lại ở những dự án thuỷ điện triển khai sau hậu quả trút hết trên đầu người dân…
Cần định nghĩa lại “an dân”
Về lý thuyết, Quốc hội, Chính phủ đến các bộ, ngành đều khẳng định dân ở khu tái định cư thuỷ điện phải có mức sống tốt hơn nơi ở cũ, nhưng những tuyên bố ấy vẫn chỉ là lý thuyết. Thực tế, người dân ở tất cả các khu tái định cư thuỷ điện miền Trung hiện nay đều lâm cảnh nghèo khó, bi kịch hơn trước.
Người… “đổ vỏ”
Những người dân đầu tiên ở Quảng Nam di dời, hy sinh cho thuỷ điện tại dự án A Vương đã rơi vào bế tắc, họ đã phải tiếp tục di dời, tìm kế sinh nhai trong rừng sâu hơn. Hiện, huyện Tây Giang vừa triển khai dự án tái định cư (TĐC) cho số dân này. Nếu thực hiện thành công thì cũng phải sau 5-6 năm nữa người dân mới có thể khắc phục được hậu quả, tự lo được miếng ăn, ổn định đời sống. Tất cả những sai lầm về quy hoạch, thực hiện TĐC đều do người dân gánh chịu. Trong khi đó, Ban quản lý dự án thủy điện 3-EVN- sau khi nhà máy A Vương vận hành đã đổi chủ sang Cty CP A Vương- cứ đùn đẩy, trốn trách nhiệm khắc phục.
Đáng nói là vết xe đổ này tiếp tục lặp lại ở các dự án thuỷ điện triển khai sau. Nhân dân ở các khu TĐC của Dự án thủy điện Đắk Mi 4 cũng bị dồn vào chân núi, vẫn rơi vào bi kịch thiếu đất sản xuất, nhà ở xuống cấp, kém chất lượng, thu nhập không đủ sống…, đói hơn nơi ở cũ. Nay, tại Sông Tranh 2, quá trình đổi chủ từ Ban quản lý dự án thuỷ điện 3 sang Cty CP Thu Bồn, rồi lại trả về Ban quản lý dự án thuỷ điện 3 cũ…
Video đang HOT
Rồi khi nhà máy vận hành, có lẽ cũng sẽ lặp lại kiểu trốn trách nhiệm như từng xảy ra đối với A Vương. Sau hơn nữa, quá trình triển khai Dự án Sông Bung 4 cũng có nhiều bất cập trong công tác đền bù, giải toả, TĐC. Đây là một trong số 8 dự án thủy điện lớn trên hệ sông Vu Gia – Thu Bồn, đang được xây dựng tại huyện Nam Giang.
Ông Pnươch Tê – thôn Parum B (xã Zuôih, huyện Nam Giang)- nói: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị về việc đo đạc đất sản xuất được đền bù, nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. Việc cấp 1,5ha đất không đủ để sản xuất. Về nhà ở, người dân chỉ muốn ở trong nhà gỗ chứ không muốn ở trong nhà xây theo mẫu thiết kế sẵn”.
Phải ứng xử nhân văn, khách quan
Theo ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Quảng Nam- thực tế các thủy điện được xây dựng trên địa bàn tỉnh đã mắc nhiều sai lầm trong tổ chức TĐC và phục hồi sinh kế cho người dân.
Cụ thể, hiện dân TĐC thủy điện A Vương có nhà nhưng không có gì để sống, thủy điện Sông Tranh 2 thì hàng trăm hộ dân đang sống vật vờ hoặc quay về nơi ở cũ, thủy điện Đắk Mi 4 thì người dân phải bỏ nhà vào núi cao.
Vì vậy, ông Sinh kiến nghị: “Các dự án thủy điện triển khai sau cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc. Bố trí diện tích đất canh tác cần phải thực hiện một lúc hai việc, là nâng cao năng lực của cộng đồng dân cư và kế thừa, bảo tồn tri thức nông nghiệp của đồng bào dân tộc. Việc TĐC cho người dân cần phải chú trọng cả TĐC về văn hoá gắn với thiết chế văn hoá của người Cơ Tu”.
Chuyên gia thuỷ lợi Lê Trí Tập – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – nhận định: Không phủ nhận lợi ích kinh tế mà các dự án thuỷ điện mang lại cho đất nước. Nhưng, với địa phương thì những mặt trái, khiếm khuyết của các dự án thuỷ điện mang lại là nhiều hơn. Nó tác động sâu vào đời sống, làm xáo trộn sinh hoạt, thay đổi cả phong tục tập quán, nếp sống từ ngàn đời của người dân bản địa. Đã đến lúc trung ương cần phải tỉnh táo, nhận thức hết sức khách quan về những kết quả cũng như hậu quả từ thuỷ điện, để có cách ứng xử hợp lý hơn.
Theo ông Tập, những hậu quả mà các tỉnh, thành miền Trung phải gánh chịu từ dự án thuỷ điện là nạn hạn hán, lũ chồng lũ, mất đất sản xuất, mất rừng, mất cân bằng sinh thái… và quan trọng là ảnh hưởng nghiêm trọng đến văn hoá, tập quán sinh hoạt của người dân. Đây là hậu quả của cách tổ chức đầu tư khai thác không theo khoa học, không có sự kết hợp hài hoà các lợi ích tổng hợp, mà chạy theo lợi ích của một nhóm người, ngành, nhà đầu tư, quên đi cuộc sống của người dân vùng dự án. Địa phương nào “chẳng may” có dự án, người dân nơi ấy phải gánh hậu quả.
Ông Tập đề nghị, cũng như sự cố động đất và nguy cơ vỡ đập, gây thảm hoạ như hiện nay ở Sông Tranh 2, Trung ương cần rút ra bài học sâu sắc để từng bước tìm cách khắc phục những hậu quả, giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại gây ra cho môi trường và người dân. Làm thế nào để đời sống của người dân vùng dự án phải tốt hơn về vật chất, tinh thần và văn hoá.
An dân không có nghĩa là luôn khẳng định “đập vẫn an toàn”, mà là hàng trăm nhà dân có an toàn không? Dân phải ứng xử như thế nào trong những căn nhà luôn bị động đất làm rung bần bật, nứt tường, đổ ngói? Chính quyền phải làm gì để con em họ được đến trường, có ruộng vườn để họ sản xuất? Phải chuẩn bị gì cho tương lai? EVN liệu có đầu tư để hàng vạn nhà dân được xây lại với độ kháng chấn động đất 5,5 độ richter như công trình của họ không?… Dẫu biết, khi xảy ra sự cố xấu nhất, thảm hoạ thì không thể lấy mạng đổi mạng, nhưng nhất thiết phải có người chịu trách nhiệm. Phải trả lời tất cả những câu hỏi từ dân thì mới giúp họ an tâm được.
Không tiếp đoàn kiểm tra động đất nữa
Lãnh đạo huyện Bắc Trà My cho biết: Từ nay, nếu các sở, ban, ngành của tỉnh lên khảo sát, kiểm tra tình hình của người dân thì huyện sẽ tiếp, còn các đoàn của bộ, ngành TƯ vào, huyện sẽ không tiếp nữa. Thời gian qua, mỗi lần động đất mạnh thì các đoàn lại vào, nhưng không giải quyết được vấn đề gì. Từ nay, thời gian đó huyện sẽ dành giải quyết công việc của địa phương, thay vì tiếp đón các đoàn.
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”
Ông Nguyễn Đức Hải – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam: Tôi đi thực tế, thấy người dân rất lo lắng, tâm lý bất an. Họ cứ ra vào, đêm không dám ngủ, không dám tính kế làm ăn lâu dài. Ngay cả lãnh đạo chúng tôi cũng chưa thể yên tâm. Vấn đề ở đây không chỉ còn là an toàn đập thủy điện, mà còn là an toàn của 48.000 dân vùng ảnh hưởng động đất. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu, khẳng định đập có an toàn không. Nếu không an toàn thì cũng phải có câu trả lời thỏa đáng, để có giải pháp ứng phó hợp lý.
Trong hoàn cảnh bây giờ, thì đây là câu hỏi của cuộc sống, chứ không chỉ là của nhà khoa học. Yêu cầu chính quyền và các cơ quan của tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan, chủ đầu tư, phải “xắn tay áo” vào việc ngay, một cách thực tế, mới an dân được. Các hộ dân bị thiệt hại cần được hỗ trợ ngay, ngay trong năm nay phải xử lý cho xong, còn nếu tiếp tục động đất, hư hỏng nhà thì tiếp tục ứng phó. Chính quyền, đoàn thể phải tiếp tục tuyên truyền, cần chủ động xây dựng phương án ứng phó trước động đất, cần thiết thì di dời dân. Chủ đầu tư thủy điện phải tiếp tục hỗ trợ cho người dân các khu TĐC về cơ sở hạ tầng, điều kiện sinh sống.
Theo laodong
Động đất ở Sông Tranh 2, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Còn dưới nhiều mức giới hạn an toàn của đập
Sáng 30.10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (ảnh) đã trả lời báo chí một số vấn đề về dự án thủy điện Sông Tranh 2 và việc tác động của công trình thủy điện đến môi trường. Theo Phó Thủ tướng thì Chính phủ sẽ kiên quyết loại bỏ những công trình không đảm bảo môi trường và có tác động tiêu cực đến đời sống người dân.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Thưa Phó Thủ tướng, động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 vẫn khiến người dân Quảng Nam và nhiều ĐBQH chưa yên tâm. Xin Phó Thủ tướng nói rõ hơn về nội dung này.
- Với sự cố xảy ra ở thủy điện Sông Tranh 2, Chính phủ đã giao cho các bộ, hội đồng giám sát quốc gia và cả tư vấn quốc tế đánh giá thực trạng như thế nào để xử lý. Qua quá trình giám sát, đánh giá, nổi lên 2 việc.
Thứ nhất là hiện tượng thấm nước, đến nay đã xử lý được 99,9%. Vấn đề thứ 2 là ổn định thân đập. Việc này đã thuê tư vấn quốc tế đánh giá. Các kết luận đều khẳng định tiêu chuẩn về thiết kế bảo đảm, các số liệu về ổn định đập đều vượt chỉ tiêu cho phép, kể cả về số liệu động đất. Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã công bố đầy đủ việc này.
Tuy nhiên, thời gian qua liên tục xảy ra động đất ở khu vực Sông Tranh 2, qua nghiên cứu đã khẳng định động đất là động đất kích thích. Chính phủ đã quyết định không tích nước để theo dõi xem phản ứng của động đất kích thích với sự xuất hiện của hồ chứa thế nào.
Thiết bị chuyên dùng được đặt tại trạm quan trắc thuộc Ban điều hành thuỷ điện Sông Tranh 2.
Chính phủ cũng đã giao cho Viện Vật lý địa cầu lắp các trạm địa chấn với đủ các thiết bị quan trắc để theo dõi, đồng thời cũng giao viện này tiếp tục mời chuyên gia nước ngoài tham gia khảo sát đánh giá những đứt gãy, nền địa chất. Có ý kiến cũng cho rằng công trình đã hoàn thiện mà không đưa vào sử dụng thì sẽ lãng phí, nhưng chúng ta vẫn xác định phải đặt sự an toàn lên trên hết. Nếu loại bỏ hết các nghi vấn thì sẽ đưa vào hoạt động cho dù đến nay các kết quả giám định đều khẳng định là tốt, nhưng động đất vẫn đang xảy ra, thế thì vẫn cần tiếp tục theo dõi và chưa đưa vào hoạt động.
Trước khi có dự án này, khu vực này trong vòng 100 năm mới chỉ xảy ra 8 trận động đất, nhưng sau khi công trình hoàn thành và tích nước thì đã xảy ra tới trên 60 trận động đất lớn nhỏ, vậy có phải là do công tác khảo sát ban đầu chưa đánh giá được tác động của công trình?
- Trong tính toán không ai lường hết được, nhất là động đất kích thích. Người ta vẫn nói một hồ chứa khi tích nước sẽ gây động đất kích thích, nhưng có hồ chứa thì xảy ra hiện tượng này, có hồ thực tế không xảy ra. Việc đó phụ thuộc điều kiện địa chất khu vực có công trình xây dựng.
Về nguyên tắc, nếu đã động đất kích thích thì thường không vượt qua mức động đất chỉ đạo và có xu hướng tắt dần theo thời gian. Chúng ta có cả nghìn hồ mà không phải hồ nào cũng gây ra động đất kích thích. Chỉ có thể dựa trên kinh nghiệm là nếu có động đất kích thích nó sẽ tắt dần theo thời gian, nên giờ cần phải theo dõi đánh giá. Nếu vượt giá trị cực đại thì phải xem xét hết sức nghiêm chỉnh và công trình không thể đưa vào vận hành được.
Khi chúng ta thiết kế thủy điện này đã tính toán rất nhiều số liệu về động đất, ngoài ra còn số liệu hết sức quan trọng đối với an toàn đập là gia tốc nền. Gia tốc nền ở đây theo thiết kế 150, nhưng khi thực hiện và được thử nghiệm lên đến 250. Còn vừa qua, trận động đất 4,6 độ richter là tương đương với gia tốc nền 108. Như vậy là còn dưới nhiều mức giới hạn đập có thể chịu đựng được. Chính vì thế động đất 4,6 độ richter vừa rồi thì khi kiểm tra cũng không thấy có dấu hiệu tác động gì đến đập.
Sau khi xảy ra sự cố ở Sông Tranh 2, một số ý kiến ở tỉnh Đồng Nai đã đề nghị nên dừng dự án thủy điện 6 và 6A ở Đồng Nai vì tác động môi trường quá lớn, quan điểm của Chính phủ thế nào về việc này?
- Đó là một ý kiến kiến nghị và đó cũng là một yếu tố đầu vào cho hội đồng thẩm định. Có rất nhiều yếu tố ở đây. UBND địa phương trên cơ sở quy hoạch nếu thấy các yếu tố tác động đến dự án thì hoàn toàn có quyền đề nghị dừng không làm công trình. Kể cả việc báo cáo đánh giá tác động môi trường đã qua, nhưng khi di dân không tìm được đất hay ổn định dân cư không bảo đảm hay đất sản xuất mất nhiều quá không bố trí bù lại được thì cũng có thể yêu cầu không thực hiện, dù hiệu quả có thể tốt, động đất không có, địa chất ổn định... Những yếu tố thấy không đảm bảo được thì địa phương có quyền đề nghị.
Đặt ra tình huống nếu công trình được đầu tư rồi nhưng khi vận hành lại gây ra tác động môi trường lớn, vậy liệu Chính phủ có kiên quyết loại bỏ hay không, thưa Phó Thủ tướng?
- Nếu công trình đã xây dựng rồi nhưng sau đó thấy tác động tới môi trường, đời sống xã hội của nó lớn thì trước hết cần xem xét xem có cách nào khắc phục được không. Nếu tất cả các biện pháp được xét đến đều không được thì buộc phải đình chỉ công trình, vì bảo vệ môi trường và đời sống người dân là số một. Chúng ta đã có nhiều công trình làm vậy rồi, đã hoàn thành, thậm chí đã hoạt động nhiều năm nhưng khi xây thì không có dân, sau đó dân mới đến sống xung quanh rồi gây ô nhiễm thì mình cũng phải di dời công trình ấy.
- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!
Theo laodong
Chưa hết bàng hoàng sau dư chấn Kể từ ngày hồ chứa thuỷ điện Sông Tranh 2 tích nước, bà con tui ở đây cứ lo ngay ngáy. Mặt đất thì rung lắc, phát nổ như bom. Còn đập chính thì bị nứt nước phun trào. Nhìn thấy cảnh ni làm răng mà yên tâm sinh sống được..."ông Hồ Văn Toàn nhà ở thôn 4 xã Trà Tân thở dài...