Tái cơ cấu ngân hàng, bao lâu?
Hoạt động tái cơ cấu ngân hàng đã được 3 năm. Tuy nhiên, nhiều vấn đề trong tái cơ cấu vẫn còn lúng túng. Có ngân hàng tự tháo gỡ bằng nội lực, có nhiều ngân hàng loay hoay. Thậm chí có chuyên gia kinh tế cho rằng phải mất 10 năm, chứ không thể vội…
Tái cơ cấu ngân hàng hiện bị cho là hơi chậm.
Tự cứu
Kể với Tiền Phong về câu chuyện tự tái cơ cấu, lãnh đạo một ngân hàng từng chinh chiến thời đó nhớ lại: “Quãng năm 2012, mất thanh khoản không chỉ rơi vào 8 ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém phải sáp nhập mà còn “sém” cả vào những ngân hàng lớn. Ngay ở NHTM chúng tôi lúc bấy giờ, nhìn bề ngoài ngon lành nhưng bên trong có lúc nguy. Bế tắc, từng phát tín hiệu kêu cứu với đối tác ngoại thì nhận được trả lời: Không. Hãy về xin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cứu”.
Tuy nhiên, nếu kêu NHNN cũng đồng nghĩa được “bơm” cho ít tiền và bị kiểm soát đặc biệt… Vậy là chỉ còn cách tự cứu mình. Hồi đó, cả ngân hàng mở chiến dịch dốc sức làm việc gấp 2- 3 lần, suốt ngày họp, bàn giải pháp tìm cách gỡ (tìm nguồn, đủ chiêu huy động; phân ban nợ xấu…). “Thoát được giai đoạn khó, nhiều nguời lăn ra ốm nặng, có nguời cấp cứu vì làm việc lao lực. Bây giờ nghĩ lại vẫn choáng”- Vị này nói.
Đến giờ này, có lẽ ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank đã thở phào. Thời điểm năm 2012, để mua cổ phần trở thành cổ đông lớn và đứng vai chủ tịch HĐQT TPBank, gia đình ông chủ Tập đoàn vàng bạc Đá quý Doji đã bán đứt Cty Diana cho Unicharm với giá 184 triệu USD, liên kết góp vốn vào TPBank (do FPT sáng lập), cùng với người em Đỗ Anh Tú.
Một bạn hàng của ông Phú lúc đó từng ngán ngẩm: “Không biết bác ý tính gì mà bán nhà máy, rút hẳn một chân ra khỏi vàng để đổ vào cái ngân hàng đang sắp chết. Cầm chắc bác ấy sẽ thất bại”. Ấy vậy mà chỉ sau 2 năm, sử dụng một chiến lược đồng bộ từ làm thương hiệu, xây dựng sản phẩm bán lẻ, giờ ông chủ ngân hàng TPBank đã có thể tự hào những việc đã làm.
Video đang HOT
Cần 10 năm tái cơ cấu ngân hàng?
Đến thời điểm này, trong 9 ngân hàng yếu kém xác định đợt đầu, có 8 thành viên đã tiến hành tái cơ cấu (gồm Habubank, SCB, TinNghiaBank, Ficombank, TPBank, TrustBank, Navibank và Western Bank), ngoại trừ GP Bank hiện chưa rõ tiến độ. Về “ sức khỏe” từng ngân hàng tái cơ cấu, rất cần sự đánh giá xếp loại công khai của NHNN, nhưng cơ bản, việc xử lý những ngân hàng yếu kém đã đạt tiêu chí: Đảm bảo an toàn cho hệ thống.
Theo chuyên gia kinh tế – TS Trần Hoàng Ngân, để hoàn thành tái cơ cấu xong hệ thống ngân hàng, thời gian phải lên tới 10 năm. Hiện mới được gần 3 năm và đúng là hơi chậm. “Dư luận đang muốn nhanh, nhưng với ngân hàng không thể được. Xử lý tái cơ cấu lĩnh vực này là cả một nghệ thuật, không được để dân hốt hoảng”- TS Ngân nói.
Số lượng ngân hàng như thế nào thì đủ cho nền kinh tế như Việt Nam? Chuyên gia Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia Trần Hoàng Ngân nhìn nhận: Có thể “co hẹp” bớt lại ít hơn 40 NHTM cổ phần đang hoạt động, theo hướng làm cho các ngân hàng nhỏ hoạt động tốt hơn, rồi sáp nhập vào các ngân hàng lớn. Tuy nhiên quan trọng nữa chính là các NHTM phải tiến đến nâng lên chuẩn nợ quốc tế (đạt chuẩn Basel II), mới thực sự lành mạnh được.
Theo nhiều chuyên gia, tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng đã đến mức báo động, dù các quy định khống chế tình trạng này không thiếu. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ xấu, và nguy cơ thao túng hoạt động kinh doanh tài chính. Giải pháp dài hạn để ngăn chặn hành động này là cần tập trung mạnh hơn vào công việc xây dựng thị trường tín dụng và thị trường vốn minh bạch.
Theo Tiền phong
Bộ trưởng Đinh La Thăng được đại biểu Quốc hội khen ngợi
Cử tri ghi nhận có nhiều chuyển biến trong ngành Giao thông-Vận tải, cách làm việc minh bạch, công khai...
Từ khi giữ trọng trách là Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT), ông Đinh La Thăng luôn được cử tri quý mến vì hành động kiên quyết, hiệu quả.
Thời gian đầu làm Bộ trưởng, các phát ngôn thẳng thắn của ông đã không "lọt" tai nhiều người vì không giống với nhiều người cùng trọng trách trong các ngành khác. Có thể nói, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã từng bị dư luận "ném đá" tả tơi. Thế nhưng, thời gian đã chứng minh lời nói và hành động của vị Bộ trưởng này luôn song hành. Ông đã chỉ đạo ngành giao thông làm nên nhiều thành tích đáng ghi nhận: Là đơn vị cổ phần hóa nhanh nhất, minh bạch nhất các vấn đề nội bộ và có nhiều tướng bị "trảm" nhất...
Đánh giá về sự biến chuyển trong công tác quản lý Nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị An (đoàn Hà Nội) đã đưa ra ví dụ điển hình là Bộ Giao thông-Vận tải. "Cử tri ghi nhận có nhiều chuyển biến trong ngành Giao thông-Vận tải, cách làm việc minh bạch, công khai. Chỉ ở Bộ GTVT mới dễ dàng tìm thấy việc đình chỉ dự án chậm tiến độ, đình chỉ công tác cán bộ lãnh đạo, công khai các vấn đề nội bộ. Cùng với đó, việc xử lý tình huống rất nhanh nhạy, ví dụ như vụ sập cầu Chu Va 6 được Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo rốt ráo, nhanh chóng khắc phục hậu quả, tìm nguyên nhân, xử lý trách nhiệm" - Đại biểu Nguyễn Thị An nói.
Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần làm việc thẳng thắn, "nói đi đôi với làm", dám làm dám chịu của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Nếu ai đó từng suy nghĩ, đã được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo thì sẽ yên vị, ôm ghế đến lúc nghỉ hưu thì điều này sẽ không có ở Bộ GTVT. Lần đầu tiên có một vị Bộ trưởng "trảm" tướng ngay trên công trường. Dư luận lúc ấy còn nghi ngờ, gọi đó là "bài của ông Thăng" để đưa "tay chân" của mình lên. Rồi sau đó, nhiều vị trí quan trọng trong ngành GTVT đều được ông "rờ" đến... Và, hiệu quả hoạt động của ngành giao thông ai cũng nhìn thấy rõ: Hạ tầng giao thông được nâng lên, kỷ luật tham gia giao thông cũng nghiêm minh hơn trước, công tác đăng kiểm, kiểm tra, thanh tra... cũng rốt ráo và hiệu quả hơn rất nhiều.
Giao thông-Vận tải là một trong những ngành "ngốn" nhiều nhất ngân sách, vốn đầu tư, ODA... Đây dường như là "bộ mặt sử dụng vốn" của đất nước. Chính vì vậy, "nhất cử, nhất động" của ngành GTVT đều có sự giám sát của các cử tri, Đại biểu Quốc hội. Vừa qua, các dự án như đường Quốc lộ 18 (đoạn Uông Bí-Hạ Long - Quảng Ninh) vừa khánh thành 1 tuần đã có biểu hiện xuống cấp, lún và nứt. Hay đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đi vào hoạt động thời gian ngắn đã hỏng; cao tốc TPHCM - Trung Lương vừa thông xe đã xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà...
Sốt ruột với những sự cố này, mới đây nhất, trong một cuộc họp chuyên đề về chất lượng công trình giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo: "Ai phê duyệt dự án mà chất lượng kém thì phải chịu trách nhiệm, làm lãng phí phải đền tiền". Bởi theo ông, tiền làm đường từ ngân sách hay từ đầu tư BOT đều là tiền dân đóng góp thông qua thuế hay thu phí đường bộ nên cần sử dụng hiệu quả.
Liên quan đến các chỉ đạo này, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng: "Bộ trưởng Đinh La Thăng đang thể hiện trách nhiệm với đồng tiền của dân mình, việc dừng thu phí cũng thế".
Cũng theo ông Nguyễn Đức Kiên: Bộ trưởng đã và đang làm đúng quyền hạn và trách nhiệm của mình. Căn cứ theo Nghị định về chức năng nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải thì đây là một hoạt động quản lý nhà nước hết sức bình thường.
Các chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nhận được sự ủng hộ cao của Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM). Ông Trần Hoàng Ngân cho biết: "Nói chung, trong 3 năm qua theo dõi tinh thần làm việc các ngành, tôi thấy Bộ trưởng Giao thông vận tải thể hiện được tinh thần trách nhiệm cao của mình, trong đó có việc rà soát cắt giảm giá thành các dự toán công trình lên đến 35.000 tỷ. Đó là một hành động yêu nước rất cụ thể".
Tuy nhiên, cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân thì: "Ngành giao thông vẫn còn nhiều việc phải làm nên bộ trưởng cần tiếp tục phát huy.Vừa qua, Bộ trưởng chỉ đạo rà soát lại việc ngừng thu phí khi đường vừa đưa vào đã lún, sụt... đó là hành động quyết liệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm của chủ đầu tư dự án. Song dư luận vẫn chờ những hành động cụ thể hơn".
Theo đó, ông Ngân cho rằng tới đây khi Quốc hội hoàn thiện và sửa đổi Luật đầu tư công sẽ gắn trách nhiệm cụ thể. Song trước mắt việc giám sát đầu tư công là trách nhiệm của Quốc hội.
"Giám sát đầu tư công là trách nhiệm của ĐBQH cho nên khi Bộ trưởng tuyên bố như vậy không chỉ các đại biểu giám sát mà cả dư luận, người dân cũng sẽ dõi theo những việc làm cụ thể của Bộ trưởng", ông Ngân nhấn mạnh.
Theo ông Ngân, ngành giao thông là ngành tiêu tiền đầu tư công nhiều nhất cho nên sẽ còn nhiều vấn đề. Nhưng trong thời gian qua Bộ trưởng rà soát đẩy nhanh được tiến độ, giảm được nhiều chi phí, tiết kiệm cho ngân sách là việc rất cần thiết và được đánh giá cao.
Theo Vũ Hạnh
VOV online