Tái canh cây tỷ đô cà phê: “Cuộc đua đường trường”
Tây Nguyên là vùng có diện tích cà phê lớn nhất cả nước, tập trung chủ yếu ở Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông và Kon Tum, vì vậy các tỉnh này cũng có diện tích tái canh cây cà phê lớn.
Việc này luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp từ Trung ương đến địa phương nhằm phát triển cây trồng “tỷ đô”…
Đó là thông tin từ Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Tái canh và phát triển cà phê bền vững” được Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT Lâm Đồng tổ chức ngày 27/9.
Tái canh mạnh mẽ
Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), diện tích cà phê cả nước đến năm 2018 là gần 690.000ha. Trong đó, vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ có hơn 625.000ha. Riêng tại Tây Nguyên đã có đến 622.000ha với năng suất bình quân cà phê nhân đạt 2,6 tấn/ha.
Tuy nhiên, khu vực Tây Nguyên có tới 86.000ha cà phê vối đã già cỗi, trồng trên 20 năm (chiếm 13,8% tổng diện tích) và gần 40.000ha cà phê dưới 20 năm tuổi năng suất thấp, cần được tái canh, thay thế bằng các giống cà phê mới chất lượng.
Diện tích cà phê tái canh của tỉnh Lâm Đồng đến nay đã đạt 54.325ha. Ảnh: V.L
Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhận định: “Cà phê là cây dài ngày, vì vậy chương trình tái canh giống như cuộc đua đường trường, chúng ta phải phân phối sức lực, đồng hành cùng nhau, kết nối cung cầu, công nghệ để trở thành những hạt nhân trung tâm của chương trình tái canh cà phê bền vững”.
Tính đến cuối năm 2018, diện tích tái canh cà phê cả nước đạt 110.000ha (91% kế hoạch). Tổng diện tích cà phê trồng tái canh và ghép cải tạo tại Tây Nguyên đến năm 2019 là hơn 118.000ha. Trong các địa phương ở vùng này, tỉnh Lâm Đồng có diện tích trồng tái canh và ghép cải tạo cao nhất, hơn 58.000ha (đạt trên 127%, kế hoạch đến 2020 là 45.600ha).
Ông Lại Thế Hưng – Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng) cho biết, cây cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh, vì vậy, để góp phần nâng cao giá trị sản xuất cây cà phê, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện Chương trình tái canh, ghép cải tạo từ năm 2006 – 2012 bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau. Đến nay, riêng tái canh, toàn tỉnh đã thực hiện được 54.325ha.
Video đang HOT
Cũng theo ông Hưng, trong giai đoạn từ 2013 – 2018, Lâm Đồng đã thực hiện tái canh cải tạo cà phê với vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Trong đó, lớn nhất là nguồn vốn từ các doanh nghiệp hỗ trợ cho các chương trình đào tạo, tập huấn, tư vấn kỹ thuật và nguồn của người dân tự thực hiện với hơn 9.000 tỷ đồng.
Sau 6 năm thực hiện, chương trình đã giúp trẻ hóa vườn cây cà phê già cỗi, diện tích sâu bệnh, năng suất thấp không còn khả năng phục hồi, góp phần đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 2,6 tấn/ha năm 2012 tăng lên 3,1 tấn/ha năm 2018.
Phát triển bền vững
Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Đăk Nông cho biết, các giống cà phê cho năng suất cao như TR4, TRS1 được đưa vào sản xuất đại trà đã thay thế dần các giống cũ năng suất thấp. Phương pháp cưa ghép cải tạo được áp dụng trên nhiều vườn cà phê già cỗi, vườn cà phê trái nhỏ, năng suất thấp.
Đáng chú ý, công nghệ tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước cho cà phê hiện đang được nhiều hộ ở các huyện Đăk Mil, Đăk Song, Tuy Đức áp dụng. Công nghệ này giúp bà con giảm từ 70-80% công lao động, giảm 40% lượng nước tưới/ha, tăng hiệu quả kinh tế. Dự kiến, dự án VnSAT đến năm 2020 sẽ hoàn thành hỗ trợ tưới tiết kiệm cho 700ha diện tích tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel.
Trong khi đó, tại tỉnh Gia Lai, tính đến năm 2019, diện tích cà phê sản xuất có chứng nhận quốc tế hạng thấp nhất (chứng chỉ 4C) mới đạt khoảng 10.000ha, chiếm hơn 10% diện tích. Còn các chứng chỉ cao hơn như Utz, Rainforest… vẫn chưa có vườn nào đạt được. Bước đầu, Gia Lai đã hình thành vùng sản xuất tập trung, chuỗi sản xuất cà phê bền vững với 2 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững.
Theo ông Lương Đức Trí – Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường Tây Nguyên, để cây cà phê phát triển bền vững ở khu vực Tây Nguyên thì trước hết các cơ quan quản lý cũng như các cơ quan ban ngành chức năng cùng chung tay vào cuộc giải quyết những vấn đề khó khăn đã và đang tồn lại trong quá trình sản xuất cây cà phê như rủi ro thiên tai, thời tiết, dịch hại, kỹ thuật canh tác và rủi ro thị trường…
“Trước hết, cần quy hoạch lại diện tích cà phê, hướng dẫn các nông hộ chuyển diện tích ở những vùng đất không phù hợp trồng cây cà phê và không chủ động nguồn nước, đồng thời ở vùng đất dốc từ 15 độ trở lên sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài ra, khuyến cáo các nông hộ, doanh nghiệp ứng dụng tốt hơn nữa kỹ thuật bón phân theo độ phì nhiêu của đất và áp dụng nguyên tắc bón phân 4 đúng để tiết kiệm chi phí. Đồng thời, sử dụng các giống cà phê mới năng suất cao, chịu hạn…” – ông Trí khuyến cáo.
Theo Danviet
Quy trình hữu cơ nâng tầm cây "siêu thực phẩm": Bơ Đăk Nông
Qua mô hình, từ chỗ quen sản xuất riêng lẻ, manh mún, nay người dân đã biết liên kết với nhau để tạo ra sản phẩm quả bơ có chất lượng tốt, số lượng lớn, bán được giá cao hơn ...
Đó là đánh giá tại hội thảo tổng kết mô hình thâm canh bơ theo hướng hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, vừa được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đăk Nông tổ chức.
Nâng chất cây bơ
Mô hình thâm canh bơ theo hướng hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm thuộc đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững năm 2019.
Mục đích triển khai mô hình là chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất bơ; từng bước khuyến cáo người dân biết cách sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm chất lượng cao; thay đổi phương thức sản xuất theo cách làm truyền thống sang sản xuất có sự liên kết với nhau, áp dụng khoa học kỹ thuật để thâm canh, tăng hiệu quả kinh tế, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững...
Các đại biểu tham quan mô hình thâm canh bơ kết hợp bọc trái hạn chế bọ xít chích hút của ông Đỗ Văn Dương, thôn Nam Tiến, xã Buôn Choah, huyện Krông Nô. Ảnh: Nguyễn Thị Thắm
Mô hình được triển khai tại 3 hộ gia đình, với quy mô 3ha. Các hộ tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, với tổng kinh phí hỗ trợ là 64.865.000 đồng/ha. Các hộ còn được tập huấn kỹ thuật; cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn hộ dân.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đăk Nông, sau hơn 6 tháng triển khai, mô hình đã đạt được một số kết quả: Tỷ lệ đồng đều vườn đạt trên 80%; trọng lượng quả trung bình 500 gram/quả; năng suất cây cao, đạt 200kg/cây, năng suất ước đạt trung bình 20 tấn/ha. Với giá bán hiện tại là 20.000 đồng/kg, trừ hết mọi chi phí, mô hình cho lãi hơn 300 triệu đồng/ha.
Đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đăk Nông cho rằng, kết quả của mô hình đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân theo phương pháp truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp sang sản xuất theo hướng hữu cơ có liên kết, áp dụng các biện pháp kỹ thuật đạt hiệu quả cao hơn.
Trong quá trình sản xuất, người dân nhận biết rõ các loại sâu bệnh gây hại cây bơ Booth nói riêng và bơ nói chung, nhất là không còn sử dụng thuốc trừ cỏ như trước.
Theo đó, bà con có thể phòng trừ bệnh bằng cách tăng cường bón phân hữu cơ, kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học như Trichoderma hay Ketomium để bón, phun giúp cây khỏe mạnh, tăng sức đề kháng. Đối với sâu, không cần phòng như trước mà chỉ trị khi cần thiết.
Trở thành cây trồng chủ lực
Ông Lê Trọng Yên - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Nông cho hay, trước đây, người dân trên địa bàn tỉnh trồng bơ chủ yếu để làm hàng rào, lấy bóng mát, hoặc trồng xen trong vườn cà phê. Quả bơ dùng để ăn trong nhà, đem biếu tặng, hoặc ăn không hết mới đem ra bán tại các chợ ở địa phương.
Những năm gần đây, trái bơ dần trở thành một trong những loại quả có giá trị kinh tế cao, giá bơ cũng tăng lên theo từng mùa. Do vậy, bà con nông dân đang có xu hướng mở rộng diện tích vườn bơ.
Đắk Nông được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, đất đai nên trồng được nhiều giống bơ cho trái quanh năm (từ tháng 1 đến tháng 11).
Đến nay, Đăk Nông có khoảng 2.600ha bơ và trở thành một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng bơ lớn của cả nước. Cây bơ được trồng chủ yếu ở các huyện Đăk Mil, Đăk R'lấp, Đăk Song, Đăk Glong và thị xã Gia Nghĩa. Trong đó, diện tích trồng chuyên canh hơn 700ha, trồng xen canh gần 1.900ha. Năng suất bình quân trái bơ 10 - 15 tấn/ha. Cây bơ dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí chăm sóc chỉ bằng 1/3 so với trồng các loại cây lâu năm khác. Với giá bơ luôn ổn định suốt nhiều năm qua, mỗi ha có thể đem lại thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm.
"Quả bơ đã được các nhà khoa học nghiên cứu và khẳng định về giá trị dinh dưỡng cao, giàu năng lượng, chứa khoảng 25 loại vitamin và khoáng chất tự nhiên có lợi cho sức khỏe, được xem là loại quả "siêu thực phẩm" nên được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, rất thuận lợi để phát triển và hướng tới xuất khẩu" - Sở NNPTNT tỉnh Đăk Nông cho hay.
Tuy nhiên, do cây bơ đang mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ở nhiều nơi, nông dân đã đua nhau trồng xen bơ trong vườn tiêu, cà phê, hoặc thậm chí phá bỏ cây trồng cũ để trồng bơ.
Đáng lo ngại là hiện nay, không chỉ nông dân tỉnh Đăk Nông đua nhau trồng bơ mà hầu hết các tỉnh Tây Nguyên cũng đang rầm rộ chuyển đổi sang trồng bơ. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, ngoài việc "nâng chất" cây bơ bằng các giải pháp kỹ thuật, áp dụng mô hình trồng hữu cơ, VietGAP, cải thiện khâu giống thì bà con nông dân cần lưu ý trồng bơ gắn với thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu, giá giảm thê thảm như bài học đang xảy ra với cây hồ tiêu.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Đăk Nông, năm 2017, toan tinh Đắk Nông co 1.253 ha bơ, nhưng đên cuôi năm 2018 đã lên đến 2.590 ha. Trong khi theo quy hoach của tinh tư năm 2013 thì diên tich cây bơ trồng tập trung đên năm 2020 la 1.200 ha, nghĩa là diện tích bơ hiện nay đã vượt rất nhiều so với quy hoạch.
Theo Danviet
Nhiều nông sản "tỷ đô" giảm giá, tăng trưởng nông nghiệp bị đe doạ Từ đầu năm đến nay, giá xuất khẩu nhiều loại nông sản "tỷ đô" giảm sâu, thậm chí có mặt hàng giảm tới hơn 25% so với cùng kỳ năm trước khiến mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2019 bị đe dọa. Gạo, tiêu, điều, cà phê "rủ nhau" giảm giá Theo báo cáo mới nhất của Bộ NNPTNT, 7...