Tái cấm vận Tehran, Washington quyết “cùng thua”
Động thái cứng rắn này có thể buộc Iran phải “xuống nước”, song Mỹ cũng sẽ phải trả một cái giá không hề nhỏ.
Ba tháng sau khi rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) ký năm 2015 giữa Iran và các nước P5 1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức), ngày 6/8, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ tái áp đặt cấm vận kinh tế với Iran, hiệu lực ngay lập tức, từ ngày 7/8.
Giải thích cho bước đi của mình, Tổng thống Donald Trump khẳng định sức ép về kinh tế sẽ buộc Iran phải đồng ý với thỏa thuận mới, công bằng hơn so với một JCPOA “tồi tệ và mang tính áp đặt” và từ bỏ các hành động “gây nguy hại”. Ông cũng cảnh báo rằng bất cứ cá nhân hay tổ chức nào vi phạm lệnh trừng phạt sẽ phải đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, nhiều khả năng lệnh trừng phạt sẽ chỉ tạo ra tình huống “cùng thua” cho cả Mỹ, Iran và Liên minh Châu Âu (EU), “dọn đường” cho Nga và Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với chính quyền Tổng thống Hassan Rouhani, mở rộng ảnh hưởng kinh tế – chính trị tại khu vực Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định tái áp đặt lệnh cấm vận Iran ngày 6/8 (Nguồn: AFP Getty Images)
Đòn phủ đầu từ Mỹ
Theo đó, lệnh cấm vận đầu tiên ngày 7/8 sẽ áp đặt cấm vận lên Iran trong việc mua bán sử dụng đồng USD của Mỹ, trao đổi vàng và các kim loại quý hiếm, buôn bán và trao đổi các phụ tùng ô tô, máy bay thương mại cùng các bộ phận liên quan. Lệnh cấm vận thứ hai, dự kiến diễn ra vào ngày 4/11, sẽ giới hạn sản lượng khai thác và các sản phẩm làm từ dầu mỏ của Iran. Động thái này là nhất quán với quan điểm của ông Trump về Iran, từ công khai chỉ trích Tehran trước khi đắc cử tới chính thức rút Mỹ ra khỏi JCPOA và áp đặt lại cấm vận.
Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối yêu cầu cho phép các nước và doanh nghiệp có thể tiếp tục giao dịch thương mại với Iran, bất chấp thực tế rằng điều này sẽ gây tổn hại tới lợi ích của công ty xứ sở cờ hoa. Một trong số đó là việc hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ, cùng với tập đoàn Airbus, có thể đánh mất hợp đồng trị giá tới 39 tỷ USD.
Iran “vững lòng”?
Đối mặt với “cơn thịnh nộ” từ Mỹ, song Iran dường như tỏ ra không hề nao núng. Trong phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc gia IRIB, Tổng thống Hassan Rouhani đã khẳng định Tehran sẽ không đàm phán với chính quyền “thiếu tin cậy” của ông Donald Trump chừng nào cấm vận vẫn bao trùm đất nước.
Đáng chú ý, ông Rouhani đe dọa sẽ đóng cửa Eo biển Hormuz nhằm đối phó với cấm vận xuất khẩu dầu mỏ từ phía Mỹ. Tuần trước, Tehran cho biết Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã tiến hành tập trận thường niên tại khu vực này “nhằm kiểm soát và đảm bảo an ninh tuyến hàng hải quốc tế tại khu vực Vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz, cũng như đáp trả xác đáng với mọi mối đe dọa từ kẻ thù”. Động thái này dường như đã có tác dụng tức thì, khi chỉ một ngày sau, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã có tuyên bố đáp trả, cho rằng phong tỏa Eo biển Hormuz sẽ là “sai lầm lớn nhất của Tehran” và kêu gọi nước này sớm quay lại bàn đàm phán với Washington.
Mạnh mẽ trên truyền thông là vậy, song với nền kinh tế “rệu rã” cùng rối ren trong nước, rõ ràng Iran chưa sẵn sàng để đối mặt với những trừng phạt đến từ phía Mỹ. Lạm phát đạt mức 13.7% tính tới giữa 2018 và đồng Rial đã mất giá tới hơn 50% trong quý II. Giá cả các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là thuốc men, liên tục leo thang. Người dân Iran đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình kéo dài hàng tháng để phán đối sự trì trệ của nền kinh tế, đi kèm với nạn tham nhũng tràn lan và quản lý yếu kém.
Video đang HOT
Một khi đi vào triển khai, các cấm vận của Mỹ có thể khiến lượng dầu mỏ xuất khẩu của Iran, trị giá 36 tỷ USD hai năm trước, giảm tới 2/3 chỉ trong năm 2018. Cần nhớ rằng năm 2017, 3/4 khối lượng giao dịch thương mại trị giá 23 tỷ USD giữa EU và Iran nằm ở lĩnh vực năng lượng. Đây cũng là quân bài để Iran níu kéo sự ủng hộ của EU, Nga và Trung Quốc “về phe” bảo toàn JCPOA.
Có lẽ chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đúng khi cho rằng bằng cách triệt tiêu nguồn thu nhập từ dầu mỏ, Mỹ có thể khuất phục Iran. Tuy nhiên, ngay cả khi thành hiện thực, Washington sẽ phải trả một cái giá không hề nhỏ và một trong số đó là quan hệ với EU. Việc tái áp đặt cấm vận bất chấp khuyên can của EU sẽ làm tổn hại nghiêm trọng tới uy tín Mỹ, đặc biệt là trong quan hệ với Brussels, khi nhiều doanh nghiệp của khối là “nạn nhân” của lệnh trừng phạt.
EU nổi giận, Nga – Trung “mừng thầm”
Bên cạnh Iran, EU, với tư cách là quốc gia có khối lượng giao dịch thương mại lớn thứ hai với quốc gia Trung Đông, là bên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cấm vận của Mỹ. Brussels từng kỳ vọng Tehran sẽ là vùng đất hứa để các doanh nghiệp châu Âu đầu tư, thúc đẩy phát triển. Song, đối mặt với lệnh cấm vận của Mỹ, trong cùng ngày 7/8, EU đã kích hoạt đạo luật nhằm “bảo vệ các doanh nghiệp EU giao dịch thương mại hợp pháp với Iran khỏi ảnh hưởng từ cấm vận”.
Quan trọng hơn, EU mong muốn mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với Iran, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu và khí đốt đến từ Nga, tránh rủi ro về xung đột chính sách với Mỹ. Còn nhớ ngày 11/7, Tổng thống Donald Trump từng chỉ trích Berlin vì có “mối quan hệ không phù hợp” khi xây dựng đường ống dẫn dầu và khí đốt với Moscow. Tuy nhiên, hy vọng về Iran của EU đã dần đóng lại kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA và quyết định cấm vận của Nhà Trắng.
Do đó, không khó để hiểu phản ứng mạnh của Brussels trước động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong một tuyên bố chung hiếm hoi thời hậu Brexit, Ngoại trưởng Anh, Pháp và Đức khẳng định rằng thỏa thuận hạt nhân đang “có tác dụng” và có vai trò “quan trọng” với an ninh toàn cầu. Tương tự, Cao ủy về các vấn đề đối ngoại của EU Federica Mogherini đã kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, đồng thời tiếp tục mua dầu từ Iran, bất chấp lệnh cấm từ Mỹ, đồng thời cam kết duy trì JCPOA “vì lợi ích an ninh khu vực và trên thế giới”.
Tương tự, cả Nga và Trung Quốc đều chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ hợp tác với lệnh cấm vận đến từ phía Mỹ, với nhiều tập đoàn lớn của hai nước này, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, ở lại Iran. Theo The Wall Street Journal, Bắc Kinh tiếp tục mua dầu thô với số lượng lớn của Iran bằng Nhân dân tệ và Euro, thông qua tài khoản Ngân hàng Trung ương Iran mở tại Ngân hàng Kunlun thuộc Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc. Đa dạng hóa nguồn cung năng lượng tiếp tục là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc, nhằm đảm bảo tốc độ phát triển, duy trì vị thế sống còn trong cạnh tranh thương mại Mỹ – Trung.
Nga cũng không kém khi đầu tư tới 50 tỷ USD vào khai thác dầu và khí đốt của Iran thông qua công ty dầu khí Gazprom. Quan chức ngành năng lượng từ Moscow và Tehran đã có nhiều buổi gặp gỡ nhằm trao đổi chi tiết về hợp tác kinh tế. Có thể nói, bằng việc đóng vai “người bảo hộ Iran”, Moscow đang tiếp tục mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông, thông qua thắng lợi tại cả chiến trường Syria và mặt trận kinh tế.
Rõ ràng rằng, Tổng thống Donald Trump đang đi ngược lại với cái lẽ “thêm bạn bớt thù” thường thấy trong quan hệ quốc tế, khi dồn ép Iran vào chân tường, khiến mối quan hệ giữa Mỹ và EU tiếp tục căng thẳng, tạo điều kiện cho Nga cùng Trung Quốc mở rộng quan hệ hợp tác – chính trị với Tehran. Có thể nói, triển vọng về giải quyết vấn đề Iran đã xa lại càng xa.
Theo Minh Quân
Thế giới và Việt Nam
"Cuộc chiến bất đối xứng: Vì Mỹ, Iran sẵn sáp đáp trả mạnh?
"Mỹ đang quan ngại về các cuộc tấn công mạng của Iran có thể khởi động bất kỳ lúc nào", các chuyên gia tình báo và an ninh mạng cho biết.
Thách thức một cuộc tấn công mạng của Iran nhằm vào Mỹ
Lo lắng về mối đe dọa tấn công mạng liên tục gia tăng từ tháng Năm kể từ khi Tổng thống Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Mỹ và các siêu cường khác. Washington liên tục tăng cường các trừng phạt vào Tehran trong thời gian gần đây. Các chuyên gia cho biết, mối đe dọa sẽ nhằm vào Washington khi chính thức vào ngày 7/8 Mỹ tái cấm vận kinh tế vào Iran.
"Trong khi chúng tôi chưa có bất kỳ mối đe dọa cụ thể nào, chúng tôi đã nhìn thấy các căng thẳng liên quan đến thách thức của Iran trong vài tuần qua", Priscilla Moriuchi, giám đốc một bộ phận của công ty Recorded Future cho biết.
Công ty có trụ sở tại Massachusetts đã dự đoán hồi tháng Năm rằng, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân sẽ kích động phản ứng mạnh mẽ từ chính phủ Iran trong khoảng từ 2-4 tuần sau đó.
Các cơ quan tình báo Mỹ cho biết, bên cạnh Nga, Trung Quốc và Triều Tiên, Iran là một trong các mối đe dọa tấn công mạng nước ngoài lớn nhất đối với Washington. Làn sóng tấn công mà chính quyền Mỹ đã từng cáo buộc sự liên quan của Iran tại các ngân hàng vào năm 2012-2014, gây thiệt hại lên tới hàng triệu đôla.
Iran bác bỏ các liên quan về mục đích tấn công mạng và cho rằng chính Mỹ là nguyên nhân nhằm vào nước này.
"Mỹ liên tục là quốc gia thực hiện các cuộc tấn công mạng nhưng lại cho rằng các nước khác là mối đe dọa trực tiếp cho vấn đề an ninh mạng của họ", ông Alireza Miryousefi - người phát ngôn của phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc cho biết.
"Cuộc chiến bất đối xứng"
Tướng Qassem Soleimani - Tư lệnh trưởng lực lượng Quds bày tỏ lo ngại về khả năng "cuộc chiến bất đối xứng" - ám chỉ về cuộc chiến tranh phi truyền thông, bao gồm chiến tranh mạng.
Chính quyền Tổng thống Trump cho biết, việc tiếp tục các trừng phạt vào Iran nhằm ngăn chặn các động thái khiêu khích của nước này.
Các trừng phạt tiếp tục khởi động lại vào ngày 7/8 nhắm tới việc buôn bán ô tô và kim loại của Iran, bao gồm cả vàng. Mỹ cũng đã cấm nhập khẩu các sản phẩm của Iran như thảm và quả hồ trăn, đồng thời thu hồi các giấy phép cho phép Iran mua máy bay của Mỹ và châu Âu. Iran đã mua lại năm máy bay thương mại châu Âu mới ngay ngày 5/8 trước khi việc bán hàng bị cắt đứt.
Một chuyên gia cho rằng, khả năng Tehran sẽ tiến hành một cuộc tấn công mạng nhằm phản ứng.
"Tôi cho rằng, đây là cơ hội tốt mà Iran sẽ sử dụng, có thể không phải là một cuộc tấn công mạnh mẽ đến mức chia rẽ quan hệ với châu Âu. Tuy nhiên, tôi không cho rằng, Iran nghĩ sẽ phải mất nhiều chi phí để làm điều này. Và, đây là một cách tốt để Tehran thể hiện thái độ của họ đối với các trừng phạt Mỹ", chuyên gia này cho biết.
Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ Dan Coats bác bỏ bình luận ngày 7/8 về khả năng Iran sẽ đáp trả các trừng phạt của Mỹ bằng một cuộc tấn công mạng. Khi Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân thì Cục điều tra an ninh Mỹ (FBI) đã cảnh báo rằng tin tặc Iran có khả năng sử dụng một loạt các hoạt động tấn công mạng máy tính.
Accenture Security, một công ty tư vấn toàn cầu cảnh báo rằng, các trừng phạt mới có khả năng thúc đẩy Iran tăng cường các hoạt động đe dọa trong trường hợp Tehran không giữ được cam kết hạt nhân với châu Âu.
Ông Josh Ray, giám đốc điều hành của Accenture Security cho biết, hiện không nhìn thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Iran sẵn sàng cho một cuộc tấn công mạng. Tuy nhiên, Iran có khả năng làm điều này và sẽ thực hiện theo sự phản kháng đáp trả.
"Đây là mối đe dọa liên quan đến hoạt động gián điệp. Các tổ chức cần phải có biện pháp đối phó với mối đe dọa này. Họ cần phải nghĩ tới mức độ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp", ông Ray nói.
Andrei Bystritsky, một chuyên gia của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai cho biết: "Các biện pháp trừng phạt có hiệu lực từ ngày 7/8 chỉ có thể khiến Iran ngày càng miễn cưỡng thực hiện bất kỳ nhượng bộ nào ở Trung Đông".
"Các biện pháp trừng phạt có thể thực sự hiệu quả chỉ khi chúng được nhận được sự ủng hộ trên toàn cầu", ông Bystritsky lưu ý và nói thêm rằng, trong vụ việc này, Trung Quốc "không có kế hoạch ngừng mua dầu của Iran và châu Âu cũng không có kế hoạch rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015".
Các nước châu Âu cho biết, họ vẫn cam kết thực hiện thỏa thuận JCPOA và coi đây là cách chắc chắn nhất để bảo vệ an ninh quốc gia của mình.
Một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên cho biết, Mỹ đang nhắm đến sự thay đổi chế độ (của Iran-pv) như là mục tiêu cuối cùng của loạt trừng phạt này.
Theo toquoc
Mỹ có thể trả giá vì lạm dụng lệnh cấm vận Việc Mỹ sử dụng quá đà những biện pháp trừng phạt có thể khiến các đồng minh e ngại hợp tác và làm giảm giá trị đồng USD. Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Sky News. Tháng 2.2018 là quãng thời gian bận rộn với các quan chức Mỹ, khi họ phải liên tiếp thông báo về những lệnh trừng phạt áp dụng...