Tách lương công chức ra khỏi lương tối thiểu
Khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước sẽ không áp dụng theo lương tối thiểu.
Sáng 27/2 Bộ LĐ-TB-XH đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về định hướng xây dựng Luật Lương tối thiểu (LTT).
Dự kiến tới tháng 5/2015, dự án LTT sẽ được hoàn chỉnh, báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội cho ý kiến để thông qua.
Theo đó, mục tiêu mà dự án Luật LTT hướng tới nhằm hoàn thiện chính sách tiền lương tối thiểu theo nguyên tắc thị trường,hướng tới hội nhập, từng bước loại bỏ việc duy trì chính sách tiền LTT thấp.
Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động, Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) khẳng định việc quy định trả lương tuân thủ nguyên tắc trong nền kinh tế thị trường là vô cùng cần thiết. “Luật cần đảm bảo đúng vai trò, chức năng của LTT. Xu hướng hiện nay cho thấy mức LTT đang ngày càng tiệm cận với mức lương trung bình, khi khoảng cách bị thu hẹp”, bà Minh nhận định.
Ban soạn thảo dự án Luật cho biết, để tiền LTT được điều chỉnh đúng với nguyên tắc thị trường, dự án Luật phải đưa ra được tiêu chí rõ ràng nhằm xác định và điều chỉnh LTT như: nhu cầu tối thiểu của người lao động và gia đình họ điều kiện kinh tế xã hội mức tiền công trên thị trường năng suất lao động và khả năng chi trả của các doanh nghiệp…
Ngoài ra, Luật ra đời cũng nhằm nâng độ bao phủ, vai trò của tiền LTT. Cụ thể Luật sẽ được áp dụng trong khu vực có quan hệ lao động bao gồm cả khu vực chính thức và phi chính thức. Chính vì thế, Ban soạn thảo Luật cho biết không chỉ có điều khoản quy định tiền LTT tháng mà còn có cả LTT theo giờ, ngày cho những đối tượng lao động đặc thù.
Video đang HOT
Tuy nhiên, trong định hướng xây dựng Luật LTT, Ban soạn thảo đã thay đổi phạm vi áp dụng. Cụ thể, khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước bao gồm đối tượng công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, sẽ không áp dụng theo tiền LTT.
Xét từ kinh nghiệm nhiều nước, ông Sangheon Lee, Chuyên gia cao cấp về tiền lương của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cũng đồng tình với quan điểm tách tiền lương trong khu vực nhà nước ra khỏi LTT chung. “Rõ ràng, khi tiền LTT hướng tới hội nhập, theo quy luật của thị trường mà vẫn áp dụng trong khu vực nhà nước sẽ gây ra nhiều mâu thuẫn. Nguyên nhân là tiền lương của công chức, viên chức còn chịu sự quản lý, chi phối nhiều của nhà nước. Các nước khác đều đã có luật riêng quy định về tiền lương trong khu vực nhà nước”, ông Sangheon Lee cho biết.
Tách lương công chức ra khỏi lương tối thiểu nhằm giảm tải cho gánh nặng ngân sách
Từ thực trạng của Việt Nam, bà Tống Thị Minh nhận định: “LTT hiện nay như một cái cọc, tất cả chính sách như ưu đãi người có công, hỗ trợ người nghèo, bảo hiểm xã hội… đều gắn vào nó. Lương cho khu vực hành chính sự nghiệp cũng gắn vào lương tối thiểu nên điều chỉnh lương tối thiểu lại phải phụ thuộc vào ngân sách”.
“Chỉ khi tách riêng lương công chức ra khỏi tiền LTT thì việc tăng LTT mới không bị ghìm lại bởi lý do “ngân sách có hạn”, bà Minh nói.
Theo bà Minh, thực tế lương trong khu vực công chức, viên chức gắn với hệ số, cấp ngạch nên những đối tượng này đều được trả lương cao hơn mức tiền lương tối thiểu.
Bác bỏ ý kiến trên, ông Đoàn Cường, Vụ trưởng Vụ Tiền lương Bộ Nội Vụ khẳng định, không phải trường hợp công chức viên chức nào cũng có mức lương cao hơn mức lương tối thiểu, đặc biệt là mức lương tối thiểu tại vùng phát triển.
“Tại khu vực I, tức là những đô thị phát triển như Hà Nội, TP.HCM, với hệ số lương của người có trình độ trung cấp hay cao đẳng thì rõ ràng số lượng công chức, viên chức này sẽ có mức lương thấp hơn lương tối thiểu vùng hiện nay (2.350.000 đồng/tháng)”- ông Cường nói.
“Tôi hiểu là việc tách lương khu vực hành chính sự nghiệp ra khỏi quy định tiền lương tối thiểu nhằm giảm tải gánh nặng ngân sách của nhà nước. Tuy nhiên, về lâu dài, những người công chức như chúng tôi vẫn muốn được điều chỉnh theo nguyên tắc thị trường. Nếu lương trong khu vực công chức không được xét theo thị trường thì câu chuyện chảy máu chất xám ở đây sẽ càng diễn ra mạnh hơn, người tài đội nón ra đi cả… “.
Công khai mức lương thấp nhất
Ban soạn thảo Luật cũng nghiên cứu tới quy định tăng cường các chế tài đủ sức răn đe. Chẳng hạn sẽ quy định doanh nghiệp phải công khai mức lương thấp nhất để giám sát thực hiện. Thời gian vừa qua, năng lực giám sát của các cơ quan chức năng vẫn còn hạn chế, không nắm rõ được thực trạng doanh nghiệp có vi phạm hay không” ông Tống Văn Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động, Tiền lương nói.
Theo 24h
Quấy rối tình dục bị phạt tiền: Khó khả thi
Chưa có một định nghĩa về hành vi quấy rối tình dục nhưng Bộ LĐ-TB-XH lại "nhanh nhảu" đưa vào dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động (dự thảo) với mức phạt tới 75 triệu đồng.
Quấy rối tình dục là hành vi không mới nhưng đáng chú ý bởi lần đầu tiên được cụ thể hóa và đưa vào khoản 2, điều 8 của Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012. Theo đó, quy định nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Dự thảo gồm 7 chương, 187 điều. Tại điều 10, chương II, mục 1 quy định hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc bị phạt tiền từ 50 - 75 triệu đồng.
Nhiều người bất ngờ
Thế nào là quấy rối? Quy định này đã khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí cho rằng rất buồn cười, thiếu căn cứ và khó khả thi.
Sáng 2/2, trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng trước tiên, Bộ LĐ-TB-XH phải làm rõ được khái niệm thế nào là hành vi quấy rối tình dục, đồng thời phải xác định được cụ thể phạm vi điều chỉnh như thế nào rồi mới tính đến việc quy định chế tài xử phạt. Luật sư Triển băn khoăn: "Hành vi vi phạm phải được cụ thể hóa chứ không thể chung chung được".
Dự thảo nghị định do Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng hiện chỉ có một mức phạt là từ 50-75 triệu đồng, điều này có nghĩa có thể phạt 50 triệu đồng hoặc hơn thế, cho tới 75 triệu đồng. "Nếu không có mức cụ thể, hành vi cụ thể, bằng chứng cụ thể, không khéo người ta lợi dụng để vụ lợi và trả thù lẫn nhau" - luật sư Triển lo lắng. Theo ông Triển, khi đưa ra văn bản cần cân nhắc tổng thể cả về phương diện xã hội, phương diện pháp luật lẫn quan hệ đạo đức, nếu không thì sẽ dễ dẫn đến oan sai, làm mất danh dự, uy tín của người bị xử phạt.
Đề cập vấn đề này, PGS-TS xã hội học Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học), nói rằng không hiểu cơ sở ở đâu để đưa ra mức phạt ấy? Ông Bình lưu ý thời gian gần đây đã có một vài quy định của các nhà làm chính sách, do nghiên cứu chưa đầy đủ nên khi đưa ra áp dụng thì tính khả thi rất hạn chế, điều này vô hình trung gây bất lợi cho quá trình ban hành các chính sách tương tự. "Chúng ta đã có bài học về quy định ngực lép không lái xe, bán thịt trong 8 giờ... tôi cảm thấy một số quyết sách ban hành quá vội vã" - ông Bình nhìn nhận.
Vô căn cứ
Ông Trịnh Hòa Bình đồng tình với việc ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục. Tuy nhiên, để xác định được hành vi đó tại nơi làm việc là rất khó. Vì vậy, cần phải nghiên cứu cẩn thận trước khi ban hành. Điều này liên quan đến văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc khác nhau, việc xác định thế nào là quấy rối tình dục ở nước ta là rất mơ hồ. "Người Việt Nam chúng ta không có phong tục ôm hôn. Vậy khi gặp nhau, người ta đụng chạm, ôm hôn mà "đè" ra phạt 50-75 triệu đồng thì buồn cười quá" - ông Bình nói.
ThS Nguyễn Thị Diệu Hồng, Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB-XH), tỏ ra bất ngờ về mức phạt ghi trong dự thảo. Theo bà Hồng, xử phạt hành vi quấy rối tình dục phải được thực hiện từng bước một chứ không thể đột ngột đưa ra mức xử phạt ngay. Bà Hồng cũng khẳng định quy định này không có căn cứ vì chưa đưa ra được định nghĩa về quấy rối tình dục. "Vì vậy, sẽ là quá nặng khi phạt hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói, nhưng 75 triệu đồng lại là quá nhẹ đối với hành vi cưỡng dâm" - bà Hồng lưu ý.
Không nên vội vàng
Ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng Bộ LĐ-TB-XH không nên vội vàng đưa ra mức phạt như hiện nay mà phải biết lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhân dân. Quy định nào không đúng, thiếu khả thi thì phải bỏ. Ngoài ra, phải làm rõ khái niệm thế nào là quấy rối tình dục, phải cụ thể hoá các hành vi vi phạm đó, nếu không thì sẽ dễ bị lạm dụng, gây oan sai cho người khác. Đặc biệt, ông Anh nhấn mạnh: "Bộ LĐ-TB-XH nên tham khảo ý kiến của Bộ Tư pháp, sau khi có sự thẩm định và cho ý kiến mới đưa ra các mức phạt cụ thể".
Theo 24h
Không biết "quấy rối tình dục" là gì, sao xử phạt ? khi chưa có định nghĩa như thế nào bị coi là có hành vi quấy rối tình dục thì một mức phạt bằng tiền lên đến hàng chục triệu đồng cho hành vi này đã được đưa vào dự thảo nghị định. Bộ luật Lao động mới (có hiệu lực từ 1.5.2013) lần đầu tiên nghiêm cấm các hành vi quấy rối tình...