Tách bạch chính quyền đô thị với nông thôn
Đây là một trong những kiến nghị được nêu tại Hội thảo mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam, do Viện Khoa học pháp lý tổ chức hôm qua, 27.12.
Chuyện phân luồng giao thông “thay đổi xoành xoạch” là một trong những biểu hiện bất cập trong quản lý của chính quyền hiện nay – Ảnh: Diệp Đức Minh
TS Nguyễn Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự – hành chính đại diện cho nhóm nghiên cứu về chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn cho rằng, khuôn khổ pháp luật hiện hành vẫn chưa tạo đủ cơ sở cần thiết cho thiết kế bộ máy quản lý phù hợp với đặc thù của đô thị, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Do khoảng cách giữa các quy định về thực tế quản lý đô thị nên tại các địa phương rất phổ biến việc sử dụng cơ chế xin – cho về chủ trương, chính sách và phương thức giảm rủi ro trách nhiệm bằng cách xin ý kiến, đợi đồng thuận từ T.Ư, ràng buộc trách nhiệm tập thể.
“Thủ đô này là kỳ lạ nhất thế giới”
Video đang HOT
Hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy chính quyền đô thị hiện tại thấp hơn chính quyền nông thôn nhiều, cho nên rất nhiều lĩnh vực ở đô thị có hiện tượng bất lực, chính quyền không làm được đâm ra buông xuôi, rồi nghĩ ra cấm cái này cấm cái kia, hạn chế cái này, hạn chế cái kia
Ông Dương Quang Tung, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước
Theo nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước Dương Quang Tung, hiện nay chúng ta tổ chức chính quyền ở các đô thị “còn mang nặng tùy hứng, duy ý chí, chắp vá”, vẫn áp mô hình tổ chức chính quyền nông thôn vào đô thị, trong khi lẽ ra phải căn cứ vào tính chất, đặc điểm, đặc thù của từng đối tượng cần quản lý để áp dụng một mô hình chính quyền cho phù hợp. “Điều này dẫn tới tình trạng hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy chính quyền đô thị hiện tại thấp hơn chính quyền nông thôn nhiều, cho nên rất nhiều lĩnh vực ở đô thị có hiện tượng bất lực, chính quyền không làm được đâm ra buông xuôi, rồi nghĩ ra cấm cái này cấm cái kia, hạn chế cái này, hạn chế cái kia”, ông Tung đơn cử.
Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Lê Hồng Hạnh nói: “Nếu gọi Hà Nội là thủ đô thì thủ đô này là kỳ lạ nhất thế giới với phương thức quản lý vừa nông thôn, vừa thành thị, vừa tập trung, vừa mất dân chủ”. Ông dẫn chứng: chưa nói vấn đề lớn về chính sách, chỉ riêng việc ngay trên một con phố, như Xã Đàn, Kim Liên, đường Láng Hạ chẳng hạn, việc đánh số nhà chẵn, lẻ lộn xộn đến mức chạy xe một lúc không biết đang ở đầu phố hay cuối phố rồi chuyện phân luồng giao thông thay đổi xoành xoạch… đã thấy sự quản lý be bét đến mức nào.
Chiếc áo cơ chế đã quá chật
TS Nguyễn Kim Thoa đề nghị Hiến pháp 1992 sửa đổi cần có những nguyên tắc phân biệt rõ để áp dụng các mô hình quản lý cho phù hợp. Theo đó, mô hình chính quyền nông thôn về cơ bản vẫn giữ như quy định hiện hành, bao gồm 3 cấp xã, huyện và cấp tỉnh. Còn chính quyền đô thị nên được tổ chức theo 2 cấp là cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và cấp quận, trong đó cấp quận sẽ đóng vai trò là cấp chính quyền cơ sở. Nghĩa là tiến tới xóa bỏ hệ thống HĐND và UBND cấp phường, xã trong đô thị hiện nay để tiết kiệm chi phí quản lý, đồng thời xóa bỏ tình trạng cục bộ địa phương.
Chính quyền đô thị cũng phải được trao quyền chủ động trong tổ chức các cơ quan chuyên môn trực thuộc, chủ động trong biên chế, sắp xếp nhân sự và chế độ trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính được ban hành các quy định, cơ chế khuyến khích, chính sách ưu đãi phù hợp trong phạm vi ngân sách và các điều kiện khác để có thể thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong bộ máy quản lý nhà nước. Đặc biệt, bà Thoa kiến nghị nên áp dụng chế độ bầu cử trực tiếp chức danh chủ tịch UBND cấp huyện và cấp tỉnh, bởi chế độ bầu cử trực tiếp là một chế độ phản ánh giá trị dân chủ cao cũng như phát huy được tinh thần trách nhiệm của những nhà quản lý trước nhân dân.
TS Nguyễn Văn Cương, Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) nhận xét: “Cái áo mà T.Ư sử dụng để quản lý tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nói chung và chính quyền TP trực thuộc T.Ư đã tỏ ra quá chật”. Nhiều chính quyền địa phương, nhất là chính quyền TP trực thuộc T.Ư thời gian vừa qua đã có những “phản ứng” đối với chiếc áo cơ chế này. Điều đó được thể hiện rõ qua việc đầu những năm 2000, hiện tượng xé rào của các tỉnh, thành phố T.Ư trong việc ban hành các quy định về khuyến khích đầu tư, thực hiện chính sách thuế và các quy định về xử lý vi phạm hành chính. Hay như một loạt các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng thời gian qua đều đồng loạt xin áp dụng các cơ chế, quy định đặc thù cho TP mình…
Cần Hiến định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thẩm phán
Tại Hội thảo mô hình tổng thể bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, do Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức sáng qua, 27.12, TS – luật sư Lưu Tiến Dũng (Công ty luật YKVN) đề xuất một loạt kiến nghị nhằm bảo đảm “vị thế độc lập” của thẩm phán trong hoạt động xét xử. Vì theo ông, nếu không có sự độc lập của thẩm phán trước bất kỳ sự can thiệp từ bên ngoài trong việc đưa ra phán quyết đúng sai thì khó có thể bảo đảm sự bình đẳng của tất cả các chủ thể, kể cả nhà nước, trước pháp luật khó có thể bảo đảm giữ vững sự cân bằng và kiểm soát các quyền lực nhà nước và bảo đảm quyền con người. Theo đó, Hiến pháp 1992 sửa đổi cần quy định Quốc hội có thẩm quyền bổ nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và bãi nhiệm, miễn nhiệm các thành viên Hội đồng thẩm phán TANDTC – cơ quan cao nhất thực hiện quyền tư pháp đồng thời quy định HĐND có thẩm quyền lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để đề nghị miễn nhiệm thẩm phán TAND địa phương…
Luật sư Dũng cũng cho rằng, Hiến pháp 1992 sửa đổi cần quy định Chủ tịch nước có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm và bãi nhiệm thẩm phán của tất cả tòa án các cấp chứ không nên để Chánh án TANDTC bổ nhiệm thẩm phán tòa án địa phương như hiện nay.
Theo TNO
Không được lơ là với lạm phát
"Các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt kiềm chế lạm phát ngay từ tháng 1-2013". Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị trực tuyến triển khai nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội năm 2013 giữa Chính phủ với các địa phương, ngày 26-12.
Nhìn lại năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, dù gặp nhiều khó khăn hơn so với dự báo nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng GDP 5,03%, lạm phát ở mức 6,81% là một thành tích đáng kể. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều hạn chế yếu kém. Cụ thể, tuy lạm phát kiềm chế ở mức thấp nhưng chủ yếu nhờ vào giảm giá lương thực, thực phẩm nên sức ép lạm phát cao quay trở lại là rất lớn. Kinh tế vĩ mô cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa bền vững.
Hướng tới năm 2013, Thủ tướng chỉ đạo, phải ưu tiên tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, đưa lạm phát thấp hơn năm 2012, đồng thời duy trì tăng trưởng ở mức cao hơn năm 2012. Do giá cả thường tăng cao chủ yếu trong những tháng đầu năm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt kiềm chế lạm phát ngay từ tháng 1-2013, giao Thống đốc Ngân hàng nhà nước có chính sách tiền tệ phù hợp để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm ở mức 6-6,5%. Bên cạnh đó, không để tình trạng thiếu hàng, sốt giá, găm hàng, đẩy giá lên cao, phát huy tốt hơn nữa cơ chế bình ổn giá.
Để thực hiện mục tiêu năm 2013 tăng trưởng kinh tế cao hơn, kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012, Thủ tướng yêu cầu, các địa phương phải xác định đúng lợi thế của từng sản phẩm, từng ngành. Từ đó, có cơ chế chính sách ưu đãi về đất đai, vốn... để đẩy mạnh thành sản phẩm vượt trội mang tính chất quốc gia như sản phẩm cá tra của đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng nhắc nhở, cần đẩy mạnh cải cách để tranh thủ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc về chất lượng, coi đó là nguồn lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, cần lưu ý thực hiện các biện pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý để phát triển sản xuất kinh doanh; ưu tiên vốn tín dụng cho sản xuất hàng xuất khẩu, nông nghiệp; tăng hạn mức tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn...
Theo ANTD
3 phương án chính quyền đô thị: Dân có thể bầu trực tiếp thị trưởng Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT) áp dụng trên phạm vi toàn quốc của Bộ Nội vụ được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế của tổ chức chính quyền địa phương hiện nay. Ngày 24.12, tại TP.HCM, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan T.Ư, các...