Tác quyền: Phải đòi đến cùng!
Cuộc tranh chấp thu – trả tiền tác quyền giữa nhà tổ chức chương trình biểu diễn của ca sĩ Khánh Ly và Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thời gian qua đã đẩy vấn đề thực thi nghĩa vụ tác quyền âm nhạc trở thành điểm nóng trong tuần. Mỗi bên tranh chấp đều đưa ra những lý lẽ riêng của mình trong khi đó cơ sở pháp lý để giải quyết xung đột xem ra chưa đầy đủ.
Hình ảnh nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc VCPMC, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng – trông thật tội nghiệp trong những ngày qua khi đích thân đến tận sân khấu liveshow Khánh Ly ở Hà Nội và Đà Nẵng để đòi tác quyền cho các nhạc sĩ. Có người ác miệng gọi ông là “Chí Phèo đi ăn vạ”. Tại sao phải đến mức như vậy?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Tôi nhận được rất nhiều phản hồi cho rằng họ kính phục việc làm này của tôi, bởi vì nó chứng tỏ tôi là người tận tâm, có trách nhiệm đến tận cùng. Tôi nhiệt huyết và hiểu luật.
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị gửi tới các địa phương yêu cầu phải bảo vệ quyền tác giả một cách quyết liệt, phải kiểm tra thường xuyên và đột xuất, phải thành lập những bộ phận theo dõi và hỗ trợ triệt để cho việc bảo vệ quyền tác giả. Vì trách nhiệm của mình trước pháp luật, vì trách nhiệm đối với các tác giả, tôi phải làm đến cùng. Việc này quá đúng với tinh thần chỉ thị của Thủ tướng.
Có nhiều người băn khoăn vì cách hành xử của VCPMC, rằng có cần thiết phải làm thế không?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Tôi khẳng định là cần thiết. Nếu một tổ chức chịu trách nhiệm trước pháp luật đến tận cùng với toàn bộ nhiệt huyết và nhận thức của mình thì phải làm như vậy.
Cái gì chưa làm được thì phải làm đến cùng. Thực tế cho thấy hoạt động này không nghiêm túc, chưa chuẩn mực, không đúng quy định của luật pháp. Nó làm cho những gì đang diễn ra trong lĩnh vực biểu diễn, đặc biệt là ở miền Bắc, cực kỳ rối ren, cực kỳ tiêu cực. Nếu mọi việc đã tương đối nghiêm túc rồi thì việc gì chúng tôi phải khổ ải như vậy?
Nếu VCPMC có đầy đủ cơ sở pháp lý để buộc đơn vị biểu diễn thực thi nghĩa vụ tác quyền theo yêu cầu của mình đưa ra sao không thử kiện ra tòa dân sự?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Điều đó cũng tốt, đưa ra kiện cũng là một cách nhưng sẽ tốt hơn nếu chưa cần kiện mà bằng hành động, thái độ, trách nhiệm, chúng tôi ngăn chặn được ngay những hành vi xâm phạm luật pháp. Tôi cho rằng ngăn chặn được ngay thì tốt hơn là thụ động chờ đến lúc tòa án phân xử đúng sai. Ở đây, ban tổ chức chương trình liveshow Khánh Ly ngang nhiên vi phạm, tổ chức biểu diễn khi chưa có hợp đồng nào được ký kết với đơn vị đại diện cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.
Như ông nói, rất nhiều vụ vi phạm bản quyền đã diễn ra nhưng sao phải chờ đến liveshow Khánh Ly, VCPMC mới làm căng như vậy?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Tại sao phải làm vụ Khánh Ly ra nhẽ? Bởi vì ngay đêm diễn vào tháng 5/2014, đơn vị tổ chức liveshow Khánh Ly đã thực hiện nghĩa vụ bản quyền rất nghiêm túc, trong khi bây giờ họ lại cố tình vi phạm, thế thì chúng tôi phải làm bằng được. Vụ việc này đáng phải làm.
Bên thu tiền bao giờ cũng muốn thu nhiều, bên đóng tiền luôn tìm cách để đóng mức thấp nhất nên luôn tạo ra mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột. Làm sao để hài hòa lợi ích giữa tác giả với người sử dụng tác phẩm cũng như nhu cầu hưởng thụ của công chúng?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Việc đưa giá ra là quyền của chủ tài sản và họ có lý của mình khi đưa ra mức giá đó. Người sử dụng cần hiểu giá đó để xác định xem có dùng hay không? Không thể dựa vào ý kiến đắt – rẻ một cách chủ quan mà phải dựa vào pháp luật.
Chẳng hạn 5% tác quyền cho ca khúc nhạc giấy mà VCPMC đưa ra là không có cơ sở, nói cách khác là tự đặt ra và cách thu khoán 75% số ghế mà chẳng cần biết số vé của đêm diễn đã bán được bao nhiêu cũng là cách tính không khoa học?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Chúng tôi thay mặt các nhạc sĩ đưa ra mức giá phù hợp dựa trên cơ sở Nghị định 61 của Chính phủ (quy định các nhà tổ chức các chương trình ca nhạc trích 15%-21% doanh thu trả nhuận bút cho nhạc sĩ sáng tác, nhạc sĩ phối khí, người dàn dựng chương trình, biên đạo múa, họa sĩ thiết kế…). Việc chúng tôi tính toán mức 5% doanh thu x 75% số ghế là hết sức tế nhị, dễ thực hiện và thực tế là chúng tôi đã làm được việc này một cách nghiêm túc ở TP.HCM từ 7-8 năm nay.
Video đang HOT
Ở phía Bắc, do tình trạng vi phạm bản quyền phổ biến hơn nên chúng tôi chia sẻ, chỉ thu 65% số ghế. Đó là sự chia sẻ đầy hiểu biết nhưng nhiều đơn vị vẫn đưa ra lý do nọ kia để không đóng tiền.
Có nhiều yếu tố làm nên giá trị đêm diễn chứ không phải ca khúc của nhạc sĩ tên tuổi lớn. Chẳng hạn giá trị đêm diễn liveshow Khánh Ly không phải ở ca khúc Trịnh Công Sơn mà ở tên tuổi Khánh Ly. Nhà tổ chức cũng đã bỏ ra rất nhiều tiền để mời được Khánh Ly về diễn, thực tế thì lượng vé phát hành cũng thấp. Sao VCPMC không xem xét để thương lượng mà áp đặt mức giá cứng nhắc như vậy?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Vấn đề là họ không thương lượng. Họ đến chỗ chúng tôi ngúng nguẩy ra giá 1,5 triệu đồng/bài rồi đi chứ không bàn bạc một cách nghiêm túc. Chúng tôi cũng hiểu khó khăn của nhà tổ chức liveshow Khánh Ly ở Hà Nội hôm 2/8 vì không bán được vé nên chúng tôi chỉ ghi vào biên bản là thu 5% doanh thu x 40% số ghế.
Chúng tôi coi trọng việc xin phép, nguyên tắc là phải xin phép, còn trả tiền thì hai bên có thể thỏa thuận, chúng tôi có khăng khăng đòi người ta phải trả tiền trước đêm diễn đâu. Nhiều người đặt vấn đề trả tiền tác quyền sau đêm diễn, chúng tôi đồng ý thôi. Kiểu gì chúng tôi cũng chiều.
Cơ quan quản lý ở đâu ?
Chính sách của nhà nước về sở hữu trí tuệ được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ là luôn bảo đảm hài hòa lợi ích của quyền tác giả và lợi ích xã hội: “Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng, khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.
Luật Sở hữu trí tuệ cũng đề cao vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực thi nghiêm túc quyền tác giả theo tinh thần trên. Thế nhưng, trong các vụ tranh chấp, xung đột về tác quyền nổi cộm thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan gần như im lặng.
Giải quyết khiếu nại của VCPMC, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành công văn chỉ đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP yêu cầu ban tổ chức chương trình liveshow Khánh Ly phải thực hiện nghĩa vụ tác quyền trước khi chương trình diễn ra. Tuy nhiên, việc thực hiện nghĩa vụ tác quyền của ban tổ chức chương trình đã không diễn ra đúng như cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương yêu cầu. Vì sao?
Có lẽ các cơ quan quản lý cũng đang lúng túng trong cách xử lý khi mức phí tác quyền là mấu chốt của các vụ tranh chấp mà VCPMC đưa ra chưa có cơ sở về pháp lý.
Điều 7, Nghị định 61/NĐ-CP về chế độ nhuận bút (đang được VCPMC áp dụng trong cách tính thu tiền bản quyền tác phẩm âm nhạc hiện nay) cũng nêu rõ: “Việc trả nhuận bút phải bảo đảm hợp lý giữa lợi ích của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm, lợi ích của bên sử dụng tác phẩm và lợi ích của người hưởng thụ tác phẩm, phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội của đất nước”. Thế nhưng, cách tính phí tác quyền theo công thức mà VCPMC đang áp dụng là chưa phù hợp với quy định này.
Nghị định 61/NĐ-CP về chế độ nhuận bút, ban hành từ năm 2012, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nhưng chưa được thay thế bởi nghị định mới sát với tình hình thực tế hơn. Đây là lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước dẫn đến những tranh chấp xung đột dai dẳng về thực hiện nghĩa vụ tác quyền trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Bảo Hoàng, Giám đốc Công ty Viet Vision: Cần xem lại công thức tính
Công thức tính tiền tác quyền được VCPMC áp dụng hiện nay là 5% x 75% số ghế nhân với giá vé bình quân là không thỏa đáng. Bởi lẽ, cứ theo công thức này thì nhà đầu tư phải đối mặt với một áp lực khác là tiền tác quyền. Khi đưa ra giá vé, chúng tôi phải dựa trên những cơ sở đầu tư tương đương cho chương trình. Hơn hết, giá vé còn dựa trên sức hút của ca sĩ, mức độ đầu tư dàn dựng chương trình chứ không phải là ca khúc được sử dụng. Chính vì vậy, cứ dựa vào giá vé mà tính phí tác quyền là không hợp lý.
Ai cũng biết số lượng vé phát hành trong từng chương trình biểu diễn hiện nay rất vô chừng, không biết có thể tiêu thụ được bao nhiêu phần trăm trước khi chương trình diễn ra. Vì vậy, bất kỳ đơn vị tổ chức chương trình nào cũng mong muốn được đóng tiền tác quyền sau khi chương trình kết thúc. Bởi khi đó đã kết toán thuế, chúng tôi sẽ có tổng kết chính xác số lượng vé bán ra và tiền tác quyền thu cũng chính xác, rõ ràng và minh bạch hơn.
Theo Người lao động
'Hành xử của nhạc sĩ Phó Đức Phương không văn minh'
"Nếu có cách ứng xử chuyên nghiệp và hiểu pháp luật thì không phải đi như xiết nợ như vậy", đại diện pháp lý cho ban tổ chức liveshow Khánh Ly nói.
Những ngày qua, những lùm xùm xung quanh vấn đề thanh toán tiền bản quyền của các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được sử dụng trong Liveshow Khánh Ly diễn ra tại thủ đô Hà Nội và Đà Nẵng nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Không dừng lại ở những tranh luận giữa đơn vị tổ chức - công ty TNHH Giải trí Đồng Dao và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, sự việc đang dần có những diễn biến căng thẳng khi nhạc sĩ Phó Đức Phương (giám đốc trung tâm) tìm đến địa điểm tổ chức show diễn này để đòi tiền bản quyền là 170 triệu đồng chưa bao gồm thuế.
Xung quanh những tranh cãi này, trưa 12/8, phía ban tổ chức (BTC) đã có buổi gặp gỡ với truyền thông để đưa ra những lập luận về phía mình. Cùng tham dự còn có Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Ngọc Sơn - người đại diện pháp lý cho ban tổ chức liveshow Khánh Ly.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - giám đốc công ty TNHH Giải trí Đồng Dao (bìa trái) và ông Nguyễn Ngọc Sơn - người đại diện pháp lý cho ban tổ chức (bìa phải).
Ngay trước buổi gặp gỡ, đại diện Ban tổ chức đã nhấn mạnh: "Những vấn đề sau đây không liên quan đến ca sĩ Khánh Ly. Trong quá trình làm việc, chúng tôi cũng xác định rõ điều này để giữ được mối quan hệ tốt đẹp giữa ca sĩ Khánh Ly và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn".
Lần lượt giải trình quan điểm của mình về việc chưa thể đàm phán để thanh toán tiền tác quyền luật sư Nguyễn Ngọc Sơn đưa ra 3 lý do chính:
Trung tâm không có đầy đủ chứng cứ chứng minh tư cách đại diện hợp pháp
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Sơn, người thừa kế các tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gồm 6 người (1 người em trai và 5 em gái), tuy nhiên trung tâm chỉ có giấy xác thực của cơ quan chính quyền về quyền thừa kế của bà Trịnh Vĩnh Trinh kèm theo giấy ủy quyền của Trịnh Vĩnh Trinh cho trung tâm được ký vào năm 2011 và 2014. Như vậy, trung tâm không có đầy đủ các chứng cứ chứng minh có đủ tư cách đại diện hợp pháp để có thể nhận số tiền này.
Khi yêu cầu được cung cấp đầy đủ giấy chứng sự đồng ý ủy quyền của 5 người anh em còn lại cho bà Trịnh Vĩnh Trinh, trung tâm đã không thể đáp ứng được.
"Chúng tôi chỉ yêu cầu cung cấp thêm giấy tờ để làm thủ tục hợp pháp, tuy nhiên sau 40 phút chờ đợi, trung tâm không tài nào ra được giấy đó", luật sư nói.
Đến ngày 8/8, khi BTC yêu cầu được cung cấp đầy đủ những giấy tờ này, trung tâm tiếp tục được nhận một tờ giấy photo, trong đó có chữ ký 3 người. Tuy nhiên văn bản này không hợp pháp vì chỉ là bản sao mà không có bản đối chiếu, chỉ có dấu công chứng giáp lai chứ không có dấu chính thức, không có chữ ký của công chứng viên, không đọc được tên phòng công chứng nào đóng dấu.
"Đại diện trung tâm bảo đây là do sai sót. Với một đơn vị làm việc chuyên nghiệp thì không thể có nhập nhèm như vậy", luật sư chia sẻ.
Đêm nhạc Khánh Ly diễn ra tối 2/8 bị đòi tiền tác quyền âm nhạc lên tới 170 triệu đồng.
Mức giá phía tác quyền đưa ra không hợp lý (7,5 triệu/bài)
Về phía các sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, BTC cho biết số tiền tác quyền được phía trung tâm đưa ra có mức 7,5 triệu/bài, vị chi tổng là 170 triệu đồng chưa bao gồm thuế.
Số tiền này được trung tâm tính theo doanh thu của liveshow, tuy nhiên theo BTC, họ còn phải chi rất nhiều chi phí cho nhiều khâu khác nhau từ nhân lực đến đầu tư vật chất, nên tính trên doanh thu (thay vì chỉ dựa trên lợi nhuận) là không hợp lý và khó có thể chấp nhận.
"Về giá, chúng tôi đã nghiên cứu về giá thị trường. Cách tính này quá cao so với ban tổ chức. Trung tâm áp đặt con số đó mà không thỏa thuận, cân bằng trên lợi ích công chúng, nhạc sĩ và nhà sản xuất".
Tuy nhiên khi chủ động đàm phán và đề nghị giá khởi điểm 1,5 triệu đồng, trung tâm đã không hợp tác. Liên hệ với bà Trịnh Vĩnh Trinh, BTC nhận được phản hồi rằng "Anh Sơn cứ làm việc trực tiếp với anh Phó Đức Phương đi, Trinh mệt lắm rồi".
BTC cũng cung cấp thông tin trong đêm nhạc Như cánh vạc bay diễn ra tại Hà Nội năm 2011, họ chỉ phải thanh toán cho bà Trịnh Vĩnh Trinh trung bình là gần 700 nghìn đồng/bài.
"Tính theo sự chênh lệch của giá vé so với chương trình Như cánh vạc bay và Liveshow Khánh Ly, chúng tôi chỉ phải trả cao gấp 5 lần, còn như cách tính của trung tâm là phải trả gấp 15 lần", luật sư Nguyễn Ngọc Sơn nói.
BTC nhấn mạnh việc họ không từ chối tiền tác quyền cho tác giả, cụ thể, với những tác phẩm thuộc quyền sở hữu của nhạc sĩ Phú Quang (Em ơi Hà Nội phố), Nguyễn Ánh 9 (Tình khúc chiều mưa), Trương Qúy Hải (Hà Nội mùa vắng những cơn mưa), công ty Văn hóa Phương Nam (Thuyền viễn xứ, Kiếp nào có yêu nhau), công ty Đồng Dao đã liên lạc và thanh toán đầy đủ tiền tác quyền với mức giá 1 triệu đồng/bài.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cùng bà Văn Thị Thu Bích (Trưởng VP đại diện Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại Đà Nẵng) đến gặp Ban tổ chức để yêu cầu thực hiện tác quyền trước show Khánh Ly.
Phản ứng của nhạc sĩ Phó Đức Phương - giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam
BTC bày tỏ quan điểm, việc yêu cầu thanh toán tác quyền là vấn đề dân sự, tức nếu có một bên vi phạm, bên còn lại có thể khiếu nại trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc/và khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền. Do đó, phản ứng của nhạc sĩ Phó Đức Phương đến thẳng địa điểm tổ chức 2 đêm liveshow diễn ra tại Hà Nội và Đà Nẵng để đòi tiền tác quyền là thiếu tôn trọng pháp luật và không có cách ứng xử văn minh.
"Nếu có cách ứng xử chuyên nghiệp và hiểu pháp luật thì không phải đi như xiết nợ như vậy. Chúng tôi không mời ông Phó Đức Phương vào phòng để nói chuyện thì có thể đã xảy ra gây rối mất trật tự. Tuy nhiên, khi vào đây, ông Phương cũng không đồng ý đàm phán".
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Ngọc Sơn - giám đốc công ty TNHH giải trí Đồng Dao - cho biết trong lần đầu tiên diễn ra Liveshow Khánh Ly vào đầu tháng 5, ông đã chấp nhận đóng gần 265 triệu đồng cho và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. Tuy nhiên, sau này được đồng nghiệp mách bảo, ông mới biết mình đã phải nộp số tiền quá cao vì không tìm hiểu kỹ và nghĩ đây là điều bắt buộc phải làm. Qua đến show thứ 2 vào ngày 2/8, ông mới bắt đầu tìm hiểu kĩ và dẫn đến những rắc rối giữa hai bên.
Cuối cùng, ông khẳng định, BTC Sẽ đóng nhưng với số tiền hợp lý chứ không muốn bị bắt chẹt. "Hãy xử lý văn minh theo đúng thủ tục và pháp luật, Đồng Dao sẽ chấp nhận thực hiện", ông Sơn nói thêm.
Liveshow Khánh Ly sắp diễn ra tại Bình Dương đã bị hoãn lại để giải quyết xong vấn đề này.
Theo Zing
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Buộc lòng 'xuất tướng' đòi nợ để đánh động dư luận Suýt nữa nhạc sĩ Phó Đức Phương, giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) lại phải "xăm xăm băng lối" trong đêm nhạc Khánh Ly tại Trung tâm Hội nghi quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội) hôm 2/8 mới đây, để đòi tiền tác quyền. May thay, giờ chót, ban tổ chức chương trình và VCPMC...