Tác quyền: Nhiều thách thức hơn việc đòi nợ thông thường
2014 vừa đi qua với nhiều chuyện lùm xùm trong tác quyền âm nhạc và năm 2015 này cũng chưa có dấu hiệu những chuyện như vậy sẽ lắng nguội.
Xung quanh vấn đề tác quyền âm nhạc và cả những ý kiến trái chiều về “công ty đòi nợ thuê” VCPMC (Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam), Thể thao & Văn hóa cuối tuần có cuộc trao đổi đầu năm với nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc trung tâm.
- Mặc dù việc thu tác quyền đã diễn ra hơn chục năm nay, nhưng cho đến giờ, nhiều đơn vị sử dụng như một số ông chủ phòng trà vẫn thắc mắc rằng “quán tôi bật đĩa có dán tem, tức là tôi đã trả tiền bản quyền khi mua đĩa. Vậy sao tôi lại phải trả thêm một lần tiền nữa cho các nhạc sĩ? Thật vô lý!”. Ông trả lời sao trước ý kiến này?
- Bởi vì trong xã hội còn có những người không hiểu thế nào là quyền tác giả. Ấn phẩm (đĩa CD, VCD…) có dán tem là ấn phẩm được cấp phép sử dụng. Để sản xuất ra ấn phẩm đó, nhà sản xuất, kinh doanh đĩa phải trả tiền bản quyền, ấn phẩm đó mới hợp pháp và không bị coi là (đĩa) lậu. Còn khi đem ấn phẩm (đĩa) đó ra sử dụng trong môi trường kinh doanh (phòng trà, quán karaoke, nơi tổ chức sự kiện như đám cưới…) thì phải trả tiền là đúng quy định của luật pháp (theo Điều 20).
- Có ý kiến cho rằng, việc thu phí của trung tâm dù dựa trên Nghị định 61/2002/NĐ-CP vẫn chưa thỏa đáng khi “vẫn có thể thương lượng” được. Nếu là luật thì phải “đóng khung” chặt chẽ. Vậy, phải chăng đây là “mấu chốt” của việc đi thu tác quyền luôn gặp khó khăn?
- Tác phẩm âm nhạc là tài sản của tác giả. Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định quyền độc quyền của tác giả cho phép người khác sử dụng tài sản đó của mình. Từ đó, tác giả được quyền cho người khác sử dụng tác phẩm của mình và định giá thông qua các hình thức như thỏa thuận hoặc căn cứ biểu giá đã được lập từ trước. Việc thương lượng (thỏa thuận) với các lý do như: đầu tư tốn kém, vé không bán hết, thời tiết không thuận lợi… xin giảm giá sử dụng là chuyện bình thường của quan hệ giữa chủ sở hữu và người sử dụng tác phẩm để kinh doanh (thương lượng là một từ có nội hàm thỏa thuận, mặc cả, tùy theo cách nói/nghĩ của mỗi người trước một ngôn ngữ).
Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, từng đích thân bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng để đòi tiền tác quyền một chương trình ca nhạc.
- Như VCPMC từng chia sẻ với Thể thao & Văn hóa Cuối tuần, năm 2013 tác quyền tại các phòng trà quán bar, nhà hàng, karaoke, khách sạn chỉ chiếm 10% trong tổng số doanh thu. Trong khi đó, đây lại là nguồn thu khá ổn định và hiện nay, các hàng quán vẫn ngày một mọc ra như nấm. VCPMC sẽ làm thế nào để nguồn thu ổn định này trở thành nguồn thu chính trong năm 2015?
- Âm nhạc luôn góp cho phòng trà, quán bar, nhà hàng, khách sạn… một gương mặt văn hóa thu hút khách hàng, đối tác để việc kinh doanh được thuận lợi hơn. Không một ông chủ nào không hiểu điều đó. Nhưng, như đã nói, vẫn còn không ít những ông chủ chỉ muốn giảm chi, mà giảm chi dễ nhất là tiền bản quyền tác giả. Họ biết rằng, chẳng mấy khi tác giả, nhạc sĩ lại muốn tranh cãi với họ chuyện tiền nong. Để có sự công bằng, VCPMC luôn cố gắng nỗ lực thay mặt các tác giả làm công việc “tranh cãi” đó hàng ngày. Năm 2015 càng cố gắng hơn. Dĩ nhiên, sẽ đẩy mạnh sự kết hợp với các cơ quan quản lý văn hóa và các cơ quan quản lý địa phương… hơn.
- Là đơn vị duy nhất cho đến thời điểm này đứng ra bảo vệ tác giả tác phẩm nhưng ngoài việc thu tiền, VCPMC chưa có những giải pháp thiết thực trong việc bảo vệ, bảo hộ quyền tác giả?
- Khai thác luôn song hành với bảo vệ. Trên thế giới các nước văn minh cũng vậy. Không có Nhà nước nào bao cấp cho các đơn vị bảo vệ quyền tác giả tập thể (như VCPMC) cả. Nhờ khai thác mà thu được phí và trích hành chính lại để đảm bảo hoạt động của bộ máy và cũng thông qua khai thác mà phát hiện những đơn vị vi phạm, sử dụng và… trốn tránh. Ngoài ra, VCPMC cũng vẫn làm thường xuyên, và đã có kết quả công việc xác định tác giả – tác phẩm. Chỉ nêu ví dụ trong năm 2014, có một số vụ nhưÚ ủ La hay của Lê Mây, bị một người lấy đem đi dự thi đoạt giải; Bài ca núi Thúy của La Thăng, bị một người lấy làm bài tỉnh ca ở Nhật Bản; bản phối Because I Miss You của Jung Yong Hwa, trưởng nhóm rock CNBLUE Hàn Quốc, bị một người lấy cho bài hát của mình… Những việc bảo vệ như thế rất tốn công sức, vì người lấy luôn cố tình chứng minh ngược lại. Tuy nhiên, VCPMC không nề hà bất cứ một đề nghị nào (xin nhấn mạnh VCPMC không được bao cấp để làm việc đó).
- Trong hội thảo tác quyền vừa diễn ra cách đây không lâu, chính ông đã thẳng thắn nói rằng “các cơ quan chức năng vẫn đang khước từ việc thực hiện nghiêm túc những quy định luật pháp vào trong các hoạt động kinh doanh văn hóa nói trên”. Vậy, những bất cập hiện nay trong việc thu tác quyền sẽ được trung tâm xử lý như thế nào trong năm 2015?
Video đang HOT
- Điều này chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Chúng tôi biết rằng, nhận thức đúng đắn về luật pháp không phải một sớm một chiều. Cũng như xây dựng những công trình văn hóa, phải bắt đầu từ những viên gạch nhận thức đầu tiên, chúng tôi vẫn luôn cố gắng, và hy vọng lẽ phải mà thế giới đã công nhận từ hàng trăm năm nay sẽ được xã hội Việt chấp nhận. Nếu nhận thức xã hội nâng lên, được các cơ quan chức năng ủng hộ mạnh mẽ thì năm 2015 thì khó khăn của chúng tôi sẽ lui đi một chút…
- Làm công tác văn hóa nhưng việc đi thu tác quyền lại được ví như đi đòi nợ thuê, như đi mặc cả mớ rau ở chợ, đi “bắt trộm mà không thấy nạn nhân” kêu cứu. Với tình trạng bất cập như vậy nếu chỉ có thể trông chờ vào ý thức tự giác của các cá nhân, tổ chức thì làm sao hoạt động của VCPMC khả thi?
- Xã hội văn minh ngày nay, người ta không coi việc đòi nợ thuê là xấu. Huống chi đây chỉ là một so sánh khập khiễng và không đầy đủ. Việc làm của chúng tôi có ý nghĩa lớn lao và gặp nhiều thách thức hơn cả việc đòi nợ thông thường gấp nhiều lần. Nhưng nếu xét ở khía cạnh “đòi nợ” thì có một chuyên gia về bản quyền tác giả ở Mỹ nói với chúng tôi rằng: Nếu các nhạc sĩ (tác giả, chủ sở hữu tác phẩm) mà có được một người như ông Phó Đức Phương làm đại diện có tinh thần “đòi thuê” được thể hiện qua chuyện vừa rồi thì may mắn hạng nhất. Nhân đây cũng nói thêm, vụ đòi nợ đình đám ấy, cuối cùng đã kết thúc tốt đẹp. Bên sử dụng đã chuyển đủ tiền cho VCPMC để VCPMC phân phối cho các tác giả.
- Doanh số 57 tỷ đồng năm 2013 và 62,7 tỷ đồng năm 2014 cho thấy VCPMC đang hoạt động ngày một hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nhìn trong khu vực châu Á và thế giới, đây vẫn là một khoảng cách rất xa. Vì thế, nếu trên thế giới, hầu hết các nhạc sĩ đều sống nhờ tiền tác quyền thì ở Việt Nam, số tiền này không “thấm vào đâu” để trang trải cuộc sống…
- Đấy, nếu bạn đã có con số của Hàn Quốc, thì tiền bản quyền thu được mỗi năm của họ gấp 34 lần ở ta, chừng 100 triệu USD/năm, trên 2.200 tỷ/VNĐ. Bởi luật pháp nghiêm minh, chặt chẽ. Xã hội ủng hộ, người dân tự giác chấp hành. Còn ở ta thì bạn biết đấy, VCPMC hoạt động ngày một hiệu quả hơn nhưng vẫn không thấm vào đâu so với thực tế mà vẫn còn vài ý kiến thắc mắc. Chỉ vài thôi, trong số 3.100 thành viên gửi ủy thác quyền, rồi được giới truyền thông “nhảy vào” tung hứng khiến cho vất vả nỗ lực của chúng tôi dày thêm. Nhưng đã dấn thân tự nguyện thì… vẫn phải làm thôi. Xây dựng lâu đài văn hóa đâu phải là việc dễ. Và như các triết gia đã nói, việc không khó thì có gì đáng kể? Để các tác giả có thể sống được bằng tác phẩm và khuyến khích các tác giả có những sáng tác mới cho đời, cả thế giới đã khẳng định rằng: không có gì bằng thực thi nghiêm túc quyền tác giả.
- Xin cảm ơn NS Phó Đức Phương.
Theo Ngọc Minh/Thể thao & Văn hóa cuối tuần
2014 - năm 'nóng hổi' chuyện bản quyền ở Việt Nam
Rất nhiều những vụ lùm xùm về bản quyền đã xảy ra trong làng văn học, nghệ thuật Việt Nam khiến khán giả không ít lần lắc đầu... ngán ngẩm.
"Lùm xùm" tác quyền đêm nhạc Khánh Ly
Làng nhạc Việt được phen xôn xao xung quanh câu chuyện nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Tác quyền Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đi đòi tiền tác quyền các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong liveshow Khánh Ly.
Bắt nguồn từ đêm nhạc đầu tiên tại quê nhà sau bao năm xa cách của nữ danh ca Khánh Ly diễn ra vào ngày 9/5 ở Hà Nội, đại diện đơn vị tổ chức là ông Nguyễn Ngọc Sơn (công ty TNHH giải trí Đồng Dao) nhận thấy không hợp lý về phí tác quyền cho Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc (VCPMC do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm giám đốc) nên vào đêm nhạc Khánh Ly lần thứ 2 tại Hà Nội (2/8) đơn vị tổ chức đã từ chối thanh toán số tiền mà trung tâm đưa ra.
Ca sĩ Khánh Ly (trái) và nhạc sĩ Phó Đức Phương (phải).
Chính vì lẽ đó nhạc sĩ Phó Đức Phương đã đến tận nơi "đòi nợ" và cho biết, ông sẵn sàng lên sân khấu để tố cáo BTC trước khán giả. Câu chuyện lại càng căng thẳng hơn khi một lần nữa, nhạc sĩ này tiếp tục cất công vào Đà Nẵng và màn tranh luận về "tiền" lại tiếp tục diễn ra dù đã giờ diễn đã cận kề.
Lùm xùm qua lại tác quyền đêm nhạc của Khánh Ly đến nay vẫn là tranh luận. Cũng vì câu chuyện tác quyền mà đêm diễn của Khánh Ly tại Bình Dương đã phải tạm hoãn cho đến khi giải quyết xong chuyện tác quyền.
Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch sau đó kết luận: Công ty Đồng Dao phải trả bản quyền cho 2 chương trình Khánh Ly tại Hà Nội và Đà Nẵng diễn ra trong tháng 8 vừa qua là 250 triệu đồng. Như vậy số tiền này đã giảm so với mức giá 170 triệu đồng/chương trình như yêu cầu lúc đầu của Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam .
Sáng tác Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng M-TP bị tố đạo beat
Sơn Tùng M-TP là cái tên được nhắc nhiều nhất trong năm qua ở làng giải trí Việt. Cùng với sự yêu mến của rất đông khán giả trẻ với các bản hit Cơn mưa ngang qua, Em của ngày hôm qua, Chắc ai đó sẽ về... là hàng loạt những ồn ào đi kèm với sự nổi tiếng của Sơn Tùng M-TP.
Gần đây nhất là vụ đạo nhạc ca khúc Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng M-TP, ca khúc được cho là đạo nhạc từ Because i miss you của trưởng nhóm nhạc Hàn Quốc CNBlue. Do vậy, nhạc phim Chàng trai năm ấy cũng đã không ít ý kiến trái chiều dẫn đến bộ phim phải dời ngày công chiếu.
Ca khúc Chắc ai đó sẽ về đã gây nên một tranh luận dài kỳ về vấn đề đạo nhạc. Vào ngày 10/11 Hội Âm nhạc Việt Nam gồm các nhạc sĩ Phó Đức Phương, Đỗ Bảo, Dương Khắc Linh, Võ Thiện Thanh... đã phân tích và đưa ra kết luận ca khúc Chắc ai đó sẽ về là một sản phẩm đạo nhạc.
Đến ngày 5/12, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã có cuộc họp với Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Điện ảnh, Cục Bản quyền và các nhà quản lý, các chuyên gia thẩm định âm nhạc và các nhà tư vấn về pháp luật đã có buổi làm việc cuối cùng để xử lý trường hợp ca khúc Chắc ai đó sẽ vềcủa Sơn Tùng M-TP.
Kết luận cuối cùng được đưa ra là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu tác giả Sơn Tùng M-TP phải thay toàn bộ phần beat ca khúc Chắc ai đó sẽ về nếu muốn tiếp tục lưu hành.
Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng bị "trộm" liên tiếp và trắng trợn
Đó là câu chuyện về việc NXB Kim Đồng gửi Cục Xuất bản thông báo về việc cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng bị đánh cắp bản quyền liên tiếp và trắng trợn gây bức xúc dư luận. Đơn vị này cho biết đã ký hợp đồng độc quyền xuất bản, thời hạn 10 năm (từ 2010 - 2020) cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh nhưng trên thị trường sách lại tràn ngập tiểu thuyết này với danh nghĩa NXB Thời Đại ấn hành.
Cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng gắn mác NXB Thời Đại và Công ty CP sách Nhân dân phát hành (2013 và 2014) đã được Cục Xuất bản, In và Phát hành (Cục XB) - Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), xác nhận đó là sách lậu.
Vì vậy, Cục đã gửi công văn đến tất cả các sở TT- TT, các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị phát hành sách trên cả nước, yêu cầu thu hồi và không phát hành các bản sách in trái phép này.
Bản quyền phim điện ảnh Dòng máu anh hùng
Sự thua lỗ của Dòng máu anh hùng - một bộ phim được coi là bom tấn một thời đặt ra nhiều dấu hỏi về câu chuyện bản quyền điện ảnh tại Việt Nam.
Sau khi đứng trước nguy cơ mất toàn bộ gia sản, ngày 14/03, nghệ sĩ Chánh Tín đã kể lại câu chuyện cuộc đời mình, trong đó có việc làm phim Dòng máu anh hùng. Theo đó, việc bộ phim này bị mất cắp bản quyền tràn lan đã gây ra thua lỗ trầm trọng, khiến ông tiêu tán toàn bộ tài sản.
Mặc dù được đông đảo người xem ủng hộ, bộ phim vẫn "chìm xuồng" bởi bị ăn cắp bản quyền ồ ạt cả ở trong nước lẫn nước ngoài. Nếu như những nhà làm phim Hollywood có thể nhận doanh thu từ bộ phim của mình sau 10 năm, thì sau 7 năm công chiếu Dòng máu anh hùng, Chánh Tín đã từ một đại gia trở thành người phải kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng về mặt tài chính.
Việc lập ra một trung tâm bảo vệ bản quyền chặt chẽ cho các nhà sản xuất trong lĩnh vực nghệ thuật tại Việt Nam đang đặt ra một cách cấp thiết. Bên cạnh đó, để vấn đề bản quyền thực sự có hiệu quả, ý thức của những người sử dụng internet phải được đặt lên hàng đầu.Chính công chúng là người bảo vệ quyền tác giả, có tâm lý tôn trọng và bù đắp xứng đáng cho các nghệ sĩ. Trường hợp nghệ sĩ Chánh Tín chính là ví dụ cụ thể rằng: Một việc làm tưởng chừng vô cùng nhỏ của khán giả điện ảnh có thể ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp của một nhà sản xuất.
Gia đình nhà văn Ngô Tất Tố bức xúc về quyền nhân thân
Mới đây, gia đình nhà văn Ngô Tất Tố đã lên tiếng cho rằng sách Lều chõng và Việc làng, do NXB Hội nhà văn và Nhã Nam ấn hành, vi phạm quyền nhân thân được quy định trong luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, phía đơn vị xuất bản phủ nhận những cáo buộc này.
Hai công trình khảo cứu, biên soạn của vợ chồng ông Cao Đắc Điểm đã được bảo hộ (trên) và bản photo báo Hà Nội tân văn.
Tác phẩm Lều chõng xuất hiện lần đầu trên báo Thời vụ năm 1939, được Nhà xuất bản Mai Lĩnh in thành sách năm 1941. Còn Việc làng đăng lần đầu trên báo Hà Nội tân văn, được NXB Mai Lĩnh in thành sách năm 1940. Hai tác phẩm này được nhiều nhà xuất bản in lại nhiều lần.
Mới đây, con gái nhà văn - bà Ngô Thị Thanh Lịch cùng chồng - ông Cao Đắc Điểm - lên tiếng về những bản in mà theo họ là bị cắt xén nhiều đoạn. Cụ thể, đó là hai bản Lều chõng và Việc làng do NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phát hành năm 2014. Cả hai cuốn đều nằm trong bộ Việt Nam danh tác do Nhã Nam thực hiện.
Ông Tạ Duy Anh, Phó Ban biên tập NXB Hội Nhà văn cho biết, NXB chỉ nhận trách nhiệm về những lỗi sai như chính tả, morat và một số từ cổ do hiểu biết hạn chế và quá trình biên tập, chứ không hề vi phạm quyền nhân thân của tác giả Ngô Tất Tố như gia đình nhà văn đã nói.
Còn trao đổi với báo chí, ông Đỗ Hàn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học bày tỏ: "Trong vụ việc này, điều quan trọng nhất đó là việc xác định và đưa ra một văn bản gốc, thì chưa thấy ai đề cập. Ở thời điểm hiện tại, xung quanh 2 cuốn sách của Ngô Tất Tố vẫn chưa có một khẳng định sai lệch nếu không có nguyên tác".
Theo Hồng Liên/Dân Việt
Đăng Khôi thay mặt SM, JYP, KT đưa việc "nghe nhạc chùa" ra pháp luật Những công ty lớn của Kpop, thông qua ca sĩ Đăng Khôi đã có hành động mạnh tay đối với nạn "nghe nhạc chùa" tại Việt Nam. Gần đây, nạn "nghe nhạc chùa" lại gây nhiều chú ý tại Việt Nam khi lần này các công ty Hàn Quốc đã nhảy vào cuộc. Đoạn clip ngắn được đưa lên VTV đã phần nào...