Tác nghiệp sau cổng trại giam số 3 và những sự thật chấn động dư luận
Sáu tháng điều tra, gặp gỡ các nhân chứng, thu thập chứng cứ, hành trình của phóng viên mãi mãi sẽ là bí mật nếu bài báo không được đăng tải và những bức ảnh không được sử dụng trong một phiên tòa chấn động dư luận.
Từ TP.Vinh phải đi tiếp quãng đường hơn 100 km lên thị trấn Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An), chúng tôi mới tìm gặp được tác giả của bài điều tra không được công bố về tình trạng sử dụng ma túy trong trại giam từ hơn hai năm trước. Bất ngờ là phóng viên năm xưa đã chia tay nghề báo, chuyển sang kinh doanh tại thị trấn quê nhà.
Phải khó khăn lắm chúng tôi mới thuyết phục được anh chia sẻ quá trình điều tra nguy hiểm và số phận hẩm hiu của bài viết một thời. Ở số báo trước (ra ngày 24/6/2014), Báo PLVN đã giới thiệu bài viết trên đến bạn đọc. Hôm nay, chúng tôi xin ghi lại hành trình tác nghiệp của anh.
Bán ma túy trong buồng giam
Chuyện của người mẹ đi nhờ xe
Thông tin về việc sử dụng ma túy trong trại giam bắt đầu từ cuộc gặp gỡ tình cờ giữa tác giả bài viết với một người nhà phạm nhân. “Qua Tết Nguyên đán năm 2011, hôm đó trên đường đi từ Tân Kỳ về Vinh công tác, tôi gặp một người phụ nữ với dáng vẻ lam lũ đứng bên đường xin đi nhờ xe. Và câu chuyện chị ta kể đã đưa tôi đến với phóng sự này” – anh kể.
Qua câu chuyện được biết, người phụ nữ ở TP.Vinh đi thăm gặp con trai đang thi hành án ở Trại giam số 3 trở về. Khi những e ngại ban đầu nhường chỗ cho sự cảm thông hoàn cảnh, người phụ nữ có vẻ cởi mở hơn, tâm sự: “Khổ lắm chú ạ, không biết trong tù nó làm gì mà tiêu tiền ác lắm. Điện thoại về nhà réo xin tiền liên tục. Nghe mấy người cũng đi thăm tù nói, xin tiền kiểu đó chỉ có để mua heroin thôi. Tôi lo cho nó lắm…”.
Chị này còn kể nhiều việc liên quan đến cải tạo con người ở Trại giam số 3 nữa. Câu chuyện và ánh mắt của người phụ nữ đi nhờ xe cứ ám ảnh tâm trí phóng viên. Nó thôi thúc anh phải bằng mọi giá điều tra tìm hiểu, đưa sự việc ra công luận, với mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc, trả lại sự trong sạch theo đúng nghĩa cải tạo con người cho nơi đặc biệt này.
Qua cổng trại giam
Mấy ngày sau, anh đã đến Trại giam số 3, tìm cách tiếp cận nhà thăm gặp của trại giam với hy vọng tiếp xúc được với gia đình phạm nhân để nắm thêm tình hình và tính xác thực của câu chuyện. Nhưng nhà thăm gặp nằm trong hàng rào cao gần 5m, phía trên có mấy vòng thép gai, duy nhất có một cửa ra vào được canh gác suốt 24h.
Muốn qua cổng gác bắt buộc phải xuất trình Sổ thăm gặp và có đơn xác nhận của chính quyền địa phương. Phóng viên đã phải vận dụng tất cả các mối quan hệ, tìm và làm quen các thân nhân có con, em đang cải tạo tại Trại giam nhờ giúp đỡ để có cơ hội vào trại.
Tìm được người có con em đang cải tạo nơi đây đã rất khó, còn phải trình bày như thế nào để họ giúp mà không bị lộ thông tin, kế hoạch điều tra vụ việc ra ngoài còn khó hơn. Bởi khi con em của mình đang còn thụ án, việc giúp nhà báo tìm hiểu các bí mật phía bên trong bốn bức tường cao đó là điều ai cũng phải cân nhắc, suy nghĩ kỹ.
Sau nhiều ngày chuẩn bị, anh đã được một người tên M đồng ý cho đi cùng để thăm người nhà tên B, đang cải tạo ở trại giam này. Khi ngồi chờ B được đưa ra, anh đã chú ý lắng nghe hết các cuộc trao đổi giữa người nhà với phạm nhân. Hầu hết các phạm nhân đều xin tiền, và người nhà đều chất vấn con em họ rằng: “Tiêu gì trong đó mà nhiều tiền thế…?”.
Lân la ở nhà thăm gặp, tranh thủ tiếp cận và hỏi chuyện một số phạm nhân tự giác (phạm nhân đi làm việc không bị canh gác) đang làm công việc phục vụ nơi đây, phóng viên nắm thêm nhiều thông tin khác. Vậy là đã rõ, có đủ cơ sở ban đầu để khẳng định rằng: Tình trạng phạm nhân sử dụng ma túy trong trại giam này là có thật.
Video đang HOT
Nhưng làm thế nào để có bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật này? Mọi hoạt động của Trại giam đều nằm trong những bức tường cách biệt với xã hội. Việc ra vào của bất kỳ ai đều bị kiểm soát rất gắt gao. Người còn không vào được thì làm sao để có được các chứng cứ?!
Để có những bức ảnh này, phóng viên đã phải mất nửa năm điều tra
Lọt vào “tầm ngắm” của công an
Trong những ngày bế tắc đó, phóng viên nhiều lần xuất hiện xung quanh khu vực Trại giam để tìm kiếm thêm thông tin. Tình cờ cũng thời gian này, Công an huyện Tân Kỳ đang theo dõi, điều tra một vụ mua bán ma túy ở xã Nghĩa Dũng (Trại giam số 3 đóng ở xã này).
Anh nhớ lại, có lần đang đi xe máy trên đường làng thì bất ngờ xuất hiện tổ Công an chặn xe lại kiểm tra giấy tờ và khám xét. Một lần khác đang ngồi uống nước, anh bị một thanh niên vô cớ đến gây sự, dẫn đến cả hai bị công an đưa về trụ sở giải quyết. Sau này khá lâu anh mới biết tất cả những lần tình cờ đó hoàn toàn không phải là… vô cớ. Chính vì sự xuất hiện liên tục tại đây đã khiến phóng viên bị lọt vào “tầm ngắm” của Công an huyện.
Trong quá trình điều tra tình trạng ma túy trong trại giam này, anh biết mình đang đối đầu với ai, và hậu quả sẽ ra sao nếu việc điều tra bị phát giác. Những phạm nhân mua bán ma túy trong trại giam hiểu rất rõ: Nếu hành vi phạm pháp bị lộ sẽ chịu thêm một bản án mới với mức án không “rẻ” cộng thêm vào án cũ. Trong khi đó, những đối tượng này có đủ điều kiện sai khiến các thế lực bên ngoài xã hội, cũng như đủ độ tàn bạo để tiến hành trả thù và thậm chí “thanh toán” gã phóng viên đã “nhúng mũi” vào việc của mình.
Hơn nữa, việc thu thập chứng cứ quá khó và có thể là không tưởng. Anh không thể có điều kiện để tiếp xúc được với các đối tượng sau song sắt, không thể thực hiện được các biện pháp tác nghiệp thông thường. Chính vì những điều trên đã làm cho phóng viên nản lòng và có lúc run sợ. Nhưng tiếng thở dài thõng thượt của người phụ nữ đi nhờ xe, những ánh mắt lo lắng của các bà mẹ đối với ngày trở về của con mình mà anh đã bắt gặp ở nhà thăm gặp làm cho anh không thể không cố gắng để vượt qua.
Đi tìm nhân chứng
Anh tìm xuống TP.Vinh và các vùng phụ cận, làm mọi cách để có thể làm quen, tiếp cận với những người đã có thời gian cải tạo ở Trại giam số 3 đã hết án trở về. Sau gần một tháng lang thang, anh đã gặp được một “cựu tù Trại 3″ có tên là L.T.
Khổ nỗi, nhân vật này lúc đó đang nghiện nặng. Sau nhiều lần tiếp cận làm quen, L.T đã kể hết cho anh nghe tình trạng buôn bán, sử dụng heroin trong Trại giam số 3. Không những thế, chính anh ta là người từng buôn bán “hàng” trong thời gian cải tạo ở đó. Các mánh khóe giấu, vận chuyển “hàng” và thanh toán tiền như thế nào được anh ta kể ra hết… trong tình trạng đang … “phê” thuốc.
Chắp nối các câu chuyện mà L.T đã kể kết hợp với những thông tin thu thập được, phóng viên đã cơ bản dựng lên được tên tuổi các trùm mua bán heroin trong trại, đại lý bán lẻ và “ngân hàng đen” đảm trách việc chuyển tiền trong Trại giam số 3.
Anh tiếp tục liên lạc với một phạm nhân khác tên H đang cải tạo ở K1, Trại giam số 3. Người này nguyên là lái xe khách, bị xử phạt 4 năm tù giam với tội danh “Vi phạm các quy định về an toàn giao thông”. H không hề nghiện heroin và chỉ còn mấy tháng nữa là mãn hạn án phạt tù trở về xã hội.
Phóng viên lại phải thực hiện một chuyến thăm gặp người nhà nữa trong Trại giam. Qua buổi gặp gỡ, phạm nhân H đã đồng ý giúp đỡ phóng viên thu thập các chứng cứ. Do trong trại giam có nhiều buồng nên phóng viên đã nhờ H tìm kiếm thêm ba phạm nhân khác ở các buồng giam khác nhau nữa.
Tại sao các phạm nhân lại đồng ý giúp phóng viên khi bản thân họ có thể bị nguy hiểm bởi việc thu thập chứng cứ? Anh nói: “Khi tiếp xúc với môi trường này, tôi mới biết vẫn còn những phạm nhân có lương tâm, ví dụ như H. Tuy nhiên với ba phạm nhân kia thì tôi phải mất một số tiền không nhỏ để “mua” được những bức ảnh đắt giá đó”.
Theo Phương Thành
Pháp luật Việt Nam
"Khắc tinh" của tội phạm trốn nã
Thiếu tá Vũ Quốc Bảo, Đội trưởng Đội Truy bắt, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an Nghệ An là người có thâm niên 19 năm phục vụ trong lực lượng, cũng đồng nghĩa với việc anh đã có chừng ấy năm làm công tác truy bắt các đối tượng trốn nã.
Thoạt nhìn, ở anh có nụ cười hồn hậu cùng tính cách hoạt náo, vui vẻ và thân thiện, ít ai nghĩ rằng từ nhiều năm qua, Thiếu tá Vũ Quốc Bảo luôn là "khắc tinh" của mọi loại đối tượng phạm tội đang trốn nã. Trong gần 20 năm công tác, anh cũng đã đóng góp nhiều thành tích xuất sắc trong việc truy bắt hàng trăm đối tượng truy nã, vận động các đối tượng ra đầu thú.
Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ với hàng trăm tập hồ sơ các đối tượng truy nã được chất đống trên bàn làm việc, Thiếu tá Vũ Quốc Bảo đã kể về những năm tháng làm công việc truy bắt các đối tượng truy nã bằng một niềm say mê đến lạ. Năm 1999, sau khi tốt nghiệp trường Cảnh sát nhân dân, anh được điều về làm trinh sát tại Đội truy nã - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an Nghệ An. Sau một thời gian công tác, với những nỗ lực không biết mệt mỏi, năm 2007, anh được tập thể đơn vị đề bạt giữ chức Đội phó Đội truy nã. Nhớ lại thời gian còn công tác tại Phòng PC45, đồng chí Vũ Quốc Bảo không thể quên những phút giây cùng đồng đội quần thảo ở khắp nơi từ Nam chí Bắc ngày đêm truy bắt các đối tượng truy nã.
Một mình vào hang hùm dụ cọp
Trong câu chuyện kể cho chúng tôi nghe về những vụ án mà anh trực tiếp tham gia triệt xóa, có lẽ vụ bắt giữ đối tượng Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1969) trú tại huyện Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào năm 2007 là để lại cho anh nhiều ấn tượng nhất. Đối tượng Nguyễn Mạnh Hùng bị Công an tỉnh Nghệ An ra quyết định truy nã về tội "Cướp tài sản" và "Chống người thi hành công vụ".
Ngay sau khi được giao nhiệm vụ mới, đồng chí Vũ Quốc Bảo lập tức tiến hành xác minh, lần tìm tung tích của đối tượng trong suốt 3-4 tháng liền. Qua tìm hiểu, anh nắm được một số thông tin liên quan đến đối tượng, hắn rất ranh ma, liều lĩnh, có vũ khí nóng, và nhiều tiền án tiền sự nên rất tinh vi trong quá trình lẩn trốn.
Mỗi lần gây án xong, thông qua các mối quan hệ có được, hắn lại chạy án. Sau khi nắm được bản chất con người đối tượng, cuối năm 2007, xin ý kiến của lãnh đạo Công an tỉnh, Thiếu tá Vũ Quốc Bảo vào vai một "ông trùm" chuyên chạy án, trực tiếp đến gặp gia đình đối tượng với vai diễn chạy án cho đối tượng để dụ hắn xuất hiện.
Phương án này nhanh chóng nhận được sự chấp thuận của lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An, anh đã thuyết phục gia đình đối tượng với giá 30 triệu đồng và được gia đình đối tượng nhận lời.
Thiếu tá Vũ Quốc Bảo.
Khoảng 1 tháng sau, đối tượng Nguyễn Mạnh Hùng đã trực tiếp gọi điện cho anh và hẹn gặp tại một địa điểm ở thành phố Vinh để trao đổi công việc. Tuy nhiên, đối tượng rất ranh ma và cảnh giác cao độ nên đã thay đổi địa điểm hẹn gặp nhiều lần.
Mãi đến khoảng 1 tuần sau kể từ lần hẹn đầu tiên, đối tượng mới quyết định gặp nhau ở ngã ba quán Bánh, nơi cửa ngõ phía Bắc thành Vinh. Lúc mới gặp nhau lần đầu, Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu anh lái xe, còn hắn ngồi phía sau, gí súng sau lưng để uy hiếp, đồng thời vừa đi vừa trao đổi nội dung công việc liên quan đến "chạy án".
Mặc dù nguy hiểm đến tính mạng nhưng Thiếu tá Vũ Quốc Bảo không chút lo sợ, bởi anh đã nắm được bản chất con người Hùng. Sau một lúc trao đổi công việc, Bảo cho hắn thời gian để chuẩn bị tiền, và hẹn đối tượng 2 tuần sau sẽ lại gặp nhau tại quán cà phê Điện Ảnh 2 trên địa bàn thành phố.
Y hẹn, Phòng PC45 đã triển khai lực lượng mật phục sẵn, chờ thời điểm đối tượng xuất hiện để kịp thời vây bắt. Đúng như dự tính, ngay khi Nguyễn Mạnh Hùng vừa xuất hiện tại quán cà phê thì các trinh sát đã ập tới, tra còng số 8 vào tay đối tượng trước sự ngỡ ngàng của hắn.
"Khắc tinh" của tội phạm trốn nã
Tháng 7/2010, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm được thành lập, Thiếu tá Vũ Quốc Bảo được đề bạt chức Đội trưởng Đội truy bắt, Phòng PC52 Công an tỉnh Nghệ An. Nhờ những kinh nghiệm đã được rèn giũa và tôi luyện sau nhiều năm làm nhiệm vụ truy bắt đối tượng truy nã tại Phòng Cảnh sát hình sự, cộng với bản lĩnh vững vàng, mưu trí, trên cương vị mới, anh đã cùng đồng đội vượt qua biết bao thách thức hiểm nguy lập nhiều thành tích xuất sắc.
Không chỉ dùng trí để đấu tranh với các đối tượng truy nã, anh còn dùng cả cái tâm của mình để khuất phục tội phạm. Thiếu tá Vũ Quốc Bảo chia sẻ: "Để bắt giữ thành công đối tượng, trước hết, chúng tôi phải nghiên cứu thật tỉ mỉ hồ sơ, nắm bắt thông tin, hoặc xác minh thông tin liên quan đến đối tượng truy nã để tìm ra dấu vết của chúng.
Bất kể ngày đêm, mỗi khi có thông tin liên quan đến đối tượng là tôi lại cùng các anh em trong đơn vị lên đường. Nếu không yêu nghề thì chắc có lẽ sẽ không thể làm được công việc truy nã, bởi gian nan, hiểm nguy luôn rình rập. Các đối tượng truy nã luôn tìm mọi thủ đoạn để trốn tránh như thay tên đổi họ, thay hình đổi dạng, làm hồ sơ giả về nhân thân và thậm chí, chúng còn sẵn sàng manh động, sử dụng vũ khí nóng chống lại lực lượng thi hành công vụ".
Theo Thiếu tá Bảo, tội phạm cũng vì trốn tránh pháp luật nên thường lẩn trốn ở các vùng sâu vùng xa, hẻo lánh hoặc tập trung ở những nơi có đông người như các thành phố lớn hay đi ra nước ngoài làm ăn sinh sống, gây khó khăn cho công tác nắm thông tin, điều tra và xác minh đối tượng.
Có những khi cả tuần không được ăn một bữa cơm nhà, chưa kể những chuyến công tác xa kéo dài hàng tháng ở nhiều tỉnh, thành phố trong và ngoài nước, các anh phải đi hàng trăm cây số đường rừng, lội suối, có khi phải nhịn đói để lần mò từng thông tin, xác minh từng mối quan hệ, qua nhiều đối tượng. Nhưng với tinh thần trách nhiệm và niềm say mê yêu nghề, Thiếu tá Bảo cũng như các anh em trong đơn vị đã luôn nỗ lực vượt qua mọi thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong hơn 4 năm công tác tại Phòng PC52, không thể kể hết được có bao nhiêu vụ, mấy trăm đối tượng đã được Thiếu tá Vũ Quốc Bảo cùng anh em trong đơn vị truy bắt và vận động ra đầu thú. Chỉ tính riêng trong năm 2013, Thiếu tá Bảo cùng anh em trong Đội 3 truy bắt được 43 đối tượng truy nã, trong đó có 20 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, phá thành công 5 chuyên án, bắt 5 đối tượng đặc biệt nguy hiểm liên quan đến các tội danh Giết người, Mua bán ma túy.
Bên cạnh đó, Thiếu tá Vũ Quốc Bảo đã chỉ đạo anh em trong Đội đi 2 chuyến công tác miền Nam truy bắt được 20 đối tượng truy nã, trong đó có 11 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, và trực tiếp tham gia 2 chuyến công tác tại nước bạn Lào, khám phá thành công 2 chuyên án, bắt 2 đối tượng nguy hiểm Xồng Ninh Thông và Lương Văn Phương phạm tội Mua bán ma túy.
Bắt và dẫn giải tội phạm trốn trong rừng tại Nghệ An.
Một trong những chiến công điển hình của anh là vụ truy bắt đối tượng truy nã Phạm Hữu Thực (SN 1972) trú tại xã Nghi Công, huyện Nghi Lộc, bị Công an tỉnh Đắk Lắk ra lệnh truy nã ngày 3/1/1997 về tội danh "Giết người". Để bắt đối tượng, đồng chí Bảo đã trực tiếp xác minh theo dõi đối tượng nhiều nơi như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh.
Sau nhiều năm kiên trì theo dõi xác minh, bằng việc áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, đến năm 2013, anh nắm được thông tin manh mối của đối tượng: Thực đã thay tên đổi họ thành Phạm Văn Dũng và đang lẩn trốn tại huyện Tân Kỳ (Nghệ An).
Ngày 14/10/2013, một tổ công tác gồm 4 đồng chí do Thiếu tá Vũ Quốc Bảo làm tổ trưởng đã trực tiếp lên đường về Tân Kỳ tập trung xác minh truy bắt. Sau hơn 1 tuần rà soát tất cả các xã trên địa bàn huyện, các trinh sát nắm thông tin có 1 người tên Dũng quê ở Nghi Công (Nghi Lộc) lấy vợ tên Oanh hiện đang sinh sống tại xã Tân Hợp, trước thông tin đó, các anh đã xuống xã Tân Hợp tập trung xác minh. Bằng các tài liệu thu thập được, các trinh sát đã xác định chính xác đối tượng Phạm Văn Dũng chính là Phạm Hữu Thực và đã tiến hành bắt giữ thành công.
Với sự phấn đấu không biết mệt mỏi, Thiếu tá Vũ Quốc Bảo đã cùng tập thể đơn vị làm giảm số lượng đối tượng truy nã, ngăn chặn được tội phạm ngoài xã hội, góp phần đảm bảo ANTT, giữ bình yên cuộc sống, được nhân dân tin tưởng. Trong những năm qua, Thiếu tá Vũ Quốc Bảo đã nhiều lần được các cấp, các ngành tặng bằng khen, giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Mới đây, năm 2013, anh vinh dự là Chiến sỹ thi đua cơ sở
Theo Thiên Thảo - Lê Hằng
Cảnh sát toàn cầu
Bắt thanh niên vận chuyển 22 thùng pháo lậu qua biên giới Chiều 17/6, tin từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo cho biết, đơn vị vừa phối hợp với lực lượng Hải quan bắt giữ đối tượng vận chuyển pháo lậu qua biên giới với số lượng lớn. Trước đó, vào tối ngày 16/6, lực lượng kiểm tra, kiểm soát thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo phối...