Tác giả sách giáo khoa lớp 1: “Bỏ 50 triệu đồng thuê luật sư “lách luật” triển khai đại trà Tiếng Việt lớp 1
Giáo sư Phạm Vũ Luận, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển chịu trách nhiệm chính về việc thí điểm lan tràn để “lách luật”, Vụ Giáo dục tiểu học là đơn vị triển khai.
Trong bài viết trước, Giáo sư tự hào khoe lách luật, cả ngành phục vụ nhóm người bán sách đánh vần lạ, chúng tôi đã nhắc lại vai trò của (nguyên) Bộ trưởng Phạm Vũ Luận;
Ông Luận được cho là đã bỏ 50 triệu đồng thuê luật sư tư vấn việc “lách luật” triển khai đại trà Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục, theo những gì Giáo sư Hồ Ngọc Đại kể trên truyền thông ít nhất 3 lần.
Sự đỡ đầu của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khi đó, bất chấp quy định của Điều 29 Luật Giáo dục hiện hành, đã khiến việc thí điểm nhanh chóng lan rộng ra 49 tỉnh thành hiện nay, với hơn 800 ngàn học sinh bị thí điểm.
Do đó có thể đặt vấn đề, Giáo sư Phạm Vũ Luận sẽ phải chịu trách nhiệm chính về việc đem hàng trăm ngàn học sinh ra thí điểm một tài liệu chưa được thẩm định về tính pháp lý của việc sử dụng như sách giáo khoa.
Ngày 21/9/2012, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Giáo sư Hồ Ngọc Đại, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Ngô Trần Ái cắt băng Khai trương Trung tâm Công nghệ giáo dục thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: gdtd.vn)
Ông Phạm Vũ Luận đã trở về Đại học Thương mại thực hiện công việc giảng dạy của một giáo sư, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kế nhiệm, sẽ kế thừa trách nhiệm với hơn 800 ngàn học sinh này, cũng như hàng trăm ngàn học sinh bị thí điểm mô hình VNEN.
Tuy nhiên, nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khi còn tại vị, chủ yếu chống lưng cho Giáo sư Hồ Ngọc Đại về mặt pháp lý bằng cách “lách luật”, theo chính lời Giáo sư.
Còn việc triển khai đại trà và ồ ạt “tài liệu thí điểm” này, vai trò chủ yếu thuộc về Vụ Giáo dục tiểu học.
Vụ Giáo dục tiểu học – sân nhà / sân sau của Giáo sư Hồ Ngọc Đại?
Năm 2001, Tiến sĩ Nguyễn Kế Hào – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học đệ đơn xin từ chức để phản đối chương trình cải cách giáo dục mới (chương trình 2000). Báo Tuổi trẻ đã phỏng vấn ông:
Thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng vì ông là một trong những tác giả của chương trình công nghệ giáo dục nên không muốn ủng hộ chương trình tiểu học mới?
Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Kế Hào cho hay:
“Tôi có thể tự tin khẳng định rằng những gì mình làm đều không vì một động cơ nào hết. Nếu nghĩ đến bản thân tôi đã không từ chức.
Vì không thể nhắm mắt bỏ qua, chấp nhận được những sai sót của chương trình tiểu học mới, tôi phải lên tiếng.
Tôi cũng muốn kiến nghị như một người làm quản lý, một nhà khoa học, nhưng ý kiến không được để ý nên phải lựa chọn cách này, để mình được đứng về phía quyền lợi của hàng triệu học sinh, của phụ huynh mà phát biểu.
Tôi cũng tin rằng khi đã nói để dân biết thì có thể thay đổi được vì dân trí bây giờ đã khác, cao hơn, xã hội dân chủ hơn, không dễ gì buộc người dân phải chấp nhận một sản phẩm chưa đạt.
Không thể chỉ dùng những quyết định để biến mọi thứ thành chuyện đã rồi.” [1]
Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định của Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Kế Hào về chương trình, sách giáo khoa 2000. Thực tiễn đã chứng minh ông đúng.
Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến việc triển khai công nghệ giáo dục (thu hẹp trong tài liệu Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục) một cách cưỡng bách;
Hệ lụy là 800 ngàn học sinh hiện nay bị thí điểm mà cha mẹ chúng không hay biết, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm đã chảy từ túi người dân lao động vào công ty bán sách.
Công văn số 296/GDTH ngày 5/7/2018 của Vụ Giáo dục tiểu học phúc đáp công văn số 645/VP-TTTTGD của văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo, về phối hợp cung cấp thông tin cho Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cho biết:
Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Kế Hào là chủ nhiệm đề tài “Chuyển giao công nghệ giáo dục bậc tiểu học”, nghiệm thu năm 1994.
Và sau khi Trung tâm Công nghệ giáo dục thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được thành lập năm 2012, ông trở thành Phó giám đốc Trung tâm giúp Giáo sư Hồ Ngọc Đại. [2]
2 đời Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học sau này là ông Lê Tiến Thành, ông Phạm Ngọc Định đều là người đóng vai trò chủ chốt trong việc chèn Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục vào dự án VNEN, để nó nhanh chóng được triển khai (cưỡng bức) ra cả nước.
Ông Lê Tiến Thành khi nghỉ hưu, làm Hiệu trưởng Hệ thống giáo dục CGD Victory, trường (tư thục) thực nghiệm thứ 3 do Giáo sư Hồ Ngọc Đại sáng lập. [3]
Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Trần Thị Thắm khi còn tại chức thường xuyên đảm nhiệm vai trò tổ chức về các tỉnh tập huấn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục cho “giáo viên cốt cán” giúp Giáo sư Hồ Ngọc Đại. [4]
Video đang HOT
Chuyên viên Vụ Giáo dục tiểu học – Tiến sĩ Ngô Hiền Tuyên, chuyên viên chính Vụ Giáo dục tiểu học Trần Hải Toàn đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai tập huấn, kiểm tra đốc thúc dạy Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại về các tỉnh. [5] [6]
Bà Trần Thị Thắm – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học trong một chuyến công tác Điện Biên năm 2014 thăm cơ sở triển khai mô hình VNEN, những trường này phải dùng Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục. Ảnh: dienbien.edu.vn.
Bà Ngô Hiền Tuyên và ông Trần Hải Toàn là đồng tác giả 3 đầu vở bài tập Em tập viết lớp 1 Công nghệ giáo dục trong cái gọi là “danh mục sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. [7]
Vấn đề chúng tôi xin đặt thẳng ra đây mong nhận được phản hồi từ Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Có hay không việc các cán bộ, chuyên viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị trực thuộc, nhất là Vụ Giáo dục tiểu học đương chức hay nghỉ hưu, hoặc có người thân hưởng lợi từ việc bán “sách giáo khoa công nghệ giáo dục”?
Chẳng phải ngẫu nhiên Phó vụ trưởng Tạ Ngọc Trí khẳng định với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam:
“Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.”
Còn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên môn Tiếng Việt – Ngữ văn từ lớp 2 đến lớp 9 của Chương trình 2000, Tổng chủ biên chương trình phổ thông tổng thể mới lại tuyên bố điều ngược lại:
Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục không phải sách giáo khoa, không viết theo Chương trình 2000 (chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học hiện hành, theo cách nói của ông Tạ Ngọc Trí), càng không phải viết theo chương trình mới.
Thực tế triển khai Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục có đúng như nhận xét của Phó vụ trưởng Tạ Ngọc Trí chăng?
“Cha mẹ không hiểu đừng xen vào, cách đánh vần lạ không hiệu quả vì xã hội không hiểu”
Trả lời phỏng vấn VTC14 xung quanh những ồn ào tuần qua về “cách đánh vần lạ”, Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho biết:
“Bố mẹ không can thiệp vào việc học của con, kệ nó, con học ở trường như thế nào. Không theo cái cách của mình, không theo trình độ của mình mà áp đặt trẻ con hiện đại.
Cho nên trẻ con về nhà, bố mẹ có thắc mắc và nói với tôi thế này này, học theo kiểu của thày Đại không giúp được trẻ con. Tôi cần gì các vị giúp?” [8]
Nhưng câu hỏi ngược lại cần được đặt ra với Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Giáo sư Hồ Ngọc Đại rằng:
Có bao nhiêu học sinh trong số hơn 800 nghìn em thí điểm được hỏi ý kiến, bao nhiêu bậc cha mẹ học sinh đã được hỏi ý kiến và bao nhiêu người cần sự giúp đỡ của quý vị?
Bao nhiêu thầy cô đang dạy bình thường, bị cưỡng bách phải dạy tài liệu mà họ không hiểu?
Mới nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn số 3674/BGDĐT-GDTH ngày 22/8/2018 về việc triển khai Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục năm 2018-2019.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các phòng xây dựng kế hoạch triển khai và chịu trách nhiệm về chất lượng dạy Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục. [9]
Báo cáo tổng kết năm học 2017-2018 và phương hướng năm học 2018-2019 cấp tiểu học của Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình, nội dung liên quan đến Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục có những chi tiết khá thú vị.
Phần đánh giá kết quả, báo cáo cho biết:
Thực hiện Quyết định số 2222/QĐ-BGDĐT ngày 1/7/2016, năm học 2017-2018 Thái Bình tiếp tục triển khai nhân rộng dạy học Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục ở 100% trường tiểu học (295 trường, 895 lớp, 28.002 học sinh).
Dạy và học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục đã làm thay đổi phương pháp dạy của giáo viên và phương pháp học của học sinh, và là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng môn tiếng Việt cho học sinh.
Phần tồn tại và hạn chế, báo cáo viết:
Thực tiễn chỉ đạo dạy học Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục hay việc thực hiện Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT cho thấy, khó khăn trở ngại lớn nhất trong việc đổi mới giáo dục là thói quen cũ trong cách nghĩ, cách làm (của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và của cả xã hội).
Phần nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện năm học 2018-2019 thì không thấy Sở nhắc gì đến Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục nữa. [10]
Cô giáo ặng Thị Liễu và học sinh khối 1 Trường Tiểu học Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) trong tiết học môn tiếng Việt 1 theo chương trình công nghệ giáo dục. Ảnh: Báo Thái Bình.
Phải chăng phần đánh giá là để đẹp lòng Bộ Giáo dục và đào tạo, phần tồn tại và hạn chế phản ánh đúng thực trạng suy nghĩ và đánh giá của người dân, giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh Thái Bình?
Quan trọng hơn, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cho năm học 2018-2019 không còn nhắc đến Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục, phải chăng ngầm gửi gắm một niềm hy vọng năm tới triển khai chương trình mới, sẽ không còn tiếp tục phải thí điểm tài liệu này nữa?
Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, cũng giống như việc giáo viên Thái Bình vỡ òa sung sướng như trút được gánh nặng, khi tỉnh không nhân rộng VNEN [11], và bây giờ là bỏ hẳn VNEN [12].
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã từng than với Giáo sư Phạm Tất Dong, họ rất khổ vì nghe lời Bộ phát triển tất cả các trường ở Thái Bình theo mô hình giáo dục VNEN. Bây giờ không làm nữa biết trả lời dân ra sao? [13]
Địa phương biết sai rồi, bỏ cũng không phải dễ. Bởi đó là danh dự của chính họ, thậm chí là uy tín trước dân, vì chỉ 1 – 2 năm trước còn hùng hồn, đanh thép bảo vệ cái nay chính họ phải hủy bỏ vì “nghe lời Bộ”.
Không phải địa phương nào cũng dũng cảm trong chuyện này như Thái Bình, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hà Giang…
Các địa phương sẽ còn bị cưỡng bách sử dụng đến khi nào?
Thế nên mới có chuyện ở Kon Tum năm học mới này, nhiều phụ huynh phải tìm trường nào không dạy VNEN để xin học cho con, ấy nhưng không phải ai cũng toại nguyện, khi chạy Trời đâu khỏi nắng. [14]
Đây là những thực tế sống động nhất và cũng day dứt nhất về chuyện “thí điểm”, biến hàng trăm ngàn học sinh thành “chuột bạch”.
Có lẽ đã đến lúc Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nên chủ động dừng các hoạt động “thí điểm” vô nguyên tắc này lại, để giữ lại chút niềm tin của học trò và thầy cô, cha mẹ học sinh.
Chấm dứt như thế nào, chúng tôi xin phân tích trong bài viết tới.
Nguồn:
[1]https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/vu-truong-vu-tieu-hoc-xin-tu-chuc-de-phan-doi-chuong-trinh-cai-cach-giao-duc-moi-1957769.html
[2]https://www.nxbgd.vn/bai-viet/tin-tuc-va-su-kien/khai-mac-hoi-nghi-tong-ket-trien-khai-thi-diem-cac-mon-cong-nghe-giao-duc-nam-hoc-2015-2016-va-tap-huan-giao-vien-nam-hoc-2016-2017-817.htm
[3]https://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/827226/he-thong-truong-thuc-nghiem-thu-3-cua-gs-ho-ngoc-dai
[4]https://thuathienhue.edu.vn/tin-tuc/trien-khai-tap-huan-phuong-phap-day-hoc-theo-bo-sach-tieng-viet-lop-1-cong-nghe-giao-duc.htm
[5]https://phonggiaoduckienxuong.eportal.vn/trang_chu/tin_tuc/articletype/articleview/articleid/22256/phonggiaoducvadaotaokienxuongtochucvatrienkhaidayhoctiengviet1congnghegiaoduc
[6]https://laichau.edu.vn/?page=Article.Print.detail&id=5a439e51a8b0a647b238463a
[7]https://ninhbinh.edu.vn/van-ban-cong-van/van-ban-so-gd-dt/cong-van/dang-ky-tai-lieu-va-thiet-bi-giao-duc-cap-tieu-hoc-nam-hoc-2.html
[8]https://news.zing.vn/ video-gs-ho-ngoc-dai-noi-gi-ve-cach-danh-van-la-khien-phu-huynh-hoang-mang-post873169.html
[9]https://gialai.edu.vn/upload/18282/20180824/1299-SGDDT-GDTH.pdf
[10]https://thaibinh.edu.vn/van-ban-cong-van/van-ban-so/cong-van-so-571-sgddt-gdth-v-v-to-chuc-hoi-nghi-tong-ket-nam.html
[11]https://www.nhandan.com.vn/giaoduc/dien-dan/item/34077502-vi-sao-thai-binh-dung-nhan-rong-mo-hinh-truong-hoc-moi.html
[12]https://vtv.vn/giao-duc/thai-binh-khong-ap-dung-mo-hinh-truong-hoc-moi-tu-nam-hoc-2018-2019-20180607181513549.htm
[13]https://www.nguoiduatin.vn/vnen-vo-tran-that-bai-dau-don-cua-bo-gddt-a333331.html
[14]https://baokontum.com.vn/xa-hoi/ban-khoan-vnen-9263.html
Theo Hong.vn
Đà Nẵng cấm dạy sách giáo khoa lớp 1 "Công nghệ Giáo dục" của giáo sư Hồ Ngọc Đại?
Sách tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại chỉ phù hợp với những vùng có học sinh gặp khó khăn về phát âm hoặc phát âm không chuẩn.
Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho hay, địa phương này không áp dụng thí điểm bộ sách tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại vào dạy thí điểm ở các trường của thành phố.
Đây là bộ sách đang gây xôn xao dư luận bởi những bất cập và hạn chế của nó khiến cả phụ huynh và giáo viên bức xúc.
Mô hình trường học mới - VNEN đã nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế khiến Đà Nẵng phải thu hẹp mô hình này. Ảnh: TT
Hiện bộ sách này đang được thí điểm tại nhiều tỉnh, thành phố, vậy tại sao Đà Nẵng lại không thí điểm bộ sách này?
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Hồ Thị Cẩm Bình - Trưởng phòng Tiểu học (sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng) cho rằng, mỗi chương trình dạy học đều có mặt tốt và mặt hạn chế riêng của nó.
"Mình không triển khai không phải chê nó không hay nên không làm. Mà ở địa phương đã có những sách, chương trình ổn định nên không triển khai sách của thầy Đại".
Cũng theo bà Bình, việc lâu lâu lại thí điểm một sách mới, phương pháp dạy mới thì rất vất vả cho cả giáo viên và học sinh.
"Mình không đánh giá chương trình đó như thế nào bởi ai đi sâu, phải làm cái đó thì mới hiểu hết được cái ưu và nhược.
Tuy nhiên, sách này thiên về ngữ âm nên rất tốt cho những nơi mà học sinh gặp khó khăn về phát âm. Tại những địa phương mà việc giao tiếp Tiếng Việt gặp khó khăn thì họ sẽ làm.
Với đối tượng học sinh Đà Nẵng thì rất ổn về cách phát âm. Các em phát âm khá chuẩn, về luật chính tả các em cũng nắm được nên ngành giáo dục nhận thấy không cần phải đưa một chương trình mới vào thay thế", bà Bình cho hay.
Theo bà Bình thì sản phẩm của ông Hồ Ngọc Đại đã có từ lâu rồi. Trước năm 2000 thì chương trình này đã có rồi và triển khai trên diện rộng.
Nhưng sau khi thay sách (sau năm 2000) thì cả nước không thực hiện nữa. Tuy nhiên, sau đó một ít năm thì một số địa phương vùng khó khăn lại thực hiện chương trình này để bổ trợ việc phát âm, đánh vần cho học sinh.
Vào thời điểm đó, công văn của Bộ giáo dục và Đào tạo gửi về các địa phương triển khai thí điểm chương trình này trên tinh thần tự nguyện.
Nếu địa phương này đăng ký thí điểm thì mới có tập huấn giáo viên, cách dạy theo công nghệ giáo dục. Riêng Đà Nẵng thì không đăng ký thí điểm từ thời điểm đó.
"Ở Đà Nẵng, từ lúc mình về sở phụ trách từ năm 2009 thì cũng tiếp tục không thí điểm dạy sách này.
Bởi đây là địa bàn nhỏ, học sinh phát âm tốt. Việc đánh vần với chương trình hiện hành cũng đảm bảo các em nắm được và phát âm đúng. Mục đích của môn Tiếng Việt là giúp các em đọc được, viết được thì với chương trình hiện hành đã phục vụ tốt rồi.
Do đó, mình cũng không phải thay đổi. Ngoài ra, theo quan điểm chung của ngành là cái gì đã ổn định thì không nên thay đổi, gây xáo trộn".
Bà Bình cũng cho biết thêm, hiện trong bậc tiểu học của Đà Nẵng, ngoài những chủ trương chung thì ngành giáo dục địa phương cũng đưa ra nhiều phương pháp mới như: dạy học kỹ thuật, phương pháp cầm tay nặn bột, mô hình trường học mới...
Việc lựa chọn những cái mới này phải dựa trên thực tế sự cần thiết, đổi mới của quá trình dạy học. Còn những cái ổn định rồi thì thôi.
Nhận xét về sách tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại thì cái này nó chỉ hỗ trợ cho việc đánh vần, phát âm của học sinh. Do đó, ngành giáo dục Đà Nẵng không nhất thiết phải thay đổi.
Đà Nẵng từng triển khai thí điểm mô hình trường học (VNEN) tại một trường tiểu học ở xã Hòa Phú (Hòa Vang), sau đó nhân rộng ra một số trường khác. Nhưng qua một thời gian, số trường thực hiện mô hình này giảm dần.
"Các trường không nhân rộng mô hình này nhưng áp dụng những tiến bộ, hiệu quả của mô hình vào việc dạy học như: việc tổ chức lớp học hoặc việc giúp các em tự học, trang trí lớp học...
Tuy nhiên, nếu nhân rộng toàn phần thì họ thấy phần sử dụng tài liệu dạy học cũng có nhiều hạn chế, có lỗi nên họ không thực hiện", bà Bình cho biết.
Theo Hong.vn
Bộ Giáo dục nên dừng o bế Giáo sư Đại, chấm dứt lấy ngân sách làm sách giáo khoa Giáo sư Hồ Ngọc Đại và cộng sự dùng ngân sách làm đề tài nghiên cứu, kết quả của nó thuộc sở hữu nhà nước. Tiền bán sách có phải thu hồi nộp ngân sách? Trong bài viết trước, chúng tôi đã phân tích vai trò "sân sau, sân trước" của Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong...