Tác giả hàng loạt vắc xin ‘made in VN’ đột ngột qua đời
Ngày 12.8, Bộ Y tế xác nhận GS-TS Lê Thị Luân (quê Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), đã qua đời tại nhà riêng, ở tuổi 53.
GS-TS Lê Thị Luân – Ảnh: TTXVN
GS-TS Lê Thị Luân tốt nghiệp y khoa tại Đại học Y Hà Nội. Bà là tác giả nghiên cứu thành công vắc xin phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em ( vắc xin rotavin M1) được cấp phép lưu hành tại VN năm 2012, sau 16 năm nghiên cứu, giám sát dịch bệnh do vi rút rota tại VN.
Công trình của bà đã giúp VN trở thành nước thứ 2 của châu Á và là 1 trong 4 nước trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vắc xin này với công nghệ mới. Vắc xin đã giúp hàng triệu trẻ em VN được phòng bệnh với chi phí chỉ bằng 1/3 vắc xin nhập ngoại mà hiệu quả tương đương, giúp tiết kiệm cả trăm tỉ đồng mỗi năm. Dự kiến từ 2016 vắc xin rotavin-M1 sẽ được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Theo các đồng nghiệp, ngày 7.8 GS-TS Lê Thị Luân vẫn đến nơi làm việc. Sáng thứ hai (10.8), các đồng nghiệp không thấy GS Luân vào cơ quan, liên lạc điện thoại cũng không được nên trực tiếp đến nhà riêng thì thấy GS Luân đã tử vong, trên người không có thương tích gì. Một đồng nghiệp cho biết GS Luân có tiền căn cao huyết áp và nguyên nhân tử vong có thể là đột quỵ.
Video đang HOT
GS-TS Lê Thị Luân qua đời trong lúc đang tham gia 3 đề tài nghiên cứu lớn: sản xuất vắc xin bại liệt bất hoạt công nghệ mới, đã qua giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng; nghiên cứu vắc xin ngừa bệnh tay chân miệng từ chủng vi rút gây bệnh tại VN; nghiên cứu vắc xin đa giá (phối hợp phòng nhiều bệnh truyền nhiễm).
Năm 2014, bà đạt giải nhất trong lĩnh vực y dược của giải thưởng Nhân tài đất Việt. Bà cũng từng nhận giải thưởng Kovalevskaia – giải thưởng cao quý tôn vinh những nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống.
Nam Sơn
Theo Thanhnien
Ổ dịch bạch hầu tại Quảng Nam: Chưa tiêm chủng hết vì người dân... sợ tiêm
Ngày 5.8, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam cho biết chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch bạch hầu tại 2 thôn 8A và 8B, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn đạt tỷ lệ không như mong đợi, ở mức hơn 97% (trên tổng số 244 người dân).
Chiến dịch tiêm chủng cho người dân vùng ổ dịch bạch hầu được triển khai cuối tháng 7 vừa qua - Ảnh: Trần Hanh
Báo cáo do trung tâm này gửi Viện Pasteur Nha Trang cho biết đã triển khai tiêm chủng cho người dân của 6 thôn thuộc xã Phước Lộc.
Trong đó, số trẻ dưới 1 tuổi tiêm Quinvaxem mũi 1 đạt tỷ lệ 75%. Số trẻ từ 1 đến 6 tuổi tiêm chủng đạt tỷ lệ hơn 93%; nhóm trên 7 tuổi đạt tỷ lệ gần 98%.
Riêng 2 thôn 8A và 8B - nơi bùng phát ổ dịch bạch hầu khiến 3 người chết - tỷ lệ tiêm chủng chỉ đạt hơn 97%.
Theo ông Trần Văn Hoàn, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam, do tập quán của người dân - đặc biệt là 2 thôn đã nêu - còn sợ tiêm, chưa hiểu hết những lợi ích về tiêm chủng nên kết quả không như mong muốn, mặc dù cán bộ xã, cán bộ y tế đã hết sức cố gắng vận động, tuyên truyền.
Vào tháng 8 và tháng 9 tới, trung tâm sẽ tổ chức thêm 2 đợt tiêm chủng nữa cho người dân vùng dịch.
Trung tâm sẽ phối hợp với chính quyền và các ban ngành đoàn thể xã, huyện tiếp tục vận động truyền thông, tư vấn lợi ích của tiêm chủng cho nhân dân hiểu rõ.
Đối những người dân chưa được tiêm trong đợt 1, trung tâm sẽ vận động tiêm cho các đợt tới và đưa vào danh sách tiêm trong các buổi tiêm chủng thường xuyên sau chiến dịch để đủ 3 mũi tiêm.
Như Thanh Niên Online đã thông tin, từ ngày 7 - 12.7, tại 2 thôn 8A và 8B, có 3 người chết và 10 người bị đau ở cổ họng, hạch sưng to... Sau đó, lực lượng chức năng vào cuộc tìm hiểu và xác định tại 2 thôn này xuất hiện ổ dịch bạch hầu.
Tuy nhiên, sau khi dập dịch thành công, lực lượng chức năng đã gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tiêm chủng đồng bào người Bh'noong còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu và sợ... tiêm.
Hoàng Sơn
Theo Thanhnien
Tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ nhỏ Được chỉ định tiêm cho em bé trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, mũi tiêm vắc xin viêm gan B được coi là "nhạy cảm" nhất trong tiêm chủng, bởi người thân thường lo ngại sự cố cho em bé lúc này còn non nớt. Vắc xin viêm gan B mũi sơ sinh giúp phòng ung thư gan - Ảnh: Thúy Anh...