“Tắc đường là do chúng ta thiếu tôn trọng nhau”
“Tắc đường là do những người tham gia giao thông, kể cả người đi bộ lẫn người điều khiển các phương tiện giao thông khác đều không tôn trọng nhau”.
Mỗi người chúng ta đều ít nhiều đã gặp những tình huống gây ức chế nặng khi tham gia giao thông: có việc gấp gặp tắc đường. “Nhẹ nhàng” hơn có thể là buổi sáng vội đi học, đi làm hoặc chiều mệt mỏi về nhà gặp tắc đường. Mỗi khi đó, hẳn mọi người đều mong muốn không bị tắc đường hoặc chí ít là ai đó có ý thức hơn một chút để không quay xe hay sang đường một cách thiếu ý thức để rồi tất cả cùng đi chậm lại.
Trước vấn đề nan giải tắc đường, Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi tiếp xúc với một số tài xế lái xe buýt tại bến xe Mỹ Đình – những người bị khống chế về mặt thời gian chặt chẽ khi tham gia giao thông. Các ý kiến và kiến nghị của những bác tài xế này hẳn sẽ khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Những lượt xe buýt chậm đến… 40 phút
Ông Nguyễn Đức Thắng (50 tuổi, tài xế xe buýt tuyến 16 : Bến xe Mỹ Đinh – bến xe Giáp Bát) cho biết: “Tuyến xe buýt 16 nối giữa hai đầu bến lớn, dù đường không phải thuộc loại dài nhưng chạy qua trung tâm thành phố từ quận nọ sang quận kia và đường rất nhỏ.
Trong khi đó, lưu lượng xe trên đường này thì nhiều. Đặc biệt, đường rất đông vào giờ cao điểm. Trên trục đường, có nhiều điểm giao thông hay bị tắc đường như đường Trường Chinh, các nút ngã ba, ngã tư trên trục đường Láng.
Nhìn cảnh này, ai chẳng sợ!
Lần tắc đường lâu nhất trên đường Trường Chinh tôi phải chờ là gần 20 phút và có lần để qua ngã tư Láng – Láng Hạ – Lê Văn Lương thì phải chờ qua 6 – 7 lượt đèn đỏ thì mới vượt qua được.
Bản thân là một lái xe buýt bị khống chế thời gian lưu thông phương tiện, hơn ai hết chúng tôi cảm nhận rõ nhất ảnh hưởng của tắc đường và tác hại của nó đến mọi người tham gia giao thông. Tắc đường là 1 vấn đề lớn đối với chúng tôi.
Khi xảy ra tắc đường chúng tôi không thể đi đúng giờ như quy định về giờ của Xí nghiệp xe buýt Hà Nội (Tổng công ty vận tải Hà Nội) được”.
Video đang HOT
Cùng chung nỗi niềm đó, ông Phạm Khắc Vỹ – một tài xế lái xe buýt tuyến 34 (Bến xe Mỹ Đình – Bến xe Gia Lâm) cho biết: “Vấn đề tắc đường ở Hà Nội là một vấn đề nan giải. Các cơ quan chức năng đều tập trung giải quyết vấn đề này nhưng đến giờ vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề này.
Trong nội thành, đường thì không mở rộng ra thêm mà phương tiện tham gia giao thông thì ngày càng nhiều. Ai cũng chen nhau đi thì tắc đường là điều đương nhiên sẽ xảy ra thôi. Trên tuyến tôi đi tắc đường có thể bắt đầu từ đường Xuân Thủy – điểm trung chuyển ĐH Giao thông vận tải – ngã tư Khách sạn Deawoo – cửa Nam.
Theo lịch trình, tuyến của tôi đi là 1 giờ đồng hồ. và để đi từ Bx Mỹ Đình đến phố cửa Nam chúng tôi chỉ được đi trong 30 phút. Tuy nhiên nhiều hôm, để đến ngã tư Nguyễn Chí Thanh – Kim Mã chúng tôi đã mất 30 phút rồi. Có những chuyến, chúng tôi bị âm gần 40 phút”.
Không tôn trọng nhau
Lý giải về một số nguyên nhân tắc đường, ông Thắng cho biết: “Số lượng người tham gia giao thông quá lớn. Khi hạ tầng cơ sở giao thông chưa tốt trong khi đó tần suất tham gia giao thông của các phương tiện quá cao nên tôi nghĩ đó là nguyên nhân chính dẫn đến tắc đường.
Mặt khác, ý thức của người tham gia giao thông thì chưa có. Khi xảy ra tắc đường, người tham gia giao thông (chủ yếu người điều khiển xe máy) lại đi từ làn đường nọ tràn sang làn đường đối diện hoặc làn đường dành cho các phương tiện khác dẫn đến 1 sự hỗn loạn và gây ách tắc thêm. Hở ra chỗ nào lách lên chỗ ấy, sẵn sàng lách lên đỗ uỵch một cái trước đầu xe người khác.
Đặc biệt, tại các ngã tư lớn, ai cũng cố đi cho bằng được kể cả khi đèn báo tín hiệu giao thông màu vàng rồi nhưng vẫn cố đi để rồi thường xuyên tạo ra sự ì ạch cho tất cả những người từ hướng đường khác”.
Được coi là một trong những tuyến xe buýt lớn, tuyến xe buýt số 34 (Bến xe Mỹ Đình – Bến xe Gia Lâm) đi qua nhiều trục đường lớn và nhiều trường đại học. Ông Vỹ chia sẻ những bức xúc: “Trên đường Xuân Thủy đoạn từ ĐH Quốc gia HN đến siêu thị Pico Plaza (Tòa nhà Xuân Thủy) có hai cái đèn tín hiệu dành cho người đi bộ sang đường.
Đôi khi tắc đường chỉ xuất phát đơn giản từ sự thiếu tôn trọng nhau như thế này
Tuy nhiên ý thức của những người tham gia giao thông rất kém. Ở đây thường xuyên xảy ra hiện tượng giao thông hỗn loạn, các phương tiện ì ạch lăn bánh. Điều này xuất phát từ việc những người tham gia giao thông qua đây kể cả người đi bộ lẫn người điều khiển các phương tiện giao thông khác đều không tôn trọng nhau.
Họ đi vào phần đường của nhau ngay cả khi đèn tín hiệu báo họ phải dừng lại. Nhất là sinh viên, khi đèn báo không được đi bộ qua nhưng vẫn có hàng chục sinh viên “rồng rắn” đi qua.
Và hậu quả của những việc này có thể nghiêm trọng đến mức xảy ra tai nạn giao thông. Như hôm kia là một ví dụ, tôi dừng lại chỗ đèn tín hiệu dành người di bộ sang đường thấy có 1 phụ nữ ngoài 30 tuổi đi qua. Ngay lúc đó có 2 người đi xe máy vẫn cố tình đi lên không chú ý đã đâm luôn vào người phụ nữ này khiến chị ấy bị gẫy chân”.
Cần hạn chế phương tiện cá nhân và xử phạt nặng hơn…
Để góp phần giải quyết vấn đề nan giải này, ông Thắng góp ý: “Tôi thấy ngã tư đường Nguyễn Chí Thanh -Láng mà bịt vào như hiện nay là không ổn. Nói đúng ra một ngã tư thì phải có phần giao cắt.
Bịt ngã tư liệu có là giải pháp triệt để khi vẫn ùn tắc như thế này?
Tôi nghĩ cơ quan chức năng nên có nghiên cứu để có thể điều chỉnh theo tín hiệu đèn thì ngã tư đó sẽ “thoát”: có thể là một chiều nhanh một chiều chậm tùy theo thời điểm lưu lượng xe trên đường nào tham gia nhiều hay ít.
Khi lái xe vào giờ cao điểm tôi thấy, tất cả các xe dồn vào một đoạn vòng sang bên kia đường như thế không thể nào nhúc nhích được. Bình thường, khi lượng người tham gia giao thông ít thì một chiếc xe buýt quay vòng tại đây là dễ dàng nhưng khi đông người thì việc quay đầu xe buýt trở nên rất khó khăn và rất dễ gây tắc đường vì những người điều khiển xe máy sẽ tận dụng mọi chỗ hở có thể để lách lên” .
Chúng ta đang thiếu văn hóa xếp hàng trong giao thông?
“Theo tôi, hạ tầng của mình cần phải được được thay đổi theo hướng cải thiện. Nhưng tôi nghĩ đó cũng chỉ là một phần mà quan trọng nhất là ý thức của người tham gia giao thông. Bởi vì ý thức tham gia giao thông là quan trọng nhất.
Xem qua truyền hình tôi thấy đường xá của nước ngoài cũng không hơn gì mình nhiều nhưng theo tôi điểm làm nên sự khác biệt đó chính văn hóa xếp hàng”. Ông Thắng nói.
Trước thông tin phân làn đường cho các phương tiện tham gia giao thông trên đường Kim Mã trong thời gian tới đây, ông Vỹ kiến nghị: “Tôi nghĩ nên để phần đường dành cho ô tô lớn hơn 1 chút và của người đi xe máy và phương tiện thô sơ nhỏ hơn 1 chút.
Cái đích cuối cùng của việc này là để cải thiện tình hình giao thông hiện nay. Vì vậy tùy vào thời điểm mà các phương tiện giao thông có thể đi sang phần đường của phương tiện một chút để tránh tắc đường”.
Tuy nhiên, cũng giống như ông Thắng, theo ông Vỹ nói: “Theo tôi, đề khắc phục hiện tượng tắc đường thì phải làm sao hạn chế được các phương tiện giao thông cá nhân. Thứ hai là phải thay đổi cho được ý thức của người tham gia giao thông”.
“ Chế tài xử lý những đối tượng vi phạm phải mạnh tay hơn. Nếu không xử lý mạnh thì chỗ này ra chỗ kia thì không ăn thua”. Ông Vỹ chia sẻ trước khi bắt đầu một lượt xe mới.
Theo Giáo Dục VN
Phòng, chống nạn đua xe: Cần chế tài mạnh
Sự việc chỉ trong mấy ngày cuối tuần vừa qua đã có 4 chiến sỹ CSGT gặp nạn, trong số đó có Thượng sỹ Lương Khánh Việt đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ truy quét các đối tượng đua xe, đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng "bão đêm" tại TP Hồ Chí Minh.Những cung đường tử thần
Theo thống kê của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67- Công an TP Hồ Chí Minh), nóng nhất hiện nay về tình trạng "bão đêm" là địa bàn quận Bình Thạnh. Hầu như hằng đêm, nhất là những ngày cuối tuần, tại những tuyến đường D2, Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn chạy vào bán đảo Thanh Đa), Phan Đăng Lưu, Chu Văn An... lại có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn "quái xế" tụ tập, rầm rầm rộ rộ nẹt pô, bốc đầu, lạng lách, đánh võng, đua tốc độ kinh hoàng. Theo các trinh sát của Phòng CSGT, thường thì khoảng 21 giờ đêm các "quái xế" điều khiển những chiếc xe "độ" bắt đầu đảo quanh nhiều tuyến đường để lôi kéo, tụ tập thành nhóm đông, đến khoảng 0 giờ thì chúng kéo nhau về các cung đường đua. Điển hình là tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn bán đảo Thanh Đa) và đường D2, khi số xe tụ tập đông tới cả ngàn chiếc thì các "quái xế" bắt đầu tổ chức "độ" xe bằng cách phần lớn dựng xe bên đường cổ vũ, để từng nhóm 2-4, hoặc 6 "quái xế" lao ra đường đua với nhau.Một vụ tai nạn do "quái xế" gây ra.
Không chỉ quận Bình Thạnh mà nhiều cung đường khác như đại lộ Võ Văn Kiệt (kéo dài từ quận 1, qua địa bàn các quận 5, 6, Bình Tân và huyện Bình Chánh), Thành Thái (quận 10)... cũng thường diễn ra tình trạng đua xe. Gần đây các "quái xế" còn chuyển hướng ra những tuyến đường trước kia chưa từng xảy ra nạn đua xe như Lê Văn Quới (quận Bình Tân), Âu Cơ, Bình Thới (quận 11), Nguyễn Tất Thành (quận 4)... thậm chí ngay cả khu vực nội thành như quận 1, quận 3 cũng đã xuất hiện vấn nạn này.
Ra quân nhiều, hiệu quả chẳng bao nhiêu Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP Hồ Chí Minh), trong ba ngày cuối tuần qua (từ ngày 9 đến 11-9), đơn vị này đã ra quân, cắm chốt tại các điểm nóng trên địa bàn, xử lý hơn 130 trường hợp vi phạm ATGT, phạt "nóng" 109 trường hợp, lập biên bản 27 trường hợp, tạm giữ 7 phương tiện do mắc các lỗi như lưu thông thành từng đoàn, thay đổi kết cấu xe, không có giấy tờ liên quan...Đáng ngạc nhiên là đến nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hầu như chưa có trường hợp đua xe trái phép, gây mất trật tự ATGT nào bị xử lý hình sự. Mới đây, công an quận 1 đã bắt giữ hai "quái xế" Lăng Đại Danh và Lê Tấn Đô để xử lý về hành vi "chống người thi hành công vụ". Đây là hai đối tượng đã chống trả quyết liệt, làm một CSGT bị thương nặng và một CSCĐ bị xây xát trong đêm 10-9. Tuy nhiên đây là trường hợp hiếm hoi, chỉ xử lý khi mức độ manh động đã gây tổn hại đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của người thi hành công vụ. Hầu hết các "quái xế" bị bắt giữ đều chỉ bị xử phạt hành chính, dù hiện nay Luật Hình sự đã quy định mức phạt tù đối với hành vi đua xe trái phép mà không cần phải có tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng.Đại tá Võ Văn Nhuận - Trưởng phòng PC67, Công an TP Hồ Chí Minh nhận định: Muốn giải quyết nạn tụ tập đua xe trái phép thì cần phải coi đây là một tệ nạn xã hội. Mặt khác cần phải có nhiều biện pháp mạnh tay hơn như lên danh sách, phân loại đối tượng để giáo dục, răn đe; thông báo về địa phương để kiểm điểm trước tổ dân phố; lên danh sách các điểm "độ" xe để xử lý, vận động, cam kết không được "độ" xe, tiếp tay cho "quái xế"; và quan trọng nhất là cơ quan công an chủ động phối hợp phòng ngừa, chốt chặn ngay từ đầu... Tuy nhiên, để hạn chế, tiến tới xóa bỏ vấn nạn này, điều cốt lõi vẫn là ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nhất là giới trẻ, cũng như sự đồng thuận, ủng hộ của các gia đình, các cơ quan, ban, ngành và toàn xã hội trong việc nâng cao tuyên truyền, giáo dục, vận động thanh, thiếu niên không tụ tập đua xe, gây mất trật tự ATGT.Theo Hà Nội Mới
Những nguyên nhân làm tình yêu phai nhạt Nhiều bạn luôn tự hỏi tại sao người ấy dễ thay lòng đổi dạ. Tại sao tình yêu sớm đến nhưng cũng mau chóng qua đi? Vậy đây chính là những nguyên nhân chính... Thiếu tôn trọng và vị tha Nền tảng của tình yêu là sự tôn trọng và vị tha. Thế nhưng rất nhiều bạn, vì sai lầm một hai lần...