Tác dụng không ngờ của âm nhạc có thể thay thế thuốc an thần
Trước khi trải qua một cuộc phẫu thuật, hầu hết mọi người trải qua những nỗi lo lắng và cần đến thuốc an thần. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã tìm ra một phương pháp thay thế có lợi hơn cho sức khỏe bệnh nhân.
Vấn đề lớn nhất gây lo lắng cho các bệnh nhân trước phẫu thuật là khả năng ảnh hưởng đến sự phục hồi, bao gồm cả việc chữa lành vết thương. Thông thường, mọi người nhận được các loại thuốc an thần benzodiazepin để giảm mức độ lo lắng trước khi được gây mê. Nhưng các loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp, lưu lượng máu, thậm chí là tâm trạng.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu đang đi tìm các giải pháp thay thế có lợi hơn cho sức khỏe của bệnh nhân. Và theo một thử nghiệm lâm sàng mới được công bố trên Tạp chí Gây mê & Thuốc giảm đau, đó chính là âm nhạc.
Sức mạnh của âm nhạc đối với sự lo lắng là chủ đề của nhiều nghiên cứu trước đây. Một đánh giá của 26 thử nghiệm được công bố vào năm 2013 kết luận rằng âm nhạc có thể có tác dụng đối với chứng lo âu trước phẫu thuật. Nhưng cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào so sánh âm nhạc với các loại thuốc an thần benzodiazepin.
Âm nhạc có tác dụng như thế nào?
Các chuyên gia tin rằng âm nhạc thư giãn có âm thanh rất dứt khoát. Theo nghiên cứu của Tạp chí Nam Y, một giai điệu không có lời bài hát, nhịp độ hoặc nhịp điệu không thay đổi đáng kể và ước tính 60 nhịp/phút hiệu quả nhất trong việc giảm lo lắng.
Trong thử nghiệm lâm sàng mới, các nhà nghiên cứu đã chia ngẫu nhiên 157 người trưởng thành tham gia thành hai nhóm, trong đó một nhóm đã được tiêm một loại thuốc benzodiazepine 3 phút trước khi gây mê.
Các nhà nghiên cứu đã đưa tai nghe khử tiếng ồn cho nhóm còn lại với một bản nhạc được lập trình sẵn trong 3 phút. Ban nhạc Marconi Union của Anh đã kết hợp với các nhà trị liệu âm thanh để tạo ra bài hát với mục đích làm giảm sự lo lắng.
Đáng ngạc nhiên, kết quả cho thấy những thay đổi về mức độ lo lắng trước phẫu thuật gây ra bởi cả hai phương pháp trên là giống nhau. Các bác sĩ cũng báo cáo mức độ hài lòng tương tự.
Sự khác biệt thực sự duy nhất là những người nghe nhạc cảm thấy ít hài lòng hơn những người trong nhóm sử dụng thuốc an thần. Các nhà nghiên cứu tin rằng phản ứng này có thể đã bị ảnh hưởng bởi việc những người tham gia không được tự chọn bản nhạc.
Huy Hoang
Theo: medicalnewstoday/vietQ
Có rất nhiều buổi diễn, NSND Doãn Tần phải ôm đầu trong đau đớn
NSND Doãn Tần bị mắc chứng đau đầu từ khi còn trẻ, sau này, bệnh tiến triển khiến sức khỏe của anh giảm sút và ảnh hưởng đến cả công việc.
Trong ký ức của những nghệ sĩ từng có thời gian làm việc với NSND Doãn Tần, anh là một người hiền lành, chăm chỉ và là tấm gương sáng về một người nghệ sĩ, chiến sĩ, một người chỉ huy mẫu mực, luôn trân quý đồng nghiệp và sẵn lòng chỉ bảo cho lứa đàn em.
Đặc biệt là với NSƯT Kim Tiến, đã để lại trong cô những dấu ấn khó phai về một nhân cách và tài năng âm nhạc tuyệt vời.
NSND Doãn Tần trong một buổi biểu diễn. (Ảnh: NVCC cung cấp)
Người đội trưởng tự mình bốc vác, lo từng bữa ăn cho anh em trong đoàn
NSƯT Kim Tiến kể, cô đã biết NSND Doãn Tần từ khi mới 15-16 tuổi qua các bài hát được phát trên đài. Rồi khi về Hà Nội học, có cơ hội được đi xem những buổi tập của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, lúc đó anh Doãn Tần là giọng đơn ca chính, cô lại càng ngưỡng mộ giọng hát của anh hơn.
Nữ ca sĩ vẫn còn nhớ lần đầu đứng chung sân khấu với ca sĩ Doãn Tần là vào khoảng năm 1988, khi cô còn là sinh viên năm 3 khoa Thanh nhạc, trường Nghệ thuật Quân đội. Sau khi tốt nghiệp, cô có may mắn được về Đội ca múa nhạc nhẹ quân đội, do Doãn Tần là đội trưởng đội ca.
Trong những ngày tháng khốn khó về cơ sở vật chất, điều kiện cho các nghệ sĩ đi diễn, nghệ sĩ Doãn Tần vẫn luôn làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ của một người đội trưởng rồi đoàn phó, đoàn trưởng.
NSƯT Kim Tiến nhớ lại: "Lần nào đi diễn, anh Doãn Tần cũng phải đi tiền trạm. Đầu thập kỷ 90, thiết bị âm thanh, ánh sáng rất cồng kềnh, phải cực khéo mới xếp được hết lên chiếc xe tải. Anh Tần luôn phải đi trước buổi diễn vài tiếng đến nửa ngày, nhiều khi xuất phát lúc nửa đêm để lo nơi ăn chốn ở cho mấy chục diễn viên, ca sĩ. Trong chiếc áo quân phục của mùa hè hay bộ áo dạ mùa đông, mọi người luôn thấy anh năng nổ, tự mình bốc vác đồ để triển khai sân khấu cùng anh em.
NSƯT Kim Tiến (phải) và NSND Hữu Tần (trái) trong một buổi biểu diễn vào khoảng năm 1990.
Có lần, để phục vụ cho chuyến lưu diễn xuyên Việt phục vụ bộ đội với khoảng 30 diễn viên trong 90 ngày, anh Doãn Tần đã phải một mình đi xuyên Việt, trực tiếp khảo sát từng địa hình di chuyển, từng địa điểm sân khấu, đối tượng khán giả để lên kế hoạch từ rất sớm...
Người đội trưởng của chúng tôi đã có lúc coi xe tải cửa lùa là nhà, lo đối nội, đối ngoại, lo cho anh em đến từng bữa ăn rồi rạng rỡ, hào sảng bước ra sân khấu, cất giọng cao vút "Việt Nam! Trên đường chúng ta đi..."
Trong đoàn, anh Doãn Tần lớn tuổi nhất nhưng giữa chúng tôi gần như không có khoảng cách. Anh hay tán gẫu, tìm hiểu tâm tình của mọi người. Anh còn để chúng tôi thoải mái bịa đặt kể xấu một cách vui nhộn về mình rồi cười thật lớn. Với đồng nghiệp, anh là con người hiền lành, chăm chút về nghề nghiệp. Anh là tấm gương về một người nghệ sĩ, chiến sĩ, một người chỉ huy gương mẫu, trân quý đồng nghiệp".
Clip: "Đường chúng ta đi" - NSND Doãn Tần
Có một sức mạnh kỳ lạ giúp NSND Doãn Tần hát dù đau đớn vì bệnh
NSND Doãn Tần bị mắc chứng đau đầu từ khi còn trẻ, sau này, bệnh tiến triển khiến sức khỏe của anh giảm sút và ảnh hưởng đến cả công việc. Nhưng dường như âm nhạc có một sức mạnh kỳ diệu, xua tan bệnh tật của anh.
"Có nhiều hôm đoàn đi diễn, anh phải nằm trong phòng, hai tay ôm chặt lấy đầu vì đau. Những lúc như vậy, cả đội buồn thiu, ai cũng cố nói nhỏ để anh đỡ đau. Có rất nhiều đêm diễn tưởng rằng phải thiếu tiết mục của anh, thế nhưng cứ như có một sức mạnh nào đó nâng đỡ anh, để đến gần phần trình diễn của mình thì anh lại bật dậy, hát cho bộ đội nghe như chưa hề ốm đau gì. Anh hát cho đến khi không còn có thể nữa.
Những buổi diễn cuối cùng của anh là vào năm 2010. Lúc ấy, bệnh Alzheimer làm anh khó tập trung, luôn phải có một người ở bên cạnh để dắt anh ra mỗi khi đến phần trình diễn. Dù trí nhớ của anh bị ảnh hưởng nhưng kỳ lạ, chưa có 1 buổi biểu diễn nào mà anh Tần không hoàn thành. Trước khi ra sân khấu, anh có thể đãng trí, nhưng khi bước vào ánh đèn sân khấu, anh lại hát rất chỉn chu. Chúng tôi luôn thấy tự hào và khâm phục anh".
NSND Doãn Tần và vợ. (Ảnh: NVCC)
NSƯT Kim Tiến nghẹn ngào kể, cách đây 4 năm, khi lên nhà thăm anh, NSND Doãn Tần cười với cô rất hiền nhưng anh không còn nhận ra cô nữa. Bệnh Alzheimer tiến triển nặng khiến gia đình rất vất vả chăm anh.
"Những ngày tháng cuối cùng là chuỗi thời gian bệnh tật triền miên. Thậm chí, có nhiều lần, vì nhớ quê hương Thái Bình, anh xách túi đi ra khỏi nhà để tìm đường về quê rồi bị lạc, thậm chí ngã gãy cả chân. Nhưng may mắn bên cạnh anh có người vợ - chị đã hy sinh cả cuộc đời, cả tuổi trẻ cho anh, chăm sóc anh tận tình. Suốt năm tháng cuối đời, chị không rời khỏi anh giờ nào".
Giờ, anh đã về miền cực lạc. Dù gia đình, bạn bè, người thân đã chuẩn bị tinh thần từ lâu vì anh ốm nặng và rất yếu, nhưng không thể nào ngăn được niềm đau xót và tiếc nuối này.
"Khi nghe tin anh mất, tất cả những giai điệu, bài hát mà anh từng hát cứ vang ở bên tai tôi. Tôi sẽ mãi nhớ trong tim NSND Doãn Tần - người anh hiền lành, người đội trưởng gương mẫu với giọng hát hào sảng và trái tim yêu thương âm nhạc"./.
Theo vov
Thần đồng piano 15 tuổi Quách Hoàng Nhi biểu diễn tác phẩm Beethoven trong đêm nhạc Việt - Nhật Quách Hoàng Nhi sẽ trình diễn trong đêm nhạc này cùng các nghệ sĩ quốc tế khác. Đúng 2 tháng nữa, đêm hòa nhạc Việt Nam - Nhật Bản mang tên Spring of music & friendship - Mùa xuân của âm nhạc và tình hữu nghị sẽ diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội. Một trong những cái tên gây...