Tác động của luật an ninh mới tới Hong Kong
Luật an ninh do quốc hội Trung Quốc thông qua có thể ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống tư pháp, truyền thông và vị thế thương mại của Hong Kong.
Nửa triệu dân Hong Kong hồi năm 2003 xuống đường biểu tình phản đối việc chính quyền đặc khu đề xuất dự luật an ninh theo Điều 23 trong Luật Cơ bản. Điều 23 quy định đặc khu Hong Kong được tự ban hành luật an ninh riêng để cấm các hành vi làm phản, ly khai, xúi giục, nổi loạn hoặc lật đổ.
Phản ứng dữ dội của người dân buộc trưởng đặc khu Hong Kong khi đó là Đổng Kiến Hoa phải tuyên bố gác lại dự luật do “không hội đủ sự ủng hộ”.
17 năm kể từ đó, bất chấp cam kết sẽ ban hành luật an ninh cùng sức ép từ phía Bắc Kinh, chính quyền Hong Kong vẫn né tránh tái khởi động quá trình này. Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như đã hết kiên nhẫn sau hơn 6 tháng biểu tình năm ngoái ở đặc khu. Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), tức quốc hội Trung Quốc, vừa đề xuất luật an ninh Hong Kong trong phiên họp thường niên khai mạc ngày 22/5.
Những chi tiết trong dự thảo luật an ninh Hong Kong lần này vượt xa dự luật được ông Đổng Kiến Hoa đưa ra hồi năm 2003. Bên cạnh việc hình sự hóa hành vi “làm phản, ly khai, nổi loạn và lật đổ” nhắm vào chính quyền trung ương, luật này còn cho phép các cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc lập văn phòng tại đặc khu để “tiến hành các nhiệm vụ liên quan để bảo vệ an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật”.
Dự luật an ninh Hong Kong dự kiến được NPC thông qua vào cuối tháng này và sớm được áp dụng tại đặc khu. Các nhà phê bình cho rằng nó sẽ tác động mạnh mẽ đến toàn bộ xã hội Hong Kong, từ khía cạnh chính trị đến truyền thông, giáo dục và doanh nghiệp quốc tế.
Cảnh sát bắn hơi cay và đạn cao su vào người biểu tình chống dự luật dẫn độ ở Hong Kong hồi tháng 8/2019. Ảnh: Reuters.
Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, có quyền tự soạn thảo và điều chỉnh luật của riêng mình theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Vì vậy, thành phố có hệ thống tư pháp độc lập và các quyền tự trị khác với Trung Quốc đại lục. Các quyền này được quy định trong Luật Cơ bản, văn kiện được xem như “tiểu hiến pháp” của Hong Kong, và được bảo đảm nhờ Tuyên bố chung Trung – Anh năm 1984 về phương án quản lý đặc khu.
Luật an ninh mới đặt ra thách thức đối với tất cả điều trên. Việc hình sự hóa một loạt hành vi bị quy là “làm phản, ly khai, nổi loạn và lật đổ” nhắm vào chính quyền trung ương, luật này có thể giúp chính quyền có thêm phương án kiềm chế phe đối lập tại Hong Kong vào thời điểm họ thấy phù hợp.
Video đang HOT
Luật cũng mở đường để lực lượng an ninh Trung Quốc hoạt động công khai và rộng rãi hơn tại Hong Kong. Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 22/5, nghị sĩ đảng Dân chủ Helena Wong cho hay ngay cả chính quyền Hong Kong cũng không có quyền can thiệp vào hoạt động của lực lượng an ninh từ Trung Quốc đại lục tại đặc khu.
Trong khi đó, nghị sĩ Claudia Mo đánh giá luật an ninh chứng minh “Bắc Kinh sẽ làm mọi thứ để kiểm soát Hong Kong bằng bất cứ giá nào”.
Hệ thống tòa án ở Hong Kong, vốn hoạt động riêng biệt với Trung Quốc đại lục, có thể gặp khó khăn khi thực thi luật an ninh mới. Dù vận hành theo cơ chế riêng, tòa án Hong Kong không có quyền ra phán quyết đảo ngược luật này, bởi NPC là cơ quan duy nhất có quyền “giải thích” cho bất kỳ vấn đề hiến pháp nào.
Sự mơ hồ, bối rối do những điều luật mới tạo ra và các “cuộc chiến pháp lý” kéo dài nhiều khả năng diễn ra tại tòa án có thể gây tổn hại danh tiếng của nền tư pháp Hong Kong, yếu tố quan trọng đối giúp đặc khu vươn lên thành trung tâm tài chính và kinh doanh quốc tế.
Khác với dự luật dẫn độ gây ra tình trạng bất ổn năm ngoái, phạm vi tác động của luật an ninh được cho là rộng lớn hơn nhiều, bao gồm ảnh hưởng đến ngành truyền thông. Các nhóm nhà báo tại Hong Kong từ lâu đã lên tiếng về sự kiểm duyệt ngày càng gắt gao, trong bối cảnh áp lực từ Bắc Kinh gia tăng. Một số hãng thông tấn và đài truyền hình ở đặc khu đã thuộc về chủ sở hữu Trung Quốc đại lục.
Các nhà báo quốc tế cũng chưa biết hoạt động tác nghiệp trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng ra sao khi luật an ninh mới có hiệu lực. Hiện nay, họ được tự do làm việc tại Hong Kong, không phải bận tâm đến vấn đề visa hay những hạn chế khác như các đồng nghiệp tại Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, sự kiểm soát mới đối với Hong Kong có thể khiến nhiều hãng truyền thông rời thành phố.
Luật an ninh còn có thể dẫn đến sự thay đổi với cơ quan lập pháp Hong Kong, nơi các nghị sĩ không có quan điểm thân Bắc Kinh chiếm khoảng 1/3 số ghế. Những năm gần đây, nhiều nghị sĩ bị trục xuất khỏi cơ quan này, trong khi một số ứng viên bị ngăn cấm. Với luật mới, chính quyền Hong Kong được cho là có thêm quyền để loại bỏ các nghị sĩ đối lập, thậm chí truy tố họ vì cản trở ban hành luật pháp, đặc biệt trên cơ sở an ninh quốc gia.
Tác động của dự luật an ninh còn có khả năng vượt ra khỏi Hong Kong. Các thượng nghị sĩ Mỹ dự kiến đưa ra một bản đánh giá theo Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong (HKDA), nhằm xem xét liệu thành phố còn đủ mức độ tự trị với Trung Quốc đại lục để được hưởng trạng thái thương mại đặc biệt hay không.
Trạng thái thương mại đặc biệt với Mỹ giúp Hong Kong không chịu các mức thuế mà Mỹ áp với Trung Quốc, cũng như là điều kiện quan trọng để đặc khu hưởng các ưu đãi thương mại khác. Nếu vị thế thương mại đặc biệt này bị hủy bỏ, một loạt tập đoàn, công ty có thể rời khỏi Hong Kong.
Hôm 21/5, một số nghị sĩ Mỹ cho biết họ sẽ đề xuất một dự luật lưỡng đảng nhằm trừng phạt các quan chức và thực thể Trung Quốc thực thi luật an ninh ở Hong Kong, bởi hành vi này bị coi là “vi phạm trắng trợn” Tuyên bố chung Trung – Anh.
Một người biểu tình bên ngoài tòa nhà của chính quyền ở Hong Kong hồi tháng 9/2014. Ảnh: Reuters.
Theo bình luận viên James Griffiths của CNN, Trung Quốc có thể đang đánh cược vào giả định rằng Covid-19 đã làm suy yếu khả năng, cũng như quyết tâm gây sức ép của cộng đồng quốc tế với họ về vấn đề Hong Kong. Nước Anh là ví dụ điển hình, khi họ vừa rời Liên minh châu Âu và ngày càng phụ thuộc vào quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Những người biểu tình Hong Kong từng ngăn chặn được việc ban hành luật an ninh theo Điều 23 của Luật Cơ bản năm 2003, hay gây sức ép buộc chính quyền phải rút dự luật dẫn độ hồi năm ngoái. Tuy nhiên, chưa rõ họ có thể làm gì để ngăn luật an ninh mới được quốc hội Trung Quốc ban hành.
Dù một số nhà hoạt động Hong Kong tuyên bố sẽ lại tiếp tục kêu gọi biểu tình chống luật an ninh mới, bình luận viên Griffiths cho rằng khả năng thành công của họ là rất thấp. “Động thái của Bắc Kinh diễn ra giữa lúc Hong Kong vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn nCoV lây lan, đồng nghĩa với việc người dân sẽ e ngại tham gia các cuộc biểu tình rầm rộ như năm ngoái”, Griffiths viết.
Cảnh sát Hồng Kông cân nhắc trang bị súng điện, súng lưới đối phó biểu tình
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn tin tiết lộ cảnh sát Hồng Kông đang tiến hành so sánh các dòng thiết bị sốc điện và súng lưới bán trên thị trường, nhằm chọn ra loại giúp nâng cao năng lực xử lý hoạt động biểu tình.
Thiết bị sốc điện đặc biệt nguy hiểm với người mắc bệnh tim - Ảnh: Shutterstock
Theo nguồn tin: "Mục đích là để có thêm nhiều phương án sử dụng vũ lực thay vì tăng mức độ bạo lực hay đem theo vũ khí gây chết người. Như vậy có lợi cho cả cảnh sát lẫn người bị bắt giữ, vì người bị bắt giữ càng chống cự lâu thì rủi ro hai bên đều bị thương càng cao".
Trong cuộc họp Hội đồng Lập pháp Hồng Kông ngày 15.1, người đứng đầu lực lượng an ninh Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu) không phủ nhận thông tin nêu trên.
"Cảnh sát sẽ chống lại hành vi phi pháp bằng cách sử dụng vũ lực phù hợp. Cục An ninh đặc khu ủng hộ bất cứ biện pháp nào góp phần xử lý bạo lực tốt hơn mà vẫn giảm thiểu thương vong. Thiết bị cảnh sát cân nhắc đến đều đã được dùng ở nước ngoài, giúp giảm thương vong hiệu quả", ông Lý phát biểu.
Lực lượng an ninh Hồng Kông trong hơn 7 tháng qua chủ yếu dùng hơi cay, đạn cao su cùng đạn túi đậu, cũng có lúc bắn cả đạn thật.
SCMP cho biết cảnh sát bắt đầu thử nghiệm thiết bị sốc điện sau vụ bạo loạn Vượng Giác (Mong Kok) năm 2016. Sau đó họ không xúc tiến ý tưởng này do lo ngại về ảnh hưởng sức khỏe lẫn chính trị, nhưng gần đây xem xét lại.
Thiết bị sốc điện và súng lưới giúp giảm thương vong? - Ảnh: Reuters
Chủ tịch Hiệp hội cảnh sát Lam Chi-wai đánh giá thiết bị sốc điện và súng lưới ít có nguy cơ gây chết người hơn nên nếu được sử dụng hợp lý sẽ nâng cao năng lực kiềm chế bạo lực. Một nguồn thạo tin khác nhận định hiệu quả của hơi cay đã giảm do người biểu tình trang bị đồ bảo hộ tốt hơn, đồng thời đảm bảo cảnh sát sẽ nghiên cứu kỹ càng trước khi triển khai vũ khí mới.
Cựu nhân viên cảnh sát cấp cao Clement Lai Ka-chi cũng thừa nhận thiết bị sốc điện giúp hạn chế ẩu đả giữa hai bên, tuy nhiên lưu ý về hậu quả ngoài ý muốn nếu người bị bắt giữ có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Giám đốc tổ chức Human Rights Monitor tại Hồng Kông Law Yuk-kai cho rằng vũ khí mới không cần thiết vì cảnh sát hiện có đủ phương án xử lý biểu tình. Ông khuyến cáo thiết bị sốc điện đặc biệt nguy hiểm với người mắc bệnh tim.
Lực lượng an ninh Mỹ, Anh, Úc, Singapore, Nhật Bản đều sử dụng thiết bị sốc điện hoặc súng lưới. Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International) thống kê trong giai đoạn 2001-2012 có ít nhất 500 trường hợp tử vong do bị sốc điện lúc bị bắt hay giam giữ.
Cẩm Bình (theo SCMP)
Theo motthegioi.vn
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật về Hong Kong Thượng viện Mỹ thông qua dự luật có thể mở đường cho việc trừng phạt ngoại giao và kinh tế với chính quyền Hong Kong nếu mạnh tay với người biểu tình. Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật hôm 19/11 nhằm bảo vệ nhân quyền ở Hong Kong, giữa lúc các cuộc biểu tình biến thành bạo lực đã làm...