Tác động của lệnh trừng phạt với nền kinh tế Nga và kịch bản tiếp theo
Trong khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây vẫn chưa giúp chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, chúng đang gây ra những tác động nghiêm trọng với người dân Nga.
Nga đang là quốc gia bị phương Tây áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nhất thế giới. Ảnh: NYT
Theo đánh giá của Tiến sĩ Evgeny Gontmakher, từng giữ cương vị vụ trưởng trong Chính phủ Nga, Giáo sư tại Trường Kinh tế Cao cấp Đại học Nghiên cứu Quốc gia ở Moskva, vào tháng 3/2022, Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới. Nước này phải chịu hơn 5.000 lệnh trừng phạt có mục tiêu khác nhau, nhiều hơn cả Iran, Venezuela, Myanmar và Cuba cộng lại.
Với 1.194 lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva, Mỹ là quốc gia đứng đầu về lệnh trừng phạt, tiếp theo là Canada (908) và Thụy Sĩ (824).
Trong số các hạn chế đối với lĩnh vực tài chính, đáng kể nhất là việc đóng băng một nửa số vàng và dự trữ ngoại hối của Nga được lưu trữ ở phương Tây – 300 tỷ USD. Một số quốc gia phương Tây đã đình chỉ dịch vụ của các chi nhánh ngân hàng Nga hoạt động trên lãnh thổ của họ và các ngân hàng hàng đầu của Nga đã bị ngắt kết nối khỏi hệ thống SWIFT.
Phương Tây cũng đang tiến tới lệnh cấm vận nhập khẩu tài nguyên khoáng sản từ Nga. Đến cuối năm 2022, Mỹ và hầu hết các nước châu Âu có thể sẽ ngừng mua dầu và than của Nga. Sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt của Nga cũng đang giảm dần.
Các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân cũng được áp dụng với giới lãnh đạo Nga đều bị nhắm mục tiêu, bắt đầu từ Tổng thống Vladimir Putin, các thành viên chính phủ và các nghị sĩ trong Quốc hội, cũng như hầu hết các doanh nhân lớn của Nga. Người đứng đầu các kênh truyền hình do nhà nước quản lý cũng bị áp lệnh trừng phạt.
Ngoài các biện pháp này, nhiều thành phần phi nhà nước cũng đang tẩy chay Nga. Ví dụ, hàng trăm công ty đã từ chối tiếp tục hoạt động tại nước này, bao gồm những gã khổng lồ như McDonald’s, Coca-Cola, KFC, BP và Shell. Và xu hướng này vẫn tiếp diễn.
Tác động với nền kinh tế
Tổn thất rõ ràng nhất là trong lĩnh vực vận tải hàng không. Hàng không dân dụng Nga đang phải đối mặt với những lệnh cấm chưa từng có. Gần một nửa thế giới đóng cửa với các chuyến bay từ Nga. Bên cho thuê nước ngoài đã thu hồi máy bay của họ. Các công ty bảo hiểm từ nước ngoài đang chấm dứt hợp đồng. Các nhà sản xuất máy bay phương Tây không còn thực hiện bảo trì cho các máy bay do Nga sở hữu. Vào tháng 1/2022, các hãng hàng không Nga đã vận chuyển 8,1 triệu lượt khách; trong tháng 3, chỉ còn 5,2 triệu. Tại các sân bay lớn nhất, nhân viên được cho nghỉ việc các nhà ga đóng cửa.
Một lĩnh vực khác mà hiệu lực của các lệnh trừng phạt đã thể hiện rõ ràng là ngành công nghiệp ô tô. Hầu hết các nhà máy ô tô ở Nga đều sản xuất ô tô dưới nhãn hiệu nước ngoài hoặc sử dụng các linh kiện nước ngoài. Kết quả là trong tháng 4, chỉ có hai nhà máy lắp ráp ô tô hoạt động đầy đủ. Những đơn vị còn lại đều đã chuyển sang làm công việc bán thời gian hoặc ngừng hoạt động.
Sản xuất dầu của Nga cũng đã bắt đầu giảm. Vào tháng 4/2022, Nga đã giảm sản lượng gần 9% so với tháng 3.
Video đang HOT
Trong khi đó, lạm phát đang tăng mạnh. Chỉ trong tháng 3/2022, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 7,6% so với tháng 2. Theo một cuộc khảo sát của các chuyên gia do Ngân hàng Trung ương Nga thực hiện, lạm phát vào cuối năm 2022 dự kiến sẽ là 20%.
Ngân hàng trung ương của nước này cũng dự báo rằng nền kinh tế sẽ thực sự bắt đầu cảm thấy tác động của các lệnh trừng phạt vào cuối Quý II và trong Quý III năm nay. Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết vào tháng 4 rằng hiện nền kinh tế Nga có thể tạm thời ổn định bằng nguồn dự trữ, nhưng cuối cùng chúng sẽ cạn kiệt và sau đó dẫn đến chuyển đổi cơ cấu và “tìm kiếm các mô hình kinh doanh mới”. Điều này có nghĩa là gì vẫn chưa thể dự đoán và phần lớn phụ thuộc vào tình hình quân sự ở Ukraine.
Biện pháp đối phó
Theo dữ liệu chính thức của Quý I/2022, thu nhập thực tế của người dân Nga giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Chính phủ Nga đã ngừng công bố dữ liệu hàng tháng về thu nhập thực tế.
Kỳ vọng của người tiêu dùng cũng đã thay đổi đáng kể kể từ cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2022. Hơn một nửa số người Nga (65%) đã bị giảm thu nhập trong tháng 3, trong khi 64% giảm chi phí. Hơn một nửa số người được hỏi (66%) đang gặp khó khăn trong công việc.
Người dân Nga bị ảnh hưởng nặng nề do các lệnh trừng phạt, khiến giá thực phẩm leo thang. Ảnh: Gisreportsonline.com
Phần lớn (94%) người được hỏi cảm nhận được tác động do gia tăng giá, đặc biệt là đối với các sản phẩm và hàng hóa khác thuộc nhóm tiêu dùng cơ bản: quần áo và giày dép, thuốc men, đồ nội thất và hàng hóa cho trẻ em. Theo đa số (88%), tình hình kinh tế ngày càng trở nên tồi tệ, đặc biệt ảnh hưởng đến những người có thu nhập thấp.
Người Nga cho biết họ đã giảm chi tiêu trong các lĩnh vực sau: ăn uống – 64%, du lịch – 57%, giải trí (rạp chiếu phim, rạp hát) – 50%, sửa sang nhà cửa – 47% và nội thất – 46%. Họ cũng giảm chi tiêu cho các sở thích cá nhân, rượu, mỹ phẩm và thẩm mĩ. Chi tiêu cho mua sắm trang phục đã giảm 40% và mua hàng tạp hóa giảm 30%.
Theo số liệu chính thức, mức thất nghiệp vào tháng 3/2022 khá thấp: 4,1% theo phương pháp luận của Tổ chức Lao động Quốc tế. Giả sử rằng tình hình kinh tế ở Nga sẽ xấu đi do các lệnh trừng phạt được áp đặt, thì chỉ số này có thể sẽ tăng lên, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ. Thị trường lao động Nga, khi bắt đầu gặp khó khăn về kinh tế, phản ứng không phải bằng cách sa thải nhân viên, mà bằng cách giảm lương hoặc giờ làm.
Điều này là do quan điểm của các nhà chức trách, vốn lo ngại tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh gây ra các cuộc biểu tình lan rộng. Phương pháp này nhằm giảm thu nhập của người lao động trong khi duy trì việc làm bán thời gian, như đã được sử dụng ở Nga vào những năm 1990, trong cuộc khủng hoảng kinh tế 2008-2009 và phong tỏa vì đại dịch COVID-19 giai đoạn 2020-2021.
Các kịch bản tiếp theo
Theo kịch bản bi quan, xung đột sẽ tiếp tục trong vài tháng tới và phương Tây áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ, có thể một phần là lệnh cấm vận khí đốt. Điều này sẽ dẫn đến nguồn thu ngoại hối cho ngân sách Nga giảm mạnh và nhà nước sẽ gặp khó khăn lớn trong việc thực hiện các nghĩa vụ kinh tế và xã hội của mình. Mức sống của đại bộ phận người dân sẽ giảm đi đáng kể.
Trong một phiên bản ít bi quan hơn, các hoạt động quân sự sẽ sớm dẫn đến một thỏa thuận ngừng bắn. Trong kịch bản này, nền kinh tế sẽ chịu áp lực ít hơn.
Trong một kịch bản lạc quan, một hiệp ước hòa bình cùng có lợi giữa Ukraine và Nga có thể được ký kết. Nhưng để đạt được điều này, sẽ phải có những nhượng bộ lớn giữa hai nước. Khi đó, áp lực của các lệnh trừng phạt sẽ dần giảm bớt và nền kinh tế Nga có thể tiếp tục tăng trưởng và hoạt động bình thường.
Giáo sư Gontmakher cho rằng, kể từ tháng 5/2022, kịch bản thứ hai có nhiều khả năng xảy ra nhất.
Sau lệnh trừng phạt dầu, liệu EU có cấm khí đốt của Nga?
Sự leo thang về giá cả sinh hoạt và cuộc tranh luận gay gắt về dầu mỏ có thể khiến các nhà lãnh đạo EU phải cảnh giác với một lệnh cấm khí đốt từ Nga.
Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Tòa nhà Hội đồng Châu Âu ở Brussels ngày 30/5. Ảnh: AFP
Sau một tháng "mặc cả" về việc làm thế nào để cấm dầu của Nga, EU chỉ đạt được một thỏa hiệp nhỏ khi cho phép những đường ống dẫn dầu tiếp tục chảy và các lệnh trừng phạt của EU đối với xuất khẩu năng lượng của Moskva đã đi đến "cuối con đường".
Đó là đánh giá của Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo khi tổng kết về các cuộc đàm phán căng thẳng, vốn kết thúc với kết quả mà Hungary tuyên bố họ là "người chiến thắng". Theo logic, bước tiếp theo trong việc tăng cường áp lực với Moskva sẽ là cấm khí đốt của Nga. Nhưng đối với ông De Croo và những người khác, điều đó có nguy cơ làm tổn thương EU nhiều hơn là Nga.
Điều này còn trở nên khó khăn hơn sau khi số liệu thống kê kinh tế mới được công bố hôm 31/5 cho thấy lạm phát trong khu vực đồng euro đã tăng lên 8,1% vào tháng 5 và bất kỳ cú sốc nguồn cung nào nữa từ Nga gần như chắc chắn sẽ khiến hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình tăng vọt.
Trong khi EU đã cam kết chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tỏ ra không vội vàng. "Tôi nghĩ điều này không nên đề cập vì không ai biết điều gì sẽ xảy ra và xung đột sẽ kéo dài trong bao lâu", ông Macron nói với các phóng viên tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels khi được hỏi về việc cấm khí đốt của Nga.
Một nhà ngoại giao EU khác đã mô tả các lệnh trừng phạt dầu mỏ Nga là một điểm tới hạn: "Tất nhiên, mọi thứ có thể thay đổi nếu có điều gì đó thay đổi mạnh mẽ trên thực địa ở Ukraine. Nhưng đến lúc này, khí đốt không phải là một lựa chọn".
Tuy nhiên, việc EU từ bỏ mục tiêu nhằm vào khí đốt của Nga chắc chắn sẽ khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có cảm giác bị bỏ rơi. Trong một bài phát biểu trực tuyến tại hội nghị thượng đỉnh EU, ông Zelenskyy đã kêu gọi áp đặt lệnh cấm đối với "tất cả" các nguồn năng lượng của Nga. Kể từ khi xung đột nổ ra, các nước EU vẫn chi hàng chục tỷ euro cho việc nhập khẩu khí đốt, dầu và than của Nga.
Trước mắt, các khoản thanh toán đó sẽ tiếp tục. Trong khi than đá đang được loại bỏ dần, lệnh cấm nhập khẩu dầu một phần của EU sẽ mất nhiều tháng để áp dụng. Ngay cả khi việc giao hàng bằng tàu cuối cùng bị cấm, nguồn cung dầu bằng đường ống sẽ tiếp tục chảy, theo các điều khoản miễn trừ do Thủ tướng Hungary Viktor Orbán bảo đảm.
Để Hungary và các quốc gia không giáp biển khác ủng hộ lệnh cấm dầu mỏ, EU đã tránh một cách chiến thuật các cuộc thảo luận sâu về gói trừng phạt tiếp theo tại hội nghị thưởng đỉnh của họ. EU cũng không đề cập đến các bước tiếp theo trong kết luận của hội nghị thượng đỉnh.
Nhiều nước châu Âu vẫn phụ thuộc chặt chẽ vào khí đốt của Nga. Ảnh: GS
Việc cấm dầu của Nga đã gây chia rẽ, nhưng không cấm được khí đốt có thể cũng sẽ chia rẽ EU.
Những người ủng hộ mạnh mẽ nhất với Ukraine, đặc biệt là các nước Baltic, muốn EU tiếp tục siết chặt trừng phạt Nga. Họ vẫn nhấn mạnh rằng khí đốt nên là mục tiêu tiếp theo.
Thủ tướng Latvia Krijānis Kariņ cho biết: "Các biện pháp trừng phạt càng mạnh thì xung đột càng sớm kết thúc. Ba tháng sau khi xung đột nổ ra, chúng ta đã áp dụng hết lệnh trừng phạt này đến lệnh trừng phạt khác, ngày càng cứng rắn hơn, mặc dù thực tế là các lệnh trừng phạt có ảnh hưởng tiêu cực đến các nước thành viên EU".
Về phần mình, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cũng muốn khí đốt được đưa vào vòng trừng phạt tiếp theo của EU. Nhưng bà thừa nhận điều này khó có thể xảy ra sau các cuộc đàm phán kéo dài về dầu mỏ.
Bà Kaja Kallas nói: "Khí tất nhiên khó hơn nhiều so với dầu trước đó. Tất cả các biện pháp trừng phạt tiếp theo sẽ khó khăn hơn vì cho đến nay chúng chỉ gây tổn thương cho người dân Nga và ảnh hưởng cả với người châu Âu. Đó là lý do tại sao nó khó khăn hơn nhiều về mặt chính trị".
Châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào Nga về khí đốt (40% nguồn cung cấp khí đốt) so với than hoặc dầu. Các cường quốc kinh tế như Đức và Italy đã cảnh báo về tác động nếu Brussels đột ngột chấm dứt nhập khẩu khí đốt của Nga.
Một số nhà lãnh đạo Tây Âu còn nói rằng họ bắt đầu "kiệt sức với cuộc xung đột hoặc thậm chí ám chỉ rằng Ukraine nên nhượng bộ để đạt được một lệnh ngừng bắn".
Thủ tướng Áo Karl Nehammer, quốc gia nhập khẩu khoảng 80% khí đốt tự nhiên từ Nga, cho biết lệnh cấm vận khí đốt sẽ không được thảo luận trong gói trừng phạt tiếp theo.
Trong khi Đức đã giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, nước này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Moskva để duy trì nguồn cung cấp năng lượng của mình. Một loạt các quốc gia không giáp biển như Séc, Hungary và Slovakia cũng sẽ ngay lập thức gặp thách thức nếu không có khí đốt của Nga.
Ngoài những lo ngại về kinh tế, còn có vấn đề chính trị của quá trình thiết kế các gói trừng phạt ở Brussels, đặc biệt liên quan đến khí đốt. Do đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen có khả năng sẽ cảnh giác về một lệnh cấm vận khí đốt, sau khi bà đã nỗ lực hết sức để được thông qua lệnh cấm dầu.
Sự ủng hộ của người dân Mỹ đối với Ukraine đang giảm dần Các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ của người dân Mỹ đối với Ukraine đang suy yếu khi chính quyền Biden tăng cường viện trợ. Tổng thống Joe Biden nói chuyện với các nghị sĩ Mỹ trước một phiên họp chung của Quốc hội. Ảnh: AP Theo Giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) Mark Watson, trong vòng vài...