Tác động của giới ca sĩ tới cộng đồng LGBTQ+
Dưới sự ủng hộ nhiệt tình của người nổi tiếng, đặc biệt là các ca sĩ Kpop, cái nhìn của khán giả Hàn Quốc với cộng đồng LGBTQ ngày càng thay đổi tích cực.
Tờ Hankyoreh đưa tin Tiffany Young (SNSD) đã hợp tác cùng Neon Milk – đội ngũ sáng tạo ủng hộ cộng đồng LGBTQ tại Seoul – trong một chiến dịch ủng hộ Pride Month (tháng Tự hào – tháng ủng hộ, tôn vinh và đấu tranh xóa bỏ kỳ thị với LGBTQ vào tháng 6 hàng năm).
Tiffany đã cùng các ngôi sao thuộc cộng đồng LGBTQ khác – bao gồm nam thần tượng đầu tiên công khai mình là người đồng tính, Holland – nhảy theo ca khúc Into The New World phát hành năm 2007 của SNSD.
Into The New World vốn được coi như bài hát biểu tượng cho các cuộc biểu tình vì chính nghĩa và nhân quyền tại Hàn Quốc nhờ ca từ thể hiện sự mạnh mẽ, lạc quan cùng niềm tin tưởng vào tương lai tươi sáng đang trông chờ phía trước. Lần này, Neon Milk sử dụng Into The New World làm ca khúc chủ đề cho tất cả chiến dịch vì tháng Tự hào của họ.
Tiffany Young quay video và công khai ủng hộ cộng đồng LGBTQ . Ảnh: Mnet.
Sức ảnh hưởng của giới giải trí tới cộng đồng LGBTQ
Tiffany chia sẻ trong video: “Tôi luôn đứng về phía các bạn và tôi sẽ sát cánh bên mọi người với tư cách một người ủng hộ cộng đồng LGBTQ . Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi đã nghĩ ‘Liệu mình hành động như này là đủ chưa? Mình có thể lên tiếng về vấn đề này không?’ Tuy nhiên tôi cho rằng điều quan trọng ở đây là thành thật và sống thật với chính bản thân mình”.
Ngày 20/6, nam ca sĩ Kevin Woo (cựu thành viên U-KISS) cũng thể hiện sự ủng hộ của anh đối với cộng đồng tính dục thiểu số. Cụ thể hơn, trong bài đăng của mình, nam ca sĩ đã đặt định vị là “tháng tự hào” và dành lời khen ngợi cho The Trevor Project, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ được thành lập để hỗ trợ thanh thiếu niên thuộc cộng đồng LGBTQ .
Nam ca sĩ Jo Kwon, người từng nhiều lần chia sẻ về tầm quan trọng của hình ảnh trung tính đối với anh, cũng đăng một bài đăng trên tài khoản mạng xã hội để thể hiện sự ủng hộ. Trong bài đăng này, nam ca sĩ đính kèm hình ảnh anh đeo một đôi bốt cao đến đầu gối màu cam rực rỡ kèm dòng chữ “trong thời trang không có giới tính”.
Nam ca sĩ Holland công khai là người đồng tính. Ảnh: Naver.
Tiffany Young, Jo Kwon và Kevin Woo không phải người nổi tiếng duy nhất từng thể hiện sự ủng hộ với cộng đồng tính dục thiểu số. Thực tế, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều ngôi sao bày tỏ sự ủng hộ với cộng đồng LGBTQ , điển hình như RM (BTS), Yves (LOONA), Moon Byul (MAMAMOO), Vernon (SEVENTEEN)… Đặc biệt, rapper SLEEQ đã đưa lá cờ cầu vồng lục sắc vào một màn biểu diễn trên chương trình thực tế Good Girl của đài truyền hình Mnet.
Bên cạnh đó, giới giải trí Hàn Quốc cũng cho thấy sự thay đổi tích cực khi số ngôi sao công khai mình thuộc cộng đồng LGBTQ đang tăng lên. Năm 2018, thông qua đĩa đơn ra mắt Neverland , nam ca sĩ Holland trở thành thần tượng đồng tính nam công khai đầu tiên. NAVINCI (cựu thành viên nhóm nhạc ToppDogg) cũng tiết lộ anh là người vô tính luyến ái vào năm 2017. Hai thần tượng kể trên đều đang tích cực hoạt động trong ngành giải trí.
Không chỉ có các ngôi sao trẻ tuổi, một số nghệ sĩ lớn tuổi tại Hàn Quốc cũng cho thấy sự ủng hộ dành cho cộng đồng LGBTQ . Chia sẻ trong chương trình Joy of Conversation , người dẫn chương trình nổi tiếng kiêm cựu chiến binh 94 tuổi Song Hae khẳng định có nhiều điều để học hỏi từ các sự kiện ủng hộ cộng đồng tính dục thiểu số. Song Hae cũng cho biết ông cảm thấy vui khi xã hội Hàn Quốc đang trải qua kiểu thay đổi mới.
Vai diễn đầu bếp chuyển giới của Lee Joo Young trong Itaewon Class nhận được phản hồi tích cực từ khán giả Hàn. Ảnh: Naver.
Dù vậy, những nỗ lực thay đổi định kiến xã hội về cộng đồng LGBTQ của các ngôi sao không phải là vô ích. Thông qua các ngôi sao, nhiều khán giả đã có cái nhìn đúng đắn hơn về những vấn đề xoay quanh LGBTQ .
Nếu người hâm mộ trong quá khứ thường có cái nhìn khắt khe với LGBTQ , thì nhiều người hâm mộ ngày nay sẽ lên tiếng khen ngợi các ngôi sao khi họ thể hiện sự ủng hộ dành cho cộng đồng tính dục thiểu số.
Chẳng hạn, trong một bài đăng trên mạng xã hội, Jo Kwon đã chia sẻ loạt tin nhắn người hâm mộ cảm ơn anh vì sự ủng hộ dành cho cộng đồng LGBTQ . Một khán giả chia sẻ họ trở thành người hâm mộ Jo Kwon sau khi chứng kiến thái độ tích cực với cộng đồng tính dục thiểu số cũng như niềm đam mê dành cho văn hóa drag của anh.
Đạo luật chống phân biệt đối xử tại Hàn Quốc
Ngành giải trí Hàn Quốc đang cho thấy nhiều thay đổi tích cực đối với cộng đồng LGBTQ , không thể phủ nhận rằng vẫn tồn tại nhiều định kiến hà khắc trong xã hội Hàn Quốc nhắm vào cộng đồng tính dục thiểu số, đặc biệt khi có liên quan tới các ngôi sao.
Vào tháng 5, theo tờ Hankook Ilbo , nữ diễn viên Kim Jung Hwa đã bị chỉ trích dữ dội sau khi cô nhận vai đồng tính nữ trong bộ phim Mine . Có khán giả cho rằng với tư cách là vợ của một nhà truyền giáo có tiếng, nữ diễn viên nên tập trung vào việc truyền giáo hơn là làm diễn viên.
Video đang HOT
Video của Neon Milk được phát hành vào ngày 16/6, chỉ hai ngày sau khi lượng chữ ký ủng hộ kiến nghị thi hành đạo luật chống phân biệt đối xử vượt mốc 100.000 chữ ký.
Kim Jung Hwa bị chỉ trích, tẩy chay vì đóng vai đồng tính trong phim Mine. Ảnh: Salt Entertainment.
Năm 2006, Ủy ban Nhân Quyền Quốc gia Hàn Quốc đề xuất một đạo luật nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử còn tồn tại trong quốc gia. Dù vậy, 15 năm sau, đạo luật này vẫn chưa được ban hành do vấp phải sự phản đối của một số tín đồ Cơ đốc giáo.
Theo tờ Hankyoreh , các nhà thờ lớn tại Hàn Quốc đã dẫn dắt công chúng có cái nhìn tiêu cực với đạo luật chống phân biệt đối xử. Do đó, các chính trị gia trì hoãn việc ban hành đạo luật vì cho rằng còn “thiếu sự đồng thuận trong xã hội”.
Tuy nhiên, nhiều người dân Hàn Quốc lên tiếng phản đối quan điểm trên. Theo họ, đồng thuận trong xã hội không được tạo ra thông qua chờ đợi mà cần tích cực hành động để tạo nên sự đồng thuận chung trong xã hội.
Cũng có một số người dân cho rằng không giống như phương Tây, xã hội Hàn Quốc vẫn chưa sẵn sàng cho đạo luật này. Trước ý kiến trên, phóng viên Lee Seung Han của tờ Hankyoreh chỉ ra rằng phương Tây vốn không phải nơi khoan dung và cởi mở với cộng đồng LGBTQ ngay từ đầu.
Hiện cộng đồng tính dục thiểu số của Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử lớn trong xã hội. Nếu đạo luật chống phân biệt đối xử được ban hành, đạo luật sẽ cấm mọi hành vi phân biệt đối xử trong giới tính, khuyết tật cơ thể, chủng tộc, dân tộc, tuổi tác, xu hướng tính dục, bản dạng giới và nhiều khía cạnh khác.
Đồng tính và sự vô lý ở showbiz
Người hâm mộ Hàn Quốc luôn muốn các ca sĩ thân mật, đụng chạm trên sân khấu. Tuy nhiên, khi idol tuyên bố đồng tính, họ phải đối mặt với làn sóng chỉ trích, thậm chí bị tẩy chay.
Zing trích dịch bài viết của CNN nói về sự khắc nghiệt đến mức vô lý của làng giải trí Hàn Quốc. Idol nói chung và nghệ sĩ đồng tính, chuyển giới nói riêng luôn chịu cái nhìn định kiến từ người hâm mộ và công ty quản lý.
"Trên sân khấu được chiếu sáng rực rỡ, hai ngôi sao Kpop nam với làn da trắng sáng, trang điểm kỹ lưỡng và mái tóc bóng bẩy đang nhấm nháp hai đầu của thanh chocolate dài.
Khi thanh kẹo ngày càng ngắn, mặt họ tiến gần về nhau. Cuối cùng, thần tượng Kpop đã dành cho đồng nghiệp một nụ hôn".
Nhà báo Julia Hollingsworth của CNN nói về trò chơi ăn bánh chạm môi quen thuộc của các idol Hàn.
Dưới góc nhìn nhà báo quốc tế, cô cho rằng điều này quả thực không hiếm thấy ở "nền công nghiệp âm nhạc chất lượng cao nhưng rối mắt" của Hàn Quốc.
Các thần tượng Kpop cùng giới thường xuyên có cử chỉ, ánh nhìn thân mật trên sân khấu. Trong các đoạn video, không hiếm khi thấy họ sượt qua môi, sau đó giật lùi đáng kể để chứng tỏ rằng tất cả chỉ là chơi.
Song, điều đó không đồng nghĩa với việc idol "được quyền đồng tính".
Idol Hàn được hôn trên sân khấu nhưng không được quyền đồng tính?
Nguồn gốc văn hóa "đẩy thuyền" idol
Để hiểu chuyện gì đang xảy ra, chúng ta cần quay lại những năm 1990.
Theo CNN, năm 1993, tổng thống Kim Dae Jung mở ra kỷ nguyên mới về kinh tế, công nghệ. Ngành công nghiệp không khói mang tên giải trí cũng phát triển, đặt nền móng cho các idol Hàn sau này.
Trước khi mạng xã hội bùng nổ, các ngôi sao không chia sẻ nhiều về cuộc sống của họ như bây giờ. Vì vậy, người hâm mộ "được quyền" sáng tạo những gì họ thích.
Theo Jungmin Kwon, tác giả quyển sách Người hâm mộ nữ Hàn Quốc và những tưởng tượng idol đồng tính , fan lúc ấy ảnh hưởng nặng văn hóa "yaoi" và "yuri" - truyện tranh đồng tính Nhật Bản.
Họ tạo ra những câu chuyện về các ngôi sao. Thay vì vẽ tranh, người hâm mộ sáng tác theo kiểu fanfiction (tiểu thuyết do fan sáng tác) để dễ dàng chia sẻ lên Internet.
Theo Kwon, người hâm mộ nghĩ rằng mình không xứng đáng với thần tượng. Vì vậy, họ ghép các ngôi sao trong nhóm nhạc với nhau, nam - nam hoặc nữ - nữ. "Quan hệ đồng giới thường được coi là điều cấm kỵ, điều này khiến các idol trở nên cuốn hút hơn", Kwon chia sẻ.
Idol cùng giới hôn nhau hay có cử chỉ thân mật trên sân khấu là điều thường thấy trong showbiz Hàn.
Amber Chuah, 22 tuổi, một fanfiction chân chính nói với CNN: "Việc tìm kiếm những thứ liên quan, chuyện đời thực giữa các thành viên trong nhóm dễ hơn so với chuyện ghép họ với người lạ. Chúng tôi dễ dàng xây dựng thế giới riêng mà không cần sáng tạo thêm nhân vật nào khác".
Điều này cũng thúc đẩy các công ty giải trí xây dựng chiến lược khác.
Khi doanh số bán hàng chịu ảnh hưởng lớn từ lượt tải xuống trên Internet, các hãng thu âm của Hàn Quốc nhận ra rằng không thể chỉ tập trung vào âm nhạc. Họ phải kết hợp các ngôi sao theo cách người hâm mộ mong muốn.
Tuy không đồng ý các ngôi sao công khai giới tính vì sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp nhưng công ty cho phép, thậm chí khuyến khích các ngôi sao chạm vào nhau trên sân khấu. Theo Kwon, SM Entertainment là công ty đi đầu trong việc mở ra kỷ nguyên idol thực hiện "skinship", đụng chạm nhau trên sân khấu để thể hiện sự thân mật.
"Các thần tượng Kpop biết rằng ngày càng nhiều người hâm mộ thích thú với fanfiction và các hành động skinship. Điều đó có lợi cho họ với tư cách là người nổi tiếng", Michelle Cho, giáo sư Nghiên cứu châu Á tại ĐH Toronto, Canada, nói.
Những nghịch lý đến mức phi lý
Các công ty quản lý thoải mái để người hâm mộ nghĩ rằng idol của mình đồng tính. Song, thực tế họ không muốn "gà nhà" công khai xu hướng tính dục.
Đây là điều Holland - nam ca sĩ được mệnh danh là idol đầu tiên của Hàn Quốc tuyên bố đồng tính - đã tự mình trải qua.
Holland tên thật là Go Tae Seob, sinh năm 1996. Anh từng trải qua quá trình đào tạo nghiêm ngặt với công ty quản lý nổi tiếng (anh từ chối tiết lộ). Đến khi ra mắt, công ty chống lại việc nam ca sĩ muốn ra mắt với tư cách là idol đồng tính.
"Họ cho rằng điều đó sẽ làm xấu hình ảnh của tôi và cả chính họ", Holland nói với CNN.
Nhưng với suy nghĩ của Holland, đó là sự phá vỡ các quy tắc ngầm của Kbiz.
Holland từng bị bắt nạt nặng nề khi đi học vì cử chỉ nữ tính. Anh không muốn giấu giếm nữa và mong khán giả cởi mở về giới tính của mình. Vì vậy, nam ca sĩ rời công ty và ra mắt với tư cách nghệ sĩ độc lập.
Holland cho biết anh chịu nhiều định kiến khi phát hành MV Neverland dù nội dung không có gì phản cảm.
"Tôi muốn chứng minh mình xứng đáng được yêu thương. Ra mắt công chúng với tư cách idol đồng tính là cách duy nhất thể hiện điều này", giọng ca Neverland khẳng định.
Các ngôi sao Kpop thường phải tuân theo các quy tắc nghiêm ngặt. Việc công khai hẹn hò đã khó, đừng nghĩ đến việc tuyên bố xu hướng tính dục. Trong bối cảnh đó, Holland là "sự đột phá lớn", theo CNN.
Khi ra mắt năm 2018, Holland được người hâm mộ nước ngoài ủng hộ nhiệt tình. Nhưng ở quê nhà Hàn Quốc, anh nhận nhiều phản hồi tiêu cực.
Song, Holland vẫn kiên định với lựa chọn.
Lúc chuẩn bị quay MV Neverland, đạo diễn nói sẽ có xếp hạng 19 ở Hàn Quốc nếu clip thể hiện bất kỳ hình ảnh đồng tính nào. Holland vẫn quyết định quay cảnh hôn đàn ông để nói lên thông điệp: Tại sao nụ hôn đồng giới gắn mác 19 trong khi với người dị tính thì không?
Trong cuộc phỏng vấn với CNN, ca sĩ sinh năm 1996 nói thấy buồn khi các chương trình bắt ngôi sao cùng giới phải hôn nhau và xem đó là trò đùa.
"Họ biến điều đó thành nội dung hài hước và thể hiện sự bẽn lẽn lố lăng. Thật xấu hổ vì họ cho rằng đồng giới là hài hước, trong khi nhiều người đang đấu tranh giành lại quyền vốn có", Holland thẳng thắn nói.
Thay đổi hay bảo thủ?
Đối với dân Hàn, quyết định debut với tư cách ca sĩ đầu tiên công khai đồng tính của Holland là hành động kỳ dị. Nhưng đây chưa là gì so với với trường hợp của phát thanh viên Hong Seok Cheon.
Sau khi công khai đồng tính năm 2000, Hong bị sa thải.
Anh mất đi công việc dẫn chương trình. Hàng loạt nhà đài cũng từ chối hợp tác với Hong. Tác giả Kwon tin rằng phản ứng gay gắt từ việc Hong bị quay lưng khiến các ngôi sao đồng tính khác thu mình lại, không dám "come out" - thuật ngữ chỉ việc công khai xu hướng tính dục.
Timothy Rich, phó giáo sư Khoa Khoa học Chính trị, ĐH Western Kentucky, Mỹ nói rằng bất kỳ công ty hoặc người nổi tiếng nào cũng sẽ lo lắng về phản ứng dữ dội của khán giả, rủi ro tài chính nếu idol come out.
"Dù đang sống trong xã hội hiện đại, tôi chắc rằng sẽ có phản ứng mang tính bảo thủ đối với bất kỳ ngôi sao nào công khai xu hướng tính dục, bao gồm việc bị tẩy chay", ông nói thêm với CNN.
Song, vẫn có lý do để nghĩ rằng mọi thứ sẽ thay đổi.
Theo chuyên gia, showbiz Hàn là làng giải trí rất khắc nghiệt.
Khi Kpop phát triển trên thế giới, bản thân nền văn hóa này đã dần thay đổi và thích nghi.
Ở Hàn Quốc, sự tương tác giữa các ngôi sao được nhìn nhận qua một lăng kính khá kỳ lạ. Người hâm mộ thường xuyên tưởng tượng idol có tình cảm, việc phấn khích với các màn va chạm trên sân khấu đã thể hiện nét độc đáo của văn hóa thần tượng.
Tuy nhiên, người hâm mộ trên thế giới xem việc fan Kpop cho rằng "idol họ hẹn hò vì có những hành động thân mật" là điều khá dị. Điều đó càng kỳ lạ hơn họ chỉ muốn mọi thứ chỉ dừng ở mức tin đồn, nếu idol come out coi như sự nghiệp cũng chấm dứt.
"Trường hợp của Holland là ví dụ điển hình. Ngôi sao cá tính như anh sẽ không thể tồn tại nếu không có sự toàn cầu hóa của Kpop" - giáo sư của ĐH Toronto, Canada nói.
Tuy nhiên, Holland cho rằng mọi thứ đang thay đổi. Ngày càng nhiều nghệ sĩ cho thấy họ là "đồng minh" của cộng đồng LGBTQ .
Năm 2018, Sunmi gây chú ý khi tự gọi mình là "nữ hoàng LGBT" trong buổi hòa nhạc. Tranh cãi nhiều đến nỗi cô phải lên tiếng giải thích mình ủng hộ cộng đồng chứ không thuộc về LGBTQ .
CNN lại cho rằng BTS được xem là nhóm nhạc có thiện cảm với LGBTQ , dù những tuyên bố ủng hộ của họ thường rất mơ hồ. Trưởng nhóm RM của nhóm từng chia sẻ lại Same Love của Macklemore - bài hát thúc đẩy quyền bình đẳng cho người đồng tính.
Cuối cùng, các chuyên gia tin rằng thời kỳ các ngôi sao đồng tính được chấp nhận trong Kpop chính thống vẫn còn xa, mặc dù fanfiction đã mở đường cho họ.
"Điều đó khá khó khăn cho những nghệ sĩ, trừ khi họ đạt đến vị thế người nổi tiếng tự chủ mọi thứ từ tài chính đến công việc. Bất kỳ ai muốn leo lên con thuyền để come out đều rất khó khăn", giáo sư Michelle Cho nói.
Bởi, văn hóa thần tượng vốn rất bảo thủ.
Nhất là ở Hàn Quốc.
Hoa hậu Chuyển giới Myanmar qua đời ở tuổi 22 May Thitsar Maung tử vong sau tai nạn xe hơi vào tối 7/6. Ngày 8/6, Sunday Journal đưa tin May Thitsar Maung, Hoa hậu Chuyển giới Myanmar 2020, đã qua đời ở tuổi 22, sau vụ tai nạn giao thông. Vụ tai nạn xảy ra vào tối 7/6. "May Thitsar Maung đến từ Yangon. Cô ấy là một phụ nữ trẻ, xinh xắn,...