Tà Cú-vùng rừng quanh năm hoa nở, có tổ ong rừng to như cái đấu
“Chú ơi, không phải tháng ba mới tới mùa ong mật đâu. Ở Bình Thuận mình, mật ong gần như có quanh năm bởi tháng nào trong rừng cũng có hoa? Ví dụ, tháng giêng là mùa trâm chua; tháng hai, tháng ba mùa trâm bột; tháng tư mùa nhãn rừng, xương cá; tháng năm mùa sài hồ, tràm giấy…” Nguyễn Phục, một chàng trai ngoài hai mươi lăm tuổi, nói.
“Vậy sao người ta nói: “Tháng ba mùa con ong đi lấy mật?”. Lần này, Phục cười, rồi nói: “Bài hát đó đề cập đến mùa hoa rừng Tây nguyên. Có lẽ vì tháng ba, rừng Tây nguyên có nhiều mùa hoa cùng lúc chăng?”.
Nguyen Phuc voi to ong ruoi tren tay.
Tôi đang trò chuyện với Nguyễn Phục, con trai của anh Năm Rừng ở thôn Văn Kê, xã Tân Thành (Hàm Thuận Nam) về nghề “ăn ong”, bởi nhiều năm nay, Phục và em ruột của mình là Nguyễn Phúc… là hai bạn trẻ ăn ong nổi tiếng của Văn Kê. Tổng số mật hai anh em lấy từ rừng về khá nhiều.
Với giá 900.000 đồng/ lít, hai anh em giúp cha mẹ mình có thêm nguồn thu kha khá, khi mà nghề nông ở Tân Thành nói chung đa phần dựa vào rẫy, vườn và nghề biển gần bờ. Để tôi mục sở thị, Nguyễn Phục đồng ý “thiết kế” một ngày ăn ong ở khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, nơi theo Phục nói kiên trì cũng tìm được những tổ ong chất lượng không khác gì ong ở rừng núi Bể của huyện Hàm Tân.
Một tổ ong trong rừng Ta Cu.
Chúng tôi lên đường từ sớm. Điểm đến là khu rừng sến, nằm cạnh đường liên xã, nối từ cây số 23 quốc lộ 1A, xã Hàm Minh vào xã Thuận Quý. Đồ nghề mang theo là chiếc thùng nhựa, chiếc rựa, con dao bén, thức ăn, nước uống.
“Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú nằm bọc mấy xã liền của huyện Hàm Thuận Nam, trong đó rừng sến thuộc diện bảo vệ nghiêm ngặt thường xuyên có người của khu đi tuần tra. Chính vì vậy rừng còn khá dày, ong rất nhiều”, Phục nói khi chúng tôi tới bìa rừng…
Rồi theo sự hướng dẫn của Phục, chúng tôi vừa đi vừa quan sát. Lắm lúc gặp những lùm bụi, Phục và Phúc dừng lại quan sát khá lâu. Và khá bất ngờ, Phục chỉ tôi nhìn lên một cành cây sến, nơi có tổ ong đầy ong mật bao bên ngoài.
Video đang HOT
Phục giải thích: “Mùa này mưa chưa nhiều nên ong còn làm tổ trên cao. Tháng sáu trở đi, khi mưa nhiều và nhất là những tháng có gió bấc, ong làm tổ gần sát đất, trong các lùm bụi…”. Sau câu nói đó, Phục nói Phúc chuẩn bị ăn ong.
Phúc nhờ tôi rạch khe nhỏ của bó lá, đốt phần lá khô bên trong. Lá khô cháy, bị lá xanh bên ngoài ngăn lại, trở nên nhiều khói đen, dày và lan ra khá nhanh. Phục nhanh tay leo lên cây, mang theo thùng nhựa và con dao bén; tìm một nhánh ba, làm chỗ đứng, mắt trông ra tổ ong, chờ đợi.
Còn Phúc, đứng dưới đất, đưa cây có bó lá đang cháy đến gần tổ ong, quơ vòng vòng mấy lần để xua ong rời tổ. Ong gặp khói bay toán loạn, có lúc trông như một chiếc chiếu đen rộng trên đầu. Tôi nghe Phục hét lên trong tiếng ong bay vù vù: “Chú bình tĩnh đừng chạy”.
Rồi như một chú sóc, Phục áp sát tổ ong, dùng dao cắt một phần tổ, bỏ vào chiếc thùng nhựa… Phục nói khi chúng tôi rời tổ ong khoảng vài chục mét: “Phần này cũng được 5 – 6 lít mật”. “Sao không cắt hết mà chỉ cắt một phần tổ ?”. “Để ong xây tổ trở lại chú, nhờ đó mình có mật lấy lần sau.”
Tiện đó, Phục cũng kể với tôi người ăn ong có mấy điều lúc nào cũng tuân thủ. Đó là phòng cháy cho rừng nhất là trong những tháng nắng; bảo vệ đàn ong một cách tốt nhất nếu có thể; không pha nước vào lượng mật ong mình lấy được, coi như đó là cách làm ăn trung thực…
Có thể nói, trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, có không ít tổ ong mật. Bằng chứng, trên đường ra khỏi rừng, chúng tôi gặp vài nhóm đi lấy ong mật khác, cũng là người Tân Thành như Phục và Phúc. Tất cả đều có mật ong mang về.
Theo Hà Thanh Tú (Báo Bình Thuận)
Giá dê tăng cao, nông dân Bình Phước bán dê gom tiền xây nhà bự
Từ mấy tháng nay, hàng trăm hộ nuôi dê ở Bình Phước vô cùng vui mừng khi giá dê liên tục tăng cao, giúp bà con có thu nhập khá. Điều này giúp họ có thêm nguồn động viên trong bối cảnh giá heo hơi liên tục giảm mạnh, tiêu thụ khó khăn vì ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.
Bán dê, gom tiền xây nhà
Năm 2018, gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Tân Thành, huyện biên giới Bù Đốp tham gia vào Tổ hợp tác nuôi dê của Hội phụ nữ xã. Sau hơn một năm, từ 3 cặp dê giống ban đầu, chị Hoa đã xuất bán lứa đầu được hơn 3 tạ dê hơi. Thương lái mua tại chuồng với giá tới 130 ngàn đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Tân Thành, huyện Bù Đốp, khá lên sau khi tham gia THT nuôi dê sạch Tân Thành.
"Mình chỉ bỏ công chặt lá từ trụ tiêu cho dê ăn, chứ không phải bỏ tiền mua thức ăn. Nên toàn bộ tiền thu được là tiền bỏ công ra chứ không phải đầu tư thêm. Ngoài ra, đàn dê giờ vẫn còn 20 con", chị Hoa khoe.
Được biết, gia đình chị Hoa trước đây vốn là hộ nghèo, sống trong ngôi nhà thưng vách tạm bợ. Nhờ chịu khó làm ăn và chắt chiu, tiết kiệm nên cách đây 2 tháng, anh chị đã có đủ tiền xây ngôi nhà mới. Trong số tiền này, đàn dê góp một phần không nhỏ.
Anh Nguyễn Văn Thành, ở cùng xã Tân Thành, huyện Bù Đốp, có đàn dê 35 con, cho biết giá dê hơi tăng cao kỉ lục, đạt mức 130 ngàn đồng/kg bán tại chuồng đã trở thành nguồn động viên quý giá, cải thiện đáng kể thu nhập.
Gia đình anh Trần Đức Trung (ngụ xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp) có đàn dê 30 con cho biết, thương lái từ các tỉnh phía Bắc, nhất là Hà Nội đến tận nhà đặt mua. "Nhà tôi từ Tết đến giờ đã xuất được gần 6 tạ dê thu được 51 triệu đồng", anh Trung phấn khởi.
Dê Bình Phước hút hàng, giá cao do được chăn nuôi sạch, thức ăn đều từ cây lá trong vườn.
Còn anh Phạm Đình Dũng, ở xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, cũng là một trong số những hộ khá lên nhờ đàn dê. Từ vài con ban đầu, nay đàn dê của gia đình anh đã lên đến hơn 100 con.
Hiện anh dành hẳn một khoảnh đất rộng gần 1.000m2 để trồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn cho dê vào mùa khô. Trung bình mỗi năm, nguồn thu từ nuôi dê của gia đình anh đạt gần 200 triệu đồng. Hiện anh Dũng chuẩn bị xuất chuồng lứa dê tiếp theo và với giá hiện nay, anh ước thu về khoảng 400 triệu đồng.
Toàn tỉnh Bình Phước hiện có khoảng 17.000ha hồ tiêu, trong đó hơn 2/3 diện tích được trồng bằng trụ keo sống. Đây là nguồn thức ăn tương đối đồi dào cho dê, và là điều kiện tốt để phát triển mô hình trồng tiêu kết hợp nuôi dê. Do tiêu rớt giá mạnh, nhiều nhà không chăm sóc nữa nhưng họ vẫn chăm bón cho cây keo để lấy lá cho dê ăn.
Đàn dê của gia đình anh Dũng
"Chưa năm nào giá dê cao như năm nay. Năm ngoái, giá dê hơi lúc cao nhất cũng chỉ khoảng 90 ngàn đồng/kg. Còn hiện tại, giá 1kg dê hơi từ 130-145 ngàn đồng. Từ tết tới giờ nhà tôi cũng xuất bán gần 6 tạ dê", chị Nông Thị Lệ, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi dê xã Tân Thành nói.
HTX nuôi dê sạch
Ra đời tháng 6/2018, Tổ hợp tác nuôi dê xã Tân Thành do chị Nông Thị Lệ làm Tổ trưởng, là một trong số những mô hình rất thành công. Đây là dự án khởi nghiệp đạt giải nhất tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp - khởi sự kinh doanh do Hội LHPN tỉnh Bình Phước tổ chức năm 2018.
Tổ hợp tác có 40 thành viên, tạo việc làm 100 lao động nữ, vốn ban đầu gần 7 tỷ đồng. Hiện THT này có 40 chuồng, nuôi 1.600 con dê cái bầu và 40 con dê đực. Toàn bộ đàn dê của THT được nuôi thống nhất về phương pháp, kỹ thuật và thức ăn, không dùng chất kích thích, nguồn thức ăn của dê đều được tận dụng từ cây cỏ tự nhiên.
"Bà con nông dân lao động vất vả, 1 nắng 2 sương, nhưng lại không đảm bảo được giá trị đầu ra của sản phẩm, cứ phải chịu cảnh "được mùa, mất giá - mất mùa, trắng tay", xót lắm. Từ khi THT nuôi dê sạch Tân Thành ra đời, người nuôi được đảm bảo đầu ra, giá cả, thu nhập ổn định nên bà con phấn khởi lắm. Đây là xu hướng phát triển tất yếu, hướng đi bền vững cho người nông dân", chị Nông Thị Lệ, Tổ trưởng THT nuôi dê sạch Tân Thành, huyện Bù Đốp, Bình Phước.
Với 45 thành viên, vốn điều lệ hơn 1,2 tỷ đồng, HTX kinh doanh chăn nuôi dê Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh, lại có cách làm hay khác, đó là vừa chăn nuôi vừa kinh doanh thịt dê, giúp tăng thêm một nguồn thu từ bán thịt dê sạch.
Nhu cầu tăng vọt
Nguyên nhân khiến giá dê tăng cao, theo anh Trần Minh Thiện, một thương lái ở huyện Bù Đốp, do mấy tháng nay, thương lái từ các tỉnh phía Bắc vào tận nơi đặt mua với số lượng lớn.
Một nguyên nhân khác nữa khiến dê Bình Phước hút hàng là do chất lượng tốt. Thịt dê ở Bình Phước nói chung và các THT nói riêng, đều đạt chất lượng cao, thịt săn chắc, không mỡ.
Hai xã Tân Thành và Tân Tiến của huyện Bù Đốp, có đến 8 điểm thu mua dê thịt chuyên cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Bắc.
Theo Hồng Thuỷ (Nông nghiêp Viêt Nam)
Bé 2 tuổi tử vong cách nhà 3km : Điều bất thường Trưởng công an xã Hàm Thạnh cho biết, nhiều người cũng rất thắc mắc về điều bất thường là một cậu bé 2 tuổi mà lại có thể đi xã như vậy trong điều kiện đường rừng rất khó khăn hiểm trở rồi tử vong. Trưởng công an xã Hàm Thạnh đã có một số chia sẻ với Báo Đất Việt về vụ...