Ta bảo vệ chủ quyền, không phải tranh chấp biển đảo
Trước thông tin xung đột quanh giàn khoan Hải Dương 981 trái phép của Trung Quốc là “tranh chấp biển đảo”, hôm qua, Thượng tá Trần Quang Tuấn – Phó Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển 2 khẳng định: Chúng ta bảo vệ chủ quyền chứ không phải tranh chấp biển đảo!
Những ngày này, tàu CSB 4033, con tàu đầu tiên bị phía Trung Quốc đâm bị thương đã trở về, cập cảng Đà Nẵng sửa chữa và chờ nhiệm vụ mới. Những chiến sĩ CSB thiện chiến như thuyền trưởng Lê Trung Thành, máy trưởng Nguyễn Trung Thành… vẫn ngày ngày túc trực trên tàu, luôn sẵn sàng đợi lệnh xuất phát.
Tàu Cảnh sát biển bị húc gãy lan can trên boong khi đang làm nhiệm vụ
“Lực lượng các tàu Trung Quốc đang rất manh động và thô bạo. Tất cả các tàu kiểm ngư cho đến thời điểm này đều đã bị tấn công, xịt vòi rồng, nhiều tàu và anh em kiểm ngư bị thương nhưng vẫn kiên cường và rất quyết tâm xin ở lại.” Thượng tá Trần Quang Tuấn
Thượng tá Trần Quang Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển 2 cho hay, trong suốt nhiều ngày qua, phía Trung Quốc điều nhiều tàu lớn ra sức ngăn cản lực lượng chấp pháp của ta thực thi pháp luật ở Hoàng Sa, mặc dù vậy, chúng ta, gồm những lực lượng như Cảnh sát biển, Kiểm ngư luôn điềm tĩnh, tự tin và cơ động.
“Phải khẳng định, đây không phải chuyện tranh chấp biển đảo như nhiều luồng thông tin làm dư luận hiểu nhầm. Chúng ta đang bảo vệ chủ quyền biên giới, bảo vệ và giữ gìn cương thổ” – Thượng tá Tuấn khẳng định.
Theo Thượng tá Tuấn, sự điềm tĩnh, tự tin và cơ động được thể hiện rất rõ với việc tàu CSB 4033 sau khi bị húc lần đầu tiên, đến nay dù đã tham gia việc bảo vệ chủ quyền ở vùng biển Hoàng Sa một thời gian dài, ngày nào cũng đối mặt hiểm nguy, sự ngang ngược hung hăng của phía Trung Quốc nhưng vẫn chưa để tàu Trung Quốc va húc thêm lần nào.
Video đang HOT
“Chúng tôi luôn hết mình vì nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn biển đảo, bất chấp nguy hiểm, bởi chúng tôi biết sau lưng mình là hàng triệu triệu đồng bào Việt Nam” – Thượng tá Trần Quang Tuấn, nói.
Thượng tá Trần Quang Tuấn
Xúc động tấm lòng vì biển đảo
Ông Đoàn Thanh Lâm – lãnh đạo Chi đội kiểm ngư 3 (Cục Kiểm ngư Việt Nam) kể một câu chuyện hết sức xúc động về tấm lòng, tình yêu biển đảo của một cụ ông 86 tuổi. Đó là cụ ông Lê Văn Lượng (đường Hoàng Diệu, Đà Nẵng), mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng ông vẫn thuê xe ôm, chạy từ nhà sang cơ quan Kiểm ngư, tự tay trao số tiền 4 triệu đồng dành dụm, ủng hộ lực lượng kiểm ngư đang hằng ngày làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa.
“Cụ ông nói rất ấm ức vì tuổi không còn trẻ, nếu không sẽ sẵn sàng xung phong ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Chúng ta đang bảo vệ biển đảo, không chỉ ở ngoài khơi mà cả trên đất liền” – ông Lâm nói.
Cũng theo ông Lâm, mặc dù còn non trẻ, nhưng đến thời điểm này, có thể khẳng định, lực lượng Kiểm ngư đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ chủ quyền mà Đảng và Nhà nước giao phó. Đặc biệt, với sự xuất hiện của lực lượng Kiểm ngư, bà con ngư dân rất tin cậy và yên tâm bám biển, đánh bắt hải sản, gìn giữ ngư trường truyền thống.
Lai dắt tàu cá ĐNa 90152 vào bờ gặp rất nhiều khó khăn Hôm qua, trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Chi đội Kiểm ngư 3 (Cục Kiểm ngư Việt Nam) cho hay, tàu kiểm ngư đang lai dắt con tàu ĐNa 90152 bị Trung Quốc đâm chìm vào lúc 16h ngày 26/5 khi đang đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa vào bờ. Được biết, cú đâm quá mạnh khiến tàu bị lật nghiêng, chìm xuống nước nhưng rất may những tàu ngư dân đang đánh bắt gần đó đã kịp thời ứng cứu, dùng dây néo tàu lại. Tàu ĐNa 90152 hiện bị hư hỏng rất nặng, nước tràn vào và bị lật nghiêng, 2/3 thân tàu nằm dưới nước nên việc lai dắt vào bờ là cực kỳ khó khăn, tốc độ đi chỉ khoảng 3-4 hải lý/giờ. Dự kiến sớm nhất cũng phải chiều nay (29/5) mới vào được đến bờ. Thượng tá Trần Quang Tuấn
Theo Nam Cường (Tiền Phong)
Đâm chìm tàu cá, Trung Quốc vô nhân đạo trên Biển Đông
Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về việc Cục Kiểm ngư Việt Nam có khởi kiện tàu Trung Quốc đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam? Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam Hà Lê nói rằng: "Hành động trên của Trung Quốc là hết sức nguy hiểm, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế về cứu hộ trên biển. Đây là một trong những chứng cứ để chúng ta tiếp tục các biện pháp đấu tranh khác...".
Tối 27/5, ông Hà Lê - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, tình hình đấu tranh trên thực địa xung quanh khu vực giàn khoan Haiyang Shiyou 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép vẫn rất căng thẳng khi các tàu Trung Quốc liên tục gây hấn, đâm va các tàu chấp pháp của Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ.
"Đặc biệt, tàu Trung Quốc có hành động vô nhân đạo cản trở, ngăn chặn các tàu kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam trong quá trình cứu hộ tàu cá bị đâm chìm ở khu vực giàn khoan hạ đặt trái phép", ông Hà Lê nói.
Theo lãnh đạo Cục Kiểm ngư, giàn khoan Haiyang Shiyou 981 đã dịch chuyển vị trí nhưng vẫn nằm hoàn toàn trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Tàu Trung Quốc vẫn hung hăng
Theo báo cáo mới nhất của Cục Kiểm ngư, tình hình quanh khu vực giàn khoan Haiyang Shiyou 981 hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam, ngày 27/5, cho thấy, Trung Quốc đã tăng cường tàu lớn hơn, công suất cao hơn. Tàu Trung Quốc đã chủ động tấn công, uy hiếp các tàu Việt Nam ngay từ xa dưới các hình thức vây ép, húc đẩy, đâm va, phun vòi rồng, sau đó co cụm lại quanh khu vực giàn khoan, kiên quyết đẩy các tàu của Việt Nam ra xa giàn khoan bằng cách tổ chức thành nhóm vây ráp, chèn ép.
"Đặc biệt, tàu chiến Trung Quốc đã tăng cường áp sát các tàu kiểm ngư hơn và thường xuyên có hành động mở bạt che súng và chĩa súng vào các tàu kiểm ngư khi tới gần", ông Hà Lê nói.
Mục đích của hành động trên, theo lãnh đao Cục Kiểm ngư là để bảo vệ việc di chuyển vị trí giàn khoan 981 kể từ rạng sáng 27/5. "Vào lúc 5h30 ngày 27/5, giàn khoan Haiyang Shiyou 981 di chuyển được 3-4 hải lý, với vận tốc 4,5 hải lý/h về phía Đông Đông Bắc. Đến 10h cùng ngày, Trung Quốc đã neo giàn khoan tại vị trí có tọa độ 15 độ 33,38 phút độ Bắc, 111 độ 34,62 phút độ Đông, cách đảo Tri Tôn về hướng Đông Đông Nam 25 hải lý, cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng Đông Đông Bắc, cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý vẫn nằm hoàn toàn trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam ", ông Hà Lê thông tin.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, tối 27/5, Đại tá Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam cũng xác nhận thông tin giàn khoan Haiyang Shiyou 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép đã có sự dịch chuyển vị trí nhưng vẫn nằm hoàn toàn trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. "Việc giàn khoan hạ đặt trái phép của Trung Quốc dịch chuyển đã rõ, nhưng mục đích dịch chuyển của họ là gì thì chúng tôi tiếp tục theo dõi sát sao", ông Thu nói.
Đâm chìm tàu cá là phạm tội
Liên quan đến vụ tàu vỏ sắt Trung Quốc số hiệu 11209 đã đâm chìm tàu cá vỏ gỗ có số hiệu ĐNa-90152-TS của ngư dân Việt Nam, khi đang đánh cá trong vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, chiều 26/5, ông Hà Lê cho biết: "Tàu cá bị chìm đang được kéo vào bờ. Tuy nhiên, tàu Trung Quốc lại có hành động vô nhân đạo khi cản trở các tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển Việt Nam cứu hộ tàu cá này".
Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về việc Cục Kiểm ngư Việt Nam có tiến hành khởi kiện tàu Trung Quốc đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam? Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư nói rằng: "Hành động trên của Trung Quốc là hết sức nguy hiểm, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế về cứu hộ trên biển. Đây là một trong những chứng cứ để chúng ta tiếp tục các biện pháp đấu tranh khác, còn việc có kiện tàu của Trung Quốc hay không, hiện tại tôi chưa thể khẳng định".
Tối 27/5, trao đổi với PV Báo Giao thông, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) khẳng định, hành động của tàu Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc trong quan hệ quốc tế, vi phạm Hiến chương của Liên hợp quốc về Luật Biển. "Hành vi này phạm tội bị ngăn cấm, một hành vi tội ác bởi nó đã vi phạm mọi luật lệ quốc tế hiện hành" - Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.
Theo Đình Quang (Giaothongvantai.com.vn)
Mỹ lên tiếng vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam Mỹ tuyên bố vẫn tiếp tục quan ngại về cách hành xử của tàu thuyền Trung Quốc hoạt động trong khu vực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki hôm 27/5 tuyên bố, Washington đang tìm kiếm thêm thông tin về diễn biến mới nhất trên Biển Đông mà phía Hà Nội khẳng định là tàu cá Trung Quốc đâm chìm...