Syria phớt lờ hầu hết các yêu cầu viện trợ từ Liên Hợp Quốc
Một quan chức cấp cao Liên Hợp Quốc hôm qua cho biết Syria năm ngoái phớt lờ hầu hết các yêu cầu của họ nhằm cung cấp viện trợ nhân đạo tới nước này.
Đoàn xe viện trợ của Hội Chữ thập đỏ và Liên Hợp Quốc tới Syria. Ảnh: Reuters
Liên Hợp Quốc (UN) năm ngoái gửi 113 bản đề nghị tới chính quyền Syria để xin phép đưa các đoàn xe viện trợ nhân đạo vào nước này, song chỉ 10% trong số đó được thông qua, Reuters dẫn lời ông Stephen O’Brien, phó tổng thư ký UN phụ trách các vấn đề về nhân đạo, cho hay. 10% yêu cầu khác đã được chính phủ Syria đồng ý về nguyên tắc nhưng không thể tiến hành bởi các lý do như an ninh kém, không có thỏa thuận về đi lại an toàn hay thiếu tính chính thống. Vẫn còn tới 75% yêu cầu chưa được trả lời.
Các chuyến xe này nếu được thông qua sẽ đưa hàng hóa viện trợ cùng các hỗ trợ khác cho khoảng 4,6 triệu người hiện sống tại những vùng khó tiếp cận hoặc đang bị bao vây ở Syria. Đến nay, mới chỉ có 620.000 người nhận được trợ giúp.
“Sự thờ ơ này là không thể chấp nhận được”, ông O’Brien nói. “Ảnh hưởng của nó đã quá rõ ràng. Năm 2013, chúng tôi có thể giúp đỡ khoảng 2,9 triệu người thông qua các đoàn xe viện trợ nhưng vào năm ngoái, con số chỉ là 620.000 người”.
Theo thống kê của UN, 13,5 triệu người Syria đang cần được viện trợ nhân đạo, tăng hơn 10 lần so với năm 2014. Cuộc nội chiến bùng phát ở Syria hồi đầu năm 2011 cùng sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đẩy quốc gia này vào tình trạng bất ổn triền miên. Gần 4,3 triệu người phải rời bỏ quê hương. Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 250.000 người.
Vũ Hoàng
Video đang HOT
Theo VNE
Vì sao Putin không muốn Assad ra đi
Bằng việc giúp Tổng thống Syria Assad bảo toàn vị trí, Nga có thể giữ gìn lợi ích địa chính trị tại khu vực và hình ảnh trên trường quốc tế.
Tổng thống Putin (phải) và Tổng thống Syria Assad. Ảnh: Kremlin.ru
Hai nguồn tình báo phương Tây nói với Financial Times tuần trước rằng Nga đã điều người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự đến Syria vào cuối năm ngoái để yêu cầu Tổng thống Syria Bashar Assad từ chức, làm dấy lên câu hỏi liệu sự ủng hộ của Moscow đối với nhà lãnh đạo Syria có giảm đi trong vòng 4 tháng qua.
Nhưng các chuyên gia cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin, người ủng hộ lâu năm của Assad khó có khả năng để nhà lãnh đạo này ra đi, khi lực lượng chính phủ bắt đầu giành chiến thắng liên tiếp ở tỉnh Latakia và Aleppo.
Một thống kê của IHS Conflict Monitor công bố tuần trước cho thấy, trong khoảng thời gian từ 29/9/2015 (khi Moscow khởi động chiến dịch quân sự) cho đến ngày 11/1, Damascus đã giành lại 1,3% lãnh thổ đã bị các nhóm nổi dậy đánh chiếm. Điều này đánh dấu một sự đảo ngược tình thế so với 8 tháng đầu năm 2015, khi chính quyền đánh mất 18% lãnh thổ.
"Tôi không nghĩ rằng thông điệp của Moscow là yêu cầu Assad phải rời ghế, mà chỉ là "ông có thể phải rời ghế", Mark Galeotti, chuyên gia về các vấn đề an ninh của Nga và là giáo sư về vấn đề toàn cầu tại Đại học New York, bình luận.
Ông cho rằng, ở giai đoạn này, Điện Kremlin không đạt được điều gì nếu Assad từ bỏ vị trí, và có khả năng chịu tổn thất nếu trường hợp đó xảy ra, vì chắc chắn sẽ có một giai đoạn chuyển giao quyền lực khó khăn. "Đây là một trong những lá bài giá trị nhất của họ. Họ sẽ chỉ tung nó ra khi biết họ sẽ đổi lại được lợi ích cụ thể", Galeotti nhận xét.
Moscow nhanh chóng bác bỏ thông tin nói rằng họ đã yêu cầu ông Assad từ chức. Nhưng mức độ ủng hộ của Nga đối với chính quyền Assad đang là vấn đề tranh cãi. Một số nhà phân tích nhấn mạnh rằng Putin không quan tâm đến việc bảo toàn vị trí cho ông Assad nhiều như mức ông muốn giữ gìn các cơ quan nhà nước mà gia tộc Assad đã dựng lên trong suốt gần 45 năm lãnh đạo.
Những cơ quan này và những người kiểm soát chúng đã cho phép Nga gìn giữ cảng Tartus, cảng nước ấm (nước không bị đóng băng vào mùa đông) duy nhất của Nga ở Syria, đóng vai trò quan trọng để Moscow phô diễn sức mạnh tại Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, một số người cho rằng, những cơ quan này sẽ không thể tồn tại mà không có Assad. "Chuyện hoang đường lớn nhất là sự tồn tại của các cơ quan nhà nước tách riêng khỏi Assad", Tony Badran, một chuyên gia về Trung Đông tại Quỹ Quốc phòng Dân chủ, nói.
Đồng thời, nhiều chuyên gia đánh giá, lợi ích mà Nga muốn bảo toàn tại Syria lớn hơn nhiều Tartus. "Nga có lập trường là muốn ngăn một sự thay đổi chính quyền bằng bạo lực, và đó mới là điều quan trọng nhất đối với Putin", Frederic C. Hof, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đại Tây Dương, viết.
Theo ông, Nga coi lập trường đó là quan trọng, vì nó giúp Nga thể hiện mình với cộng đồng quốc tế là một bên giữ gìn ổn định, và là "bức tường thành" trước khủng bố. Moscow từ lâu đã coi đối thủ của chính quyền Assad, bao gồm cả những phiến quân do Mỹ hậu thuẫn, là "khủng bố".
Nga cho rằng, nếu Assad ra đi, sẽ có một khoảng trống quyền lực do phiến quân chi phối và gây hại cho lợi ích của Moscow. Vì vậy, Nga mặc nhiên giữ quan điểm Assad phải tại vị, ít nhất là cho đến khi người Syria bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử quốc gia.
"Không có bằng chứng dù nhỏ nhất cho thấy Putin muốn Assad ra đi", Mark Kramer, chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu Á-Âu Davis tại Đại học Harvard, nói. "Mục đích can thiệp quân sự của Nga tại Syria là để ổn định và củng cố quyền lực cho chính quyền Assad".
Các chuyên gia khác nhấn mạnh, nếu Putin thực sự muốn Assad từ bỏ quyền lực, thì nỗ lực chuyển đổi chính trị đã được thực hiện từ lâu."Những câu chuyện (như việc Putin yêu cầu Assad từ chức) tiếp tục xuất hiện, nhưng các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục trì trệ và vị trí của ông Assad vẫn được bảo toàn", Boris Zilberman, chuyên gia về Nga tại một tổ chức nghiên cứu tại Washington DC, nói.
Thật vậy, một trong những yêu cầu chính của phe đối lập Syria là ông Assad phải rời vị trí ngay, nhưng yêu cầu này đã bị gạt sang bên lề để dọn đường cho một kế hoạch chung Nga - Iran. Kế hoạch của họ là thiết lập một "chính phủ thống nhất dân tộc", thành phần trong chính quyền sẽ được cử tri Syria quyết định, trong một cuộc bầu cử do Liên Hiệp Quốc giám sát.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gây sức ép với hội đồng phe đối lập chính là Ủy ban Đàm phán Cấp cao do Arab Saudi hậu thuẫn, để chấp nhận kế hoạch này trước khi tham dự cuộc hòa đàm ngày 29/1 tại Geneva. Họ phải chấp thuận rằng, không có thời gian biểu cụ thể khi nào ông Assad phải ra đi, và ông Assad có quyền tái ứng cử vào chính phủ nói trên.
Khi làm như vậy, Mỹ một phần nào đó đã liên kết với Nga trong nỗ lực để đưa tất cả các bên ngồi vào bàn đàm phán. Mỹ đã chấp nhận nguy cơ khiến phe đối lập Syria tức giận, nhưng rủi ro này có thể được giảm bớt bằng cách bóng gió về quan điểm linh hoạt của Nga đối với tương lai của ông Assad.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn nghi ngờ về lập trường của Nga. "Tôi sẽ chỉ tin khi thấy tận mắt", Zilberman nói. "Cho đến lúc đó, tất cả mới chỉ là lời nói".
Phương Vũ
Theo VNE
Hòa đàm bế tắc, phe nổi dậy Syria chỉ trích Mỹ, Nga Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bị tố đã ép các phe đối lập ở Syria ngồi vào bàn đàm phán, trong bối cảnh hòa đàm Syria vẫn bế tắc, theo Reuters. Cuộc đàm phán hòa bình ở Syria tiếp tục bế tắc và chưa ấn định ngày bắt đầu - Ảnh: Reuters Ủy ban đàm phán cấp cao, gồm đại diện các phe...