Syria ở giữa ngã ba đường
Theo trang mạng moderndiplomacy.eu, việc nhiều nhóm vũ trang đang kiểm soát các khu vực địa lý khác nhau ở Syria dẫn đến rất khó dự đoán tương lai của đất nước Syria.
Khói bốc lên sau loạt không kích của không quân Israel nhằm vào các mục tiêu lãnh thổ Syria, ngày 10/12/2024. Ảnh: IRNA/TTXVN
Nhóm nhóm vũ trang Hồi giáo Hay’at Tahrir al-Sham ( HTS) đã nổi lên như một thế lực chủ chốt. Được thủ lĩnh Abu Muhammad al-Julani lãnh đạo, HTS hiện kiểm soát các thành phố lớn như Aleppo, Idlib, Hama và Homs, cùng với bờ biển quan trọng của đất nước.
Nửa phía Nam của Syria do 2 phe liên minh với HTS, gồm “Quân đội Tự do Syria” (SFA) và nhóm vũ trang mang tên “Phòng Tác chiến phía Nam” (SOR), quản lý. SFA, nhóm được Mỹ hậu thuẫn ban đầu đóng quân gần biên giới Jordan, đã mở rộng quyền kiểm soát tới các khu vực của Damascus và các địa điểm chiến lược khác. Trong khi đó, SOR – liên minh giữa người Syria theo hệ phái Sunni và nhóm thiểu số Druze – hoạt động như một vùng đệm giữa Syria và Israel. Mặc dù các phe phái này góp phần vào các mục tiêu rộng lớn hơn của HTS, nhưng lợi ích khác nhau của họ cũng gây ra mối đe dọa xung đột giữa các phe phái này.
Sự chia rẽ sắc tộc và giáo phái càng làm phức tạp thêm tình hình Syria thời hậu Tổng thống Bashar al-Assad. Bối cảnh nhân khẩu học của đất nước bao gồm người Alawite dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, cộng đồng Druze ở phía Nam, người Kurd ở phía Bắc và đa số người Arập theo dòng Sunni trải rộng khắp đất nước. Nhiều năm chiến tranh đã làm gia tăng sự chia rẽ này, khiến việc quản lý được các bên thống nhất gần như không thể thực hiện được.
Nhóm vũ trang HTS đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ SNA và SDF. SNA, được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, kiểm soát một vùng lãnh thổ tương đối nhỏ phía sau biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Bắc Syria. Nhưng họ kiểm soát vũ khí tiên tiến và do đó có thể sử dụng hỏa lực mạnh với khả năng nhận thức tình huống vượt trội. SDF, do lực lượng người Kurd thống trị và được Mỹ hỗ trợ, nắm giữ một phần lãnh thổ lớn hơn ở Đông Bắc. Tuy nhiên, khu vực do SDF chiếm đóng chủ yếu là người Arập, do đó tạo ra xung đột bên trong.
Gần đây, các cuộc biểu tình của người Arập chống lại chính quyền SDF đã gia tăng, với những thương vong dân sự và lệnh giới nghiêm do lực lượng SDF áp đặt. Những căng thẳng này làm nổi bật nền tảng mong manh của việc kiểm soát SDF, vốn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ từ bên ngoài hơn là sự hỗ trợ của công chúng.
Video đang HOT
Thổ Nhĩ Kỳ, nước đóng vai trò quan trọng trong tương lai của Syria, đã thể hiện rõ lập trường của mình đối với SDF. Xem nhóm này như một phần mở rộng của đảng Công nhân người Kurd (PKK), một tổ chức ly khai của người Kurd bị chính quyền Ankara đặt ngoài vòng pháp luật, Thổ Nhĩ Kỳ coi SDF là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia của mình. Mức độ ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc định hình bối cảnh hậu chiến của Syria sẽ phụ thuộc vào khả năng huy động sự ủng hộ giữa các phe phái địa phương và giải tán quyền lực của SDF. Trong tương lai, SDF có thể sẽ phải đối mặt với liên minh gồm HTS và SNA do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn – một kịch bản có thể loại bỏ SDF khỏi toàn bộ khu vực.
Thêm vào sự phức tạp là vấn đề người tị nạn Syria. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, tính đến năm 2024, ít nhất 7,4 triệu người Syria vẫn phải di dời nhà cửa, trong đó có khoảng 4,9 triệu người đang tìm nơi ẩn náu ở các nước láng giềng. Thêm 1,3 triệu người đã được tái định cư ở nơi khác, chủ yếu ở châu Âu. Khi sự ổn định trở lại ở các vùng của Syria, hàng nghìn người đang cố gắng trở về nhà nhưng những nỗ lực tái thiết vẫn chưa đủ.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng của Syria sẽ cần tới hơn 400 tỷ USD – một con số đáng lo ngại sẽ làm trì hoãn việc tái định cư an toàn cho người tị nạn.
Trong khi đó, những lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Assad có khả năng tập hợp hình thành các nhóm chiến binh chống lại chính quyền mới.
Một số nhà phân tích phương Tây đưa ra ý tưởng chia Syria thành 3 phần để ổn định khu vực. Tuy nhiên, giải pháp như vậy có thể vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ lực lượng vừa lên nắm quyền ở Syria. Mối đe dọa tái xuất hiện của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng càng làm tăng thêm sự phức tạp cho tình hình vốn đã mong manh của Syria. Lực lượng Mỹ đã tăng cường nỗ lực vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng của nhóm này, nhưng lực lượng mới nắm quyền ở Syria vẫn tỏ ra hoài nghi. Nhiều người coi đây là cái cớ để duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.
Khi Syria đang bấp bênh trước một chương mới, tương lai của nước này vẫn chưa chắc chắn. Việc tránh gây ra cuộc nội chiến khác phải là ưu tiên hàng đầu. Cộng đồng quốc tế, các cường quốc trong khu vực và các phe phái ở Syria phải hành động cẩn thận để tránh đẩy đất nước vào một vòng xoáy bạo lực khác. Chỉ thông qua quản trị toàn diện, tái thiết có ý nghĩa và hòa giải thực sự, Syria mới có thể hy vọng trỗi dậy từ đống tro tàn của chiến tranh.
Quân nổi dậy tràn vào dinh thự Tổng thống Syria ở Aleppo
Lực lượng nổi dậy tại Syria đã xông vào dinh thự của Tổng thống Syria tại Aleppo, sau khi lần đầu tiên đặt chân vào thành phố này kể từ năm 2016.
Ngoài ra, truyền thông đưa tin rằng có khả năng lực lượng nổi dậy đã tiếp cận được vũ khí của Nga do quân đội Syria để lại Aleppo.
Tòa nhà ở thành phố Aleppo, miền Bắc Syria bị pháo kích ngày 29/11. Ảnh: THX/TTXVN
Lực lượng đối lập, do nhóm phiến quân Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) cầm đầu, trong tuần cuối của tháng 11 đã bất ngờ tấn công vào các thị trấn do chính phủ Syria kiểm soát. Đến tối 29/11, các nhóm nổi dậy đã tiến đến Aleppo lần đầu tiên trong 8 năm trở lại đây.
Trong khi đó, đến ngày 30/11, quân đội Syria thông báo "rút quân tạm thời" ở thành phố Aleppo để chuẩn bị phản công. Quân đội Syria khẳng định, việc rút quân nằm trong nỗ lực tái bố trí lực lượng ở thời điểm chờ viện binh. Quân đội Syria cũng thừa nhận, lực lượng nổi dậy đã chiếm được khu vực rộng lớn của Aleppo. Theo quân đội Syria, đã có hàng chục binh sĩ tử vong và bị thương trong cuộc giao tranh quy mô lớn.
Kênh RT (Nga) đưa tin, dinh thự này dường như không có người ở trước khi các tay súng HTS xâm nhập.
Chính phủ Syria đã giành lại toàn quyền kiểm soát Aleppo vào năm 2016. Trong khi đó, Tổng thống Bashar al-Assad hiện vẫn sử dụng nhiều dinh thự khác nhau. Tại thời điểm video được quay, nhà lãnh đạo Syria đang có cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tại Damascus, cách đó khoảng 350km về phía Nam.
Tại buổi gặp, Tổng thống Assad khẳng định sẽ tiếp tục cuộc chiến chống các tổ chức khủng bố bằng tất cả sức mạnh và quyết tâm. Tổng thống Assad nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống lực lượng nổi dậy tại Syria không chỉ phục vụ lợi ích quốc gia và còn vì ổn định của cả khu vực. Tổng thống Syria cũng nêu bật tầm quan trọng của hỗ trợ từ các đồng minh trong việc chống lại các cuộc tấn công khủng bố do thế lực bên ngoài hậu thuẫn.
Về phần mình, ông Araghchi cam kết Iran sẵn sàng cung cấp hỗ trợ toàn diện để giúp lực lượng quân đội Syria đánh bại lực lượng nổi dậy.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, theo hình ảnh lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, quân nổi dậy ở Syria dường như đã chiếm được hệ thống phòng không tiên tiến Pantsir-S1 của Nga tại thành phố Aleppo, do quân đội Syria bỏ lại khi rút lui. Hiện chưa thể xác minh độ xác thực của các bức ảnh này.
Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) tại Mỹ vào ngày 30/11 nhận định rằng các lực lượng đối lập "có khả năng đã chiếm được thiết bị quân sự có giá trị" do binh sĩ Syria bỏ lại khi rút lui. Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin này.
Trong bối cảnh lực lượng nổi dậy chiếm giữ các vùng lãnh thổ quan trọng ở tỉnh Aleppo và Idlib, quân đội Syria đã quyết tâm phản công. Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria ngày 1/12 cho biết quân đội đã bảo vệ một số khu vực xung quanh Hama và gây ra thương vong đáng kể cho lực lượng khủng bố. Trước đó một ngày, các quan chức Syria ước tính 1.000 thành viên HTS đã thiệt mạng.
Tiền thân của HTS là Mặt Trận Nusra. Cả Syria, Nga và nhiều quốc gia khác đều coi HTS là tổ chức khủng bố.
Cùng ngày 1/12, Nga thông báo nước này đang hỗ trợ quân đội Syria đẩy lùi lực lượng phiến quân ở ba tỉnh phía Bắc. Quân đội Nga thông báo rằng quân đội Syria với sự yểm trợ của lực lượng hàng không vũ trụ Nga đang đẩy lùi hoạt động tiến công của phiến quân ở các tỉnh Idlib, Hama và Aleppo.
Liên hợp quốc đã kêu gọi các bên liên quan ở Syria và quốc tế cần có giải pháp chính trị khẩn cấp, nghiêm túc nhằm tránh đổ máu cho dân thường cũng như tránh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh của khu vực và thế giới.
Nga hỗ trợ quân đội Syria đẩy lùi các cuộc tiến công của phiến quân Ngày 1/12, Nga thông báo nước này đang hỗ trợ quân đội Syria đẩy lùi lực lượng phiến quân ở ba tỉnh phía Bắc, khi Moskva tìm cách hỗ trợ Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Cửa sổ của một tòa nhà ở thành phố Aleppo, Syria bị hư hại sau cuộc tấn công của phiến quân, ngày 29/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN...