Syria: Nga yểm trợ, quân Chính phủ gần kiểm soát hoàn toàn Aleppo, Tổng thống Assad lên tiếng
Ngày 16/2, truyền thông nhà nước Syria đưa tin, các lực lượng Chính phủ đã gần như kiểm soát hoàn toàn tỉnh Aleppo, nơi do lực lượng phiến quân chiếm giữ, sau một chiến dịch tấn công được không quân Nga yểm trợ.
Tổng thống Bashar al-Assad cho rằng, các quốc gia thù địch với Syria vẫn đang nỗ lực bảo vệ “những phần tử khủng bố”. (Nguồn: AP)
Truyền hình nhà nước Syria đã phát sóng trực tiếp hình ảnh từ Quảng trường Gordoba ở Aleppo, cho thấy người dân nơi đây hoan nghênh quân đội Syria và Tổng thống Bashar al-Assad, vẫy quốc kì Syria và ném pháo giấy để chúc mừng sự kiện.
Trước đó cùng ngày, các máy bay chiến đấu Nga đã tiến hành không kích dữ dội tại nhiều thị trấn ở Aleppo, Tây Bắc Syria, như Anadan, để các lực lượng chính phủ Syria tiến vào kiểm soát.
Các lực lượng Chính phủ Syria sau đó đã đạt được tiến triển đáng kể tại tỉnh Aleppo chỉ 1 ngày sau vòng đàm phán mới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về tình hình căng thẳng leo thang trong khu vực.
Vài ngày trước đó, quân đội Syria cũng đã đẩy lùi lực lượng phiến quân khỏi tuyến cao tốc quan trọng M5 nối Aleppo với Damascus, qua đó mở lại tuyến đường nhanh nhất kết nối giữa hai thành phố lớn nhất của Syria lần đầu tiên trong nhiều năm.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, phát biểu tại Munich, Đức, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga vào ngày 15/2, ông khẳng định các vụ tấn công tại tỉnh Idlib phải được dừng ngay lập tức để có thể đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài tại đây.
Theo kế hoạch, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ tiếp tục nhóm họp trong ngày 17/2 tại Moscow để thảo luận về các vấn đề trên. Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định quân đội nước này sẽ đẩy lùi các lực lượng Chính phủ Syria nếu như họ không rút khỏi Idlib vào cuối tháng này.
Cũng trong ngày 16/2, trong cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani tại Damascus, Tổng thống Bashar al-Assad cho rằng, các quốc gia thù địch với Syria vẫn đang nỗ lực bảo vệ “những phần tử khủng bố” – lực lượng bắt giữ các thường dân làm con tin và lá chắn sống.
Theo ông al-Assad, hành động này không thể được phép tiếp diễn bởi nó trả giá bằng tính mạng, an ninh và sự ổn định của các công dân. Ông nhấn mạnh, chính quyền của ông sẽ giành lại tất cả các khu vực của Syria từ tay lực lượng phiến quân.
Video đang HOT
Trong khi đó, trên thực địa, các lực lượng thuộc Chính phủ Syria trong 24 giờ qua đã chiếm lại 13 ngôi làng và thị trấn ở khu vực nông thôn phía Bắc và Tây Bắc tỉnh Aleppo, miền Bắc Syria.
Theo baoquocte.vn
Xung đột ở Syria: Từ ủy nhiệm tới đối đầu trực tiếp?
Syria dường như không còn là chiến trường của các bên ủy nhiệm mà đã có đụng độ trực tiếp giữa 1 nước với 1 nước khác tại quốc gia Trung Đông này.
Nội chiến ở Syria sắp bước sang năm thứ 10 với những vòng xoáy bạo lực dường như không hồi kết và nhiều khả năng sẽ sang một chương mới với một sự leo thang kịch tính. Hai trong số những "diễn viên" có ảnh hưởng nhất là Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền Syria - đã chấm dứt việc giao tranh đơn thuần thông qua các lực lượng ủy nhiệm và thay vào đó là đã có những hành động trực tiếp với nhau.
Nội chiến ở Syria sắp bước sang năm thứ 10. Ảnh minh họa: CNN
Từ chiến tranh ủy nhiệm đến đối đầu trực tiếp
Đây là một diễn biến mang tính "địa chấn": binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ được cho là bị lực lượng Syria làm thiệt mạng và sau đó Ankara đã "trả thù" nhằm vào lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad.
Kỳ vọng về sự hạ nhiệt nằm ở Nga - nước không chỉ hậu thuẫn lâu dài và đầy quyền lực đối với chính quyền Tổng thống Syria al-Assad mà còn là một "người bạn" có quan hệ khá tốt đẹp của thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ. Nga được kỳ vọng sẽ đứng ra dàn xếp. Tuy nhiên, tới nay họ vẫn chưa làm được điều đó và bất chấp các cuộc điện đàm liên tiếp giữa Ankara và Moscow, Nga có thể sẽ không làm điều đó.
Thay vào đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nêu ra khả năng các chiến cơ Nga và Thổ đụng độ ở tỉnh Idlib.
"Những chiếc máy bay vốn đánh trúng các khu dân cư ở Idlib sẽ không còn được bay tự do nữa", ông Erdogan nói ngày 12/2.
Ông Erdogan được cho là ám chỉ các máy bay Nga tiến hành các cuộc dội bom nhằm vào dân thường ở một khu vực đông dân cư [Idlib-ND], dù Nga nhiều lần bác bỏ nhằm vào dân thường và nói rằng những người dân đó bị các phần tử cực đoan sử dụng như một lá chắn người.
Ông cũng đe dọa sẽ tấn công lực lượng chính quyền Syria bên ngoài Idlib. Nhiều người cho rằng phần nhiều trong tuyên bố này là chỉ là sự phô trương của Tổng thống Erdogan. Tuy nhiên, cần phải nhắc lại rằng, chính ông Erdogan đã từng khiến các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ, đặc biệt là cuộc tấn công nhằm vào đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS - lực lượng người Kurd ở Syria, năm 2019.
Idlib đang là "vết thương" cuối cùng còn nhức nhối của cuộc nội chiến Syris: có tới 4 triệu người dân mắc kẹt trong một khu vực chật hẹp, một phần nằm trong sự kiểm soát của các nhóm vũ trang trung thành với al-Qaeda.
Các lực lượng của chính quyền Assad đã làm thiệt mạng binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ 1 lần, và Thổ Nhĩ Kỳ tất nhiên có sự đáp trả tương xứng. Các bên đã có đụng độ trực tiếp, không phải là tác chiến ủy nhiệm như thường thấy, trong đó các nhóm vũ trang trung thành với mỗi bên đụng độ với nhau.
"Đây là một nấc thang mới trong cuộc xung đột tại Syria và có thể nói là giữa '1 nước với 1 nước khác'", theo Charles Lister, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Trung Đông.
Với những tính toán nội bộ của ông Erdogan, vẫn khó có thể thấy điều gì khác ngoài việc có thêm sự leo thang ở Syria.
Nhà nghiên cứu Lister nói rằng khủng hoảng nhân đạo là "hoàn toàn chưa từng thấy và chắc chắn sẽ chỉ tồi tệ thêm", đồng thời nói thêm nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận thêm những người mất nhà từ Syria, điều đó có nghĩa là làn sóng tị nạn sang châu Âu là không thể loại trừ.
Với những người địa phương, họ tỏ ra hoài nghi với mục tiêu "ngăn chặn một thảm họa nhân đạo" ở Idlib mà Thổ Nhĩ Kỳ đã nhắc tới.
Amad al Abdo, 34 tuổi, một người mới tới khu vực miền bắc Syria cách đây vài tuần nói rằng: "Bất cứ điều gì có thể ngăn chặn các cuộc đánh bom nhằm vào người dân là điều rất tốt, nhưng tôi không chắc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng mọi sức mạnh để làm điều đó".
Họ cũng từng nghe những lời hứa hẹn đó trước đây. "Người Syria không có bạn bè. Đôi khi lợi ích của các nước khác xung đột với lợi ích của chúng tôi. Tôi nghĩ tình huống hiện tại là như vậy", al Abdo nói.
Thổ Nhĩ Kỳ tự đẩy mình vào thế kẹt?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang cân nhắc một loạt lựa chọn ở đường biên giới dài phía Nam. Việc tấn công người Kurd ở Syria năm 2019 được cho là hợp lý bởi điều này giúp Thổ Nhĩ Kỳ đầy lùi được mối đe dọa khủng bố hiện hữu, đồng thời cũng mở ra được một "thiên đường" để hồi hương những người Syria tị nạn mà Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận.
Tuy nhiên, đó chỉ là chiến thắng một phần. Về phía tây Idlib, họ muốn ngăn chặn dòng người tị nạn nhưng hoàn toàn hiểu rằng cần phải kiểm soát các khu vực mà al-Qaede có thể duy trì như một mối đe dọa lâu dài.
Nhà phân tích Aaron Stein, từ Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại, cho rằng: "Người dân đang cố gán việc kết thúc cuộc chơi cho Thổ Nhĩ Kỳ. Họ chỉ là không có một động thái như vậy".
Một loạt thỏa thuận đạt được với sự hỗ trợ của Nga đã cho Thổ Nhĩ Kỳ thêm thời gian, theo nhà phân tích Stein. Có thể điều đó đã trì hoãn sự leo thang hiện nay suốt 500 ngày qua. Nhưng theo ông, cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ cũng "phải làm gì đó". Họ đã thận trọng để lại không gian cho Nga cam kết đối thoại, tập trung vào thông điệp của họ đối với chính quyền Syria".
Tuy nhiên, theo ông Stein, sẽ ít có khả năng lần này Nga lại trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ. Nga không muốn rút các lực lượng của mình - hay binh sỹ Syria. Điều này đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng sát thương cho lính Nga nếu họ xung đột trực tiếp với lực lượng Syria thêm nữa.
"Các lựa chọn của Ankara trong thực tế hiện nay là không nhiều", ông Stein nói.
Tuy nhiên, tình huống ít sự lựa chọn hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ bắt nguồn từ quyết định của nước này, bất chấp các đồng minh phương Tây, tấn công người Kurd năm 2019.
Ông Stein cho rằng: "Ankara đã cô lập chính mình với các đồng minh phương Tây khi mở ra mối quan hệ đối tác với Nga. Giờ đây Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không có các lựa chọn tốt".
Cuộc khủng hoảng kéo dài gần 1 thập kỷ qua ở Syria đã trải qua nhiều kịch bản và năm thứ 10 có thể sẽ là kịch bản một nước xung đột trực tiếp với một nước khác và một chương mới như vậy là hoàn toàn có thể dự báo trước./.
Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Theo CNN
Quân đội Syria kiểm soát hoàn toàn tuyến đường chiến lược Bắc-Nam Quân đội Syria kiểm soát hoàn toàn tuyến đường chiến lược nối Aleppo phía bắc với các thành phố quan trọng phía nam, Bộ Quốc phòng Nga cho biết. "Hiện nay, hành lang giao thông quan trọng tại Syria - tuyến đường cao tốc M5 nối tỉnh Aleppo ở phía bắc với các thành phố phía nam (Hama, Homs và Damascus) đã được...