Syria kêu gọi phương Tây bãi bỏ biện pháp trừng phạt
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 22/1, người đứng đầu ngành ngoại giao của chính quyền chuyển tiếp tại Syria ông Asaad Al-Shaibani kêu gọi các cường quốc phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế, gọi đây là “chìa khóa” để khôi phục sự ổn định ở quốc gia Trung Đông bị xung đột tàn phá này.
Người dân tại thủ đô Damascus, Syria ngày 8/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu trên được ông Al-Shaibani đưa ra trong cuộc trao đổi với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ. Ông Al-Shaibani nhấn mạnh “việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế là chìa khóa cho sự ổn định của Syria”, đồng thời cho rằng các lệnh trừng phạt được áp dụng vì lợi ích của người Syria, nhưng hiện “chống lại người dân Syria”.
Bộ trưởng Shaibani cũng đưa ra cam kết tại Davos rằng Syria sẽ không phải là “mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”. Ông nêu ra những khó khăn mà chính quyền mới Syria phải đối mặt sau khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ, đồng thời khẳng định “nền kinh tế trong tương lai sẽ được mở cửa”. Ông cho biết chính quyền mới sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực bao gồm năng lượng, viễn thông, đường bộ và sân bay, giáo dục và y tế.
Trước đó cùng ngày, trả lời tờ báo Financial Times, ông Shaibani cho biết một ủy ban đã được thành lập để nghiên cứu tình hình kinh tế, cơ sở hạ tầng của Syria và sẽ tập trung vào các nỗ lực tư nhân hóa, chú trọng vào các nhà máy sản xuất dầu, bông và đồ nội thất. Syria cũng sẽ khai thác quan hệ đối tác công tư để khuyến khích đầu tư vào sân bay, đường sắt và đường bộ.
Trong nhiều tuần qua, chính quyền chuyển tiếp của Syria đã vận động các cường quốc phương Tây bãi bỏ các hạn chế nhằm vào chính quyền của cựu Tổng thống Al-Assad. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế vẫn do dự trong việc bãi bỏ các biện pháp này, với nhiều quốc gia bao gồm cả Mỹ cho biết đang chờ chính quyền mới của Syria thực thi quyền lực như thế nào trước khi đưa ra hành động.
Video đang HOT
Ngày 6/1 vừa qua, Mỹ tuyên bố sẽ kéo dài thời hạn tạm hoãn lệnh trừng phạt đối với một số lĩnh vực của Syria trong 6 tháng tới để tạo điều kiện cho chính quyền, người dân Syria tiếp cận các dịch vụ cơ bản.
Đầu tháng 1 này, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về ngoại giao và chính sách an ninh, bà Kaja Kallas, cho biết EU có thể bắt đầu dỡ bỏ lệnh trừng phạt nếu chính quyền chuyển tiếp của Syria thực hiện các bước để thành lập một chính phủ bao trùm bảo vệ các nhóm thiểu số.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, các ngoại trưởng EU dự kiến thảo luận về các đề xuất nới lỏng một số biện pháp đối với Syria tại một cuộc họp ở Brussels vào ngày 27/1 tới. Trong tuyên bố ngày 21/1, bà Kallas bày tỏ hy vọng một thỏa thuận chính trị về việc nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Syria sẽ được thông qua trong cuộc họp ngoại trưởng EU.
Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã bị lật đổ trong cuộc nổi dậy do lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu. HTS hiện bị Liên hợp quốc coi là tổ chức khủng bố. Sự thay đổi quyền lực tại Damascus khiến các nhà lãnh đạo châu Âu phải cân nhắc lại cách tiếp cận của họ đối với Syria.
Một số quốc gia thành viên EU mong muốn nhanh chóng đình chỉ các lệnh trừng phạt kinh tế như một tín hiệu ủng hộ sự chuyển đổi chính trị tại Syria. Tuy nhiên, một số nước khác muốn duy trì các công cụ gây áp lực để đảm bảo EU vẫn có thể duy trì tầm ảnh hưởng đối với chính quyền mới.
Trả lời phỏng vấn báo giới, bà Kallas nhấn mạnh: “Chúng tôi sẵn sàng áp dụng cách tiếp cận từng bước và cũng sẽ thảo luận về các phương án dự phòng”. Bà cũng cho biết EU sẵn sàng áp đặt lại các lệnh trừng phạt nếu tình hình tại Syria diễn biến không thuận lợi.
Trong tháng 1 này, 6 quốc gia thành viên EU kêu gọi khối tạm thời đình chỉ các lệnh trừng phạt đối với Syria trong các lĩnh vực như vận tải, năng lượng và ngân hàng. Hiện EU đang áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Syria và đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương Syria tại châu Âu.
Cuộc họp vào ngày 27/1 sẽ là cơ hội để các ngoại trưởng EU thống nhất phương án nhằm hỗ trợ quá trình chuyển tiếp chính trị tại Syria.
Đây được coi là bước đi quan trọng trong việc định hình lại mối quan hệ giữa EU và chính quyền mới tại Damascus, đồng thời giữ vững cam kết của EU trong việc hỗ trợ ổn định khu vực Trung Đông.
EU công bố gói viện trợ 235 triệu euro cho Syria
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông - Bắc Phi, ngày 17/1, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố gói viện trợ 235 triệu euro của Liên minh châu Âu (EU) cho Syria và các nước láng giềng, trong chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao EU tới quốc gia Trung Đông này kể từ khi Tổng thống Bashar Al-Assad bị lật đổ.
Người dân tại một khu chợ ở Hama, Syria. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu tại một họp báo ở thủ đô Damascus sau khi gặp nhà lãnh đạo mới của Syria Ahmed al-Sharaa, Ủy viên châu Âu về quản lý khủng hoảng và bình đẳng, bà Hadja Lahbib nhấn mạnh rằng nguồn tài trợ EU sẽ đóng góp vào việc cung cấp các nhu cầu cơ bản như nơi trú ẩn, thực phẩm, nước sạch, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và các trường hợp khẩn cấp khác.
Quan chức EU bày tỏ tin tưởng vào chính quyền chuyển tiếp Syria trong việc đảm bảo quyền tiếp cận không hạn chế và an toàn cho các nhân viên cứu trợ nhân đạo tới mọi khu vực của Syria, bao gồm cả những nơi khó tiếp cận và bị ảnh hưởng bởi xung đột ở miền Đông. Bà Lahbib nói thêm: "Chúng ta đang ở bước ngoặt và các quyết định sẽ được đưa ra trong những ngày và tháng tới sẽ rất quan trọng".
Cuộc thảo luận của bà Lahbib cũng thảo luận tương lai của các lệnh trừng phạt kinh tế toàn diện mà khối 27 quốc gia này áp đặt đối với Syria. Bà Lahbib bày tỏ mong muốn được thấy "một tương lai tươi sáng cho Syria", đồng thời hối thúc việc tuân thủ luật pháp, đảm bảo quyền con người và quyền của phụ nữ.
Chính phủ chuyển tiếp Syria đã vận động hành lang để Mỹ và EU dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, nhưng một số chính phủ châu Âu vẫn còn do dự và muốn có thời gian để xem chính quyền mới ở Syria thực hiện quyền lực của mình như thế nào.
Chuyến công du Syria của bà Lahbib diễn ra hai tuần sau khi các Bộ trưởng Ngoại giao Pháp và Đức đến thăm quốc gia Trung Đông này, kêu gọi một cuộc chuyển giao hòa bình, toàn diện, trong bối cảnh một loạt động thái ngoại giao của các quốc gia tìm cách hợp tác với chính quyền mới ở Syria.
Theo kế hoạch, các Bộ trưởng Ngoại giao EU dự kiến sẽ thảo luận về các đề xuất nới lỏng một số biện pháp đối với Syria tại một cuộc họp ở Brussels vào ngày 27/1 tới.
Liên hợp quốc thiện chí hỗ trợ giai đoạn chuyển tiếp chính trị tại Syria Ngày 8/1, đặc phái viên của Liên hợp quốc (LHQ) về Syria Geir Pedersen cho biết LHQ sẵn sàng hợp tác với chính phủ lâm thời Syria để thúc đẩy quá trình chuyển đổi chính trị đáng tin cậy và toàn diện tại quốc gia Trung Đông này. Các tay súng lực lượng đối lập Syria tại thủ đô Damascus, sau khi chính...