Syria đồng ý cho phép AL triển khai quan sát viên
Ngoại trưởng Iraq Hoshiyar Zebari ngày 24/11 cho biết Syria đã chấp thuận đề xuất của Liên đoàn Arập (AL) cử một phái đoàn quan sát viên tới Syria để tìm hiểu tình hình thực tế sau 8 tháng bạo loạn.
Một cuộc biểu tình chống chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. (Nguồn: Getty)
Phát biểu với báo giới bên lề hội nghị Ngoại trưởng AL bàn về tình hình Syria tại Cairo (Ai Cập), ông Zebari khẳng định: “Syria đã nhất trí hoàn toàn với đề xuất trên”.
Ông cho biết văn bản này sẽ được Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad ký sau khi AL bác bỏ những sửa đổi mà Damas đưa ra đối với văn bản này.
Video đang HOT
Các ngoại trưởng AL ngày 24/11 đã họp để thảo luận việc áp đặt trừng phạt Syria do chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad không chấm dứt tình trạng bạo lực theo thời hạn mà AL đặt ra. Trước đó, AL đã đình chỉ quy chế thành viên của Syria và dọa sẽ áp đặt trừng phạt nếu chính quyền của Tổng thống Assad không chấm dứt được các cuộc xung đột kéo dài ở nước này. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt những trừng phạt khắc nghiệt nhằm vào Syria.
Trước thềm cuộc họp nói trên, Ngoại trưởng Lebanon Adnan Mansur cho biết sẽ không ủng hộ bất kỳ quyết định trừng phạt nào của AL chống Syria. Tháng trước, Lebanon cũng đã bỏ phiếu chống lại việc đình chỉ quy chế thành viên AL của Damas.
Về phần mình, Bộ trưởng Kinh tế Syria Mohammed Nidal al-Shaar cho rằng Syria sẽ thúc đẩy tự cung tự cấp để vượt qua các lệnh trừng phạt. Nền kinh tế Syria vốn dựa vào hoạt động xuất – nhập khẩu với các nước Arập láng giềng. Một nửa hàng hóa xuất khẩu của Syria được xuất sang các nước Arập và 1/4 lượng hàng nhập khẩu của nước này đến từ thế giới Arập. Ông al-Shaar bày tỏ hy vọng AL sẽ không trừng phạt Syria, vì “một quyết định như vậy sẽ ảnh hưởng tới tất cả các bên.”
Trong diễn biến khác cùng ngày, ít nhất 13 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và các nhóm khủng bố tại tỉnh Homs, miền Trung Syria. Theo thống kê của Liên hợp quốc, hơn 3.500 người đã thiệt mạng kể từ khi các cuộc biểu tình đòi Tổng thống Assad từ chức bùng phát hồi tháng 3/2011 đến nay./.
Theo TTXVN
Các nước Arập có thể lập vùng cấm bay tại Syria
Nhật báo "Al Rai" của Kuwait dẫn các nguồn tin cấp cao châu Âu cho biết máy bay chiến đấu của các nước Arập và có thể của cả Thổ Nhĩ Kỳ, với sự hậu thuẫn của Mỹ, sẽ thiết lập một vùng cấm bay trên bầu trời Syria, sau khi Liên đoàn Arập (AL) ra quyết định kêu gọi bảo vệ thường dân Syria theo hiến chương của tổ chức này.
Bản đồ Syria (Nguồn: Lonely Planet)
Trong khi đó, Syria cho biết Nga đã điều tàu chiến đến vùng biển nước này để ngăn chặn các cuộc can thiệp quân sự chống chính quyền Damascus.
Các nguồn tin cho biết, quyết định thiết lập vùng cấm bay sẽ bao gồm cấm hoạt động của các xe cơ giới quân sự Syria, trong đó có xe tăng, xe chở lính và pháo binh, nhằm hạn chế hoạt động của các lực lượng ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và làm tê liệt khả năng những lực lượng này bắn phá các thành phố. Các nguồn tin châu Âu cho rằng lệnh cấm bay có thể sẽ khiến các lực lượng chính quyền Syria bị tê liệt "trong vòng chưa đầy 24 giờ".
Trong khi đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ thông tin sẽ tiến hành tấn công vào lãnh thổ Syria, trong đó có khu vực sát biên giới nước này, để thiết lập "vùng đệm" nhằm bảo vệ người dân lánh nạn.
Các nguồn tin Arập ngày 22/11 nhận định chính sách ngoại giao dựa trên đe dọa vũ lực đã đột ngột tăng mạnh ở Địa Trung Hải và Vịnh Persia, với việc Nga điều tàu chiến tới vùng biển ngoài khơi Syria trong khi Mỹ đưa tàu sân bay tới vùng biển gần Iran.
Theo báo chí Syria, 3 tàu chiến của Nga đã vào hải phận nước này, ở bên ngoài cảng Tartus. Những tàu này sẽ không đậu ở cảng của Syria mà hoạt động dọc theo bờ biển nước này để chống lại bất kỳ cuộc can thiệp nào của nước ngoài vào bất ổn ở Syria. Theo các nguồn tin Arập, ít nhất hai tàu trong nhóm này được trang bị để thu thập tin tức tình báo và chiến tranh điện tử./.
Theo TTXVN
Liệu có thể xảy ra một "Libya thứ hai" tại Syria? Một loạt tình huống căng thẳng đang "bóp nghẹt" Syria hơn lúc nào hết. Đó là khi những tay súng nổi loạn liên tục mở những đợt tấn công vào trụ sở Đảng Xã hội phục hưng Arập (BAATH) cầm quyền và một số căn cứ quân đội. Tư cách thành viên trong Liên đoàn Arập (AL) của đất nước Tây Á này...