Syria đi về đâu?
Cuộc đào tẩu ngày 6-8 của Thủ tướng Syria Riyad Hijab, người mới được Tổng thống Bashar al-Assad bổ nhiệm hai tháng trước, được xem là nghiêm trọng nhất trong chính quyền Syria cho đến thời điểm này.
Và đây cũng cũng là đỉnh điểm của hàng loạt cuộc đào tẩu của nhiều tướng lĩnh quân đội, an ninh, quan chức ngoại giao, nghị sĩ…
Quang cảnh hoang tàn ở thành phố Aleppo -Ảnh: Reuters
Trên chiến trường, lực lượng vũ trang đối lập đã đánh vào thủ đô kể từ tháng 7, chiếm giữ một số khu phố trung tâm suốt một tuần lễ. Aleppo – thành phố lớn nhất và là trung tâm kinh tế hàng đầu của Syria – đã trở thành “mặt trận quyết định” giữa quân chính phủ với lực lượng vũ trang đối lập. Chiến sự diễn ra tại hai thành phố lớn nhất đất nước cho thấy quyền kiểm soát của chính quyền Syria đã suy yếu đến mức nào. Lực lượng vũ trang đối lập không thể hoạt động như vậy nếu không có sự đồng tình, ủng hộ, che chở của đông đảo dân chúng địa phương.
Video đang HOT
Lực lượng đối lập cũng đã đánh chiếm nhiều cửa khẩu quan trọng giữa Syria với một số quốc gia láng giềng, mở toang cánh cửa để tiếp nhận trợ giúp từ các thế lực quốc tế và khu vực. Nhờ đó, phe đối lập đã có trong tay vũ khí hạng nặng. Quân đội chính phủ đã bắt đầu mất ưu thế tuyệt đối về hỏa lực trên chiến trường, nhất là từ trên không.
Trên diễn đàn quốc tế, Syria tiếp tục rơi vào thế càng bị cô lập sau khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết (không ràng buộc) lên án chính quyền al-Assad và yêu cầu một cuộc chuyển giao quyền lực. Có thể nói đến thời điểm này, không còn khả năng cho một giải pháp chính trị tại Syria nếu Tổng thống al-Assad vẫn tại vị.
Tất cả các nhóm đối lập chính ở Syria, cả chính trị lẫn vũ trang, đều đã khẳng định “chỉ có dùng quân sự để lật đổ chế độ al-Assad”. Xu hướng này nhận được sự “thông hiểu” của nhiều nước phương Tây và sự tiếp tay của một số quốc gia Ả Rập giàu có. Trong khi đó, chính quyền Syria cũng kiên định lập trường không đối thoại với “khủng bố”.
Tướng Robert Mood – nguyên đứng đầu phái bộ giám sát quốc tế về thực hiện kế hoạch sáu điểm của ông Kofi Annan (đặc sứ Liên Hiệp Quốc tại Syria) – nhận định Tổng thống al-Assad “sớm muộn gì cũng phải ra đi”. Nhưng “sớm hay muộn” là một khái niệm thời gian khó định lượng. Nếu chính quyền Syria không tự tan rã thì lực lượng vũ trang đối lập chưa dễ gì đánh bại được quân đội của chính phủ. Tuy nhiên, tình thế buộc các bên liên quan phải đau đầu ngay từ bây giờ là Syria sẽ đi về đâu.
Hơn 16 tháng qua kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng ở Syria, chưa bao giờ các lực lượng đối lập thống nhất được trong một tổ chức chính trị đại diện cho họ. “Hội đồng quốc gia Syria” có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ chưa được các bên công nhận là “đại diện duy nhất” của phe đối lập.
Tại chiến trường trong nước, người ta thường nói tới “quân đội tự do Syria”. Nhưng đây không phải là một đạo quân thống nhất về tổ chức và chỉ huy trên toàn quốc. “Quân đội” này gồm các đơn vị tự hình thành tại các địa phương, chiến đấu độc lập với “đại bản doanh” đóng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chẳng những thế, mỗi nhóm đối lập, cả chính trị lẫn vũ trang, lại chịu sự chi phối của một thế lực khác nhau trong khu vực. Các thế lực này tuy cùng mục tiêu lật đổ chế độ của Tổng thống al-Assad nhưng rất khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau về chế độ tương lai của Syria.
Tổ chức Anh em Hồi giáo Syria đã tuyên bố thành lập lực lượng vũ trang riêng của họ từ ba tháng nay. Tổ chức khủng bố Al Qaeda đang tìm cách xây dựng một căn cứ mới tại Syria. Người Kurd ở Syria đang giành quyền kiểm soát các khu vực ở đông bắc đất nước. Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước lo ngại về nguy cơ hình thành một “nhà nước Kurdistan” tại khu vực tiếp giáp Iraq – Syria và kích động người Kurd ở bên kia biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Iran…
Lo ngại về sự hỗn loạn có thể xảy ra tại Syria khi chính quyền của Tổng thống al-Assad sụp đổ là điều rõ ràng.
NGUYỄN NGỌC HÙNG
“Những người hành hương” Iran bị bắt ở Syria
Ngày 8-8, Iran thừa nhận có các “cựu” thành viên lực lượng Vệ binh cộng hòa và quân đội Iran trong số 48 người Iran bị quân nổi dậy Syria bắt giữ.
“Một số là cựu thành viên lực lượng Vệ binh cộng hòa, quân đội và một số bộ ngành khác” – Hãng tin ISNA dẫn lời Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi thừa nhận, nhưng bác bỏ cáo buộc cho rằng nhóm người này đến Syria theo một sứ mệnh quân sự. Ông khẳng định họ chỉ là “những người hành hương” đến thăm một địa điểm tôn giáo ở Damascus.
Trước đó, quân nổi dậy Syria đã tung lên mạng đoạn video quay cảnh các con tin Iran và những giấy tờ cho thấy họ là thành viên lực lượng Vệ binh cộng hòa Iran. Iran dù ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhưng chưa bao giờ thừa nhận hỗ trợ quân sự cho Damascus.
Quân nổi dậy Syria, như Reuters cho biết, cũng tuyên bố đã giết chết một tướng Nga là Vladimir Petrovich Kochyev, đang làm cố vấn cho Bộ Quốc phòng Syria, trong một chiến dịch ở ngoại ô thủ đô Damascus. Nga vẫn chưa có phản ứng chính thức.
AFP cho biết cũng trong ngày 8-8, xe tăng quân chính phủ đã xâm nhập quận Salaheddin ở thành phố Aleppo và đụng độ ác liệt với quân nổi dậy.
Theo Tuổi Trẻ