Syria có thể mất 1 tỷ USD để phá hủy vũ khí hóa học
Các ước tính cho biết kho vũ khí hóa học của Syria bao gồm 1.000 tấn hóa chất. Việc tiêu hủy số hóa chất này là không dễ dàng và có thể tiêu tốn 1 tỷ USD, theo báo chí Mỹ.
Bản đồ mô phỏng địa điểm đặt các kho vũ khí hóa học của Syria.
Trong quá trình theo đuổi một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại Syria, Nga đề xuất Damascus từ bỏ toàn bộ số vũ khí hóa học để tránh được một cuộc tấn công của Mỹ. Nhưng dù người Syria có cho phép các thanh sát viên vũ khí làm nhiệm vụ của họ, việc tìm kiếm và phá hủy tất cả các loại vũ khí này là không dễ dàng.
Nga và Mỹ biết chính xác chặng đường gian nan khi từ bỏ vũ khí hóa học. Trong suốt 16 năm qua, hai nước này đã phá hủy các kho vũ khí hóa học khổng lồ của riêng mình theo các điều kiện của một hiệp ước cấm vũ khí hóa học. Syria không ký kết hiệp ước này, vì vậy quốc gia Trung Đông đã dành từng ấy năm để tăng cường các kho vũ khí hóa học, hiện ước tính lên tới 1.000 tấn hóa chất.
Video đang HOT
“Hầu hết các chuyên gia xem Syria là một siêu cường về vũ khí hóa học”, Steve Bucci, người tham gia nghiên cứu các vũ khí hóa học của Syria, nói với đài CBS của Mỹ.
“Họ đã sở hữu rất nhiều vũ khí hóa học. Chúng được vũ khí hóa và có thể sử dụng được, chứ không đơn thuần là chất đống trong các phòng thí nghiệm hoặc các địa điểm dự trữ. Chúng đã được đưa vào các quả đạn pháo, đầu đạn tên lửa và các loại đạn dược có thể thả từ trên không”, ông Bucci nói thêm.
Mỹ đã chi 26,5 tỷ USD để xây dựng các lò tiêu hủy tại 8 bang và trên một hòn đảo hẻo lánh ở Thái Bình Dương, nơi các vũ khí hóa học được tích trữ. Cho tới nay, 27.000 tấn hóa chất đã bị tiêu hủy. Nếu so sánh với kho vũ khí hóa học của Syria, quốc gia Trung Đông có thể phải mất khoảng 1 tỷ USD mới tiêu hủy hết số vũ khí này.
Tất nhiên, Lầu Năm Góc biết nơi tất cả các vũ khí hóa học của Mỹ được cất giấu, nhưng của Syria thì không.
“Tôi có thể nói rằng sự hiểu biết của chúng ta về các địa điểm chính xác của các loại vũ khí hóa học tại Syria là rất khiêm tốn ở thời điểm này”, ông Bucci nói.
Tại Iraq, các thanh sát viên vũ khí của Liên hợp quốc đã mất nhiều năm di chuyển trên khắp nước này để tìm kiếm các vũ khí hóa học, nhưng kết cục là mâu thuẫn với giới chức sở tại.
Từ kinh nghiệm sau trường hợp của Iraq, Syria phải công khai chính xác có bao nhiêu vũ khí hóa học và nước này sở hữu và nơi chúng được tích trữ. Đó sẽ là tín hiệu đầu tiên cho thấy nước này có ý định hợp tác với Liên hợp quốc và không chơi bài câu giờ.
An Bình
Theo AP, CBS
Giá thực phẩm leo thang
Theo đánh giá của Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính trong những ngày đầu năm, giá cả các mặt hàng thực phẩm có dấu hiệu leo thang mặc dù sức mua vẫn yếu.
Nghỉ tết dài ngày, các loại hình như ăn uống, trông giữ xe đều tăng giá
Báo cáo nhanh về tình hình giá cả, thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 của Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho biết, chiều muộn mùng 2 Tết, một số chợ dân sinh, nhỏ lẻ bắt đầu hoạt động nhưng chưa sôi nổi trở lại, chủ yếu là một số hàng bán thực phẩm, rau xanh, đồ khô bày bán bên ngoài cổng chợ. Tuy nhiên, giá rau xanh củ quả cũng bị đẩy cao. Khoai tây, cà chua 20.000 đồng/kg, cải cúc 5.000 đồng một mớ, hành 50.000 đồng/kg, đậu phụ 5.000 đồng mỗi bìa.
Theo người bán hàng tại chợ Đại Từ, giá tại chợ đầu mối phía Nam nhập vào đã cao nên mức giá bán ra cũng phải tương đối. Do tiết trời trở lạnh, kèm theo mưa phùn và ít người bán nên rau xanh giá cao. Nếu thời tiết tiếp tục lạnh và mưa phùn, giá rau xanh sẽ còn tăng.
Từ mùng 3 Tết, nhiều chợ tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh đã rục rịch mở bán hàng. Giá một số loại rau xanh, tôm, thịt, cá tiếp tục tăng, dù sức mua yếu. Tại Hà Nội, giá thịt bò, cá tươi tăng nhưng không tăng mạnh như cùng thời điểm Tết Nhâm Thìn 2012. Giá các loại hoa tươi giảm giá rau củ ổn định ở mức cao. Giá trứng gà trên thị trường khoảng 31.000-37.000/chục (siêu thị trước Tết ổn định ở mức 32.000-42.000/chục) các mặt hàng khô, rượu, bia thuốc lá có tích trữ từ trước và nhu cầu sau Tết không cao nên giá ổn định.
Tại siêu thị Kim Liên, giá các loại bánh kẹo, nước ngọt, nước giải khát vẫn ổn định. Nhiều chợ như Đại Từ, Khương Trung, Vương Thừa Vũ, Khương Đình... giá thịt bò tăng lên mức 350.000-450.000 đồng/kg, cao hơn 100.000-200.000 đồng so với thời điểm 30 Tết. Thịt lợn chân giò khoảng 150.000-180.000 đồng mỗi kilogram. Thịt gà lông 180.000-200.000 đồng/kg, cá chép to 120.000 đồng/kg...
Tại chợ Lương Đình Của, giá hải sản cũng đắt gần gấp đôi ngày thường. Tôm sú to 600.000 đồng/kg, tôm loại nhỏ hơn khoảng 500.000 đồng, trong khi giáp Tết, hai loại tôm này có giá lần lượt 500.000 đồng và 350.000 đồng mỗi kilogram. Những tiểu thương ở đây giải thích, do thời tiết lạnh, tàu ra khơi ít nên giá bán đồ hải sản tăng.
Đánh giá của Cục Quản lý giá cho biết, do thời tiết rét khiến người dân chưa có nhu cầu đi chợ, đi mua sắm, thêm vào đó, người dân đã mua nhiều lương thực, thực phẩm tích trữ từ trước đó, nên nhu cầu không lớn. Nguồn cung hạn hẹp, nhưng do tâm lý mở hàng đầu năm lấy may nên đã đẩy giá một số mặt hàng (rau xanh, hải sản tươi sống tăng cao tại các chợ đầu mối...). Tại nhiều chợ, cảnh mua bán khá thưa vắng, người bán đông hơn người mua do kỳ nghỉ Tết kéo dài, nhiều gia đình về quê ăn Tết.
Dự báo của cơ quan này cũng cho rằng, tại miền Bắc, thời tiết tiếp tục giá rét, nên có khả năng giá rau xanh sẽ tăng trong những ngày sắp tới. Tuy nhiên cũng sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, vì chỉ đến ngày mùng 3 là một số siêu thị đã mở cửa để phục vụ nhu cầu của người dân. Theo quy luật, nhu cầu tiêu thụ đối với nhiều nhóm hàng, nhất là hàng thực phẩm tươi sống sẽ tăng cao trong những ngày sắp tới.
Ngoài ra, thời gian nghỉ Tết kéo dài nên nhu cầu vui chơi giải trí trong dịp này sẽ tác động tới giá nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ (ăn uống, vui chơi, trông giữ xe máy, xe ôtô...). Dự báo một số ngày tới hoạt động mua bán tiếp tục đông hơn, giá cả, cung cầu hàng hoá có thể trở lại bình thường.
Theo ANTD