Syria có cơ hội tránh chiến tranh đẫm máu?
Các Bộ trưởng tham gia hội nghị Nhóm Hành động về Syria vừa kết thúc ở Geneva hôm qua, (30/6) đã thống nhất đưa ra một gói nguyên tắc và quy tắc để mở đường cho một cuộc chuyển giao quyền lực ở Syria.
Các Bộ trưởng của Nhóm Hành động, đại diện cho cả các cường quốc khu vực và thế giới đã cùng đưa ra một thông cáo chung sau hội nghị, trong đó có cả một thỏa thuận quan trọng về tương lai của Syria. “Các thành viên của Nhóm Hành động sẽ hành động trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của Syria,” Thông cáo có đoạn.
“Chúng tôi quyết tâm hành động khẩn cấp và tích cực để chấm dứt tình trạng bạo lực, lạm dụng quyền con người và bình ổn tình hình chính trị ở Syria, đáp ứng nguyện vọng của người dân Syria và giúp họ có thể tự quyết định tương lai của mình một cách độc lập và dân chủ,” Thông cáo viết thêm.
Để thực hiện các mục tiêu trên, thành viên Nhóm Hành động đã cùng bàn thảo và thống nhất các bước đi và biện pháp nhằm đảm bảo cho kế hoạch hòa bình 6 điểm của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria – ông Kofi Annan cũng như các nghị quyết 2042 và 2043 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được thực hiện và tuân thủ một cách đầy đủ.
Quan trọng hơn nữa, họ cũng nhất trí về nguyên tắc và quy tắc cho một cuộc chuyển giao quyền lực chính trị, đáp ứng nguyện vọng hợp pháp của người dân Syria, đồng thời nhất trí hành động để hỗ trợ các nỗ lực hòa bình của Đặc phái Viên Liên Hợp Quốc và Liên Đoàn Ả-Rập Kofi Annan.
Liên quan đến các quy tắc và nguyên tắc về cuộc chuyển giao quyền lực, Nhóm Hành động nhất trí rằng bất cứ sự giàn xếp chính trị nào cũng phải dựa trên nguyện vọng của người dân Syria, đồng thời đề xuất viễn cảnh về một tương lai thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của tất cả các bên ở đất nước này.
Trong Thông cáo trên, các bên còn thống nhất về các bước chính chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao, trong đó có việc thiết lập một cơ quan quản lý chuyển giao bao gồm các thành viên hiện tại trong chính phủ và phe nổi dậy Syria, một hội đồng Đối thoại Quốc gia, và cơ quan điều hành hệ thống lập pháp và nội quy hiến pháp mới.
Thông cáo này cho rằng một khi nội quy hiến pháp mới được thiết lập, thì theo sau nó chắc chắn sẽ là một cuộc bầu cử đa đảng công bằng và tự do.
Theo VNMedia
Thổ Nhĩ Kỳ hướng tên lửa vào Syria
Thổ Nhĩ Kỳ đang triển khai một loạt tên lửa, súng phòng không và nhiều loại vũ khí khác ở dọc biên giới với Syria, đài truyền hình quốc gia hôm nay (28/6) đưa tin. Động thái cứng rắn này được đưa ra sau khi Syria bắn hạ một máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tuần trước.
(Ảnh minh họa)
Đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ ghi lại được cảnh một đoàn xe gồm khoảng 30 chiếc xe quân sự khởi hành từ tỉnh Hatay tiến đến khu vực biên giới Syria trong ngày hôm qua (27/6). Đoàn xe được hộ tống bởi rất nhiều xe cảnh sát này chở theo một loạt khẩu đội tên lửa, súng phòng không và nhiều loại vũ khí khác.
Đoàn xe rầm rộ nói trên đã tiến vào một căn cứ quân sự gần thành phố biên giới Yayladagi trong ngày hôm nay, đài truyền hình TRT cho biết. Theo báo chí địa phương, các vũ khí vừa được chở đến sẽ được triển khai ở khu vực cách biên giới Syria khoảng 50km.
Động thái quân sự gây giật mình trên của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra sau khi Ankara cảnh báo Syria tránh xa khu vực biên giới hai nước. Thổ Nhĩ Kỳ đang rất tức giận trước việc Syria hạ gục một máy bay chiến đấu của nước này hồi cuối tuần trước. Hôm 26/6, Ankara đã lên tiếng cảnh báo, họ sẽ coi bất kỳ hành động tiếp cận biên giới nước này của các đơn vị quân đội Syria như một mối đe dọa và là một mục tiêu quân sự.
Theo lời Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, từ giờ trở đi, các quy định hoạt động của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực biên giới với Syria sẽ thay đổi. "Mọi nhân tố quân sự tiếp cận với Thổ Nhĩ Kỳ từ biên giới Syria và gây ra nguy cơ an ninh sẽ được đánh giá là một mối đe dọa nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ xử lý nó như một mục tiêu quân sự".
Nhìn vào những vũ khí phòng không hiện đại mà Thổ Nhĩ Kỳ đem đến khu vực biên giới với Syria, người ta có thể thấy, nước này đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với bất kỳ chiếc máy bay chiến đấu hay trực thăng nào của Syria tiến đến biên giới hai nước.
Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ chưa cho biết nước này sẽ thay đổi quy định hoạt động của quân đội ở khu vực biên giới với Syria như thế nào.
Trong khi đó, một bộ trưởng Syria hôm qua cho biết, lực lượng nước này có thể đã nhầm máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ với máy bay của Israel nên đã bắn hạ nó. Bộ trưởng Thông tin Syria Omran al-Zoebi cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây rằng, nước ông "không muốn một cuộc khủng hoảng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria". Theo ông Al-Zoebi, máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel hầu hết là được sản xuất tại Mỹ. Vì thế, chuyện Syria nhầm máy bay của hai nước là điều dễ hiểu.
Nga cung cấp trực thăng tấn công cho Syria
Liên quan đến tình hình Syria, Nga hôm nay tuyên bố sẽ chuyển cho Damascus những chiếc trực thăng tấn công Mil Mi-25 theo đúng hợp đồng đã ký kết giữa hai nước.
Chuyến hàng đầu tiên gồm 3 chiếc trực thăng Mil Mi-25 sẽ được chuyển đến cho Syria đúng với thời gian quy định trong hợp đồng, Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuận Quân sự Liên bang - ông Alexander Fomin cho biết. Theo ông Fomin, Nga đã ký hợp đồng sửa chữa và nâng cấp những chiếc trực thăng Mi-25 cho Syria từ năm 2008.
"Syria là bạn bè của chúng tôi và chúng tôi sẽ hoàn thành tất cả nghĩa vụ của chúng tôi đối với những người bạn bè của mình. Theo hợp đồng năm 2008, chúng tôi đã sửa chữa 3 chiếc Mi-25 cho Syria và giờ chúng tôi đã sẵn sàng chuyển giao cho họ đúng thời hạn đưa ra", ông Fomin cho biết bên lề một triển lãm về máy móc, kỹ thuật ở Zhukovsky, gần thủ đô Moscow.
Chuyến hàng trực thăng nói trên đã trở thành trung tâm của một cuộc tranh cãi ngoại giao gay gắt giữa Mỹ và Nga hồi đầu tháng này. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cáo buộc Nga đang cung cấp vũ khí cho quân chính phủ Syria sử dụng vào các cuộc thảm sát dân thường.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bác bỏ cáo buộc trên, nói rằng những chiếc trực thăng Mi-25 đã được cung cấp cho Syria từ thời Liên Xô cũ và chúng được đưa trở lại Syria theo một hợp đồng được ký kết giữa Moscow và Damascus. Ông Lavrov khẳng định, các thiết bị quân sự mà Nga cung cấp cho Syria chỉ mang tính phòng vệ và không thể được sử dụng để chống lại dân thường.
Trước đó, dưới sức ép của Mỹ, chính phủ Anh đã chặn một con tàu của Nga chở những chiếc trực thăng Mi-25 và một loạt hệ thống phòng không cho Syria. Con tàu này đã buộc phải quay trở lại Nga và đang neo đậu ở Murmansk. Không thể vận chuyển chuyến hàng trên cho Syria bằng đường biển, Nga đã chọn đường hàng không để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của mình.
Mỹ và Phương Tây đang gia tăng sức ép buộc Nga chấm dứt các hoạt động hợp tác quân sự với Syria. Tuy nhiên, Moscow khẳng định, nước này quyết không phá vỡ các hợp đồng vũ khí đã ký kết với Syria.
Theo VNMedia