Sydney ngăn biểu tình vì lo ngại nCoV
Giới chức bang NSW sẽ tìm biện pháp pháp lý ngăn cuộc biểu tình “Mạng sống người da màu quan trọng” sắp diễn ra do lo ngại Covid-19 bùng phát.
“Chính quyền bang New South Wales (NSW) sẽ không bao giờ bật đèn xanh cho hàng nghìn người rõ ràng coi thường các quy định về y tế”, Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian phát biểu trước báo giới tại thành phố Sydney, Australia, hôm nay.
Cảnh sát bang NSW ban đầu cho phép tổ chức cuộc biểu tình “Mạng sống người da màu quan trọng” dự kiến diễn ra vào ngày mai, do được thông báo rằng sẽ có dưới 500 người tham gia. Tuy nhiên, các nhà tổ chức giờ đây dự tính hàng nghìn người sẽ tập trung tại sự kiện.
Nỗ lực vào phút chót của chính quyền bang NSW nhằm ngăn cuộc biểu tình được đưa ra sau khi Thủ tướng Australia Scott Morrison đề nghị mọi người không tham gia các cuộc tụ tập, tuần hành tương tự ở Melbourne và nhiều thành phố khác do lo ngại nguy cơ lây lan nCoV. Tòa án Tối cao bang NSW sẽ tổ chức phiên điều trần về quyết định của chính quyền bang vào hôm nay.
Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian phát biểu trong cuộc họp báo tại thành phố Sydney, Australia hôm nay. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Morrison trước đó cũng khuyên người dân nên tìm cách khác để bày tỏ sự tức giận đối với cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu sống tại thành phố Minneapolis, Mỹ, bị cảnh sát ghì đầu gối lên gáy dẫn đến tử vong.
“Những khuyến cáo về sức khỏe rất rõ ràng. Việc đi biểu tình không phải ý tưởng hay. Hãy tìm cách khác tốt hơn để bộc lộ cảm xúc và thực hiện các quyền tự do của chúng ta một cách có trách nhiệm”, Morrison phát biểu tại thủ đô Canberra.
Cuộc biểu tình tại Melbourne dự kiến vẫn diễn ra do được cảnh sát địa phương chấp thuận, mặc dù Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews đã kêu gọi người dân không tham gia. Gần đây, Australia duy trì được số ca nhiễm nCoV mới hàng ngày ở mức một con số, với tổng cộng hơn 7.200 ca nhiễm, gần 6.900 người bình phục và hơn 100 người chết.
Các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và hành vi bạo lực của cảnh sát bùng phát tại Minneapolis, bang Minnesota, sau đó lan ra toàn bộ 50 bang của Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Tại Australia, người dân còn biểu tình để phản đối tình trạng phân biệt đối xử của cảnh sát với người bản địa, cùng những cái chết của thổ dân trong tù.
Lý do Trung Quốc sẵn sàng 'đánh đổi' Hong Kong
Bắc Kinh quyết theo đuổi luật an ninh Hong Kong, cho rằng cái giá phải trả sẽ thấp hơn lợi ích thu được từ việc kiểm soát vững chắc đặc khu.
Trung Quốc cuối tháng 5 bất ngờ thông báo quốc hội nước này sẽ thông qua luật an ninh mới cho đặc khu hành chính Hong Kong, hình sự hóa các hành vi "làm phản, ly khai, nổi loạn và lật đổ" nhắm vào chính quyền trung ương và cho phép các cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc lập văn phòng tại Hong Kong.
Video đang HOT
Khi ra thông báo này, Bắc Kinh dường như cũng lường trước phản ứng quyết liệt của người Hong Kong cũng như dư luận quốc tế, đặc biệt là Mỹ, với một đạo luật được cho là sẽ tổn hại vĩnh viễn đến quyền tự chủ của Hong Kong, ảnh hưởng đáng kể đến vị thế trung tâm tài chính hàng đầu thế giới của thành phố.
Tuy nhiên, lãnh đạo nước này vẫn đặt cược rằng về mặt kinh tế toàn cầu, thế giới luôn cần Trung Quốc, dù có hay không có Hong Kong, theo bình luận viên Alexandra Stevenson và Vivian Wang của NYTimes.
Một người biểu tình trên đường phố Hong Kong hôm 31/5. Ảnh: NYTimes.
4 quốc gia gồm Mỹ, Anh, Canada và Australia đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc đại lục quyết định áp luật an ninh mới đối với Hong Kong. Mỹ là nước phản ứng mạnh nhất, khi tuyên bố sẽ tước các ưu đãi kinh tế dành cho đặc khu.
"Sẽ có người cảm thấy không hài lòng trong một thời gian. Nhưng 'chó cứ sủa, đoàn người cứ đi'. Đây chỉ là phán quyết về mặt chính trị. Họ có rất nhiều bằng chứng thực tế cho thấy những lo ngại sẽ sớm biến mất", John L. Thornton, cựu chủ tịch của tập đoàn Goldman Sachs, người có mối quan hệ lâu dài với giới lãnh đạo Trung Quốc, cho hay.
Ngày 3/6, tập đoàn HSBC cho biết Peter Wong, giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã ký bản kiến nghị ủng hộ luật an ninh Hong Kong.
Các bình luận viên của NYTimes cho rằng tầm quan trọng của Hong Kong đối với Trung Quốc đã giảm sau khi nền kinh tế đại lục phát triển mạnh. Năm 1997, Hong Kong chiếm gần 1/5 sản lượng kinh tế của đại lục, được xem động lực phát triển quan trọng đối với Bắc Kinh. Lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã đồng ý để Hong Kong được duy trì trạng thái tự do cá nhân và kinh doanh trong nhiều thập kỷ sau đó.
Nhưng đến nay, Hong Kong chỉ chiếm chưa tới 3% sản lượng kinh tế của đại lục. Dù đánh giá cao quyền tự trị cao, thuế thấp và môi trường kinh doanh minh bạch của Hong Kong, nhiều nhà đầu tư vẫn tìm đến nhiều thành phố tại đại lục như Thượng Hải, nơi giá trị của thị trường chứng khoán lớn hơn Hong Kong.
Cảng container Kwai Tsing ở Hong Kong. Ảnh: NYTimes.
Tuy nhiên, Washington tin rằng Hong Kong vẫn còn giá trị với Trung Quốc. Động thái tước trạng thái đặc biệt của Hong Kong có thể khiến đặc khu phải chịu chung mức thuế và hạn chế thương mại mà Mỹ áp với Trung Quốc.
Ngoài ra, đặc khu còn có thể mất đặc quyền trao đổi tự do giữa đồng USD và đôla Hong Kong, điều có thể ảnh hưởng rất lớn tới Trung Quốc. Khoảng 3/4 thanh toán bằng đồng nhân dân tệ của Bắc Kinh đều được giao dịch qua Hong Kong, theo Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế, mạng lưới hỗ trợ giao dịch tài chính toàn cầu.
Đòn trả đũa của Mỹ có thể khiến nhiều doanh nghiệp quốc tế rời Hong Kong. Theo kết quả khảo sát của Văn phòng Thương mại Mỹ tại Hong Kong công bố hôm 3/6, hơn 1/4 công ty cho biết đang cân nhắc chuyển tới nơi khác.
Không chỉ doanh nghiệp, Hong Kong cũng đứng trước nguy cơ nhiều người dân rời đi nếu Trung Quốc áp luật an ninh. Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 3/6 cam kết cấp thị thực cho gần ba triệu người Hong Kong, nửa dân số thành phố, "mở đường" cho họ trở thành công dân Anh.
Nhiều công ty hỗ trợ người Hong Kong xin thị thực Anh nhận thấy nhu cầu khách hàng tăng mạnh gần đây. British Connections cho biết đã có 120 người nộp đơn đăng ký từ ngày 22/5 đến 31/5, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài Anh, người dân Hong Kong cũng có thể có thêm lựa chọn di cư khác như Canada, Australia hay Ireland. Những cuộc di cư này có thể khiến Hong Kong đối mặt với nguy cơ chảy máu chất xám nghiêm trọng và đây có vẻ là lý do khiến Bắc Kinh phản ứng gay gắt với Anh.
"Chúng tôi khuyên Anh lùi khỏi bờ vực, từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh, tư duy thuộc địa của họ và công nhận, tôn trọng thực tế rằng Hong Kong đã được trao trả", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 3/6. Đồng thời, ông Triệu cảnh báo Trung Quốc có thể đưa ra các biện pháp đáp trả.
Giới quan sát cho rằng phản ứng quyết liệt của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh sẽ sẵn sàng "hy sinh" Hong Kong để theo đuổi con đường riêng. Nhiều thành phố như Thượng Hải hay Thâm Quyến đã cam kết thay đổi hệ thống tài chính và pháp lý trở nên thân thiện hơn với nhà đầu tư, nhằm cạnh tranh với Hong Kong. Trung Quốc hôm 1/6 công bố gói chính sách đặc biệt cho Hải Nam để biến hòn đảo thành "khu vực thương mại tự do" tương tự Hong Kong.
Trung Quốc cũng cho rằng rủi ro của họ rất hạn chế. Bắc Kinh xem lời đe dọa của Trump chỉ là "lừa gạt", bởi lợi ích kinh tế của Mỹ ở Hong Kong rất lớn. Nếu Nhà Trắng tước quyền trao đổi tự do USD của Hong Kong, ngân hàng Trung Quốc sẽ có cách khác để duy trì việc tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu, theo Victor Shih, chuyên gia về hệ thống tài chính Trung Quốc tại Đại học California, San Diego, Mỹ.
Trung Quốc cũng nắm hơn 1.000 tỷ trái phiếu kho bạc Mỹ, chiếm hơn 4% tổng nợ của Washington. Dù Bắc Kinh không thể nhanh chóng giải quyết số nợ này mà không gây ra tổn hại gì cho mình, động thái này vẫn có thể gây ra những gián đoạn trên toàn cầu.
Giới chức Trung Quốc cũng tin rằng đã lôi kéo thành công giới doanh nhân hàng đầu Hong Kong. Nhiều người trong số này hiện nắm cổ phần kinh doanh lớn ở đại lục.
"Chúng ta có lẽ không nên suy diễn quá nhiều về nó. Hy vọng luật mới có thể làm giảm sự e ngại của chính quyền trung ương Bắc Kinh tại Hong Kong, từ đó nảy sinh những triển vọng tích cực", tỷ phú giàu nhất Hong Kong Lý Gia Thành cho biết hôm 27/5, đề cập tới luật an ninh Hong Kong đang gây tranh cãi và châm ngòi cho các cuộc biểu tình mới ở đặc khu.
Một số nhà đầu tư lớn nhất Hong Kong cho rằng hoạt động kinh doanh sẽ tiếp tục như bình thường. Trong thư gửi tới khách hàng tuần này, Weijian Shan, nhà đầu tư cổ phần tư nhân lớn ở Hong Kong, cho biết không thấy quá lo ngại về luật an ninh mới ở Hong Kong.
"Sẽ không có bất kỳ thay đổi nào về pháp luật, hệ thống tư pháp độc lập hay tự do ngôn luận", ông nói.
Người biểu tình bị cảnh sát bắt ở khu vực Causeway Bay, Hong Kong tuần trước. Ảnh: NYTimes.
Luật an ninh Hong Kong cũng được Trung Quốc đưa ra vào thời điểm được họ coi là "chín muồi" về chính trị. Bắc Kinh cảm thấy họ đang mạnh hơn bao giờ hết, khi đã kiểm soát thành công Covid-19, điều mà không nhiều quốc gia khác làm được. Đại dịch dường như cũng giúp Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố quyền lực và có những bước đi táo bạo hơn nhiều người tiền nhiệm.
Trong khi đó, các đối thủ của Bắc Kinh lại trở nên suy yếu. Tổng thống Trump đang đau đầu giải quyết đại dịch và biểu tình bạo loạn ở Mỹ. Các quốc gia phương Tây khác, từng ủng hộ phong trào biểu tình ở Hong Kong, đang bận lo cho cuộc khủng hoảng của chính họ. Khi vai trò lãnh đạo thế giới ngày càng phai nhạt dưới thời Trump, Washington cũng khó có thể tập hợp một liên minh giữa Mỹ và các nước phương Tây.
"Thái độ của Trung Quốc lúc này là 'Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận những lời chỉ trích từ bên ngoài cho mọi thứ mình làm", Andrew Nathan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Columbia, bình luận. "Họ cho rằng 'Các người có thể nói bất cứ điều gì tùy thích nhưng không làm được gì, cớ sao chúng tôi phải bận tâm'".
Tính toán của Trung Quốc cũng đã thu được kết quả trong một lĩnh vực chủ chốt, đó là làm "nản lòng" những người biểu tình ở Hong Kong. Dù một số người cho rằng sẽ quyết phản đối luật an ninh mới đến cùng, nhiều người khác thừa nhận rằng họ đã quá mệt mỏi, chia rẽ và bế tắc. Nhiều người biểu tình đã bị cảnh sát bắt.
Một vài nhà hoạt động khác cố bám lấy hy vọng rằng Trung Quốc vẫn cần và muốn có được sự đồng thuận của thế giới.
"Nếu thế giới không còn tin tưởng Trung Quốc, họ sẽ chống lại quốc gia này. Đó là con đường mà Trung Quốc và ông Tập Cận Bình muốn sao? Chúng tôi muốn thuyết phục họ rằng lợi ích thật sự của Bắc Kinh phải là có được lòng tin của thế giới", Martin Lee, người ủng hộ phong trào biểu tình ở Hong Kong, nói.
Nhưng Bắc Kinh dường như không có chung quan điểm. Lee, 81 tuổi, người được mệnh danh là "Cha đẻ của nền dân chủ Hong Kong", bị cảnh sát bắt cùng 14 người khác hồi tháng 4 vì liên quan đến các cuộc biểu tình năm ngoái.
Những động thái này dường như cho thấy Bắc Kinh chấp nhận "hy sinh" những lợi ích mà Hong Kong từ lâu mang lại cho đại lục để đổi lấy quyền kiểm soát lâu dài và sự ổn định đối với đặc khu, bình luận viên Stevenson và Wang nhận định.
Cảnh sát ôm bé gái da màu giữa biểu tình Một cảnh sát da trắng ôm lấy Simone Bartee, 5 tuổi, trấn an khi cô bé da màu khóc, hỏi "chú có bắn cháu không", giữa cuộc biểu tình ở Houston. Cô bé Simone Bartee đang cùng bố mẹ tham gia biểu tình kêu gọi công lý cho George Floyd ở thành phố Houston, bang Texas, hôm 30/5 thì bỗng nhiên khóc to....