SV thuê người học hộ, ĐH Sư Phạm Hà Nội nói gì?
Đại diện trường ĐHSP Hà Nội đã có ý kiến sau khi báo chí đăng tải thông tin về hiện tượng sinh viên trường này bỏ tiền thuê người đến lớp học hộ mình.
Vừa qua, Khampha.vn thực hiện loạt bài phóng sự điều tra nhập vai về hiện trượng sinh viên bỏ tiền thuê người học hộ, thi hộ. Trong số cơ sở có sinh viên học hộ có trường đại học lớn, có tên tuổi, được xã hội tin tưởng như trường: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Sư phạm Hà Nội… Trước thông tin trên, đại diện Trường ĐHSP Hà Nội đã lên tiếng bày tỏ quan điểm của trường.
Như chúng tôi thông tin, trong vai người học thuê, ngày 16/3, phóng viên vào học ở lớp liên thông đại học, Khoa Ngữ văn K3, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, HN). Kết thúc “trót lọt” buổi học thuê, chúng tôi được sinh viên trả thù lao tương đương… một bát phở (30 nghìn đồng). Lớp học chúng tôi tham dự ngày 16/3 có khoảng 60 sinh viên, trong đó có 6 sinh viên nam thì có tới 4 người “đi học thuê”.
Trước thông tin trên, đại diện Trường ĐHSP Hà Nội – Tiến sỹ Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp cho biết: “Quan điểm của nhà trường, sinh viên thuê người đi học hộ là hành vi, quan niệm học tập rất không tốt, sai hoàn toàn nội quy, quy chế học tập”.
Ông nói rằng, trong quá trình học tập một đơn vị tín chỉ, sinh viên có thể được nghỉ học một tỷ lệ nhất định (vì những tình huống bất khả kháng). Song khi sinh viên không muốn đi học vì không có động cơ học tập cho chính mình mà lại nhờ người khác đến điểm danh hộ, thì đó là hành vi rất không tốt.
Hiện tại, Nhà trường đang thanh kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử phạt, kỷ luật theo quy chế.
Đại diện Trường ĐHSP Hà Nội cũng cho biết, không chỉ khi báo đăng rồi nhà trường mới thanh kiểm tra quy chế học tập mà đây là công việc thường xuyên. Tuy nhiên, thông thường thanh tra giáo dục hướng đến bảo đảm giờ dạy của giáo viên hơn là sự có mặt của sinh viên trong lớp.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp (bên trái) cùng ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội
Nói về nguyên nhân sinh viên không đến lớp mà bỏ tiền ra thuê người học hộ, ông Hiền cho rằng “do ý thức của sinh viên kém”.
Video đang HOT
Theo ông, học theo hình thức tín chỉ là học theo chương trình của từng cá nhân, nên ngay trong một lớp, có thể sinh viên không biết hết nhau. Sinh viên lợi dụng đặc điểm “không biết mặt nhau” này để có thể thuê người trà trộn vào lớp học hộ.
Tuy nhiên, ông cho rằng: “Đây chỉ là những trường hợp cá biệt, không thể xem là nhược điểm chung của đào tạo theo học chế tín chỉ”.
Để hạn chế hiện tượng trên, sau khi có thông tin về hiện tượng học hộ, Nhà trường tiếp tục quán triệt đến các khoa về trách nhiệm của khoa trong quá trình đào tạo; trách nhiệm từng giảng viên trong quá trình lên lớp.
Ngoài ra, để khắc phục việc sinh viên không biết mặt nhau, Nhà trường cùng với đoàn thanh niên sẽ tổ chức các hoạt động tập thể, tăng cường giao lưu giữa các sinh viên. Đây cũng là điều kiện để sinh viên có thể tự quản, tự giám sát nhau trong học tập tốt hơn.
Theo Khampha
Học thuê, thi mướn: Bộ GD&ĐT phải vào cuộc
"Nếu có học thuê, thi hộ thì Bộ GD&ĐT phải thừa nhận thiếu sót và nói với Nhà nước, xem phải xử lý bằng cách nào".
Sau khi chúng tôi đăng tải loạt bài phóng sự điều tra về học thuê, thi mướn, rất nhiều nhà giáo dục đã lên án mạnh mẽ hiện tượng này. Tuy vậy, đến nay, cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ GD&ĐT vẫn chưa có ý kiến về việc này. Trao đổi với phóng viên, GS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương cho rằng, Bộ GD&ĐT cần phải kiểm tra đúng sai rồi trả lời cho công luận, xã hội.
- Thưa Giáo sư, chúng tôi vừa thực hiện loạt bài phóng sự điều tra nhập vai phản ánh thực trạng bát nháo trong giáo dục đại học. Trong đó, sinh viên không đi học mà bỏ tiền ra để thuê người học hộ, thi hộ mình. Thông tin này khiến ông suy nghĩ gì?
GS Phạm Tất Dong: Tôi cho rằng, sinh viên thuê người đi học là việc làm nghiêm trọng. Chuyện này sẽ làm cho nhân lực nước nhà trong tương lai yếu kém. Đặc biệt, bộ máy công quyền sẽ có nhiều người yếu kém, thiếu đạo đức.
Tôi thấy hiện nay, trong bộ máy công quyền đã xuất hiện những chuyên viên, công chức trình độ thấp. Hãy xem cách họ quân sư để ra chính sách, sau đó thay đổi xoành xoạch, chứng tỏ họ làm việc không nghiêm túc hoặc kém hiểu biết. Theo tôi, xã hội hiện nay đang bộc lộ sự học giả, thiếu trình độ thật.
GS Phạm Tất Dong cho rằng, Bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm về những chuyện xảy ra trong ngành giáo dục
- Có ý kiến cho rằng, sinh viên bỏ tiền ra thuê người khác đi học hộ, thi hộ nghĩa là bản thân họ không muốn đến trường học. Vậy có nhất thiết phải bắt buộc họ đến ngồi trong lớp không, bởi nếu có đến thì sinh viên này cũng chỉ chơi game, làm việc khác...?
GS Phạm Tất Dong: Sinh viên nhờ người đi học hộ, thi hộ nghĩa là không muốn học. Có thể, do bị một áp lực, sức ép nào đó như bố mẹ bắt đi học, công ăn việc làm đòi hỏi... nên họ phải ghi danh đi học.
Động cơ đi học của những sinh viên trên có thể không đúng. Tuy nhiên, nhà trường phải lưu ý, khi trường đã tiếp nhận sinh viên trên thì ngay từ đầu phải hướng nghiệp, làm cho họ biết vào trường mình học phải làm gì.
Theo tôi, nếu có hiện tượng học hộ, thi hộ thì Đảng bộ nhà trường phải xem lại trách nhiệm của mình vì đây là tổ chức chịu trách nhiệm hoàn toàn về nhiệm vụ chính trị của trường. Tiếp sau đó, cần phát huy vai trò của Đoàn, Hội sinh viên trường trong việc hướng nghiệp, giúp sinh viên học tập tốt hơn.
- Thưa Giáo sư, nhiều nhà giáo dục nói rằng, cách quản lý của các trường đại học có sơ hở, đặc biệt trong việc tổ chức các lớp học theo hình thức tín chỉ. Cụ thể, tổ chức lớp học lỏng lẻo và rời rạc, "không ai biết ai", nên sinh viên dễ dàng nhờ người học hộ mà không bị phát hiện. Ông có nghĩ vậy không?
GS Phạm Tất Dong: Có lẽ, các trường phải xem lại cách thức tổ chức học theo tín chỉ. Chúng ta mới chuyển từ hình thức đào tạo niên chế sang tín chỉ, có thể cách tổ chức còn sơ hở, chưa thật chặt chẽ. Do vậy, nhà trường nên xem xét lại, rút kinh nghiệm xem hình thức đào tạo tín chỉ hay chỗ nào và dở chỗ nào để khắc phục.
Tôi nghĩ rằng, lớp học tín chỉ chỉ nên tổ chức cho sinh viên, giảng viên trong một khoa của trường. Thông thường, một khoa không quá đông, đủ để sinh viết biết nhau, khó có cơ hội cho người ngoài vào học hộ mà không bị phát hiện.
Nhiều sinh viên tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thuê người đi học
- Thưa Giáo sư, Bộ GD&ĐT và lãnh đạo các trường đại học cần làm gì để ngăn chặn hiện tượng học thuê, thi mướn?
GS Phạm Tất Dong: Bộ GD&ĐT quản lý Nhà nước về giáo dục. Do vậy, những chuyện xảy ra trong ngành, Bộ phải chịu trách nhiệm. Nếu có sai phạm hay thiếu sót trong việc gì phải thừa nhận và nói với Nhà nước nên xử lý bằng cách nào.
Về tình trạng học thuê, thi mướn, Bộ phải kiểm tra đúng sai rồi trả lời cho công luận, xã hội. Tôi cho rằng, hiện nay, Bộ GD&ĐT còn lỏng lẻo trong quản lý sự nghiệp.
Mặc dù vậy, GD&ĐT cũng đang chịu nhiều sức ép, trong đó có sức ép đến từ công luận. Do vậy, nhiều khi Bộ không dám thực thi nghiêm kỷ luật.
Trường học dân chủ cấm chuyện người thấy đánh, xâm phạm đến nhân phẩm, thể xác học trò. Đó là điều đúng đắn. Nhưng đôi khi học trò chửi, đánh thầy nhưng các trường không dám ký luật nặng. Thầy động vào trò thì có khi bị mất việc.
Còn đối với các trường, nếu để xảy ra chuyện học hộ, thi hộ thì hiệu trưởng phải thừa nhận là trường tôi có xảy ra chuyện này. Nếu là tôi, tôi sẽ làm ra nhẽ và tìm ra giải pháp mà không sợ mất uy tín. Chính việc giấu giếm mới làm giảm uy tín của các trường.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Khampha
Tổ chức học thuê, thi thuê bị phạt 2 năm tù Người kinh doanh dịch vụ học thuê, thi thuê có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Kinh doanh trái phép" với mức án là 2 năm tù. Sau khi đăng tải loạt bài phản ánh nạn "học thuê, thi thuê" diễn ra công khai, rầm rộ, với sự hỗ trợ đắc lực của các diễn đàn trên Facebook, chúng...