SV khốn đốn với kinh doanh luật “rừng” của chủ trọ
Có một thực tế lâu nay là người thuê trọ, đặc biệt là sinh viên, phải chấp nhận mua điện, nước và nhiều thứ thiết yếu khác qua chủ trọ với chi phí cao gấp vài lần so với giá quy định của nhà nước. “Tiền trao” nhưng “cháo” chưa “múc”: vẫn mất trộm dù có phí an ninh, nhà trọ bẩn thỉu dù đóng hàng chục ngàn phí vệ sinh mỗi tháng…
“Kinh doanh” kép ba, kép bốn
Trong vai sinh viên đi tìm phòng trọ, chúng tôi vào một phòng ở khu Cầu Giấy, nhà cấp 4 lụp xụp rộng chừng 8-10m2, không khép kín, trần dán xốp, khá ẩm thấp, mạng nhện chăng đầy, chủ nhà “hét” giá 1 triệu/tháng, điện 4 ngàn/số, nước 80 ngàn/người/tháng, chỉ ở 1 người, cứ thêm 1 người thì tăng 200 ngàn.
Cũng gần đó, một phòng tầng 2 rộng chừng 15-17m2, khép kín, khá thoáng mát, có thể ở được 3-4 người lại chỉ có giá 1 triệu rưỡi/tháng, nước 70 ngàn/người/tháng.
Ngoài tiền phòng, các chi phí khác cũng có “giá” riêng, lên xuống tùy theo… khu vực. Điện được bán với giá cắt cổ từ 3,5-4 ngàn đồng/số; nước dao động từ 8-15 ngàn/khối (có nơi lên đến 20 ngàn/khối) hoặc 40-80 ngàn/người/tháng mà hầu hết là nước giếng khoan bơm lên dùng trực tiếp không qua hệ thống lọc.
Mỗi dãy trọ thế này cũng mang về cho chủ trọ hàng chục triệu đồng một tháng nhờ kinh doanh kép túi tiền sinh viên
Hầu hết các nơi đều tính thêm chi phí phụ như vệ sinh chung (5-10 ngàn/người/tháng, chi trả cho quét tước sân ngõ trong các khu nhà trọ và đổ rác), trông xe hay tiền internet… Theo phản ánh của nhiều sinh viên, nhiều nhà trọ không cho các bạn dùng mạng riêng, mà bắt ép dùng chung với chủ.
Mỗi swith mạng cắm được 4 dây mạng, chủ nhà có thể cắm vài swith cho cùng một gói internet, mỗi đầu dây thu từ 50-100 ngàn/tháng, thì lãi thu về lên đến hàng triệu đồng, trong khi chỉ phải bỏ ra chừng 300 ngàn “vốn”.
Bạn Vũ Phương Anh (Đại học Ngoại ngữ) chia sẻ: “Chỗ em thu tiên mang theo may, môi may 80 ngàn nhưng vân chung môt gói mang, mang thi lag điên cuông. Đắt ma chât lương tôi”.
Chị Oanh (từng trọ ở Dương Quảng Hàm): “Chỗ chị thì tăng giá định kì vào đầu và cuối năm, mỗi phòng tăng 200 ngàn, không lý do. Phí vệ sinh vẫn thu nhưng nhà tắm, bể nước,… bẩn kinh hoàng. Thu 30 ngàn phí an ninh nhưng xe máy, máy tính mất liên tục, chủ vẫn tỉnh bơ như không”.
Bạn N.H. trọ ở ngõ 175 – Xuân Thủy: “Mình ở chung với chủ. Nhà chủ tính điện kiểu “bổ đầu người”, tức là cuối tháng tổng bao nhiêu chia ra, người dùng ít cũng như người dùng nhiều. Mà mình thì chỉ có máy lap với cái bóng đèn và nồi cơm chứ mấy. Còn bác chủ nhà xài cả ti vi màn hình phẳng với tủ lạnh… Tháng nào cũng hơn 200 ngàn tiền điện… Xót quá!”.
Theo giá điện nhà nước, giá đắt nhất cho một số điện chỉ khoảng 3 ngàn/số (dành cho hộ kinh doanh), nước là 7 ngàn/khối, vậy mà khi đến tay những người tiêu thụ là sinh viên, công nhân,… những đối tượng vốn chẳng khá giả gì, thì giá đã đội lên đến vậy. Với việc đăng kí mỗi phòng một công tơ điện riêng, tức là ngang với điện sinh hoạt thì chỉ cần 5-7 người trọ đã đủ “gánh” hết tiền điện, nước,… của cá nhân chủ trọ trong tháng đó.
Vậy là, chủ trọ cứ việc kinh doanh trên ví tiền của sinh viên, còn sinh viên thì chẳng biết kêu ai. Nếu có kêu cũng chỉ nhận được câu trả lời “Ra chỗ khác mà ở”!
Video đang HOT
Những luật lệ… trên trời
Nhà trọ là dịch vụ kinh doanh tư nhân, cho nên nó cũng… mang đậm những “dấu ấn” cá nhân của chủ trọ. Không ít nhà có những quy tắc khiến sinh viên thấy vô cùng bất tiện.
Nguyễn Văn Dũng (ĐH Thương Mại, trọ ở Cầu Diễn) bức xúc: “Mình ở đây tuy rẻ nhưng chủ rất khó tính. Bạn đến chơi phải báo cáo, trả 5 nghìn tiền điện, nước cho bạn đó. Nếu ngủ qua đêm nộp 10 nghìn/người, kể cả bố mẹ lên chơi cũng… không ngoại lệ”.
Còn Nguyễn Thị Hồng Vân (Học viện Báo chí Tuyên truyền) thì than thở: “Chỗ mình cứ 22h đóng cổng, hôm nào đi viết bài về muộn là phải chật vật tìm chỗ nghỉ. Bạn bè mà ngủ qua đêm, bắt được phạt 50 ngàn. Chủ soi mói, xét nét kinh khủng”.
Anh Bùi Anh Thơ (quận Đống Đa – Đại học Ngoại thương): “Chỗ mình nhiều “luật” hay lắm: không bật nhạc to, nộp 10 ngàn/1 người bạn/1 bữa ăn (tức là có ở lại – PV), phạt… 6 cái ca nếu không đóng cổng, 1 cái chậu nếu để xe ko đúng nơi quy định”.
Dù mỗi tháng vẫn phải đóng tiền phí vệ sinh cho chủ trọ nhưng sinh viên phải dùng nhà vệ sinh “nửa kín nửa hở” này
Phòng của Hoàng Hà ở Hoàng Mai, Giáp Bát (sinh viên Viện ĐH Mở Hà Nội) quy định: phòng chỉ ở 1 người, cứ thêm 1 người ở thì đóng thêm 200 nghìn tiền phòng. Nghĩa là tiền phòng hoàn toàn phụ thuộc vào… số người ở!
Hỏi chuyện một chị chủ trọ ở phố Trần Bình về những quy tắc này, chị bảo: “Không thế thì có mà loạn. Chúng nó rủ bạn bè về ăn ngủ cả tháng ở đây thì ai mà biết đường nào quản lí. Đến lúc mất mát gì lại đổ tội cho chủ nhà an ninh kém…”
Sinh viên kêu ai?
Dù bị chủ trọ “kinh doanh” về mọi mặt như vậy nhưng sinh viên chỉ biết than thở với nhau chứ không biết kêu ai, vì ai cũng nghĩ đương nhiên chủ trọ có quyền “tuỳ nghi định giá”.
Trong khi đó, chủ trọ vẫn đang “bóc lột” sinh viên thuê trọ từng ngày để làm giàu trên những đồng tiền mồ hôi nước mắt của bố mẹ sinh viên – những người nông dân ở quê. Không chỉ sinh viên mà rất nhiều những công nhân, những người có thu nhập thấp đều phải chịu chung hoàn cảnh.
Một câu hỏi đặt ra là: Có cần thiết hay không một quy định để bảo vệ người thuê trọ?
Hiện nay, chúng ta đã có luật kinh doanh, luật đất đai, luật mua bán,… nhưng chế tài nào quản lí kinh doanh nhà trọ? Ai sẽ bảo vệ cho quyền lợi của người đi thuê? Nếu cơ sở vật chất của một nhà trọ kém đi, thì ai có thể yêu cầu nó giảm giá? Hay ngược lại, vì nhu cầu ngày càng tăng của sinh viên ngoại tỉnh đổ về trọ học, giá nhà cứ thế leo thang vùn vụt không thể kiểm soát được.
Và những cô cậu sinh viên chỉ còn biết phó mặc cho… may mắn, may thì tìm được nhà tốt, giá phù hợp, không thì đành chịu… bị “bóc lột” vậy. Việc kinh doanh kép ba, kép bốn các “thượng đế” của chủ trọ đã xảy ra từ rất lâu, thậm chí người ta coi đó là chuyện… thường ngày ở huyện, nhưng dường như các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được hướng giải quyết thỏa đáng.
Mọi việc vẫn chỉ nằm trong phản ánh của báo chí và người dân, còn sinh viên, công nhân,…- những người thu nhập thấp, ngày ngày chật vật với bão giá thị trường, thì vẫn không biết kêu “ai”, để đòi lại đúng quyền lợi của mình trong việc làm “thượng đế”!
Theo VietNamNet
Chủ nhà trọ bắt sinh viên... xoa bóp
Sẽ là may nếu sinh viên thuê được một căn phòng tốt, chủ trọ dễ tính (Ảnh: minh họa)
"Sợ nhất là ban đêm, bà chủ nhà bị khó thở, cứ nằm phòng ngoài hổn hển gọi tên từng đứa ra ngoài nhà xoa bóp giúp...".
Chuyện thuê trọ vốn được nhiều sinh viên đánh giá đôi khi là sự... may rủi. Sẽ là may nếu sinh viên thuê được một căn phòng tốt, chủ trọ dễ tính. Và sẽ là rất rủi nếu gặp phải chủ trọ tai quái, luôn nghĩ ra trăm phương nghìn cách để hạch sách nhằm thu lợi nhuận cao. Mối quan hệ chủ trọ - sinh viên luôn đặt trong tình trạng "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt". Nhiều sinh viên khi đã chuyển trọ vẫn không thể quên những bi hài khi bị chủ trọ quản lý bằng "kỷ luật thép".
Xóm trọ... không thân thiện
Phạm C. (Đại học Lao động Xã hội) khá may mắn khi tìm được một căn phòng trọ rộng rãi (ở cùng chủ) đủ để ở 3 người chỉ với giá 700 nghìn/tháng, điện nước tính theo giá Nhà nước nên có tháng chỉ hết dăm bảy chục nghìn cả tiền điện lẫn tiền nước.
Chủ trọ của C. là một bà lão 80 tuổi, con cái đều lập gia đình cả nên chỉ mình bà sống trong căn nhà rộng. Tưởng rằng có thể trọ tại đây nốt thời sinh viên, nhưng sự thật là chỉ 3 tháng sau, C. cùng hai người bạn đã phải tức tốc chuyển phòng bởi những quy định hết sức ngặt nghèo của bà lão: hạn chế tối đa bạn bè tới chơi, nghiêm cấm dẫn bạn trai về phòng, quét nhà 3 lần/ ngày, tiền nhà đóng trước 1 tháng...
Cô bạn này bày tỏ: "Ở đây rẻ thật, nhưng ở trọ mà có cảm giác như... ở tù. Bạn mình ở quê lên mà không dám dẫn vào phòng chơi. Không quét nhà thì bà mắng là "đồ con gái mà lười", hễ quét nhà là bà lấy cái giẻ lau, rê đi rê lại và bảo vẫn còn bẩn. Khi gội đầu, rửa bát, giặt quần áo... bà lão cũng đứng canh để xem chúng mình có sử dụng nhiều nước không.
Phòng mình ở trong nên rất tối, muốn học bài ban ngày cũng phải bật điện nhưng cứ hễ bật đèn là bị bà mắng. Trong khi đó tiền điện tiền nước đều do bọn mình trả. Sợ nhất là ban đêm, bà bị khó thở, cứ nằm phòng ngoài hổn hển gọi tên từng đứa ra ngoài nhà xoa bóp giúp. Không ra thì sợ bà bị làm sao, nhưng đúng là khi nghe giọng bà rên rỉ, chúng mình cứ co rúm người lại, có đứa cả đêm mất ngủ".
Thậm chí, có lần C. với bạn cùng phòng đều đi gội đầu, nhưng vì 2 người có vẻ ngoài quá giống nhau nên bà lão đã quát ầm lên khi cho rằng C. phí phạm nước đến nỗi cùng một lúc gội đầu... 2 lần. Trong câu mắng đó, bà lão còn gọi C. là "đồ nhà thổ". Sau lần đó, C. nhất quyết chuyển trọ.
C. chia sẻ: "Hôm mình chuyển đi, bác bán quán nước bên cạnh mới cho biết: Bà lão khó tính thế mà các cháu ở được 3 tháng là kỷ lục đấy, phòng đấy rẻ thật, nhưng trước các cháu chẳng có ai trụ nổi 1 tháng, có người vừa chuyển tới, 1 tuần sau đã thấy dọn đồ".
Còn với Nguyễn T. (Cao đẳng Sư phạm Hà Nội), bi hài xảy ra ngay tại khâu tìm phòng trọ. Năm đầu tiên, T. ở ký túc xá. Nhưng muốn tự do hơn nên T. chuyển ra ở ngoại trú.
T. mừng vô cùng khi người bạn mà T. nhờ đã tìm giúp một căn phòng nhỏ, ở gần trường mà giá cả rất phải chăng. Hơn nữa, khi người bạn này hỏi số tiền đặt cọc chủ trọ chỉ đáp: "Không phải đặt cọc, đặt kèo gì cả. Chiều mai bảo bạn đến xem phòng, nếu ưng thì chuyển đồ đến luôn". Nghe bạn kể, T đã mừng thầm vì chủ nhà có vẻ "thoáng tính".
Chiều hôm sau, T. đến xem phòng. Nhưng chỉ vừa nhìn thấy T., chủ nhà đã khó chịu: "Thôi thôi, mai không phải chuyển đồ, chuyển đạc gì nữa nhá." Đang lơ ngơ chẳng hiểu chuyện gì, thì T. nghe thấy người bạn thì thầm: "Thôi về đi, ông bà chủ bị ác cảm vì cậu mặc quần sooc, áo hai dây đấy. Cậu mà trọ ở đây chắc mùa hè cũng phải mặc áo len cao cổ". Mặc dù tiếc hùi hụi, nhưng T. cũng đành ngậm ngùi ra đi bởi quy định có một không hai của chủ trọ này.
"Trâu dữ mất họ, chủ trọ dữ... hết bạn bè"
Năm đầu tiên, vừa chân ướt chân ráo nhập học, Thu P. (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), theo lời khuyên của các anh chị sinh viên đi trước là cứ thuê tạm một căn phòng nhỏ, ở một mình rồi khi quen bạn quen bè thì rủ nhau về ở cùng cho vui, P. liền thuê tạm một căn phòng ở khu Cầu Giấy để tiện đường đi học.
Nhiều sinh viên khi đã chuyển trọ vẫn không thể quên những bi hài khi bị chủ trọ quản lý bằng "kỷ luật thép" (Ảnh: minh họa)
Căn phòng của P. rộng 8m (nằm trong một dãy trọ cấp 4 ở đường Dương Quảng Hàm) cũng không có gì là khang trang nhưng cũng được "hét" lên giá 800 nghìn/1 tháng, điện nước cũng theo giá "cắt cổ".
Theo như đúng lời của chủ trọ thì "giờ phòng trọ nó đắt, Nhà nước tăng giá điện giá nước nên thu tiền cũng phải cao hơn trước kia, trọ được thì trọ không thì đi tìm phòng khác". Nghe lời tuyên bố "xanh rờn" đó, P. cũng đã run, nhưng vì để có chỗ ăn học tạm thời nên đành cố chịu.
Nhưng khó chịu thực sự của P. không phải bởi tiền phòng mà chính là bởi cái chuồng chó được đặt ngay trước cửa phòng. P tâm sự: " Con chó đó là của con trai chủ nhà. Nó là giống chó tốt, lại thông minh nên được anh ta rất quý. Bạn bè mình tới chơi là con chó giằng xích lao ra. Cũng may là xích chắc chắn nên chưa đứa nào bị cắn. Dù vậy nhưng đứa nào cũng sợ, chẳng dám đến lần thứ hai. Nhiều khi muốn mời bạn về thăm phòng mà cũng ngại".
Từ khi anh con trai chủ nhà bị bắt đi cai nghiện thì con chó được chuyển vào chuồng. Cả mẹ và vợ của anh ta chẳng ai nhòm ngó, dọn dẹp chuồng khiến cái chuồng chó trở nên bốc mùi hôi thối. Đặc biệt là khi nắng gắt thì không ai muốn ở lại phòng.
P. cùng vài người trong xóm trọ có góp ý với chủ nhà chuyển chuồng chó ra chỗ khác, nhưng đáp lại tấm chân tình ấy là những câu mắng "xơi xơi" vào mặt: "Chuyển gì mà chuyển, cứ để nó ở đấy. Nếu phải chuyển thì là chuyển người thuê trọ chứ không phải chuyển chó".
Sau lần đó, P. hạ quyết tâm chuyển trọ: "Họ coi mình còn không bằng con chó thì còn thiết tha gì chuyện ở lại nữa".
Trần H. (Đại học Mở) thì bức xúc: "Một lần, mình tới thăm phòng đứa bạn thân hồi cấp 3. Nhưng đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng mình tới đó. Lúc mình đến chơi, mình chào rất to nhưng chủ nhà cũng chẳng thèm đáp lại một câu. Bực nhất là lúc mình đi vệ sinh, chủ nhà cứ ngồi ngoài nhà nói bóng nói gió: "Nhà này chưa thiếu nước... đến mức phải nhờ người tới tè hộ". Lúc đó mình chỉ muốn nổi điên lên, nhưng sợ đứa bạn đang thuê trọ khó xử nên đành im lặng. Giờ có cho thêm tiền mình cũng không bao giờ đến đó nữa".
Chủ trọ nắm trong tay "quyền sinh quyền sát", nên để sống yên ổn, nhiều sinh viên chọn cách im lặng. Số khác không chịu đựng được thì chọn cách chuyển trọ.
Nhiều khi "tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa", tránh được "quy định sắt" nhiều sinh viên ngay lập tức gặp phải "quy định thép" ở chỗ trọ mới. Và như thế, mối quan hệ giữa chủ trọ với sinh viên có lẽ chẳng bao giờ hết "nóng".
Theo Vietnamnet
Ở trọ cũng bị phân biệt đối xử! Gần đây, hàng chục công nhân KCX Linh Trung, quận Thủ Đức - TPHCM rất lo ngại vì nhận được thông báo từ chủ nhà trọ tại phường Linh Xuân, quận Thủ Đức đề nghị những người quê Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình không được ở trọ nữa Một nam công nhân đang thuê trọ ở khu nhà trên đường số 4,...