Suýt bị cắt cụt chân vì tắc động mạch chậu đùi cấp
Vừa qua, các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã cấp cứu thành công cho một bệnh nhân nam được chẩn đoán tắc động mạch chi dưới cấp.
Đây là một bệnh lí phức tạp, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có nguy cơ bị cắt cụt chi thể, để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhân.
Bệnh nhân là T.V.T, nam 34 tuổi, tiền sử hội chứng thận hư bỏ điều trị 1 năm nay, vào viện khám vì tình trạng đau chân trái đột ngột, đau tăng liên tục vào giờ thứ 6 của bệnh.
Khi vào viện, bệnh nhân có các triệu chứng đau dữ dội chân trái, dị cảm bất thường. Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân có các triệu chứng đầu chi lạnh, màu chi nhợt, không bắt được mạch từ động mạch bẹn trái, mất vận động chân trái.
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân T.V.T. Ảnh: BVCC.
Kết hợp với các kết quả cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán: Tắc động mạch chân trái cấp tính giờ thứ 6.
Qua đánh giá tại Khoa Cấp cứu và hội chẩn bác sĩ chuyên khoa, bệnh viện khởi động quy trình cấp cứu báo động đỏ, chỉ định can thiệp tối cấp cứu nhằm lấy huyết khối, tái tưới máu chân trái. Mục tiêu của cuộc mổ là nhằm bảo tồn chi thể tối đa cho người bệnh, tránh nguy cơ cắt cụt chi.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết, sau khi phẫu tích bộc lộ hệ động mạch của bệnh nhân, ekip đánh giá thấy toàn bộ hệ động mạch từ động mạch chậu ngoài trái cho đến đùi chung trái hoàn toàn không có nhịp mạch. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu cấp tính của bệnh nhân.
Video đang HOT
Máu đông được lấy ra. Ảnh: BVCC.
“Chúng tôi đã tiến hành mở mạch đoạn động mạch đùi chung, dùng forgarty lấy được nhiều dây, cục huyết khối từ động mạch chậu ngoài cho đến ngã ba đùi trái. Sau can thiệp, ngay trong mổ hệ thống cơ vùng đùi, cẳng chân trái được tưới máu tốt, có khả năng bảo tồn chi thể cho người bệnh”, bác sĩ Lâm thông tin.
Sau mổ, bệnh nhân đã được khảo sát hệ mạch máu toàn cơ thể. Kết quả cho thấy hệ động mạch chân phải của bệnh nhân cũng hẹp gần hoàn toàn từ động mạch chậu gốc. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị nội khoa kiểm soát nguy cơ đông máu song song với tái điều trị hội chứng thận hư.
Hiện sau hơn 20 ngày điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện với đôi chân lành lặn.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, tình trạng thuyên tắc động mạch chậu cấp do huyết khối từ tim vô cùng nguy hiểm và khẩn cấp. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tình trạng thiếu máu cấp có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề cho người bệnh.
Trong đó, biến chứng nguy hiểm nhất là hoại tử chi thể không hồi phục, khi đó y bác sĩ buộc phải tiến hành cắt cụt chi thể nhằm bảo toàn tính mạng cho người bệnh, đó là một quyết định nặng nề với cả bác sĩ và người bệnh.
“Thuyên tắc động mạch do huyết khối tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Người bệnh cần kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính, duy trì thuốc chống đông nếu có chỉ định. Khi có các biểu hiện như đau dữ dội quá mức, dị cảm bất thường, tê bì, giảm cảm giác, vận động chi thể diễn biến nhanh cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa Tim mạch nhằm được hướng dẫn kịp thời”, bác sĩ Lâm khuyến cáo.
Bất ngờ bị đột quỵ khi đang ăn cơm trưa
Thời điểm khởi phát đột quỵ, bệnh nhân đang ăn cơm trưa, đột ngột xuất hiện méo miệng, nói khó, tay làm rơi đũa, liệt nửa người phải.
Đó là trường hợp người bệnh Đ.N.V. (61 tuổi, quê Ninh Bình) bất ngờ bị đột quỵ trên đường đi công tác từ Ninh Bình đến Hà Giang.
Thời điểm khởi phát đột quỵ, bệnh nhân đang ăn cơm trưa, đột ngột xuất hiện méo miệng, nói khó, tay làm rơi đũa, liệt nửa người phải. Nhờ sự hiểu biết của đồng nghiệp về các địa chỉ điều trị chuyên khoa đột quỵ nên bệnh nhân đã được di chuyển tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ để cấp cứu sau 30 phút di chuyển.
Tại Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, trước tình trạng rối loạn ý thức, gọi hỏi không trả lời, huyết áp tăng cao của người bệnh, các bác sĩ đã khám và nhận định các dấu hiệu điển hình của đột quỵ não cấp tính, từ đó đưa ra chỉ định chụp CT cắt lớp vi tính mạch máu não.
Kết quả hình ảnh chụp cắt lớp vi tính có dựng mạch não cho thấy bệnh nhân bị tắc động mạch cảnh trong trái. Người bệnh được chẩn đoán xác định: Đột quỵ nhồi máu não giờ thứ 2 do tắc động mạch cảnh trong bên trái/ Tăng huyết áp.
Sau khi hội chẩn, người bệnh được chỉ định can thiệp lấy huyết khối mạch não và nhanh chóng được chuyển tới phòng can thiệp.
Huyết khối được lấy ra. Ảnh: Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ
Sau khoảng 40 phút người bệnh đã được can thiệp tái thông thành công, với lượng huyết khối được lấy ra khỏi cơ thể và mạch máu não bị tắc đã tái thông hoàn toàn. Người bệnh đã được chuyển về điều trị tại Khoa Cấp cứu và Điều trị tích cực thần kinh đột quỵ.
Sau can thiệp khoảng 12 tiếng, người bệnh đã hồi phục ý thức, cải thiện gần như hoàn toàn về mặt cơ lực chân tay và tiếp tục được theo dõi điều trị, phục hồi chức năng tại Trung tâm Đột quỵ.
Trong quá trình điều trị, người bệnh tiếp tục được làm các xét nghiệm và theo dõi. Các bác sĩ đã xác định được bệnh nhân có bệnh rung nhĩ, là yếu tố nguy cơ chính gây ra tình trạng tắc mạch não. Do đó, người bệnh đã được lên kế hoạch điều trị dự phòng thuốc chống đông để tránh nguy cơ tái phát.
Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Nhu, Trưởng Khoa Điều trị Thần kinh - Đột quỵ bán cấp, Trung tâm Đột quỵ chia sẻ: "Đây là trường hợp rất may mắn khi người bệnh đột quỵ trên đường đi công tác. Nhờ sự hiểu biết của đồng nghiệp nên đã nhanh chóng được chuyển đến cơ sở y tế có chuyên môn, đầy đủ phương pháp, trang thiết bị, nhờ đó có thể cấp cứu kịp thời trong giờ vàng đột quỵ.
Ngay sau can thiệp, người bệnh đã có những cải thiện rõ về lâm sàng ý thức, bệnh nhân đã nhận biết được gia đình, tay chân từ liệt hoàn toàn (cơ lực bậc 0/5) cải thiện lên có thể vận động, giơ tay chân lên khỏi mặt giường (cơ lực bậc 4/5). Tiên lượng người bệnh sẽ có những hồi phục tốt hơn trong những ngày tới".
Ths. Bs Phan Ngọc Nhu cho biết, "giờ vàng" trong đột quỵ là khoảng thời gian kể từ khi khởi phát tới 4,5 giờ (tiêu sợi huyết), 6 giờ (can thiệp lấy huyết khối). Bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não đến trong thời gian này có thể được điều trị bởi những kỹ thuật tiên tiến: Tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, can thiệp mạch não, đem lại hiệu quả cao, hồi phục nhanh và ít di chứng hơn.
Để nhận biết các dấu hiệu tai biến mạch máu não, áp dụng nguyên tắc từ FAST (nhanh) khi kiểm tra bệnh nhân, tức là:
- Face (mặt): yêu cầu bệnh nhân cười hoặc nhe răng, một bên không cử động.
- Arm (tay): cánh tay một bên yếu hơn bên kia khi bệnh nhân giơ hai tay lên.
- Speech (lời nói): nói đớ líu lưỡi, dùng từ không thích hợp hoặc câm lặng.
- Time (thời gian): nếu nghi ngờ có một trong các triệu chứng trên, gọi cấp cứu 115 ngay và ghi nhớ thời gian triệu chứng bắt đầu xuất hiện để thông báo cho các bác sĩ nhằm chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Bác sĩ khuyến cáo khi có người biểu hiện của nhồi máu cơ tim cấp (đau tức ngực, khó thở) hoặc đột quỵ não (méo miệng, đi lại khó khăn, yếu liệt, rối loạn ngôn ngữ, tri giác), cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh và tim mạch gần nhất để được can thiệp, cấp cứu kịp thời.
Xác minh clip người đàn ông cụt chân điều khiển ô tô va chạm ở Bắc Ninh Trước clip phát tán trên mạng xã hội về một người đàn ông cụt chân điều khiển xe ô tô gây TNGT, cố thủ trên xe, Công an TP Bắc Ninh đã vào cuộc. Sáng nay, trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt clip được cho là xảy ra tại TP Bắc Ninh. Theo đó, người đàn ông lớn tuổi, bị cụt...