Suy thận, tử vong do ‘thần dược’ trị đái tháo đường
Nhiều bệnh nhân đái tháo đường nghe lời truyền miệng, quảng cáo đã tự mua dùng các loại thuốc được giới thiệu là “thần dược”, “ thuốc gia truyền”. Hậu quả là suy thận, toan chuyển hóa lactic nặng, thậm chí tử vong.
Một bệnh nhân uống thuốc trôi nổi điều trị đái tháo đường đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy – Nguyên Mi
Ông N.M.L (65 tuổi, ngụ Đồng Tháp) bị đái tháo đường nhiều năm qua, phải kiêng cữ ăn uống hằng ngày và thường xuyên theo dõi đường huyết. Nghe người quen “mách nước” có “thầy” ở An Giang trị khỏi bệnh, ông L. đã tìm đến lấy thuốc về uống. “Thời gian đầu, tôi thấy người rất khỏe, đường huyết không tăng nên tôi quyết định uống thuốc này đều đặn luôn, không uống thuốc của bác sĩ bệnh viện kê toa nữa”, ông L. kể.
Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân (BN) xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, hay nôn ói và ngất xỉu. Ông được bệnh viện địa phương chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) do tình trạng quá nặng. Người nhà BN cho biết loại thuốc ông L. uống có dạng viên nhỏ, sẫm màu như thuốc tễ, không nhãn mác, mỗi lần chỉ uống vài viên.
Theo bác sĩ Trương Dương Tiển, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu khu D, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, ông L. bị toan chuyển hóa lactic (nồng độ a xít lactic trong máu cao hơn bình thường), suy gan, suy thận… phải lọc máu cấp cứu. Qua điều trị tích cực, ông L. đã tỉnh nhưng bệnh vẫn còn nặng, chưa tiên lượng được.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy hiện cũng có các trường hợp tương tự, nhập viện sau một thời gian uống “thần dược” trị đái tháo đường. Có BN phải điều trị lâu dài do suy đa cơ quan, hoại tử da, di chứng suy thận phải lọc máu định kỳ. Có BN thậm chí đã không qua khỏi.
Video đang HOT
Gói thuốc điều trị đái tháo đường của bệnh nhân, được kiểm nghiệm có chứa chất cấm phenformin – Ảnh: BV ĐHYD cung cấp
“Thần dược” chứa chất cấm
Bác sĩ Tiển cho biết các loại thuốc được lan truyền là “thần dược”, “thuốc gia truyền” để điều trị đái tháo đường mà các BN nêu trên sử dụng đều không có nhãn mác, xuất xứ… Thuốc dạng viên tròn nhỏ, có màu hồng, vàng nâu, xanh, được “thầy lang” tự chế hoặc mua từ Trung Quốc về bán lại. Qua kiểm tra, các thuốc trên đều chứa thành phần chất cấm phenformin, metformin, biguanides… rất nguy hiểm.
Ghi nhận tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, có nhiều trường hợp điều trị cấp cứu nhiễm a xít lactic do sử dụng thuốc điều trị bệnh đái tháo đường không rõ nguồn gốc, có chứa phenformin.
Theo tiến sĩ – bác sĩ Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Dược: phenformin được phát hiện năm 1957, dùng để điều trị đái tháo đường. Tuy nhiên trong quá trình theo dõi, người ta nhận thấy phenformin mặc dù giúp kiểm soát đường huyết nhưng lại gây ra tác dụng phụ cực kỳ nghiêm trọng – đó chính là nhiễm a xít lactic, có thể dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, vào những năm 1970, phenformin dần bị hạn chế sử dụng và bị cấm lưu hành ở Mỹ, cũng như trên thế giới từ năm 1978.
“Nhiễm toan a xít lactic do phenformin trên người bệnh đái tháo đường giai đoạn đầu thường có biểu hiện mệt mỏi, ăn kém, yếu cơ. Khi tình trạng nặng dần sẽ có biểu hiện thở nhanh, tim đập nhanh, tụt huyết áp, rối loạn tri giác và suy hô hấp. Nhiễm toan lactic là một biến chứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng và dẫn đến tử vong”, bác sĩ Nam cảnh báo.
Theo bác sĩ Nam, đái tháo đường là bệnh lý mạn tính ngày một gia tăng, gây ra nhiều biến chứng. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát và ngăn ngừa được biến chứng nếu người bệnh tuân thủ điều trị đúng cách, kết hợp chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực hợp lý.
Bác sĩ Trương Dương Tiển khuyên bệnh nhân đái tháo đường nếu muốn sử dụng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào thì phải mang thuốc đến để được bác sĩ tư vấn. Tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn của người không có chuyên môn, tin lời quảng cáo, truyền miệng về các loại “thần dược”, “thuốc gia truyền” mà tự mua điều trị.
Thêm nhiều trường hợp bệnh nhân đái tháo đường nguy kịch vì uống thuốc nam
Tiến sỹ, bác sỹ Trương Dương Tiển, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Khu D - Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, thời gian gần đây đơn vị này liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đái tháo đường bị toan chuyển hóa lactic (nồng độ acid lactic trong máu vượt mức bình thường) dẫn đến nguy kịch do sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Sống chung với bệnh đái tháo đường type 2 gần 20 năm nhưng hơn 4 năm nay ông Đ.H.L (65 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) được người hàng xóm mách nước về loại "thần dược" dành cho người bệnh đái tháo đường của một thầy lang ở An Giang. Từ ngày sử dụng loại thuốc đông y này, cả gia đình vui mừng khi đường huyết của ông luôn ở mức ổn định, không cần phải kiêng cữ nhiều như trước. Thế nhưng thời gian gần đây, ông bỗng dưng rơi vào trạng thái chán ăn, mệt mỏi, ngất xỉu và được con cái đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp. Sau mấy ngày điều trị không khả quan, bệnh viện trả về nhà và các con ông quyết định đưa bố lên Bệnh viện Chợ Rẫy "cầu may".
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân Đ.H.L. được xác định nhiễm toan lactic nặng, tổn thương đa cơ quan. Bệnh nhân này cũng bị suy thận, suy hô hấp, hoại tử da. Sau gần 1 tuần lọc máu liên tục, hỗ trợ thở máy, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đang được tiếp tục điều trị tích cực.
Một trường hợp khác là chị C.T.H (41 tuổi, ngụ tỉnh Long An) cũng phải đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu sau 6 năm uống thuốc đông y gia truyền để điều trị đái tháo đường. "Từ ngày uống thuốc đông y gia truyền này, vợ tôi không còn dùng thuốc tây y nữa, chỉ thỉnh thoảng đến bệnh viện kiểm tra đường huyết thôi nhưng sức khỏe ổn định lắm", anh N.Q.K - chồng bệnh nhân cho biết.
6 tháng trước, bệnh nhân đi kiểm tra sức khỏe và được bác sỹ khuyên ngưng dùng thuốc đông y vì dùng lâu sẽ hư thận. Bất chấp lời khuyên của bác sỹ, chị C.T.H vẫn tiếp tục uống thuốc này vì tiền mua thuốc rất rẻ, chỉ 150.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, 2 tháng trở lại đây chị bỗng dưng bị sút cân, mệt mỏi, khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy các bác sỹ nhận định, chị bị ngộ độc hoạt chất phenphormin có trong thuốc trị tiểu đường.
Một bệnh nhân trong nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì uống thuốc đông y.
Bác sỹ Trương Dương Tiển cho biết, đây không phải là những trường hợp cá biệt bệnh nhân tiểu đường phải nhập viện cấp cứu vì sử dụng thuốc nam. Trong những năm gần đây, việc sử dụng thuốc nam trị tiểu đường ngày càng phổ biến tại Việt Nam vì nó hiệu quả trong việc kiểm soát đường huyết. Bên cạnh đó, loại thuốc này dễ mua ở các tiệm thuốc đông y, các chùa có bán thuốc đông y gia truyền và đặc biệt rất rẻ tiền. Thực tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chỉ tính từ năm 2018 đến nay đã tiếp nhận hàng chục trường hợp bệnh nhân tương tự. Các bệnh nhân đều từ tuyến dưới chuyển lên và trong tình trạng khá nặng, phải liên tục lọc máu mới có thể giữ được tính mạng, thậm chí có 1 trường hợp tử vong dù các bác sỹ đã nỗ lực cấp cứu.
Thuốc nam mà bệnh nhân đái tháo đường thường sử dụng được bào chế dưới dạng viên nhiều màu khác nhau như hồng, vàng, nâu, xanh lá, tùy theo mức độ đường huyết trong máu của người bệnh. Các loại thuốc này do các thầy lang vườn tự pha chế hoặc nhập từ Trung Quốc và chủ yếu có pha chế thêm các hoạt chất như phenformi, metformin, biguanides - đây là những hoạt chất kiểm soát đường huyết tốt nhưng đã bị cấm sử dụng vì tỷ lệ biến chứng nhiễm acid lactic quá cao.
"Đa số bệnh nhân ưa chuộng loại thuốc này vì thời gian đầu thuốc có hiệu quả tốt trong kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, bệnh nhân thường có triệu chứng buồn nôn, ói, chán ăn, đau bụng giống như viêm dạ dày nhưng do người bệnh không biết nguyên nhân vẫn tiếp tục sử dụng thuốc khiến rơi vào tình trạng ngộ độc phenphormin hoặc metformin, biguanides gây toan máu và tăng lactate máu", Bác sỹ Trương Dương Tiển cho hay.
Các bác sỹ khuyến cáo, người bệnh đái tháo đường cần thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín, đồng thời tuân thủ phác đồ điều trị mà bác sỹ đưa ra. Người dân không nên tin vào các loại thuốc truyền miệng không rõ nguồn gốc hoặc các loại thực phẩm chức năng bởi không thể kiểm soát được trong các loại thuốc, thực phẩm chức năng này có chứa chất cấm, hoặc hàm lượng vượt mức cho phép gây ảnh hưởng đến sức khỏe hay không.
Tin, ảnh: Đinh Hằng
Theo TTXVN/baotintuc
Ăn thế nào để phòng và trị bệnh? Cổ nhân có câu "bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất", ý nói rằng bệnh tật là do từ miệng mà vào, tai họa là do từ miệng mà sinh ra. Do đó, việc tuân thủ dinh dưỡng trong một số bệnh như: đái tháo đường, suy thận, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid... sẽ giúp kiểm soát và hỗ...