Suy nghĩ về chiến thắng trong Tết Mậu Thân 1968
Đầu năm 2008, nhân Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước có bài viết sâu sắc về chiến thắng Mậu Thân-1968.
Tưởng nhớ Đại tướng Lê Đức Anh, Báo Quân đội nhân dân trân trọng trích giới thiệu bài viết của Đại tướng Lê Đức Anh.
Với tầm nhìn xa trông rộng, từ lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã nhận thấy rằng: Đương đầu với kẻ thù có tiềm lực và sức mạnh kinh tế, quân sự lớn hơn ta gấp nhiều lần, chúng ta phải biết thắng từng bước cho đúng và đánh vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Ngay từ năm 1965, trước sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Mưu đồ chiến lược này là bằng sức mạnh quân sự Mỹ cùng với quân ngụy mở các cuộc tiến công lớn “tìm diệt” (sau đó là “tìm diệt” và “bình định”) chủ lực của ta ở miền Nam; dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện từ Bắc vào Nam, cô lập và đè bẹp cách mạng miền Nam. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (tháng 12-1965), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phân tích, đánh giá đúng cả mặt mạnh và mặt yếu của địch, thế và lực của ta, Đảng ta chỉ rõ: Cần tiếp tục giữ vững và phát huy thế chiến lược tiến công, kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị trong đó đấu tranh quân sự có tác dụng quyết định trực tiếp, để đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta tiếp tục tiến lên.
Đại tướng Lê Đức Anh.
Tư tưởng chỉ đạo nói trên trở thành ý chí, hành động cách mạng của quân và dân cả nước. Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã liên tiếp đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, trong đó có cuộc hành quân Junction City (Gian-xơn Xi-ty) ở phía bắc tỉnh Tây Ninh-cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam; làm thất bại các bước leo thang chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ trên miền Bắc. Bị thất bại liên tiếp nhưng Mỹ vẫn có ý định tăng hơn 25,6 vạn quân, chuẩn bị kế hoạch mở cuộc phản công lần thứ ba với quy mô lớn hơn.
Tuy chúng ta đã giành được nhiều thắng lợi nhưng chưa làm chuyển biến cơ bản cục diện chiến tranh. Một vấn đề lớn đặt ra là ta cần có một đòn chiến lược có ý nghĩa quyết định để tạo ra cục diện mới-một bước ngoặt của cách mạng miền Nam.
Bám sát và phân tích động thái chiến trường, tình hình nước Mỹ và thế giới, Hội nghị Bộ Chính trị (tháng 12-1967) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Chúng ta đang đứng trước những triển vọng và thời cơ chiến lược. Đế quốc Mỹ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược”. Từ đó, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quyết định: “… Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta tiến lên bước phát triển cao nhất bằng phương pháp Tổng công kích-tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”. Bộ Chính trị cho rằng cần phải tập trung toàn bộ sức mạnh của chiến tranh cách mạng miền Nam, đánh địch bằng cả tiến công quân sự và tiến công chính trị. Đây là “nhiệm vụ trọng đại và cấp bách”, nhằm giáng cho địch một đòn thật mạnh, làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, tạo ra sự thay đổi cơ bản cục diện chiến tranh có lợi cho ta, “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới-thời kỳ giành thắng lợi quyết định”. Hướng tiến công chiến lược chủ yếu là các thành phố, trung tâm đầu não của Mỹ-ngụy trên toàn miền Nam vào dịp Tết Mậu Thân.
Quân giải phóng hành quân tác chiến tại vùng Núi Bà, Tây Ninh tháng 4-1968. Ảnh tư liệu: TTXVN.
Căn cứ vào chủ trương trên, ta triển khai nhiều biện pháp tổ chức thực hiện: Xây dựng quyết tâm, tạo sự nhất trí cao giữa Trung ương và chiến trường cả về tư tưởng lẫn hành động; tiến hành nghi binh bằng quân sự, tiến hành mọi công tác chuẩn bị theo một kế hoạch chặt chẽ, nghiêm ngặt, giữ bí mật ý định chiến lược của ta. Nhớ lại đầu năm 1967, Trung ương Cục đánh giá cũng trúng và chỉ đạo mùa mưa này chuẩn bị thật tốt để mùa khô tới giành thắng lợi lớn hơn. Bộ chỉ huy Miền tăng cường và phát triển lực lượng biệt động, lấy người tại chỗ ngay trong nội thành. Trung ương Cục giao cho anh Võ Văn Kiệt-Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Gia Định lo xây dựng, củng cố các lực lượng biệt động thành và tăng cường các đồng chí cán bộ đầu ngành vào chỉ đạo các lực lượng chính trị trong nội thành. Đồng thời, Trung ương Cục chỉ đạo Bộ chỉ huy Miền và các quân khu phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy làm tốt công tác chuẩn bị.
Tháng 10-1967, anh Nguyễn Văn Linh và anh Trần Văn Trà ra Trung ương họp. Sang tháng 11, hai anh trở vào phổ biến việc Bộ Chính trị quyết định Tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Để chuẩn bị cho Tổng công kích, trên điều anh Hoàng Văn Thái vào làm Tư lệnh Bộ chỉ huy Miền.
Trước khi nổ ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tuy đã có bước chuẩn bị các hướng rồi, nhưng còn nhiều việc phải làm, thời gian lại quá gấp. Hơn nữa, ý của trên đánh thế nào không được phổ biến kỹ, mọi người chỉ hiểu là: “Đánh vào đô thị”. Chúng tôi thảo luận: Phải nghiên cứu tìm ra cách đánh, táo bạo cho đòn tiến công, có ý nghĩa chiến lược, dự kiến các tình huống và các phương án cụ thể. Trong quá trình xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược, Bộ chỉ huy Miền chú trọng việc theo dõi, đánh giá khả năng hành động của bộ đội ta khi đánh vào thành phố và khả năng nổi dậy của quần chúng, cũng như khả năng binh biến trong ngụy quân, ngụy quyền…
Mặc dù thời gian chuẩn bị gấp nhưng ta đã vận chuyển được một khối lượng lớn vũ khí và phương tiện chiến đấu, giấu trong nhà dân gần các mục tiêu dự định tiến công. Nhưng không phải đến lúc nhận lệnh ta mới chuẩn bị. Mà trước đó, những gì lo được, ta đã tính toán chuẩn bị: Từ năm 1965, ta đã xây dựng các hầm chứa vũ khí và hầm bí mật trong nội thành. Tính đến cuối năm 1967, ta đã thiết lập được 19 “lõm” căn cứ chính trị ngay sát những mục tiêu trọng yếu của địch, bao gồm: 325 gia đình cơ sở, 400 điểm ém quân, 12 kho vũ khí, thiết lập đường dây liên lạc và chuyển vũ khí vào gần các mục tiêu tiến công, sẵn sàng đón và đáp ứng thời cơ chiến lược. Đây là thắng lợi lớn của phương châm đánh địch trên ba vùng chiến lược, là một trong những cơ sở quan trọng để Đảng ta hạ quyết tâm đưa chiến tranh vào đô thị, mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trong dịp Tết Mậu Thân 1968.
Cho đến nay, đã hơn một phần ba thế kỷ, nhiều nhà nghiên cứu quân sự trong nước và ngoài nước, kể cả bộ máy chiến tranh của Mỹ, vẫn cố tìm hiểu, bằng cách gì mà ta triển khai trên diện rộng toàn miền Nam, bằng cách gì mà ta đồng loạt nổ súng tiến công ở tất cả các đô thị, tỉnh lỵ mà ta vẫn giữ được tuyệt đối bí mật? Tôi nhớ, gần sát “thời điểm tổng tiến công”, Bộ Chính trị và đồng chí Lê Duẩn-Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 14; họp xong, về ngay để triển khai nhiệm vụ. Đồng chí Phạm Hùng-Bí thư Trung ương Cục gọi riêng từng đồng chí bí thư tỉnh ủy lên giao nhiệm vụ. Mỗi tỉnh chỉ một người biết rõ “Giờ G, ngày N”-thời điểm nổ súng đồng loạt tiến công địch.
Điều này nói lên sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh sáng tạo của Đảng ta; sự thống nhất của ý chí, sự nghiêm minh của kỷ luật chiến trường đã quyện trong ý thức tự giác, lòng trung thành và phẩm chất mẫu mực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Ngay sự thống nhất ý chí, hành động của quân và dân ta lúc đó đã tạo sức mạnh tiến công đối với quân thù. Đây cũng là yếu tố quan trọng tạo nên chiến thắng trong Tết Mậu Thân 1968.
Quần chúng đã tham gia tích cực vào cuộc chuẩn bị cho đợt Tổng tiến công này và sau khi nổ súng đã tham gia đông đảo bằng nhiều hình thức trên nhiều lĩnh vực. Nhân dân trinh sát, nắm tình hình, dẫn đường, che giấu cán bộ và tích cực tham gia chiến đấu; tiếp tế cơm nước cho bộ đội, nuôi dưỡng thương binh rồi đưa về căn cứ an toàn. Nhiều người, có trường hợp cả gia đình bị địch bắt, khủng bố, tù đày… vẫn một lòng hướng về cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Do xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân-thế trận lòng dân nên chúng ta đã làm tốt công tác chuẩn bị, giữ được bí mật cho đến giờ nổ súng và chúng ta mới có thể tiến công địch theo kiểu Mậu Thân 1968. Điều này khiến giới lãnh đạo Washington (Oa-sinh-tơn) kinh hoàng vì khi cuộc tiến công “Tết Mậu Thân” vừa xảy ra, nhiều nhà hoạt động chính trị Mỹ đã ý thức được ngay rằng: Cuộc tấn công “Tết Mậu Thân”, “chứng tỏ Mỹ hoàn toàn không kiểm soát được gì đất nước này”; “… chứng tỏ nhân dân Nam Việt Nam ủng hộ kẻ thù của Mỹ”.
Thực hiện kế hoạch đã định, cuối tháng 1-1968, ta bắt đầu mở đợt hoạt động lớn ở Mặt trận Đường 9-Khe Sanh, nhằm đánh lạc hướng, thu hút một bộ phận đáng kể quân cơ động của Mỹ; vây hãm, giam chân và tiêu hao chúng, tạo thế cho các chiến trường khác tiến công và nổi dậy. Lập tức, tướng Westmoreland (Oét-mo-len)-Tổng chỉ huy quân Mỹ ở Nam Việt Nam phải điều quân tăng cường, chống giữ; cho không quân ném bom các khu rừng xung quanh căn cứ Khe Sanh và khu vực giới tuyến. Như vậy, tướng Westmoreland đã sập bẫy bởi đòn nghi binh chiến lược của ta.
Đêm 29 rạng ngày 30-1-1968 (tức đêm Giao thừa Tết Mậu Thân, theo lịch miền Nam), quân và dân ta đồng loạt nổ súng tiến công trên toàn chiến trường miền Nam, gồm 4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn địch, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần của chúng. Trong đó, có những trận đánh đã gây chấn động lớn như trận đánh vào dinh Độc Lập, vào bộ tổng tham mưu, vào đài phát thanh Sài Gòn, vào tòa đại sứ Mỹ và đặc biệt ta đã làm chủ TP Huế trong 25 ngày đêm.
Cuộc Tổng tiến công táo bạo của ta đã làm cho bộ máy điều hành chiến tranh Việt Nam của Mỹ sững sờ. Chỉ trong 24 giờ, toàn bộ hậu phương an toàn nhất của kẻ địch đều bị tiến công đồng loạt. Cái thế của hai bên trong chiến tranh bị đảo lộn, hậu phương của địch bỗng chốc trở thành tiền tuyến nóng bỏng. Đúng là ta đã ra những đòn sấm sét ngay trong lúc Mỹ-ngụy có hơn một triệu quân, nắm trong tay những phương tiện chiến tranh hiện đại, lại bố trí trong thế phòng thủ liên hoàn, vững chắc, mà chúng hoàn toàn bị bất ngờ. Có thể nói, đợt đầu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, chúng ta đã ra đòn bất ngờ và đánh trúng vào hệ thần kinh trung ương của địch, đánh vào “huyết mạch”, vào “tim óc” và “yết hầu” của chúng.
Vì thất bại nặng nề, sau Mậu Thân, Mỹ buộc phải thay đổi chiến lược chiến tranh, tiến hành “Việt Nam hóa chiến tranh” (thực chất là thay màu da trên xác chết, như một quan chức Mỹ nói). Để thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”, chúng tiến hành theo ba bước. Bước một, đến ngày 30-6-1970: Thực hiện “bình định” vùng đông dân để quân Mỹ rút được một bộ phận. Bước hai, đến ngày 30-6-1971: “bình định” được tất cả các vùng đông dân để quân Mỹ rút được đại bộ phận lực lượng chiến đấu. Bước ba, đến ngày 30-6-1972: Cơ bản, Sài Gòn chỉ huy được miền Nam. Hoàn thành giai đoạn cơ bản nhất của “Việt Nam hóa chiến tranh”. Mỹ sẽ rút hết quân về nước, đáp ứng kịp thời việc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11-1972.
Video đang HOT
Đến cuối năm 1971, quân Mỹ cơ bản đã chấm dứt vai trò chiến đấu trên bộ. Tính đến ngày 31-1-1972, tổng số quân Mỹ ở miền Nam chỉ còn 139.000. Tính theo đơn vị, 30 trên tổng số 34 lữ đoàn đã rút. Như vậy, đến đầu năm 1972, Mỹ đã cơ bản thực hiện xong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Nhưng lúc đó, bộ đội ta, kể cả lãnh đạo chỉ huy chưa hiểu hết cái khó khăn, khốc liệt của “Việt Nam hóa chiến tranh” và chưa thấy hết cái độc ác của đế quốc Mỹ (có thể nói cái độc ác này chưa từng có trong lịch sử); nên lúc đầu có nơi bộ đội ta đã thoát ly khỏi địa bàn, không làm chỗ dựa cho dân, cho cơ sở chống bình định, nên đã gây cho dân và cơ sở nhiều tổn thất. Đây cũng là bài học xương máu. Trong quá trình rút quân, Mỹ dùng mọi thủ đoạn độc ác và mọi biện pháp, như: Tăng cường cảnh sát và mật thám ở đô thị, gom dân vào ấp chiến lược ở nông thôn, tăng cường bắt lính, xây dựng ngụy quân, ngụy quyền. Nhân dân ở đô thị sống trong cảnh ngột ngạt đến nghẹt thở dưới sự kiểm soát, o ép của chính quyền ngụy, người dân trong ấp chiến lược như sống trong trại tù khổng lồ. Vì vậy, khi thời cơ chín muồi (Mỹ rút hết quân), có tác động mạnh của bộ đội ta và hoạt động nhịp nhàng của các ngành, các chiến trường thì những người bị bắt lính, những người sống nghẹt thở ở đô thị và những người bị nhốt trong ấp chiến lược được bung ra thành những người tự do, thành vùng tự do, đỉnh cao là Chiến dịch Sài Gòn-Gia Định mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trên đà thắng lợi Tết Mậu Thân 1968, quân và dân ta tiếp tục chiến đấu, dù còn phải trải qua nhiều gian khổ, ác liệt, hy sinh, nhưng chúng ta có điều kiện mới và thời cơ mới để thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau 40 năm nhìn lại, chúng ta càng thêm tự hào về ý nghĩa, tầm vóc của Chiến thắng Mậu Thân 1968 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Đó là thắng lợi của ý chí độc lập tự chủ, bản lĩnh và sáng tạo trong việc đề ra chủ trương chiến lược; là thắng lợi của niềm tin tuyệt đối của toàn dân, toàn quân vào sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu; là thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tất cả vì chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”!
Đại tướng LÊ ĐỨC ANH, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước
Theo QĐND
Nhìn lại những hoạt động đối nội của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một trong những nhà lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới, nhà quân sự xuất sắc của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết-Lộc Ninh, trong đó Trung tướng Lê Đức Anh là Phó Tư lệnh cùng với các Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Đinh Đức Thiện và Trung tướng Lê Trọng Tấn. Trong Chiến dịch này, Trung tướng Lê Đức Anh chỉ huy cánh quân tiến công trên hướng Tây - Tây Nam Sài Gòn (đoàn 232), một trong năm cánh quân của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. (Ảnh: TTXVN)
Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh trao tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho 3 đơn vị và trao 8 Huân chương Quân công hạng Nhất cho cán bộ, chiến sỹ và đại diện các gia đình có người thân hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. (Ảnh: Minh Điền/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nguyễn Thị Định gặp gỡ các đại biểu dự Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 24/6/1991, tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Điền/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình gặp mặt báo chí trong nước và quốc tế, công bố kết quả bầu cử các đồng chí lãnh đạo Nhà nước và Quốc hội, chiều 24/9/1992, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: Xuân Tuân/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh với các đại biểu dự Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa IX tại Hà Nội, tháng 12/1992. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh và các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ nhất, tháng 11/1992, tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Điền/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh với các đại biểu dự Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX, từ 19/9-8/10/1992, tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội). (Ảnh: Kim Hùng/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh trả lời phỏng vấn báo chí tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX, ngày 23/9/1992. (Ảnh: Xuân Tuân/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm Xí nghiệp Khai thác đá quý Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, ngày 27/10/1992. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại do trận lũ quét đêm mùng 7, rạng sáng 8/10/1992 tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh với các đại biểu dự Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ VI, tháng 10/1992, tại Hà Nội. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp Đoàn đại biểu Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngày 5/11/1992, tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm Làng trẻ em SOS Hà Nội, ngày 20/1/1993. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm Công ty Chế biến Thủy sản xuất khẩu Kiên Giang, ngày 5/5/1993. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh với cán bộ, công nhân Nhà máy Xi măng Hải Dương (Ninh Bình), ngày 6/2/1994. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm cửa khẩu Bắc Luân, huyện Móng Cái (Quảng Ninh), ngày 16/4/1994. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm Xí nghiệp Thủy sản 2, huyện Yên Hưng (Quảng Ninh), ngày 15/4/1994. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm Công ty Xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hóa), ngày 29/12/1994. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh tham quan Điện Thái Hòa (Huế), tháng 3/1995. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm Nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình), tháng 1/1994. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm các đơn vị của Hải quân vùng 3, ngày 9/1/1996. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN
Chủ tịch nước Lê Đức Anh với đồng bào dân tộc ở Buôn Đôn (Đắk Lắk), ngày 28/9/1996. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh với học sinh trường PTTH huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), ngày 25/9/1996. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm công trình thủy điện Yaly (Gia Lai), ngày 26/9/1996. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh tham gia đánh cồng chiêng cùng đồng bào các dân tộc xã Bản Đôn, huyện Buôn Đôn trong chuyến thăm tỉnh Đắk Lắk, ngày 28/9/1996. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh đi kiểm tra tình hình lũ lụt và bảo vệ đê điều ở xã Đức Long, huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh), ngày 24/8/1996. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh lên khoang máy bay chiến đấu trong chuyến thăm Trung đoàn Không quân 937, Quân chủng Không quân Việt Nam, ngày 1/5/1996. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm thầy cô giáo và học sinh Trường Phổ thông dân tộc vùng cao Lai Châu, tháng 3/1996. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Nguồn: Vietnam
Hình ảnh Đại tướng Lê Đức Anh với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước Nhìn lại những hình ảnh của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (thời điểm đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội) tặng hoa cho Đại tướng Lê Đức Anh. Đại tướng Lê Đức Anh cùng nguyên Tổng...