Sụt lún đang lan rộng khắp Sài Gòn
Từ vài điểm nhỏ trên địa bàn bị biến dạng sụt lún, sau 20 năm tình trạng lún mặt đất đã lan rộng khắp TP HCM, tác động xấu đến cơ sở hạ tầng và đời sống người dân.
PGS.TS Lê Văn Trung (trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP HCM) và cộng sự vừa đưa ra những số liệu về tình trạng sụt lún mặt đất tại thành phố. Nó được cho là làm hạ thấp các mốc độ cao quốc gia trên địa bàn, ảnh hưởng lớn đến việc xác định cốt nền xây dựng, thiết kế và thi công các công trình chống ngập.
“Đây là vấn đề đáng báo động để có giải pháp kịp thời phục vụ phát triển bền vững TP HCM. Nhất là đối với các công trình thoát nước, chống ngập triều hiện nay”, ông Trung nói.
Sụt lún mặt đường năm 2010. Ảnh: T.M
Theo nghiên cứu, 20 năm trước, biến dạng lún xuất hiện lần đầu tại một vùng nhỏ thuộc quận 6 và Bình Thạnh. Vài năm sau lan ra các quận 7, 8, 9, 11, 12, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp và huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.
Giai đoạn 2002-2010, nền đất TP HCM không phát triển nhiều vùng lún mới nhưng độ lún tăng nhanh tại quận 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh với giá trị cao nhất lên đến 309 mm.
Từ năm 2011 đến nay, khu vực trung tâm thành phố tương đối ổn định, vùng lún chủ yếu xuất hiện tại Nhà Bè, Bình Chánh.
Vì sao nền đất Sài Gòn sụt lún?
Qua phân tích điều kiện địa hình, địa chất công trình, thủy văn và đặc điểm về mật độ dân số, xây dựng… nhóm nghiên cứu kết luận nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sụt lún là khai thác nước ngầm, xây dựng công trình trên nền đất yếu và do hoạt động giao thông.
Video đang HOT
Ông Trung phân tích thêm, thành phố có địa hình bằng phẳng và thấp, thường xuyên bị ngập do triều. Trong quá trình đô thị hóa, các quận mới và khu công nghiệp đều dùng nước ngầm như nguồn nước chính. Việc bêtông hóa bề mặt trong quá trình xây dựng đã làm tăng diện tích bề mặt không thấm, ngăn quá trình thấm từ trên xuống tầng chứa nước.
Kết quả tính toán từ các nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ bêtông hoá đô thị và việc khai thác nước ngầm quá mức đã làm hạ mực nước dưới đất trung bình 2 m mỗi năm.
Với hơn 60% diện tích đất có địa hình thấp (dưới 2 m), lún mặt đất có ảnh hướng lớn với những khu vực ngập triều và làm hư hỏng các công trình trong quá trình phát triển của đô thị.
“Ước tính, đến năm 2070 mực nước biển tăng lên 50 cm. Nếu không có giải pháp quản lý kịp thời, lún mặt đất kết hợp với sự dâng cao của mực nước biển sẽ tạo ra áp lực rất lớn đến chương trình điều hành thoát nước và chống ngập của thành phố”, ông Trung cảnh báo.
Chuyên gia nhận định, so với các đô thị lớn trên thế giới như Mexico, Thượng Hải và một số thành phố lớn ở Nhật, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của lún mặt đất theo thời gian ở TP HCM không đáng kể.
“Tuy nhiên, nếu không có biện pháp kịp thời, sự phát sinh và mở rộng vùng hạ thấp dần độ cao sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hạ tầng của thành phố. Đặc biệt là công trình metro, chống ngập triều, việc xác định cốt nền xây dựng và đời sống người dân ở khu vực có địa hình thấp”, ông nói.
Mống chân cầu bộ hành trên đường Võ Văn Kiệt (quận 8, TP HCM) bị sụt lún khá nghiêm trọng hồi tháng 6/2015. Ảnh: Mạnh Tùng.
Giải pháp hạn chế sụt lún
Từ những dữ liệu trên, nhóm nghiên cứu đề xuất những giải pháp hạn chế sụt lún mặt đất TP HCM như: không phát triển đô thị trên vùng đất yếu, có địa hình thấp (dưới 2 m); tạo triệt để phân vùng cấm và hạn chế xây dựng mới các công trình khai thác nước dưới đất.
Ngoài ra, để hạn chế việc hình thành các phễu hạ thấp mực nước ngầm, phải cung cung cấp nước mặt đủ cho nhu cầu sử dụng các khu đô thị mới và khu công nghiệp. Song song với giải pháp trên, thành phố nên nghiên cứu biện pháp cụ thể bổ cập nước mưa cho từng tầng chứa nước, hồ điều tiết, thay vì để nước mưa tràn lan trên mặt đất gây ngập.
Theo nhóm nghiên cứu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cung cấp cho TP HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long kết quả kiểm tra mốc độ cao tại khu vực vào năm 2014 và 2015. Do đó, thành phố nên cung cấp sớm cho các cơ quan khảo sát thành lập bản đồ, quy hoạch thiết kế và thi công công trình để cập nhật và xác định đúng cao trình (theo hệ tham chiếu quốc gia).
Nghiên cứu của nhóm chuyên gia được thực hiện bằng phân tích dữ liệu, hình ảnh từ năm 1992 và liên tục được giám sát, cập nhậttheo “đặt hàng” của TP HCM khi tình trạng lún mặt đất trên địa bàn đang rất được quan tâm.
Mạnh Tùng
Theo VNE
Dân bất an vì "hố tử thần"
Sau sự cố xuất hiện "hố tử thần" vào ngày 2.4, người dân thôn Hòa Lạc huyện Mỹ Đức Hà Nội lo lắng khu vực gia đình họ đang sinh sống có thể bị sụt lún bất cứ lúc nào.
Hiện trường được phong tỏa để đảm bảo an toàn cho người dân- Ảnh: Minh Chiến
Chiều 5.4, trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Xuân Viết, Chánh văn phòng UBND H.Mỹ Đức cho biết, huyện vẫn đang phối hợp với Sở TN-MT, các nhà khoa học khảo sát, xác định nguyên nhân "hố tử thần" xuất hiện tại đây ngày 2.4.
Hiện "hố tử thần" sâu 11 mét, rộng hơn 100 mét vuông vẫn đang được phong tỏa. Ông Trần Văn Hoành, Chủ tịch UBND xã An Tiến cho biết trong số 5 gia đình phải di dời, chỉ có 1 gia đình ở tạm tại nhà văn hóa xã, 4 gia đình còn lại tá túc tại nhà của người thân trong xã. "Hiện chúng tôi đang kiến nghị lên cấp trên hỗ trợ về vật chất cho các hộ dân này để ổn định cuộc sống" ông Hoành nói.
Được bố trí chỗ ở tạm thời tại nhà văn hóa xã, bà Nguyễn Thị Minh (59 tuổi) chia sẻ: "Thời điểm xảy ra vụ sụt lún gia đình tôi rất hoảng sợ. Tiếng động lớn khiến cả gia đình giật mình, khi ra kiểm tra thì xuất hiện một hố sâu hoắm. Điều chúng tôi lo lắng là sau khi trở lại sinh sống trên ngôi nhà của mình thì có xảy ra sụt lún như vậy nữa hay không".
Chị Nguyễn Thị Mai (41 tuổi, hộ dân bị ảnh hưởng nặng nhất do vụ sụt lún) lo lắng: "Bây giờ gia đình chúng tôi không dám quay lại khu vực đó để ở nữa. Nếu đêm hôm mà tiếp tục sụt lún thì chúng tôi không thể chạy kịp".
Đặc biệt, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra việc sụt lún trên địa bàn xã An Tiến. Ông Trần Văn Hoành cho biết, đã từng xảy ra 2 vụ sụt lún tương tự cách "hố tử thần" khoảng 100 mét. Cụ thể, năm 2006, một vụ sụt lún xảy ra với diện tích hẹp hơn nhưng sâu hơn, không nằm trong khu dân cư, hướng về phía bờ sông. Đến năm 2010, tiếp tục xuất hiện một "hố tử thần" với diện tích khoảng 40 mét vuông, sâu 0,25 mét nằm trên đường dân sinh. "Hai vụ sụt lún này chưa được làm rõ nguyên nhân, các cơ quan chức năng cũng chưa về khảo sát thực tế tại đây", ông Hoành cho biết.
Có thể do khoan giếng
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Sở TN-MT Hà Nội cho biết đã cử đoàn xuống hiện trường kiểm tra, tìm hiểu làm rõ nguyên nhân theo chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội. Hiện, đoàn đang làm việc chưa có báo cáo kết quả cụ thể.
Theo TS.Nguyễn Văn Bình, Khoa Địa chất, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường, từng có một số nghiên cứu về địa chất ở H.Mỹ Đức của cơ quan chức năng. Cá nhân TS.Bình cũng đã tìm hiểu rất kỹ về địa chất thì thấy, khu vực H.Mỹ Đức từng nhiều lần xảy ra sụt lún mặt đất vào các năm 2006, 2010, 2011, 2014 ở các xã lân cận xã An Tiến. "Nguyên nhân các lần sụt lún trước đây đều liên quan đến hoạt động khoan giếng lấy nước sinh hoạt của người dân. Nhiều khả năng, hố sụt hôm 2.4 ở xã An Tiến cũng có liên quan đến hoạt động khoan giếng. Cơ quan chức năng đi kiểm tra cần lưu ý khía cạnh này", TS.Bình cho hay.
Cũng theo TS Bình, địa chất khu vực H.Mỹ Đức là có tầng đá vôi phân bố rộng, nứt nẻ mạnh. Đặc trưng của tầng đá vôi là có nhiều nứt nẻ mạnh, hang karst ngầm. Bên trên nền đá vôi này là lớp đất yếu, cát bở rời mà vẫn gọi chung là lớp hạt mịn. Lớp hạt mịn này rất dễ bị rửa trôi bởi các dòng nước ngầm. Khi có tác động từ con người như khoan giếng, hút nước sẽ gây ra vận động của dòng nước ngầm. Lớp hạt mịn dễ bị rửa trôi, cuốn vào các khe nứt nẻ của nền đá vôi. Hoặc khi khoan giếng, có thể tác động làm vỡ hổng hang karst ngầm, ban đầu gây tác động ít, nhưng lâu dần làm hang rỗng mở rộng, lớp hạt mịn bị cuốn vào trong hang. Khi đó, sẽ tạo ra khoảng trống hổng bên dưới, gây ra sụt lún mặt đất rất nhanh.
Cùng trên vùng có nền đá vôi ở H.Mỹ Đức, nơi không khoan giếng hoặc khoan giếng ít thì chưa có hiện tượng sụt lún mặt đất. Còn các nơi như xã Lê Thanh, Hợp Tiến, Xuy Xá...từng bị sụt lún mặt đất, tạo ra các hố tử thần là nơi có hoạt động khoan giếng khai thác nước ngầm mạnh.
Minh Chiến - Lê Quân
Theo Thanhnien
Hàng trăm tỉ đồng đối phó sụt lún Sụt lún tại ĐBSCL đang diễn ra khiến nhiều địa phương đã bắt đầu phải chịu tác động với chi phí khắc phục lớn... Khu vực chợ Hếu (xã Khánh Hải, H.Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) bị sụt lún vào mùa khô năm 2016 - Ảnh: Nguyễn Hùng Đơn cử, riêng tại Cà Mau, trong năm 2016 có 113km đường giao thông...