Súp cua ở Sài Gòn, hai chị em bán hết 100 chén trong 6 tiếng
Tan sở, ghé quán Phụng hì hụp húp chén súp cua nóng hổi đã trở thành thói quen của nhiều người sinh sống ở khu vực chợ Thủ Đức, TP.HCM. Quán mở trong 6 tiếng đồng hồ bán được ít nhất 100 phần.
Thực khách thưởng thức chén súp chưa đầy 5 phút là hối hả quay về
Súp cua là một món ăn không còn xa lạ với nhiều người, nhất là những ai đang sinh sống ở TP.HCM. Rất dễ dàng bắt gặp những hàng quán bán món này, từ quán lớn đến những xe hàng nhỏ bên lề đường.
Quán súp cua Phụng ở Mũi Tàu Tô Ngọc Vân (phường Linh Tây, quận Thủ Đức, TP HCM) rất phù hợp với nhịp sống nhanh và hối hả của người dân nơi đây.
Chủ quán là hai cô gái còn khá trẻ đồng thời cũng là chị em ruột: chị Nguyễn Thị Phụng (33 tuổi) và chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (31 tuổi). Chị Nhung tươi cười: “Chị em mình là người gốc ở Kiên Giang nhưng sinh sống ở Sài Gòn từ nhỏ. Chị Phụng sau khi học đầu bếp xong thì quyết định mở quán này. Mình cũng là học lại của chị gái. Mỗi ngày chị gái là người nấu, mình đứng bán vậy mà cũng đã được 3 năm rồi”.
Chén súp cua Phụng gồm có nước súp hầm từ xương, nấm đông cô, thịt gà, trứng, cua, bắp, óc heo
Chủ quán chuẩn bị phần súp cho khách mang về khách
Quán Phụng chỉ bán một món duy nhất là súp cua. Khách vừa dừng xe bên lề đường đã nghe tiếng chị chủ quán lanh lảnh vọng ra: “Phần nhỏ hay phần lớn em ơi?”. Không phải chờ đợi lâu, khi đến quán thực khách chỉ ngồi chưa đến năm phút là đã có thể thưởng thức chén súp cua thơm lừng, màu sắc bắt mắt đang nghi ngút khói.
Video đang HOT
Cũng giống như những quán ven vỉa hè khác, quán súp cua Phụng chỉ có một xe hàng và vài bộ bàn ghế đơn sơ. Thường thì ở những quán nhỏ khách sẽ mua mang về là nhiều, nhưng với súp cua Phụng, khách đến quán để ăn trực tiếp còn nhiều hơn. Chỉ khi ăn trực tiếp ở quán thì thực khách mới có thể thưởng thức chén súp cua đặc biệt vì vừa nhanh, gọn, tiện lợi, vừa thổi vừa ăn cho ấm bụng, tiêu tan mệt mỏi.
Mỗi ngày súp cua Phụng bán được ít nhất 100 phần
Quán súp cua Phụng bắt đầu mở quán từ 16 giờ đến 22 giờ. Chỉ mở 6 tiếng đồng hồ, nhưng mỗi ngày chị em chị Phụng bán được ít nhất 100 phần.
“Thường thì quán của chị đông khách nhất là vào khoảng 20 giờ 30 đến 21 giờ, khách mang về cũng có mà ăn ở quán cũng có. Từ 15 giờ là chị nấu để 16 giờ bắt đầu bán. Súp đã nấu sẵn, gia vị cũng chuẩn bị từ trước, những lúc rảnh tay chưa đông khách chị tranh thủ soạn sẵn óc heo, bắp, trứng cút vào những ly nhựa để khi khách gọi mang về thì chỉ cần múc súp rồi cho thêm gia vị là xong”, chị Nhung chia sẻ thêm.
Khách đến ăn chưa đến năm phút là đã thưởng thức xong chén súp cua nóng hổi
Súp cua Phụng gồm có nước súp hầm từ xương, nấm đông cô, thịt gà, trứng, cua, bắp, óc heo. Trước khi ăn cho thêm một ít ngò, tiêu xay, ớt sa tế. Chị Nhung bộc bạch: “Điều đặc biệt là ở nước súp. Thường thì chị sẽ hầm xương từ bốn đến 5 tiếng, ngọt là ở xương chứ không phải ở bột ngọt như nhiều quán khác. Với lại, cách nêm nếm gia vị cũng khác, ai ăn sẽ thấy sự khác biệt ngay”.
Một phần súp bình thường có giá 15.000 đồng, phần lớn hơn giá 20.000 đồng. Súp cua có vị ngọt vừa phải, sền sệt, óc heo mềm và thấm gia vị, hương thơm xộc vào mũi, nhìn là muốn ăn ngay. Bởi vậy, nhiều vị khách ăn nhanh rồi hối hả về nhà.
Chén súp cua vừa bưng ra, đặt muỗng vào là ăn ngay. Nhiều khách nói đã ăn thì không thể dừng muỗng lại được, loáng cái là hết sạch. Thành ra nhiều người đến quán, chưa kịp chuyện trò gì đã ăn hết phần súp từ lúc nào.
Tú Anh (sinh viên, hiện đang ở trọ gần khu vực chợ Thủ Đức), chia sẻ: “Mình thường ăn súp cua Phụng lúc đi học về, súp ở đây có óc heo và không có bột ngọt. Trước đây lúc đi học mình thường ăn súp cua ở làng đại học, nhưng súp cua ở làng đại học lại nhiều bột ngọt quá. Vị súp cua ở đây rất vừa phải, nhất là óc heo rất thấm, tươi làm món súp cua trở nên khá đặc biệt”.
Nhiều vị khách chưa kịp bắt chuyện đã ăn xong, đứng dậy trả tiền rồi đi ngay. Súp cua Phụng khiến người ta … hụt hẫng là vậy. Chị Nhung cho hay cũng chính điểm đặc biệt đó mà từ ngày mở cửa quán đến nay, chưa bao giờ ngớt khách ra vào.
Theo Thanhnien
Gánh bún bò hàng rong Sài Gòn thành quán đắt khách: Người Huế nấu ngon nhưng vào đây hết
Từ một gánh hàng rong trên đường phố Sài Gòn, bún bò Huế Như Ý giờ đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho bất kì ai sành ăn.
Không quảng bá rầm rộ, bún bò Như Ý ở lại trong lòng thực khách bởi hương vị thơm ngon.
Không lừa được vị giác của thực khách
Tôi đến quán vào một ngày khách thưa hơn mọi khi nhưng nguyên liệu trên kệ tủ cũng đã vơi đi nhiều.
Chị Tôn Nữ Xuân Thảo (42 tuổi) đã chính thức tiếp quản cơ nghiệp của gia đình vì ba mẹ đã già yếu.
Ngoài quán bún bò trên đường Mạc Thiên Tích, P.11, Q.5, TP.HCM (sau lưng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), chị còn mở một chi nhánh tại Q.9 cho người em tiếp quản. Tính ra bún bò Như Ý đã sang đời thứ hai.
Không gian quán khá nhỏ nhưng thoáng mát, sạch sẽ. Khách ăn xong có người dọn dẹp ngay.
Là người gốc Huế nhưng chị Thảo có sự biến tấu về hương vị để phù hợp với số đông thực khách Sài Gòn. Nước dùng là loại nước trong, thơm nhẹ mùi sả, mắm ruốc.
"Khoảng 10 giờ, người ta giao xương và thịt tới là tôi bắt đầu hầm. Xương thì hầm khoảng 4 tiếng sẽ được nước cốt, còn thịt chín sẽ bỏ tủ lạnh một lúc để xắt bằng máy cho dễ", chị Thảo chia sẻ.
Để có được tô bún bò ngon, không chỉ có nước dùng đậm đà mà các thành phần khác cũng phải đượm vị, thơm ngon. Chị Thảo cho biết quán chủ yếu bán gân và bắp bò, đây là phong cách nấu bún bò gốc. Giò heo chị chỉ lấy số lượng ít vì chiều theo yêu cầu của khách là chính.
Chả cây, chả bò được lấy tận xưởng sản xuất, là mối hàng quen của gia đình từ lâu. Riêng chả cua, chị Thảo tự tay làm lấy, chị nói: "Lấy của người khác làm tôi không yên tâm, mình phải giữ uy tín, chất lượng của món ăn. Tôi mua cua về lấy thịt rồi trộn với giò sống. Nhiều khi mệt quá, tôi không làm được nên chả hôm có, hôm không. Thà không có chả chứ tôi không lấy chỗ khác về bán".
Chả cua chỉ được bán vào những ngày khách đông vì chả bán không hết để qua ngày sẽ không còn thơm ngon.
Chị Thảo nhiệt tình vừa tiếp chuyện với tôi vừa nhanh tay xắt bắp bò
Chị Thảo lấy nguyên liệu, nhất là thịt bò phải là loại "hàng nóng", tức là thịt bò mới mổ được giao đến còn tươi và sờ tay còn nóng chứ không phải hàng đông lạnh đã bảo quản lâu trong kho. "Mình không lừa được vị giác của thực khách đâu, nhất là những người để ý họ sẽ phát hiện ngay nguyên liệu không tươi", chị Thảo tâm sự. Bên cạnh đó, nguyên liệu bảo quản trong tủ lạnh là không đạt chất lượng.
Theo chị, quan trọng là nguồn gốc, xuất xứ và tình trạng nguyên liệu khi mình nhận về như thế nào. Đã có nhiều người đến chào hàng chị với giá rẻ hơn một nửa nhưng chị nhất quyết không lấy. "Có những thương hiệu bún bò có tiếng cũng vì dùng nguyên liệu không đảm bảo chất lượng mà mất đi khách hàng rồi lụi tàn dần", chị cho hay.
Chả lá, chả bò, bắp và gân bò được bày trên tủ kính
Theo Thanhnien
Quán ăn ngon nhất định phải thử khi lang thang Sài Gòn Bạn không nên bỏ qua quán Phở Lệ nổi tiếng, súp cua trứng bác thảo hay bánh mì Hòa Mã ở trung tâm thành phố khi đến Sài Gòn. Phở Lệ Có từ năm 1970 quán phở Lệ là một quán ăn ngon, có thâm niên ở Sài Gòn mà du khách nên tới thưởng thức. Nước lèo của quán có vị ngọt...