Sướng như tiên vì được mẹ chồng phục vụ cơm nước tận miệng
Tuần đầu mới sinh, ngày nào mẹ chồng cũng nấu nước lá xông dìu tôi vào phòng tắm rồi tắm cho tôi luôn. Ăn cơm mẹ bê riêng một mâm cơm lên tận giường cho tôi ăn.
Hôm trước đọc được bài viết về gia đình tứ đại đồng đường của cụ Lê Thị Qùy, tôi thấy tâm đắc lắm với quyết định sáng suốt lúc mới lấy chồng của mình.
Tôi hiện cũng đang sống trong một gia đình gồm 4 thế hệ như gia đình cụ Qùy và cảm thấy mình thật may mắn khi được cả bà nội nhà chồng, mẹ chồng chăm sóc sướng như tiên.
Năm nay tôi 27 tuổi, lấy chồng gần 2 năm và mới sinh con được 3 tháng. Gia đình nhà chồng tôi ở Nghệ An. Bố mẹ đều là công nhân viên chức, bà nội chồng năm nay 92 tuổi, vẫn còn rất tỉnh táo, minh mẫn. Trước bà cũng làm bên phụ nữ hợp tác xã và nổi tiếng năng nổ, giỏi giang một thời.
Lúc mới yêu và về nhà chồng chơi, tôi thấy cả nhà chồng sống chung trong một khu đất rộng gần 2 hec ta, trong đó gồm gia đình bố mẹ chồng tôi, gia đình bác cả nhà chồng tôi, gia đình chú Tư (em bố chồng tôi). Tất cả đều đi chung ngõ, ăn chung bếp và cái hôm tôi về ra mắt, tổng cộng có trên dưới 30 người bao gồm cả ông bà, cháu chắt.
Mới đầu, tôi hơi choáng ngợp về số người trong gia đình nhà chồng. Lúc ngồi ăn cơm, thấy cả mấy chục con mắt đổ dồn về tôi khi bà nội chồng hỏi han trò chuyện, tôi sợ lắm. Thế nhưng, khi ăn cơm xong, cứ nghĩ mọi người sẽ để cho một mình tôi chiến đấu với đống bát đũa, ai ngờ các bác gái, các chị em trong gia đình đều cùng xúm lại rửa nhoắng cái là xong.
Video đang HOT
Hôm đó về n hà anh ấy chơi, tôi từ sợ sệt, bất ngờ đến vui như đi ăn hội khi có nhiều người cùng ăn, cùng trò chuyện, cùng bàn về các kế hoạch của đại gia đình. Không ngờ, về quê chồng lại vui như thế. Vậy nên, từ đó cứ hễ có ngày nghỉ lễ dài dài là tôi lại đòi theo anh ấy về quê chơi.
Điều làm tôi bất ngờ là gia đình các bác, các chú nhà chồng tôi ai cũng làm cán bộ nhà nước nhé. Bác cả làm công an tỉnh, chú Ba, chú Tư làm bác sĩ với kiểm sát viên; vợ các bác các chú cũng làm giáo viên, nhà báo cả.
Còn con cái các bác, các chú cũng học hành ngoan ngoãn, giỏi giang. Nhà bác cả còn có chị đầu học tiến sĩ ở Nhật; nhà chú Tư có cậu em năm nay 25 tuổi cũng đang du học diện học bổng ở Anh.
Về làm dâu nhà chồng khi gia đình nhà chồng tôi 4 thế hệ chung sống một nhà nhưng tôi vẫn vô cùng hạnh phúc, thậm chí còn “sướng như tiên”. Ảnh minh họa.
Vậy mà hôm tôi về nhà chồng chơi, thấy ai cũng răm rắp nghe theo bà. Ai cũng ánh lên ánh mắt hạnh phúc, vui mừng khi có dâu mới về nhà.
Chính vì không khí gia đình vui như thế nên lúc cưới xong, mặc dù hai vợ chồng tôi đều làm việc ở Hà Nội, tôi cũng là con gái Hà thành chính gốc, nhưng lễ tết nào tôi cũng đòi chồng được về quê nên anh vui lắm.
Đến lúc chửa đẻ, tôi còn muốn được về quê sinh để ở gần đại gia đình nhà chồng. Chồng tôi muốn tôi sinh ở Hà Nội vì anh ấy cho rằng, ở Hà Nội hiện đại hơn, muốn về thì sinh xong con cứng cáp hẵng về. Nhưng tôi cứ nhất mực đòi về, và bây giờ khi ngồi viết mấy dòng này, tôi thấy thật may mắn vì quyết định đúng đắn của mình.
Về nghỉ dưỡng sinh con trước 1 tháng, tôi được bà nội và mẹ chồng chăm sóc kỹ lưỡng từ các món ăn hàng ngày đến nước tắm, cách vận động để dễ sinh nở. Nhà chồng tôi gần biển, lại có một khu vườn rộng trồng đầy rau sạch nên ngày nào tôi cũng được bà nấu cho toàn đồ ăn tươi ngon.
Tối đến, cả nhà ăn uống xong, mẹ chồng lại rủ tôi đi bộ cùng để bà vừa tập thể dục còn tôi dễ sinh nở. Đến ngày tôi chuyển dạ, lúc đó mẹ chồng đang đi dạy. Mẹ xin nghỉ luôn chạy về bảo tôi bình tĩnh tắm táp cho sạch sẽ đã. Mẹ còn tận tay gội đầu cho tôi luôn.
Vào viện, mẹ chồng tôi chạy đôn chạy đáo làm thủ tục, mẹ vẫn còn mang theo bát cháo gà tự hầm để tôi ăn lấy sức lên bàn đẻ vì chồng tôi chưa về kịp. Tôi bị rạch khâu 5 mũi, mẹ xót quá chạy vội đi mua thuốc đặt giảm đau cho tôi.
Về nhà, trong mấy tháng ở cữ, tôi chẳng phải động chân tay vào một việc gì. Tối nào bà nội cũng tranh ngủ cùng với “chắt” (con tôi gọi bà bằng cụ), còn mẹ chồng tôi thì thương tôi chẳng khác gì con đẻ. Vì vậy mà tôi thấy sinh con nhàn tênh vì hết mẹ chồng, bà nội cứ thay nhau chăm cháu, tôi chỉ việc nghỉ ngơi, cho con ti là được.
Tuần đầu mới sinh, ngày nào mẹ cũng nấu nước lá xông dìu tôi vào phòng tắm rồi tắm cho tôi luôn. Những ngày sau đó khi tôi thấy thương mẹ vất vả quá muốn tự sức làm thì mẹ bê luôn cả chậu nước lá vào cho tôi tắm.
Mẹ tôi cũng tân tiến, không bắt tôi ăn mấy món kho mặn như trước mà ngày nào cũng đổi món ăn cho tôi ăn. Trừ những món làm cháu dễ bị tiêu chảy, còn ngày nào mẹ cũng đổi món nên tôi ăn ngon miệng lắm. Mà nhé, ngày nào mẹ nấu xong cũng bê riêng cho tôi một cái mâm cơm đủ các món ăn lên tận giường vì mẹ sợ con mới sinh xong, đi lại đau.
Nói chung, kể ra đây thì không hết những việc mẹ chồng, gia đình nhà chồng làm tôi cảm động đến rơi nước mắt. Tôi chỉ muốn nói rằng, tôi hoàn toàn ủng hộ việc cả đại gia đình ở chung. Vì có như vậy, con cháu mới hiểu được lễ nghĩa, truyền thống gia đình. Mọi người trong nhà cũng sống thuận hòa hơn, chăm sóc nhau tốt hơn.
Với tôi, bây giờ sinh đẻ được chăm sóc tốt như vậy, sau này mẹ về già không còn sức khỏe , tôi sẽ yêu cầu chồng được đón mẹ ra Hà Nội và chăm sóc mẹ chu đáo. Mọi người nghĩ sao về ý định của tôi?
Theo Blogtamsu