Sửng sốt chuyện dùng quan tài làm sính lễ của người H”rê
Dù không có người đau ốm, bệnh tật sắp về với “Giàng” nhưng dưới mỗi nóc nhà sàn ở thôn Gọi Re bao giờ cũng có ít nhất một cỗ quan tài.
Theo quan niệm của người dân nơi đây, quan tài là thứ tài sản giá trị, mang lại nhiều điều may mắn, tốt lành. Chính vì thế mà gia đình nào cũng cố tình đóng sẵn những cỗ quan tài thật đẹp để dành biếu nhau vào những dịp trọng đại trong đời.
Đem lại điều may mắn, tốt đẹp trong ngày cưới
Dưới mỗi căn nhà sàn đều có chuẩn bị sẵn những cỗ quan tài.
Chuyện nghe qua tưởng như đùa trên diễn ra tại thôn Gọi Re, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Cách trung tâm xã Ba Xa hơn 100km đường nhựa lẫn đất đỏ, thôn Gọi Re hiện là một trong những thôn khó khăn nhất của xã. Cả thôn chỉ có khoảng vài chục nóc nhà sàn; cuộc sống của đồng bào H’rê chủ yếu bám vào nương rẫy để kiếm khoai sắn qua ngày. Giao thông khó khăn, tách biệt với bên ngoài… chính là trở ngại lớn nhất khiến người dân khó tiếp cận được với cuộc sống hiện đại như các bản làng khác. Tuy nhiên, có lẽ nhờ vậy mà cho đến nay, họ vẫn còn lưu giữ được sự hồn hậu, chân chất và những phong tục văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Khác hẳn quan niệm của nhiều dân tộc, đồng bào H’rê ở thôn Gọi Re tin rằng, cỗ quan tài không phải là hiện thân của sự chết chóc, điềm xui xẻo mà ngược lại nó lại là thứ đem lại điều may mắn, tốt đẹp. Chính vì thế mà vào những dịp trọng đại trong đời người như ngày cưới, đồng bào H’rê sẽ tặng nhau cỗ quan tài thay cho sính lễ.
Giải thích về phong tục kỳ lạ này, già Đinh Văn Giớ (60 tuổi) – một bậc cao lão ở thôn Gọi Re cho biết: “Theo quan niệm của người H’rê ở Quảng Ngãi, việc tổ chức đám cưới giữa nhà trai và nhà gái diễn ra giống nhau để tạo sự công bằng giữa hai gia đình. Với chúng tôi, việc con dâu về nhà chồng ở hay con rể về nhà vợ ở đều được, không có sự phân biệt. Tuy nhiên, điều đặc biệt, trong lễ cưới, mỗi chàng trai H’re bắt buộc phải có một cỗ quan tài tặng cho gia đình nhà gái. Gia đình cô dâu sau khi nhận cỗ quan tài thì coi như đã nhận sính lễ cưới.
Theo già làng Giớ, tục biếu quan tài cho nhau trong ngày cưới của dân tộc mình có từ rất lâu đời. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình, chiếc quan tài được chọn làm “quà cưới” cũng có kích thước và mức độ tinh xảo khác nhau.
Nếu gia đình nhà trai quá khó khăn, trong ngày cưới không thể đóng được chiếc quan tài, khi được nhà gái đồng ý thì sau đám cưới họ sẽ phải dành dụm tiền bạc để gửi trả “sính lễ” sớm nhất có thể. Người H’rê tin rằng, cỗ quan tài là thứ tượng trưng cho sự may mắn, điều tốt lành, vì thế, việc chuyển giao này sẽ giúp cô dâu, chú rể có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc đến cuối đời.
Nói về phong tục tập quán độc đáo của dân tộc mình, bà Đinh Thị Vít (55 tuổi, trú thôn Gọi Re) tự hào: “Ở thôn mình, hầu như nhà nào cũng có quan tài để tặng hoặc được tặng. Không chỉ chàng trai tặng quan tài cho gia đình nhà vợ mà thông gia cũng có thể tặng quan tài cho nhau để tỏ lòng quý mến.
Quan tài thường được làm bằng gỗ, từ thân những cây to trong rừng; sau khi được đẽo rỗng ruột, người ta làm thêm phần nắp đậy phía trên. Vào dịp cưới hỏi, sau khi làm xong phần nghi thức, chú rể biếu gia đình nhà gái cỗ quan tài thì xem như cuộc hôn nhân đã thành công. Nhờ cỗ quan tài và Giàng phù hộ mà từ xưa đến nay, tất cả các cặp vợ chồng trong thôn sống rất nghĩa tình, hạnh phúc, ít khi xảy ra mâu thuẫn”.
Video đang HOT
Cách thể hiện tình cảm “có một không hai”
Cũng theo lời kể của già Giớ, cỗ quan tài không chỉ được dùng làm quà ngày cưới để cầu mong sự may mắn, hạnh phúc; mà trong những dịp trọng đại khác, khi muốn thể hiện tình cảm, cỗ quan tài cũng là món quà được lựa chọn đầu tiên. Ví như, con cái muốn tỏ lòng hiếu thảo với ba mẹ thì anh em trong gia đình sẽ cùng nhau làm hai cỗ quan tài để biếu cho ba mẹ khi họ bước sang tuổi 40. Hoặc khi trong nhà có người bị đau ốm, sắp về với “Giàng” thì người thân cũng sẽ tặng họ một cỗ quan tài.
Những nếp nhà sàn ở thôn Gọi Re
Việc tặng quan tài trong những dịp này không hề mang ý đồ xấu, mong người khác sớm “ra đi”; mà nó thể hiện sự biết ơn, cầu cho cha mẹ sống lâu hơn. Không những thế, người Hre quan niệm, người chết sẽ về với “Giàng”, sẽ bắt đầu một cuộc mới. Cỗ quan tài được xem là phương tiện đưa họ đi và là ngôi nhà cho họ sinh sống khi đến nơi ở mới. Chính vì thế, khi biếu quan tài cho người sắp mất là thể hiện tình cảm cao quý của người tặng, đã nhường cho người khác hưởng lại những gì mình cần nhất trong cuối đời.
Hoặc cũng có trường hợp, trong làng có một người ốm đau, bệnh tật, già làng sẽ chọn ra 7 người đàn ông khỏe mạnh nhất lên rừng đốn gỗ để làm quan tài tặng cho người bị ốm. Họ cho rằng, nếu người khỏe mạnh tặng quan tài lại cho người đau ốm thì người đó sẽ được truyền sức khỏe để thoát khỏi “con bệnh”. Người có của ăn, của để trong làng sẽ có trách nhiệm biếu quan tài cho người nghèo khó để truyền may mắn giúp họ thoát nghèo. Trường hợp, trong làng có người chết nghèo khó, quan tài của một người tốt bụng trong làng sẽ mang tới cho không.
Chính vì những giá trị to lớn của chiếc quan tài trong cuộc sống của người H’rê mà gia đình nào cũng cố tình đóng sẵn một chiếc quan tài để ở dưới nhà sàn. Theo già Giớ, tại mỗi gia đình, khi người con trai lớn trong nhà đủ 18 tuổi thì người này sẽ theo cha lên rừng chọn gỗ để đóng quan tài. Chọn gỗ xong, họ phải làm lễ cúng tại nhà để xin “thần rừng, thần cây” cho phép họ đẽo gỗ làm quan tài. Sau khi hoàn thành thì họ mới bắt tay vào làm. Vì chiếc quan tài là vật dụng linh thiêng, có giá trị nên trong thời gian làm, người con trai không được ra khỏi nhà nửa bước.
Làm xong, cỗ quan tài sẽ được chuyển xuống đặt ngay bên dưới nhà sàn. Khi có dịp trọng đại thì họ mới đem ra để làm quà tặng. Khi cỗ quan tài chuẩn bị sẵn được sử dụng thì đúng một năm sau, người con trai thứ phải lên rừng đốn gỗ về làm quan tài mới. Nếu gia đình nào không có con trai, thì nhân lúc còn khỏe mạnh người cha phải chuẩn bị trước quan tài cho tất cả các thành viên trong gia đình.
Có thể nói, đối với người H’rê, chiếc quan tài không chỉ món quà, là tài sản quý giá của mỗi gia đình mà nó còn là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, yêu thương lẫn nhau. Ở miền đất còn nhiều khó khăn như Gọi Re, việc giữ gìn được nét sinh hoạt văn hóa riêng biệt mang đậm tính nhân văn như việc “tặng quan tài” quả là điều đáng quý.
Bà Võ Thị Bích Lê, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Xa, cho biết: “Dù đời sống của đồng bào H’rê ở thôn Gọi Re (xã Ba Xa) còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng đến nay, họ vẫn còn giữ được những nét sinh hoạt văn hoá như tặng quan tài ngày cưới, tặng quan tài cho người thân thiết… Có thể nói, đây là một phong tục độc đáo, cần được giữ gìn và phát huy vì nó có khả năng giúp người dân xích lại gần nhau, đoàn kết với nhau hơn”.
Nhật Thanh
Theo_Người Đưa Tin
Thủ tướng Chính phủ làm rõ về lao động Việt Nam khi gia nhập TPP
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vấn đề lao động trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tại Quốc hội, vấn đề lao động trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được các đại biểu Võ Kim Cự, Trần Ngọc Vinh, Trương Trọng Nghĩa chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Sáng 18/11, trong phần trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, đây là vấn đề được đồng bào, cử tri cả nước, nhất là người lao động rất quan tâm.
Thúc đẩy bảo đảm quyền lợi của người lao động
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, dưới cách tiếp cận người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế, nên trước hết họ phải được hưởng thành quả của quá trình này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 18/11
Năm 1998, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã ra tuyên bố về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Đến năm 2008, tiếp tục thông qua tuyên bố về thúc đẩy việc bảo đảm quyền lợi của người lao động trong quá trình toàn cầu hóa công bằng. Đây cũng là cách tiếp cận của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và đang trở thành xu thế toàn cầu.
Nếu như vào thời điểm thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 1995 mới có 4 hiệp định thương mại tự do có nội dung về lao động, thì đến tháng 1/2015, đã có 72 hiệp định thương mại quy định về nội dung này. Việc đưa nội dung lao động vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới còn có mục đích bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa các bên trong quan hệ thương mại.
Theo Thủ tướng, TPP là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có quy định nội dung về lao động, nhưng không đưa ra tiêu chuẩn riêng mà chỉ áp dụng theo các tiêu chuẩn về lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của ILO, thể hiện trong 8 công ước cơ bản, bao gồm các nội dung: quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động; xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; cấm sử dụng lao động trẻ em; xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt, đối xử về việc làm và nghề nghiệp.
Việt Nam là thành viên của ILO từ năm 1992. Chúng ta đã phê chuẩn 5/8 công ước cơ bản của ILO. Nhưng theo Tuyên bố năm 1998 của ILO, các nước thành viên dù đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn các công ước cơ bản nêu trên, đều có nghĩa vụ tôn trọng thúc đẩy và thực hiện các tiêu chuẩn lao động được đề cập trong các công ước đó.
"Như vậy, trên thực tế Việt Nam đã và đang thực hiện các quy định của ILO theo kế hoạch chủ động của mình. Những nội dung chính về lao động trong hiệp định TPP bao gồm: Đối với nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, phân biệt đối xử trong lao động và quy định bảo đảm điều kiện lao động về lương tối thiểu, giờ làm việc, an toàn lao động thì hệ thống pháp luật của Việt Nam đã quy định đầy đủ và cơ bản là phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và các cam kết trong hiệp định TPP. Chúng ta đang thực hiện và sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đối với những nội dung này" - Thủ tướng nói.
Tổ chức đại diện của người lao động phải tuân thủ pháp luật
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động: Theo hiệp định TPP và cũng phù hợp với quy định của ILO, Việt Nam và tất cả các nước tham gia hiệp định TPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp.
Tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp sau khi thành lập có thể lựa gia nhập Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động và sẽ chỉ được hoạt động sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký theo quy trình minh bạch và được quy định cụ thể trong các văn bản, quy định của pháp luật.
Hiệp định TPP cũng như quy định của ILO đều khẳng định tất cả các tổ chức của người lao động phải tuân thủ hiến pháp, pháp luật của nước sở tại và theo các tiêu chuẩn của ILO. Đồng thời phải hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích và phương thức hoạt động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quyền đại diện, bảo vệ cho các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại doanh nghiệp nơi họ làm việc, thông qua các hình thức: đối thoại, thương lượng tập thể, đình công... theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các tổ chức của người lao động không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài tôn chỉ mục đích, điều lệ hoạt động đã được đăng ký.
Hiệp định TPP cũng có các quy định bảo vệ tổ chức của người lao động để không bị người sử dụng lao động can thiệp, phân biệt đối xử nhằm vô hiệu hóa hoặc suy yếu khả năng đại diện, bảo vệ cho quyền và lợi ích của người lao động.
Việt Nam có thời gian hợp lý để chuẩn bị
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Theo cam kết trong hiệp định TPP, chỉ riêng đối với Việt Nam có thời gian chuẩn bị 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực, tức khoảng 7 năm kể từ khi ký hiệp định.
Thời gian chuẩn bị này để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy quản lý để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động. Việc đạt được khoảng thời gian thể hiện thiện chí của các bên trong đàm phán và vị thế, uy tín của Việt Nam, nhất là trong việc thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế.
"Sau khi hiệp định TPP được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, đối với nội dung về lao động trong hiệp định, chúng ta sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, có thể là nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng để thực thi nội dung về lao động trong hiệp định.
Như vậy, việc thực hiện các cam kết về lao động trong hiệp định TPP cũng chính là việc tiếp tục thực hiện các quy định của ILO mà Việt Nam là thành viên và cũng không ảnh hưởng, không làm hạn chế địa vị pháp lý, vai trò, chức năng nhiệm vụ và tổ chức hoạt động của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam" - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh./.
Lại Thìn
Theo_VOV
Vụ án 18 phu vàng rúng động Quảng Nam: Tìm lại nhân chứng Một nhóm phu vàng đã bị những người Cơ Tu ở xã Tà Pơơ, (Nam Giang, Quảng Nam) bắt giữ bởi bị nghi oan là đã giết 1 thầy giáo. Những phu vàng này đã bị sát hại vô cùng dã man. LTS: Để thay đổi những tập tục lạc hậu của một số đồng bào dân tộc thiểu số, là hành trình...