Sủng Cỏ thiên đường hoang sơ nơi cửa vịnh Đà Nẵng
Nằm biệt lập với một bên là núi rừng Hải Vân và một bên là vịnh Đà Nẵng, bãi biển Sủng Cỏ, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng vẫn còn là một bí ẩn với nhiều người.
Sủng Cỏ vẫn giữ được một vẻ đẹp của sự hoang sơ, xanh mát mà ít nơi nào có được. Để đi đến Sủng Cỏ, có người chọn đường đi bộ. Họ chạy xe máy lên đèo Hải Vân, sau đó gửi xe và lội bộ xuống bãi. Tuy nhiên, nếu chọn con đường này để đến Sủng Cỏ thì phải có sức khỏe và có dân bản địa dẫn đường.
Những ngư dân lặn bắt hải sản dưới làn nước trong veo ở Sủng Cỏ – Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Nhiều người chọn đi bằng đường thủy bởi ở trên tàu họ được thỏa thích ngắm nhìn cảnh đẹp nơi cửa vịnh Đà Nẵng, bên phải là bán đảo Sơn Trà xanh mướt, còn phía trái là dãy Hải Vân hùng vĩ.
Đến Sủng Cỏ vào buổi sáng sớm dễ làm người ta “say” cảnh sắc nơi đây. Từ trên những mỏm đá, qua làn nước biển trong veo có thể nhìn thấy cá bơi lội tung tăng. Với người yêu thích tắm biển thì không còn gì đã hơn.
Sủng Cỏ còn có “hàng độc” là suối nước ngọt. Từ bãi biển đi bộ lên chỉ chừng hơn trăm mét là một con suối nước chảy róc rách, mát lành từ núi cao đổ xuống.
Đến Sủng Cỏ không chỉ có cảnh đẹp mà còn được thỏa thích thú vui câu cá – Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Ở Sủng Cỏ, cũng vào tầm sáng, những chiếc ghe của ngư dân mạn biển Thanh Khê, Liên Chiểu… sẽ cập bến vào đây để mọi người có thể lựa chọn những đặc sản tươi rói của biển cả.
Ngư dân mang ốc vào bãi biển Sủng Cỏ để bán cho khách – Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Sủng Cỏ vẫn còn là một bãi biển hoang sơ, ít người biết đến – Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Bãi biển Sủng Cỏ với “view” nhìn về TP Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà – Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Video đang HOT
Những chiếc ghe đánh cá của ngư dân cập vào bãi Sủng Cỏ – Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Ngư dân tự chế biến món ghẹ nấu rong biển sau chuyến đánh bắt hải sản ghé về Sủng Cỏ – Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Thành quả mà những du khách thu hoạch được sau khi lặn biển Sủng Cỏ – Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Điều đặc biệt ở Sủng Cỏ là ngoài bãi biển hoang sơ thì có một dòng suối nước ngọt mát lành chảy qua – Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Một góc của bãi biển Sủng Cỏ – Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Bãi biển Sủng Cỏ với một bên là màu xanh của biển cả và một bên là rừng Hải Vân – Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Khám phá 'thiên đường trong mây' Sin Suối Hồ
Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ hấp dẫn du khách bởi không khí núi rừng mát mẻ, nét đẹp hoang sơ và những sắc màu văn hóa dân tộc Mông.
Địa điểm lý tưởng cho người "săn mây"
Bản Sin Suối Hồ thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nằm cheo leo trên đỉnh núi Sơn Bạc Mây cao hơn 1.500m, cách thành phố Lai Châu khoảng 30 km. Đây là vùng biên giới giáp với Trung Quốc, có địa hình núi non trùng điệp, hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, phong cảnh nên thơ, hữu tình.
Trong tiếng Mông, Sin Suối Hồ có nghĩa là "suối có vàng". Còn giờ đây, Sin Suối Hồ được gọi là "Thiên đường trong mây" bởi khi tới đây, du khách sẽ được đắm chìm trong biển mây vào mỗi sáng sớm, ngâm mình dưới dòng nước mát lạnh của thác Tình Yêu, thác Trái Tim, chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang ngào ngạt hương lúa chín say đắm lòng người...
Đường lên bản Sin Suối Hồ phủ đầy hoa dã quỳ
Chúng tôi lên bản Sin Suối Hồ, trải nghiệm về một bản người Mông làm du lịch thực sự ấn tượng. Đường vào bản dài khoảng 30 km, vắt qua những sườn đồi thoai thoải với hai bên là con đường rợp hoa dã quỳ. Lưng đồi là những khoảnh ruộng bậc thang của người Mông chạy dài tít tắp. Xa ngút ngàn là những ngọn núi được bao phủ quanh năm bởi mây trắng. Đây cũng là địa điểm lý tưởng cho du khách muốn "săn mây".
Từ chân rặng núi Sơn Bạc Mây, con đường về bản Sin Suối Hồ đã được cứng hóa chạy qua những nếp nhà nhỏ xinh. Những chậu hoa địa lan và hoa đào được trồng điểm xuyết lối đi lên cao dần, tô điểm cho bản làng.
Đến với Sin Suối Hồ, điều ấn tượng đầu tiên có lẽ là những nét văn hóa truyền thống của người Mông vẫn được giữ nguyên. Phụ nữ Mông ở bản hiện vẫn dệt, mặc các trang phục truyền thống và gìn giữ kỹ thuật vẽ sáp ong độc đáo trên vải được truyền lại qua nhiều thế hệ. Các ngôi nhà vẫn giữ được nét truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác. Nhiều hộ làm du lịch, xây dựng những căn nhà khách lưu trú vẫn xây theo những lối kiến trúc của người Mông.
Khung cảnh hùng vĩ của núi rừng là nơi chụp ảnh lý tưởng cho nhiều du khách
Ở Sin Suối Hồ, mỗi nhà sẽ có một chiếc cổng được trang trí độc đáo. Cổng thì dùng chiếc cưa để trang trí, tượng trưng cho dụng cụ thời xa xưa người Mông dùng để xẻ cây. Cổng thì dùng những con dao để trang trí với ý nghĩa là công cụ sinh tồn từ xa xưa. Cổng thì dùng bình hồ lô - dụng cụ đựng rượu, nước. Cổng thì dùng cò quay, cung tên, đèn dầu...
Hiện tại ở Sin Suối Hồ có hơn 100 cổng khác nhau, mỗi chiếc cổng mang một ý nghĩa và mong muốn của gia chủ, nhưng tựu chung lại tất cả đều hướng về cội nguồn, hướng về những nét văn hóa truyền thống. Người Mông cho rằng, làm vậy để vừa giới thiệu cho du khách, vừa nhắc nhở con cháu về những nét văn hóa của cha ông.
Một chiếc cổng nhà được trang trí bằng dao - công cụ sinh tồn của người Mông
Giờ đây, Sin Suối Hồ đã trở thành điểm du lịch cộng đồng có tiếng, mang lại sự đổi thay đáng kể về mọi mặt cho đời sống người dân. Từ một bản làng nghèo đói, nhiều người nghiện thuốc phiện, nghiện rượu nay họ đã vươn lên làm kinh tế để thoát nghèo. Bây giờ, ở Sin Suối Hồ có 5 điều không được làm: Không uống rượu, không hút thuốc lá, không dùng thuốc phiện, không quan hệ tình ái bừa bãi và không cờ bạc.
Phát triển du lịch bền vững
Ở bản Sin Suối Hồ, nhắc đến anh Vàng A Chỉnh, ai cũng kính trọng, nể phục. Không chỉ giúp thay đổi nhận thức trong đời sống, sinh hoạt, anh Chỉnh còn là người tiên phong đưa mô hình du lịch cộng đồng về bản.
Trưởng bản Vàng A Chỉnh, người đi đầu trong phong trào làm du lịch ở bản Sin Suối Hồ
"Trước năm 1995, nhà nào cũng có người nghiện thuốc phiện, nghiện rượu, bản làng nghèo đói, rất khổ. Người Mông mỗi lần có dịp uống rượu là không say không về, lao động chính không có, bản làng cứ nghèo mãi. Thế nhưng giờ khác rồi... người Mông ở Sin Suối Hồ bây giờ không uống rượu, không khói thuốc, không cờ bạc nữa", anh Vàng A chỉnh phấn khởi nói.
Thấm cái sự vất vả, nghèo đói, anh Chỉnh và một số người dân trong bản đã tìm cách thoát nghèo. Gia đình anh tự đi đầu, với mong muốn là mình tốt thì người khác sẽ phải học theo. Anh dọn dẹp nhà cửa, xây dựng nhà vệ sinh sạch sẽ, rồi cùng với một số người vận động các nhà bỏ thuốc phiện, bỏ rượu, tập trung vào làm ăn, phát triển kinh tế.
Năm 2014, Vàng A Chỉnh xây dựng căn nhà của mình thành homestay và vận động bà con trong bản làm du lịch."Ban đầu vận động bà con làm du lịch khó lắm. Người Mông bao đời làm nương rẫy, bây giờ bảo họ chuyển sang làm du lịch họ không đồng ý. Thay đổi tư duy là điều khó nhất", anh Chỉnh nói.
Các homestay được thiết kế gọn gàng, sạch sẽ, sẵn sàng đón khách du lịch
Với sự kiên trì vận động, nhiều gia đình đã học theo cách làm của ông trưởng bản Vàng A Chỉnh. Năm 2015, bản Sin Suối Hồ chính thức được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là bản du lịch cộng đồng. Điều này càng giúp thêm động lực cho những người dân bản chuyển sang làm du lịch.
Một không khí vui tươi hồ hởi chạy khắp bản làng, rồi thêm nhiều căn homestay, nhà hàng, điểm chụp ảnh được dựng lên. Những trò chơi dân gian, những phong tục tập quán, những món ăn của người Mông lên chương trình rõ ràng để giới thiệu với du khách. Giờ đây, bản Sin Suối Hồ đã thực sự làm du lịch rất chuyên nghiệp.
Tiết mục văn nghệ đặc sắc của người dân địa phương
Để phục vụ du khách tốt hơn, bản Sin Suối Hồ trực tiếp làm ra những sản phẩm hoàn toàn từ tự nhiên, theo cách làm truyền thống của người Mông. Dầu gội, xà phòng, nước rửa tay, nước rửa bát, lá tắm... tất cả đều sử dụng những nguyên liệu thiên nhiên, tốt cho sức khỏe của con người và không gây ô nhiễm môi trường.
Người dân địa phương cũng thường xuyên nuôi lợn, gà và trồng rau sạch để phục vụ du khách. Dân bản cũng đã nhận thức được rằng một trong những lợi thế lớn nhất để thu hút khách du lịch là giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc bản địa.
Mỗi tuần vào thứ 7, ở chính giữa bản sẽ diễn ra một buổi họp chợ truyền thống. Đây là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa sản vật của nhân dân nhưng du khách cũng rất hào hứng tham gia. Rất nhanh sau đó, chợ phiên Sin Suối Hồ trở thành một điểm đến du lịch vô cùng hấp dẫn. Ngoài mua bán, ở đây còn diễn ra các tiết mục văn nghệ độc đáo, là nơi tái hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người Mông như thổi khèn, xay lúa, ném pao, giã bánh dày... Nhưng có một điểm "khác", đó là không còn cảnh đàn ông say rượu ngủ quên ở đường, ở góc chợ như ngày xưa nữa.
Một chàng trai người Mông say sưa với điệu khèn
Hiện nay điểm du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ có hơn 20 hộ gia đình tham gia làm dịch vụ homestay, bungalow và 6 hộ làm dịch vụ ăn uống, có 1 hợp tác xã tiếp đón và phục vụ du khách. Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm điểm du lịch cộng đồng bản Sin Suối Hồ đón trên 20.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan du lịch.
"Dịch vụ homestay ở Sin Suối Hồ mỗi tối có thể phục vụ 250-300 khách nghỉ lại. Thu nhập bình quân, nhà nào to, rộng thì khoảng 200-300 triệu đồng mỗi năm. Những nhà làm ít thì thu nhập từ 80-90 triệu", anh Vàng A Chỉnh cho biết.
Được biết, năm 2019, Sin Suối Hồ đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là "Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu". Ngày 5/2/2023, tại diễn đàn Hội chợ Du lịch quốc tế ở thành phố Yogyakarta (Indonesia), điểm bản Sin Suối Hồ lại được vinh danh là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất ASEAN năm 2022.
Du khách trải nghiệm giã bánh dày cùng dân bản Sin Suối Hồ
Dù là điểm du lịch có tiếng ở cả trong và ngoài nước, Sin Suối Hồ vẫn mang trong mình vẻ đẹp thiên nhiên thuần khiết, hoang sơ. Chỉ một lần tới bản Sin Suối Hồ, chắc chắn du khách sẽ muốn quay lại với không gian núi rừng trong lành, sống chậm trong sự bình yên, nguyên sơ, thuần khiết của bản làng Mông miền sơn cước.
Bản Cát Cát ở Sapa Ngôi làng cổ đẹp nhất rừng Tây Bắc Thiên đường mây Sapa - niềm tự hào của vùng núi rừng Tây Bắc đã không còn xa lạ gì với du khách trong và ngoài nước. Giữa khung cảnh thiên nhiên núi rừng hoang sơ hùng vĩ đó, có một bản làng mộc mạc nhỏ xinh khiến bất kỳ ai đến với Sapa cũng nhất định phải ghé đến. Đó chính là...