Súng: Biểu tượng văn hóa ở Mỹ
Mỗi một vụ xả súng hàng loạt mới ở Mỹ lại gây tranh cãi về cách xử lý quyền sử dụng súng gần như bất khả xâm phạm ở đất nước này.Người Mỹ sở hữu nhiều súng hơn bất kỳ dân nào khác trên trái đất. Súng có liên quan đến cái chết của gần 40.000 người hằng năm ở Mỹ, khoảng 60% trong số đó là tự sát.
Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA), tổ chức ủng hộ súng thống trị trong nhiều thập kỷ, đã thuyết phục các tòa án và các nhà lập pháp nới lỏng các hạn chế về súng và ngăn chặn việc thông qua các biện pháp mới. Tuy nhiên, một làn sóng giết chóc mới có thể đã nới lỏng đôi chút sự kìm kẹp của NRA.
Biểu tình kêu gọi kiểm soát súng ở TP Richmond, bang Virginia – Mỹ hôm 9-7. Ảnh: REUTERS
Một số vụ xả súng hàng loạt nguy hiểm nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại đã diễn ra trong vài năm qua: El Paso, bang Texas (22 người chết tại một cửa hàng Walmart vào tháng 8-2019); Virginia Beach, bang Virginia (12 người chết tại một tòa nhà thành phố vào tháng 5-2019); TP Pittsburgh, bang Pennsylvania (11 người chết tại hội đường năm 2018); Parkland, bang Florida (17 người chết tại một trường trung học năm 2018); Sutherland Springs, bang Texas (26 người chết trong một nhà thờ vào năm 2017); Las Vegas, bang Nevada (58 người thiệt mạng tại một buổi hòa nhạc năm 2017).
Dư luận đã thay đổi một cách khiêm tốn theo hướng kiểm soát súng chặt chẽ hơn: Trong cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2018, 57% những người được khảo sát nói rằng luật pháp nên nghiêm ngặt hơn, so với 52% trong năm trước.
Tại một cuộc trưng bày súng ở bang Kentucky. Ảnh: USA TODAY
Từ vụ xả súng ở Parkland năm 2018, giới sinh viên – nhóm các nhà hoạt động mới – đã lên tiếng đòi hỏi phải kiểm soát súng chặt chẽ hơn và đã đạt được một số kết quả.
Trong năm 2018, 67 biện pháp hạn chế súng mới được ban hành tại 26 tiểu bang. Ở bang Florida, cơ quan lập pháp tăng tuổi tối thiểu được mua vũ khí từ 18 lên 21; còn ở Louisiana và Tennessee, các yêu cầu kiểm tra nhân thân đã được tăng cường.
Thế nhưng, năm 2019, các cơ quan lập pháp ở các bang Nam Dakota, Oklahoma và Kentucky đã bỏ phiếu cho phép mọi người mang súng mà không cần giấy phép.
Mỹ là một trong ba quốc gia đưa quyền sở hữu súng vào hiến pháp của mình (hai quốc gia kia là Mexico và Guatemala).
Ngoài tính hợp pháp, theo báo Washington Post, khẩu súng còn là một biểu tượng văn hóa ở Mỹ. Nó là một công cụ cần thiết của những người lính trong cuộc chiến tranh cách mạng và những chàng cao bồi rong ruổi ở miền Tây hoang dã.
Giáo viên ở bang North Carolina học sử dụng súng. Ảnh: EDUCATION NEWS
Gần đây, những khẩu súng bán tự động bắn đạn liên tiếp – còn được gọi là vũ khí tấn công – đã trở nên phổ biến cả trong số những người sở hữu súng tuân thủ luật pháp lẫn những kẻ giết người hàng loạt. Các quy tắc súng phần lớn được xác định bởi các tiểu bang, và trong những năm gần đây, nhiều bang trong số đó đã cho phép mang súng ở nhiều nơi hơn, bao gồm cả trường học và nhà thờ.
Các vụ xả súng hàng loạt ở các quốc gia khác, mặc dù ít phổ biến hơn, cũng đã dẫn đến các cuộc tranh luận về quy định. Vụ thảm sát 50 người tại hai nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand vào đầu năm 2019 đã thúc đẩy một cuộc đại tu luật súng ở quốc gia này. Sau vụ giết người năm 1996 khiến 35 người thiệt mạng, Úc đã ban hành luật súng nghiêm ngặt.
Trong khi đó, các chủ sở hữu súng ở Mỹ, nhiều người sống ở khu vực nông thôn, coi việc kiểm soát súng là cuộc tấn công vào lối sống của họ.
Nhiều nhà lập pháp được NRA ủng hộ cho rằng các vụ xả súng không chứng minh được sự cần thiết của các quy định mới và tốt hơn là nên trang bị vũ khí cho nhiều người hơn, bao gồm cả giáo viên, để họ có thể tự vệ và bảo vệ những người khác. Họ đã lưu ý rằng sau khi lệnh cấm vũ khí tấn công hết hạn vào năm 2004, các vụ xả súng ở Mỹ đã giảm xuống.
Tuy nhiên, các nhóm ủng hộ kiểm soát súng nói rằng sự sụt giảm như trên – một phần của hiện tượng giảm bớt tội phạm bạo lực nói chung – xảy ra vì những lý do khác, đáng chú ý là chính sách được cải thiện.
Hoài Vy (Theo Washington Post)
Theo nld.com.vn
Cậu bé 12 tuổi giải cứu em bé 2 tuổi bị nhốt trong xe dưới trời nắng nóng
Một cậu bé 12 tuổi ở Mỹ đã được tôn vinh là anh hùng sau khi cứu một đứa trẻ 2 tuổi bằng cách đập vỡ kính chắn gió của một chiếc xe ô tô đang đỗ dưới trời nắng nóng.
Clip: Truyền thông đưa tin về việc giải cứu đứa trẻ bị nhốt trong xe nóng của cậu bé Ben Theriot.
Sự việc xảy ra tại một bãi gửi xe của một trung tâm mua sắm ở tiểu bang Oklahoma (Mỹ) vào hôm thứ 3 tuần trước. Cậu bé được tôn vinh là Ben Theriot, sống ở thành phố Tulsa, tiểu bang Oklahoma.
Hôm đó, Theriot đi cùng mẹ đến trung tâm mua sắm. Khi hai mẹ con đi ngang qua bãi đỗ xe, họ nghe thấy tiếng gào khóc. Và họ nhìn thấy có một đứa bé trong một chiếc xe ô tô bị khóa cửa.
Khi người mẹ đang gọi điện cho cảnh sát thì Theriot đã tìm cách giải cứu em bé. Cậu nhanh trí lấy bộ dây đai từ chiếc xe của mẹ cố gắng phá cửa sổ bên phía tài xế nhưng chỉ làm nứt 1 ít kính. Không bỏ cuộc, cậu lấy dây đai đập kính chắn gió. Sau đó, cậu dẫm lên kính chắn gió khiến nó rạn nứt.
Sau đó, Theriot đã nhận được sự trợ giúp của một nhân viên cửa hàng tại trung tâm mua sắm để kéo kính chắn gió ra. Lúc đó, cậu bé Therio đã có thể bò vào trong xe và mở khóa từ bên trong, bế em bé ra ngoài.
Vào hôm xảy ra sự việc, nhiệt độ ngoài trời tới gần 47 độ C. Đứa bé được giải cứu trong tình trạng hoảng sợ nhưng không bị tổn thương nghiêm trọng.
Cảnh sát sau đó cũng tìm thấy người mẹ của đứa trẻ bên trong trung tâm mua sắm. Nhưng người này không bị bắt giữ bởi chị ta nói rằng đó chỉ là tai nạn, vì chị ta nghĩ có một người lớn ở cùng với đứa trẻ trong lúc mình vào trong mua sắm. Do đó, người mẹ này chỉ bị nhận vé phạt 250 USD.
Hành động của Theriot đã được mọi người khen ngợi bởi nếu không có sự nhanh trí của cậu, đứa bé có thể bất tỉnh và gặp nguy hiểm vì sốc nhiệt.
Phương Linh(Theo Foxnews)
Theo vietnamnet
Sân bay quốc tế Hong Kong được lệnh ngăn cản người gây rối Cơ quan quản lý Sân bay quốc tế Hong Kong nhấn mạnh người dân cũng không được dự hoặc tham gia bất kỳ cuộc biểu tình, phản đối hay bất kỳ sự kiện nào liên quan đến trật tự công cộng. Hành khách mắc kẹt tại Sân bay quốc tế Hong Kong, Trung Quốc ngày 13/8, sau khi các chuyến bay bị hủy...