Súng bắn tỉa cực mạnh Nga có thể xóa sổ cả đơn vị lính Mỹ
Nga đang dần trang bị mẫu súng bắn tỉa cực mạnh T-5000 cho những tay thiện xạ, đủ sức xuyên mọi loại giáp của Mỹ và tạo ra mối đe dọa thường trực trên chiến trường.
Súng trường bắn tỉa T-5000 của Nga.
Theo National Interest, chiến dịch quân sự của Nga ở Syria và Ukraine đã đem về nhiều kinh nghiệm thực chiến quý giá cho quân đội. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất là thành quả mà đơn vị lính bắn tỉa Nga gặt hái được.
Moscow ngày nay tạo ra những loại súng bắn tỉa cực mạnh, có khả năng xuyên phá mọi loại áo giáp, tạo ra mối đe dọa thường trực với binh sĩ Mỹ. Đáng chú ý nhất trong số này là mẫu súng bắn tỉa T-5000 Tochnost.
Một báo cáo gần đây của Lục Quân Mỹ với tựa đề “Cẩm nang tác chiến thế hệ mới của Nga” cảnh báo, các tay súng bắn tỉa Nga trở nên “thiện nghệ hơn rất nhiều những xạ thủ mà các đơn vị Mỹ từng đối diện trong hơn 15 năm qua” và không thể đối phó bởi các chiến thuật chống bắn tỉa thông thường.
Oris T-5000 từng được nhìn thấy trên chiến trường Iraq và Ukraine.
Sử dụng đạn .388 Lapua Magnum thay thế cho loại đạn cũ, súng bắn tỉa T-5000 mới của Nga mở rộng tầm bắn xa tương đương với khẩu McMillian TAC-338 nổi tiếng của Mỹ.
Theo ORuzejnyje SIStemy (ORSIS), công ty thiết kế T-5000, mẫu súng bắn tỉa cực mạnh này được tạo nên từ các máy chế tác có thể cắt gọt kim loại thành những hình dạng chính xác tuyệt đối, các lò nung điều khiển bằng kỹ thuật số, một buồng lạnh siêu mạnh và máy mài cắt duy nhất ở Nga có hệ thống đo lường bằng video.
T-5000 cũng được chế tạo từ các kim loại nhập khẩu từ Đức, Áo và Mỹ khiến nó đạt chất lượng hoàn hảo.
Marco Vorobiev, cựu thành viên của đơn vị đặc nhiệm Spetsnaz Liên Xô mô tả T-5000 có thể cạnh tranh với bất kỳ loại súng bắn tỉa chính xác nào trên thế giới.
Quân đội Mỹ phát hành cẩm nang cảnh báo về sức mạnh mẫu súng bắn tỉa mới của Nga.
“Nó được thiết kế tinh xảo và chỉ được sản xuất với số lượng nhỏ, giống như một khẩu súng sản xuất theo đơn đặt hàng hơn là sản xuất hàng loạt”, Vorobiev nói.
Video đang HOT
Dù được sản xuất với số lượng ít, T-5000 được cho là đã xuất hiện trong các cuộc xung đột trên khắp thế giới, gồm cả chiến trường Iraq và Ukraine.
Cuốn cẩm nang do quân đội Mỹ phát hành cũng đặt ra khả năng cả một đơn vị lính Mỹ sẽ bị tiêu diệt bởi tay súng bắn tỉa Nga chứ không chỉ là đợt ném bom hay oanh tạc bằng tên lửa.
Theo tài liệu của quân đội Mỹ, nếu chẳng may bị tấn công bởi một tay súng bắn tỉa Nga thì tốt nhất hãy tản ra, chạy trốn ngay lập tức. Bất cứ sự chậm trễ nào đều có thể đồng nghĩa với việc phải hứng chịu thương vong lớn.
Súng bắn tỉa T-5000 trong một cuộc thử nghiệm ở Moscow.
Cuốn cẩm nang trên phải thừa nhận: “Ở mỗi cuộc đụng độ, bất kỳ xạ thủ Nga nào ở một vị trí tốt sẽ gây thương vong tối thiểu cho 2 lính Mỹ, trong khi xạ thủ Nga hoàn toàn không gặp phải bất cứ mối đe dọa nào”.
Báo cáo của Lục quân Mỹ cũng khuyến cáo lực lượng này cần phải cải tiến chiến thuật để đối phó với mối đe dọa mới từ phía Nga như sử dụng lựu đạn khói, trang bị cho binh lính các vũ khí đặc biệt hoặc sử dụng máy bay không người lái chiến thuật để phát hiện và tiêu diệt lính bắn tỉa đối phương.
Có thể nói, mặc dù phải cần tới các tính toán chi tiết về điều kiện tự nhiên như tốc độ gió cũng như sai số về vòng quay của Trái đất nhưng những khẩu súng trường bắn tỉa như T-5000 của Nga đang trở thành nỗi khiếp sợ mới của binh sĩ Mỹ trên chiến trường.
Theo Danviet
Huyền thoại này từng phục vụ 3 thế hệ binh sĩ Mỹ
Được sử dụng phục vụ 3 thế hệ binh lính trong suốt 70 năm - có lẽ hiếm có vũ khí nào lại có ảnh hưởng to lớn tới lịch sử chiến tranh của Mỹ như huyền thoại súng trường 1903 Springfield.
Vào ngày 17.11.1915, thiếu tá Smedley Butler cùng với 1 nhóm lính thủy đánh bộ Mỹ tiếp cận đồn Riviere. Đây là 1 cơ sở quân sự cũ của Pháp tại Haiti và đang bị chiếm giữ bởi lực lượng phiến quân Cacos. Thiếu tá Butler cùng với các đồng đội có nhiệm vụ quét sạch lực lượng này. Nhóm 100 binh sĩ được chia ra: 1 phần bao vây khu vực để cắt đứt đường thoát thân của phiên quân còn những người còn lại chuẩn bị đánh chiếm đồn. Sau khi tất cả đã vào vị trí, Butler thổi còi, báo hiệu cuộc tấn công bắt đầu.
Cuộc tấn công đã làm lực lượng Cacos bất ngờ. Sau khi nhanh chóng tiếp cận tường, Butler và đồng đội phát hiện 1 đường hầm nhỏ dẫn vào bên trong. Cùng với trung sĩ Ross Iams và binh nhì Sam Gross, vị thiếu tá đã đi qua hầm xông vào trong nhằm mở đường cho các đồng đội ở bên ngoài. Ngay lập tức, cả 3 người bị bao vây bởi những tên phiến quân. Thế nhưng, đây là 1 cuộc chiến không hề cân sức: kẻ địch chỉ có dao rựa còn Butler, Iams và Gross lại đang cầm trên tay súng trường Springfield mẫu 1903 - "hung thần" của người Mỹ vào thời điểm đó. Những đợt tấn công tuyệt vọng của phiến quân liên tục bị đẩy lùi. Ngay cả khi hết đạn, cả 3 vẫn tiếp tục đánh tay đôi bằng lưỡi lê, mở đường cho đồng đội xông vào. Chênh lệch là quá lớn, cuộc tấn công kết thúc dễ dàng với việc toàn bộ phiến quân Cacos bị tiêu diệt. Vì sự dũng cảm trong chiến đấu, 3 người lính tiên phong được trao tặng Huân chương Danh dự. Đối với thiếu tá Butler, đây là huân chương thứ 2 của anh.
Súng trường 1903 Springfield
Khẩu súng trường Springfield mà các người Mỹ sử dụng trong cuộc tấn công ấy bắt đầu thời kỳ huy hoàng của mình vào đầu thế kỉ 20. Trước Springfield, súng trường tiêu chuẩn của quân đội Mỹ là khẩu Krag-Jorgenson - khẩu súng trường nạp đạn thủ công sử dụng băng đạn có xuất xứ từ Na Uy. Trong cuộc chiến với Tây Ban Nha, dù dành chiến thắng, người Mỹ vẫn phải thừa nhận rằng Krag-Jorgenson quá yếu thế so với súng trường Mauser của binh sĩ Tây Ban Nha sử dụng. Theo đó, cỡ đạn 7,62x58,8mm của Krag-Jorgenson thiếu sức mạnh, súng cũng có tầm bắn ngắn hơn so với đối thủ có xuất xứ từ Đức. Không chỉ có vậy, thiết kế hộp đạn "cứng" khiến Krag-Jorgenson lép vế về tốc độ bắn trước 1 Mauser có thể nạp đạn bằng các kẹp 5 viên đạn tháo rời. Mauser nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn của súng trường thế giới. Điều này thể hiện qua việc lính Mỹ thường nhanh chóng bị áp chế về hỏa lực trong các cuộc xung đột khác.
Súng trường Krag-Jorgenson
Hiểu được điều đó, quân đội Mỹ nhanh chóng nghiên cứu loại súng thay thế Krag-Jorgenson. Vào năm 1900, nhà sản xuất súng Springfield (sau này trở thành công ty nghiên cứu và sản xuất vũ khí cỡ nhỏ chính của Mỹ) đã cho thử nghiệm mẫu súng đầu tiên tại Massachusetts. Trong quá trình thử nghiệm, 1 số thay đổi nhỏ đã được áp dụng. Hai năm sau đó, súng của Springfield đã được thực nghiệm tại đồn Riley&Leavenworth tại Kansas. Kết quả thử tốt tới mức vào 19.06/1903, loại súng này đã trở thành "Súng trường tiêu chuẩn Mỹ, model 1903, sử dụng đạn .30". Tuy nhiên, súng thường biết đến với cái tên phổ biến hơn là 03 Springfield. Ngay sau đó, việc sản xuất Krag-Jorgenson bị đình chỉ, súng trường 03 Springfield được bắt đầu sản xuất đại trà với năng suất ban đầu là 225 khẩu/ngày. Chỉ trong năm đầu tiên, nước Mỹ đã cho ra đời 30,000 khẩu súng thế hệ mới.
Trong vài năm tiếp theo, quân đội ra áp dụng rất nhiều cải tiến cần thiết cho 03 Springfield nhưng vẫn giữ nguyên thiết kế ban đầu của súng. Một trong số đó là sự thay đổi về lưỡi lê. Nguyên mẫu đầu tiên của dòng súng này sử dụng 1 thanh nhọn mỏng được gắn bên dưới nòng súng. Thiết kế này đã khiến tổng thống Mỹ lúc đó là Theodore Roosevelt - 1 người có đam mê cháy bỏng về súng - "gai mắt". Vào 1 ngày, khi đang gặp gỡ viên tướng người Anh có tên Frazier tại Nhà Trắng, tổng thống Roosevelt đã cho người mang 2 khẩu 03 Springfield và Krag-Jorgenson được lắp lưỡi lê lên.
Binh sĩ Mỹ với nguyên mẫu 1903 Springfield sử dụng lưỡi lê nhọn
Đứng trong phòng Bầu dục, ông Roosevelt đã hỏi viên tướng người Anh về sự chắc chắn của lưỡi lê nhọn này. Sau khi ông Fraizer khẳng định rằng lưỡi lê mới có thể ngang bằng với lưỡi lê cũ, vị tổng thống đã đưa ông khẩu Springfield, còn bản thân thì chọn khẩu Krag-Jorgenson. Với lưỡi lê đã được gắn, vị tướng vào thế phòng thủ, đợi chờ ngài tổng thổng làm "vài đường" khởi động. Bất ngờ, ông Roosevelt tấn công và chỉ với 1 đòn, lưỡi lê nhọn của Springfield đã gãy làm đôi. Khi mà tướng Frazier vẫn còn kinh ngạc, vị tổng thống đam mê súng ống đã viết thử cho nhà sản xuất Springfield, bày tỏ sự không đồng tình với mẫu lưỡi lê mới. Ngay lập tức, lưỡi lê nhọn bị ngừng sản xuất, các khẩu Springfield đợc chuyển đổi lưỡi lê truyền thống. Vì vậy, những khẩu Springfield nguyên bản, sử dụng lưỡi lê nhọn trở thành một bảo vật đắt giá với các nhà sưu tầm hiện nay.
Một thay đổi lớn khác là về cỡ đạn. Ban đầu, Springfield sử dụng cỡ 7,62x65mm với đầu đạn tròn. Tuy nhiên vào năm 1906, loại đạn 7,62x63mm với đầu đạn nhọn, cho tốc độ nhanh hơn và giảm trọng lượng, đã được giới thiệu và trở thành đạn tiêu chuẩn cho Springfield. Đạn 7,62x63mm đã biến 03 Springfield trở thành 1 khẩu súng trường mang đẳng cấp thế giới, ngang hàng với mọi đối thủ. Thậm chí, đến tận ngày nay, loại đạn này vẫn còn được quân đội Mỹ tin dùng nhờ sự ưu việt của mình.
Đạn cỡ 7,62x65mm (trên) và cỡ 7,62x63mm 9 (dưới)
Tuy nhiên, sự "ngang hàng" này cũng mang đến rắc rối cho chính phủ Mỹ. Vào giữa năm 1904, sau khi xem xét thiết kế của 03 Springfield, nhà sản xuất súng Mauser đã xác định rằng công ty Springfield đã vi phạm bằng sáng chế liên quan đến súng trường cùng tên của hãng. Washington đã chủ động gửi thư cho nhà sản xuất súng của Đức, đề nghị gặp gỡ nhằm thảo luận vấn đề này. Một tháng sau, phía Mauser đã chính thức đưa ra cáo buộc Mỹ vi phạm 2 lỗi liên quan đến kẹp đạn rời và 5 lỗi khác liên quan đến mẫu súng 03 Springfield.
Binh sĩ Tây Ban Nha với súng trường Mauser của Đức
Sau nhiều tháng thương lượng, chính phủ Mỹ đã buộc phải nộp phạt rất nặng: Mauser tính 75 cent trên mỗi khẩu súng được chế tạo, đồng thời đòi thêm 50 cent cho mỗi 1000 kẹp đạn được sản xuất. Tổng cộng, phía Mỹ đã phải trả số tiền lên tới 200,000 USD. Tuy nhiên, bê bối vi phạm bằng sáng chế không dừng lại ở đó. Ba năm sau, một công ty cũng từ Đức tố cáo Washington sao chép thiết kế đạn mũi nhọn. Về phía mình, lần này chính phủ Mỹ đã phủ nhận cáo buộc trên, dẫn đến việc bị kiện ra tòa chỉ vài ngày trước khi Thế chiến 1 bắt đầu. Vào năm 1917 khi Mỹ quyết định tham chiến, vụ kiện đã bị "chìm xuống" còn bằng sáng chế của công ty Đức nọ bị tịch thu. Những tưởng, người Mỹ đã tránh được 1 phen mất tiền thì vào năm 1920, vào thời điểm chiến tranh đã kết thúc được 2 năm, phía Đức đã khởi kiện lại vụ án này. Một tòa án của Mỹ cho rằng việc thu giữ bằng sáng chế đã vi phạm một hiệp định lúc đó và buộc chính phủ phải nộp phạt 412,000 USD. Như vậy, 03 Springfield đã tiêu tốn của người Mỹ 612,000 USD (chưa tính phí nghiên cứu, phát triển và sản xuất) để các binh sĩ nước này có trên tay 1 khẩu súng trường "đẳng cấp thế giới".
Thế nhưng, trái với những vụ kiện tại tòa vốn diễn ra trong nhiều thập kỷ, việc đưa 03 Springfield vào chiến trường được triển khai gần như lập tức. Trong cuộc Cuộc nổi dậy Philippines, mẫu súng mới đã thay thế cho các khẩu Krag Jorgenson và các khẩu Springfield đời cũ. Ngay lần đầu được "thử lửa", 03 Springfield đã nhanh chóng được binh lính tin dùng nhờ uy lực và khả năng nạp đạn nhanh chóng. Trước đó, các vũ khí cá nhân của quân đội Mỹ tại Philippines không thể cản nổi các chiến binh Moro - những "chiến thần" có khả năng chịu được nhiều phát đạn trước khi gục ngã. Ngoài ra, 03 Springfield cũng được sử dụng trong cuộc đổ bộ của Mỹ tại Vera Cruz (1914) và cuộc săn lùng cướp biển Mexico Pancho Villa (1916).
Kẹp đạn 5 viên khiến cho súng trường Springfield có tốc độ bắn vượt trội so với các loại súng cũ
Ngoài các cuộc xung đột nhỏ, súng trường Mỹ cũng đã góp mặt trong Thế chiến 1. Dù đã mở rộng và gia tăng sản xuất, thế nhưng các nhà sản xuất cũng không thể đáp ứng kịp số lượng binh sĩ khổng lồ được gọi nhập ngũ. Một biện pháp tình thế đã được chính phủ Mỹ lựa chọn là Enfield - phiên bản Mỹ của súng trường Anh mẫu 1914. Dù chỉ là hàng "thay thế", tuy nhiên Enfield lại được chế tạo nhiều hơn cả Springfield: vào thời điểm chiến tranh kết thúc, cứ 1 khẩu Springfield thì lại có 3 khẩu Enfield. Tuy nhiên, 03 Springfield vẫn là súng trường tiêu chuẩn của quân đội cả trong và sau chiến tranh.
Trong 4 năm chiến tranh, mặc dù có vẻ được sử dụng ít hơn Enfield, Springfield vẫn được cải tiến kỹ thuật nhiều lần. Một trong những thay đổi táo bạo nhất là Pederson - phụ kiện thay thế cần nạp đạn thủ công, giúp súng bắn bán tự động với 1 băng đạn rời 40 viên cỡ nhỏ hơn 7,62x63mm. Về lý thuyết, phụ kiện này sẽ tăng đáng kể hỏa lực tầm gần cho người sử dụng. Theo đó, chỉ cần 1 động tác thay cần nạp đạn đơn giản và nhanh chóng, binh sĩ sẽ có 1 khẩu Springfield bắn tự động. Tuy nhiên, súng vẫn khai hỏa 1 viên 1 nên tốc độ bắn sẽ phụ thuộc tốc độ kéo cò của xạ thủ. Được biết, nếu Thế chiến 1 kéo dài thêm vài tháng, phụ kiện này sẽ được sử dụng vào chiến dịch tiến công mùa xuân của Mỹ. Thế nhưng, chuyện đó đã không xảy ra và Pederson đã không kịp chứng minh được tính cần thiết của mình.
Penderson - phụ kiện giúp 03 Springfield bắn tự động
Kết thúc cuộc chiến, chỉ có 65,000 phụ kiện được sản xuất. Tất cả đều nằm trong kho cho đến khi chính phủ quyết định tiêu hủy vào năm 1931 để tránh rơi vào tay các băng đảng tội phạm. Hầu hết số phụ kiện này bị nấu chảy, một số bị đập vỡ và trộn lẫn với xi măng để xây vỉa hè. Hiện này, những phụ kiện còn nguyên vẹn đang nằm trong các bộ sưu tập cá nhân và các bảo tàng.
Sau Thế chiến 1, Mỹ chỉ sản xuất cầm chừng 03 Springfield và các linh kiện để phục vụ cho việc thay thế, sửa chữa. Khẩu súng này tiếp tục được sử dụng trong các cuộc xung đột nhỏ mà Mỹ tham gia trong những năm 20 và 30. Tuy nhiên, theo quy luật phát triển, quân đội đã buộc phải tìm kiếm người kế nhiệm Súng trường Mỹ và người được chọn là M1 - mẫu súng được phát triển bởi nhân viên công ty Springfield có tên John Garand. M1 khiến hỏa lực tăng đáng kể khi có thể bắn liên tiếp 8 viên (phụ thuộc vào tốc độ kéo cò của xạ thủ). May mắn thay, số phận của Springfield đã được kéo dài do cuộc Đại suy thoái đã khiến chính phủ Mỹ không có nhiều tiền để đưa M1 trở thành vũ khí tiêu chuẩn cho quân đội.
Thế nhưng, Thế chiến 2 đã rung hồi chuông báo tử cho khẩu súng huyền thoại này. Khi Mỹ tham chiến, M1 Garand bắt đầu được sản xuất ồ ạt và nhanh chóng được binh sĩ tin dùng. Dù lép vế trước người kế nhiệm, Springfield vẫn tiếp tục được sử dụng. Lí do là trong tháng đầu tiên, số lượng M1 sản xuất không kịp đáp ứng nhu cầu. Nhiều binh sĩ tại các chiến trường khác nhau vẫn chiến đấu với khẩu 03 Springfield trên tay. Thêm vào đó, ban đầu M1 không bắn được lựu đạn súng trường nên 1 binh sĩ trong đội sẽ mang theo 1 khẩu Springfield với các phụ kiện cần thiết để làm việc đó.
Nhà phát minh John Garand với khẩu súng trường mang tên mình
Để tiếp tục sử dụng Springfield, sau 1 vài lần điều chỉnh, quân đội Mỹ đã cho ra đời M1903A3 Springfield (các nhà sưu tập và sử học ngày nay goi là 03A3) và tiếp tục sản xuất với số lượng lớn. Thay vì Springfield, công ty vũ khí Remington và công ty sản xuất máy đánh chữ Smith Corona đã đảm nhận công việc này. Đây là 1 mũi tên trúng 2 đích vì một mặt vẫn "tái sử dụng" được thiết kế 03 Springfield có sẵn, một mặt giúp các cơ sở chế tạo khác "rảnh tay" để sản xuất M1 và nhiều mẫu súng hiện đại khác. Ngoài ra, để tận dụng lượng súng cũ tồn kho, các khẩu Springfield cũng đợc phân phát tự do cho lực lượng đồng minh.
Một vai trò nổi tiếng khác của huyền thoại 03 trong cuộc chiến là bắn tỉa. Khác với các binh sĩ thông thường, các xạ thủ bắn tỉa không tác chiến tầm gần - nơi tốc độ bắn là tất cả. Chỉ với vài thay đổi nhỏ cùng với ống ngắm quang học, phiên bản M1903A4 đã trở thành 1 "hung thần" chiến trường.
Binh sĩ Mỹ với súng bắn tỉa M1903A4 Springfield
Khi mà Thế chiến 2 kết thúc, thời đại của Springfield đã chính thức chấm dứt. Trong các phiên bản của Springfield, chỉ còn mẫu bắn tỉa 03A4 tiếp tục được sử dụng với vai trò súng trường bắn tỉa tiêu chuẩn hạn chế và được sử dụng trong Chiến tranh Triều Tiên và 1 số cuộc chiến khác. Tuy nhiên, dù được ít được sử dụng, quân đội vẫn in hướng dẫn kỹ thuật cho M1903A4 cho tới tận năm 1970. Điều này đồng nghĩa với việc, Springfield đã phục vụ 3 thế hệ binh lính Mỹ trong suốt 7 thập kỷ đầu của thế kỷ 20 - dài hơn bất kỳ khẩu súng trường nào khác. Đó cũng là kết thúc mĩ mãn cho 1 trong những tượng đài vĩ đại trong lịch sử súng trường nước này.
Theo Mai Đại (The National Interest)
Hàng loạt tàu chiến Mỹ ở Nhật Bản chưa sẵn sàng tác chiến Hơn 1/3 tàu hải quân Mỹ ở Nhật Bản không có chứng nhận sẵn sàng tác chiến kể từ tháng 6, báo cáo kiểm toán của chính phủ Mỹ cho biết. Tàu khu trục USS John S. McCain của Hải quân Mỹ bị móp sau vụ đâm va với tàu hàng gần eo biển Malacca hồi tháng 8. (Ảnh: Reuters) Theo Politico, phát...