Sudan đóng cửa vô thời hạn tất cả trường học
Giới chức Sudan ngày 30/7 đã ra lệnh đóng cửa vô thời hạn tất cả các trường học trên toàn quốc sau khi đám đông sinh viên phát động các cuộc biểu tình chống lại việc có 6 người (trong đó gồm 5 học sinh) thiệt mạng trong một cuộc biểu tình ở thị trấn Al-Obeid.
Hàng trăm học sinh Sudan đổ xuống đường phản đối sau khi xảy ra vụ việc 5 học sinh thiệt mạngtrong một buổi biểu tình ngày 29/7 (Ảnh: AFP)
Hãng Thông tấn chính thức của Sudan SUNA đưa tin, chỉ thị của Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Sudan đã được gửi tới các thống đốc của tất cả các bang trong cả nước nhằm đóng cửa tất cả các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học từ ngày 31/7 cho đến khi có thông báo mới.
Quyết định trên của giới cầm quyền Sudan được đưa ra trong bối cảnh hàng trăm học sinh, sinh viên mặc đồng phục, cầm cờ Sudan đổ xuống các đường phố ở Khartoum nhằm phản đối việc những người biểu tình bị thiệt mạng ở Al-Obeid hôm 29/7. Một số cuộc biểu tình lẻ tẻ khác của học sinh cũng được tổ chức ở vài khu vực khác của thủ đô và các thành phố khác.
Các cuộc biểu tình này diễn ra sau khi 5 học sinh trung học bị bắn chết và hơn 60 người khác bị thương khi họ tập trung ở Al-Obeid để phản đối tình trạng thiếu nhiên liệu và bánh mì. Vào cuối ngày 30/7, một người biểu tình khác cũng được xác nhận đã thiệt mạng vì vết thương nặng.
Video đang HOT
Trước đó, lệnh giới nghiêm cũng đã được ban bố tại 4 thị trấn thuộc bang Bắc Kordofan, trong đó có thủ phủ Al-Obeid với hiệu lực từ 21 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau trong khoảng thời gian không xác định.
Liên hợp quốc đã kêu gọi một cuộc điều tra về vụ những người biểu tình thiệt mạng. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đề nghị giới chức Sudan điều tra và yêu cầu tất cả những thủ phạm của vụ bạo lực nhằm vào các học sinh phải chịu trách nhiệm.
Trong khi đó, người đứng đầu Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Sudan – Tướng Abdel Fattah al-Burhan đã lên án vụ giết người nhằm vào những người biểu tình. “Những gì xảy ra ở Al-Obeid thật đáng buồn. Giết hại những người dân hòa bình là tội ác không thể chấp nhận được”, ông nói.
Những diễn biến mới nhất liên quan đến các cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên Sudan và chỉ thị đóng cửa các trường học của giới cầm quyền nước này diễn ra trong bối cảnh vẫn còn nhiều bất đồng chưa được giải quyết giữa Hội đồng Quân sự chuyển tiếp (TMC) và Lực lượng Tự do và Thay đổi (FFC) về việc thành lập một chính quyền dân sự.
TMC đã đứng lên nắm quyền điều hành đất nước kể từ ngày 11/4 sau khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ. Tuy nhiên, Hội đồng này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phong trào biểu tình, người biểu tình đòi TMC chuyển giao quyền lực cho một chính quyền dân sự. Vừa qua, TMC và FFC đã đạt được một thỏa thuận mang tên “Tuyên bố Chính trị”. Hiện hai bên vẫn đang tiếp tục đàm phán về một tuyên bố hiến pháp cho giai đoạn chuyển tiếp./.
Kiều Giang (theo France24/AFP, Press TV)
Theo cpv.org.vn
Sudan: Các bên nối lại đàm phán thành lập chính quyền dân sự
Các thủ lĩnh phòng trào biểu tình và các tướng lĩnh tại Sudan sẽ tham gia các cuộc đàm phán cuối cùng về Tuyên bố Hiến pháp.
Theo kế hoạch, đàm phán giữa phong trào biểu tình và Hội đồng quân sự chuyển tiếp (TMC) tại Sudan hiện nắm quyền lãnh đạo tại nước này sẽ được nối lại vào ngày mai (30/7) tại thủ đô Khartoum để thảo luận các vấn đề vướng mắc còn lại liên quan việc thành lập một chính quyền dân sự. Động thái này diễn ra sau khi ngày 17/7 vừa qua, các bên đã đạt được một thỏa thuận chia sẻ quyền lực, mở đường cho việc thành lập một chính quyền dân sự, chấm dứt bạo lực ở quốc gia Đông Phi này.
Thủ lĩnh các nhóm biểu tình thuộc phong trào Liên minh vì sự thay đổi và tự do ở Sudan trong cuộc họp báo ở Khartoum ngày 24/4/2019. Ảnh: AFP.
Trong một tuyên bố vào hôm qua (28/7), ông Mohamed Hacen Lebatt, phái viên của Liên minh châu Phi (AU), cho biết các thủ lĩnh phòng trào biểu tình và các tướng lĩnh tại Sudan đã được mời tham gia "các cuộc đàm phán cuối cùng về Tuyên bố Hiến pháp". Một ủy ban kỹ thuật đại diện cho hai bên sẽ nhóm họp trước để thảo luận sơ bộ trong ngày hôm nay (29/7)
"Hai bên đã thống nhất được những vấn đề quan trọng. Họ cũng đã quyết định nối lại cuộc đàm phán vào ngày mai để thảo luận về các vấn đề khác", ông ông Mohamed Hacen Lebatt nói.
Một thủ lĩnh phong trào biểu tình, ông Babiker Faisal cũng xác nhận đàm phán sẽ diễn ra ngày mai tại thủ đô Khartoum. Ông bày tỏ hy vọng rằng, các bên sẽ đạt được thỏa thuận về Tuyên bố hiến pháp trong ngày mai vì những bất đồng giữa hai bên không quá lớn.Thỏa thuận thứ hai này dự kiến sẽ bao gồm các vấn đề về quyền hạn của Cơ quan cầm quyền dân sự và quân sự chung, việc triển khai lực lượng an ninh và miễn tội cho các tướng lĩnh liên quan đến các vụ bạo lực trấn áp người biểu tình.
Cuộc đàm phán sắp diễn ra được nối lại sau khi ngày 17/7, Hội đồng quân sự chuyển tiếp và liên minh các nhóm biểu tình ký một thỏa thuận chia sẻ quyền lực sơ bộ, được gọi là Tuyên bố Chính trị, mở đường cho việc thành lập một chính quyền dân sự tại quốc gia châu Phi này.
Thỏa thuận được ký tại Khartoum dưới sự chứng kiến của các bên trung gian hòa giải châu Phi. Theo đó, một hội đồng lãnh đạo chuyển tiếp chung sẽ bao gồm 6 nhân vật dân sự và 5 tướng lĩnh. Hội đồng này sau đó sẽ giám sát việc thành lập một nghị viện và chính phủ dân sự chuyển tiếp lãnh đạo trong 39 tháng trước khi tiến hành bầu cử.
Hội đồng quân sự chuyển tiếp nắm quyền lãnh đạo tại Sudan kể từ khi Tổng thống Omar al-Bashir bị phế truất ngày 11/4 vừa qua sau 30 năm cầm quyền. Sau nhiều tuần diễn ra làn sóng biểu tình do Liên minh Tự do và Thay đổi (FFC) phát động yêu cầu Hội đồng quân sự chuyển tiếp chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự, Etiopia và Liên minh châu Phi (AU) đã đứng ra làm trung gian hòa giải giữa hai bên.
Các cuộc đàm phán đổ vỡ khi các lực lượng an ninh Sudan giải tán một khu trại của người biểu tình ở Khartoum hôm 3/6 và chỉ được nối lại hồi đầu tháng 7. Ngày 5/7 vừa qua, sau 2 ngày đàm phán tại thủ đô Khartoum, hai bên đã đạt thỏa thuận về chia sẻ quyền lực trong giai đoạn chuyển tiếp, theo đó, nhất trí "thành lập một hội đồng lãnh đạo luân phiên giữa quân đội và phía dân sự trong giai đoạn 3 năm hoặc lâu hơn". Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí thành lập một chính phủ kỹ trị độc lập và tiến hành một cuộc điều tra minh bạch, độc lập về các vụ bạo lực trong những tuần gần đây.
Như vậy, với những tiến bộ đạt được giữa các bên liên quan tại Sudan, dư luận hy vọng có thể mở lối thoát cho một cuộc khủng hoảng chính trị ở Sudan kéo dài suốt thời gian qua./.
Theo Vũ Anh Tuấn/VOV1
Sudan: Biểu tình rầm rộ đòi trao quyền cho chính quyền dân sự Cuộc biểu tình trong ngày 30/6 là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi chính quyền quân sự giải tán khu trại của người biểu tình cách đây 3 tuần. Người dân tham gia tuần hành tại thủ đô Khartoum, Sudan ngày 29/6/2019. (Nguồn: THX/TTXVN) Ngày 30/6, hàng chục nghìn người Sudan đã xuống đường tại thủ đô Khartoum để yêu cầu...