Sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam
“Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Lời khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9 đang thắp thêm niềm tin, niềm phấn khởi và tự hào cho mỗi người dân Việt Nam, nhất là khi đất nước chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Đúng là Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ như hôm nay. Bởi từ một nước nghèo, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên thành nước đang phát triển, có quan hệ với hầu hết các nước, là thành viên và đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Quy mô nền kinh tế đã tăng khoảng 40 lần so với năm 1990. Thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên, từ 100 USD (năm 1990) lên 3.000 USD (theo cách tính GDP mới) hiện nay.
Thành tựu là không nhỏ, và như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Thành tựu đó cũng một lần nữa chứng minh sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam.
Sức sống ấy – khởi nguồn từ cội nguồn con Rồng cháu Tiên, từ tinh thần đại đoàn kết dân tộc, từ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta… – đã giúp Việt Nam kiến tạo nên nhiều kỳ tích trong dựng nước, giữ nước, trong xây dựng và phát triển đất nước.
Có sức sống mãnh liệt ấy, Việt Nam đã làm nên một cuộc cách mạng long trời, lở đất 75 năm trước, đưa Việt Nam từ một nước nô lệ thành một nước độc lập. Có sức sống ấy, Việt Nam đã vĩ đại vượt qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, làm nên một chiến thắng Điện Biên lừng lẫy địa cầu, một đại thắng mùa Xuân 1975, giang sơn thu về một mối.
Cũng nhờ sức sống ấy, Việt Nam mới có được cơ đồ ngày hôm nay, khiến cả thế giới ngưỡng mộ khi cả trăm triệu người dân đoàn kết từng bước vượt qua cuộc chiến với Covid-19, mà ngay cả những nước có nền y tế hiện đại bậc nhất, có tiềm lực tài chính vững mạnh đang phải vật lộn trong gian khó.
Nhưng thế giới đang đổi thay. Những thành tựu hiện có, dù to lớn và đáng trân trọng, cũng chưa thể đủ để đưa đất nước ta tiến nhanh, tiến mạnh vào một giai đoạn phát triển mới. Bởi sau Covid-19, cấu trúc thế giới mới sẽ hình thành. Bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tiến như vũ bão. Bởi Việt Nam trên thực tế vẫn chỉ là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, còn phải nỗ lực nhiều năm mới tiến kịp Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines…
Bởi cuộc chiến thương mại toàn cầu đang đẩy nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều rủi ro, bất định. Bởi quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, mà mô hình kinh tế vẫn đang dựa nhiều vào tài nguyên, vào vốn đầu tư; năng suất, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế còn thấp. Và còn bởi những tác động của đại dịch Covid-19 khiến kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn, thử thách nghiệt ngã…
Khó khăn, thử thách là có thật và vô cùng lớn. Nhưng cùng với sự thay đổi của thế giới trước tác động của Covid-19, cơ hội to lớn cũng đang mở ra cho các nước sớm ngăn chặn được đại dịch này và nhanh chân bước vào “cuộc chơi” mới khi thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu đang được cấu trúc lại. Thậm chí, hơn một lần, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định rằng, Việt Nam đang có cơ hội “ngàn năm có một” để tiến cùng, vượt lên. Rằng, phải tận dụng thời cơ trong khi các nước vẫn đang xoay vần trong cuộc chiến với Covid-19 để rút ngắn khoảng cách và bứt phá.
Video đang HOT
Mục tiêu rất rõ ràng đã được đặt ra: đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Câu hỏi đặt ra trong lúc này, là Việt Nam có thể làm được điều đó? Sẽ có nhiều người nghi ngờ. Cũng đúng thôi! Nhưng nhìn lại quá khứ ngàn năm, đặc biệt là trong 75 năm qua và trong 35 năm Đổi mới, để tự hào và tin tưởng, Việt Nam sẽ làm được điều đó. Sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam sẽ giúp chúng ta làm được điều đó.
Xưa, trong chiến tranh, bằng tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, chúng ta đã chiến thắng. Thì nay, bằng khát vọng và ý chí “Phải xây dựng cho được đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn và có thể sánh vai được với các cường quốc năm châu” – như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, chúng ta cũng sẽ thành công.
Việt Nam đã làm được những điều kỳ diệu trong quá khứ, thì chắc chắn cũng sẽ làm được nhiều điều kỳ diệu hơn nữa trong tương lai.
Hành trình 'phá vây' thần kỳ của Việt Nam
Từ một quốc gia gặp khó khăn vì chiến tranh, cấm vận, Việt Nam đã "phá vây" thành công để khẳng định hình ảnh và vị thế quan trọng trên trường quốc tế.
"Nếu như vài thập niên trước đây, bạn bè quốc tế nhắc đến Việt Nam (VN) là nhắc đến chiến tranh hay chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội thì ngày nay họ nói về hình ảnh VN năng động, tiến bộ, hội nhập các giá trị chung của thế giới... Những người làm ngoại giao như chúng tôi thường nói VN đã trải qua giai đoạn "phá vây" hết sức thần kỳ" - Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Mỹ, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM nhân kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh VN.
Hình ảnh VN phát triển thần kỳ
. Phóng viên: Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước VN Dân chủ Cộng hòa. 75 năm qua, VN tiếp tục vượt qua nhiều sóng gió, từ chiến tranh đến những thách thức trên con đường hội nhập, phát triển. Hình ảnh VN đã thay đổi như thế nào trong mắt bạn bè quốc tế?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Khi đi công tác nước ngoài, từ thời cuối những năm 1980 đầu 1990 hay bây giờ tôi đều cảm nhận được bạn bè quốc tế có tình cảm đặc biệt với VN. Trước đây, nói đến VN là người ta thường nhắc đến các cuộc chiến tranh. Nhiều chính trị gia, nhà ngoại giao nước ngoài nói với tôi rằng họ rất chia sẻ và cảm phục trước một VN dù gặp nhiều biến cố nhưng rất kiên cường.
Hiện nay, họ quan tâm rất nhiều đến đổi mới và quan điểm của VN trước những vấn đề của khu vực và quốc tế. Chẳng hạn, VN có lập trường như thế nào về một Đông Nam Á hòa bình, ổn định và hội nhập; tranh chấp Biển Đông; vấn đề an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh. Thậm chí, họ quan tâm VN nghĩ gì về chuyện cải tổ Liên Hợp Quốc (LHQ), trật tự quốc tế.
. Môi trường kinh doanh, đầu tư và các vấn đề xã hội của VN có được bạn bè quốc tế quan tâm?
Có chứ, rất quan tâm là đằng khác. Môi trường kinh doanh của VN giàu tính hấp dẫn. Lý do là từ nền kinh tế mang tính bao cấp, đầu tư nước ngoài chủ yếu theo kiểu giúp đỡ nhân đạo thì hiện nay mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi. Bước ngoặt Đổi Mới đã đưa VN vào giai đoạn mở cửa và cởi mở hơn rất nhiều, thậm chí đã sớm thu hút doanh nghiệp Mỹ tìm đến ngay cả khi Mỹ chưa gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với VN.
Thời điểm chúng ta tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), rất nhiều người đã nói VN sẽ vươn lên và nhanh chóng hội nhập thông qua những hiệp định mậu dịch tự do thế hệ mới. Họ đã chuẩn bị những kế hoạch lớn để tìm đến VN, trong đó có những tập đoàn lớn của Mỹ và châu Âu. Dù TPP sau đó bất thành nhưng nó được thay thế bằng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
. Vị thế và hình ảnh VN qua lĩnh vực ngoại giao, vốn là hoạt động mà ông đã gắn bó rất nhiều năm, có sự thay đổi ra sao?
Từ một quốc gia chỉ có một số nước thừa nhận vào năm 1945, đến nay cả thế giới đã công nhận vai trò quan trọng của VN trên chính trường khu vực và quốc tế. Năm 2020 đánh dấu một cột mốc quan trọng, nhất là khi VN vừa là chủ tịch ASEAN, vừa là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ - một vị trí quan trọng góp phần vào việc định hướng và thực hiện các chương trình nghị sự của quốc tế.
Những năm qua VN cũng đã có những bước đi mạnh mẽ trong quan hệ quốc tế, như đón nhiều chuyến thăm chính thức của lãnh đạo các nước, trong đó có nhiều đời tổng thống Mỹ và lãnh đạo các nước châu Âu, châu Á... Gần nhất là Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm VN năm 2016, Tổng thống Donald Trump thăm VN năm 2017. VN còn là điểm đến của nhiều hội nghị thượng đỉnh quan trọng, trong đó phải kể đến Thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu năm 2019. Qua đó, dư luận quốc tế xem VN như một điển hình về sự đổi mới, hội nhập và phát triển sau rất nhiều khó khăn, thử thách.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp và hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân dịp sang Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai vào tháng 2-2019. Ảnh: TTXVN
Vị thế quốc tế của Đảng Cộng sản VN tăng cao
. Giai đoạn Chiến tranh lạnh, vấn đề khác biệt thể chế chính trị đã trở thành một câu chuyện quan trọng đối với VN trong quá trình hội nhập. Hiện nay, vấn đề khác biệt thể chế có còn tạo ra rào cản trong quan hệ VN với các nước?
Đã có những thời kỳ mà các nước nhìn nhận sự khác nhau về thể chế chính trị theo một tinh thần rất khác, đặc biệt là thời kỳ Chiến tranh lạnh. Cả thế giới khi ấy chia làm hai phe với những ý thức hệ và tư tưởng đối lập gay gắt. Hiện nay, mọi thứ đã thay đổi. Chuyện khác biệt về thể chế chính trị vẫn còn đó nhưng đã có những thay đổi nhận thức, quan hệ với nhau trên cơ sở tôn trọng và cùng có lợi. Đó cũng là nguyên tắc mà VN mở rộng và phát triển quan hệ với các nước.
Thứ nhất, quyền tự do lựa chọn con đường phát triển của mỗi quốc gia được tôn trọng. Thế giới hiện nay nhìn nhận VN với tư cách là một quốc gia độc lập, thống nhất. Từ đó tôn trọng thể chế của VN, tức là hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản VN lãnh đạo. Cho tới những năm 1990 thì VN đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết quốc gia trên thế giới, bao gồm tất cả các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, có các thể chế chính trị khác nhau.
Thứ hai, rõ ràng là bản thân VN đã đổi mới, vươn lên và hội nhập. Cái đó mang cả lợi ích cho người dân và vị thế của VN. Người dân ngày càng tự do hơn, cuộc sống tinh thần, vật chất ngày càng được nâng cao hơn. Về quốc tế, bạn bè đánh giá cao một VN ngày càng cởi mở trên các lĩnh vực. VN đóng góp nhiều hơn, tích cực và trách nhiệm đối với những vấn đề chung của quốc tế và LHQ như xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, chống chiến tranh, thúc đẩy các cơ chế giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
. Từng tham gia nhiều hoạt động ngoại giao của VN, đâu là những câu chuyện để lại ấn tượng trong ông về vị thế của Đảng Cộng sản VN trên chính trường quốc tế xét ở khía cạnh khác biệt thể chế?
Tôi muốn nêu câu chuyện về quan hệ với Mỹ. Chắc chắn phải nhắc đến chuyến thăm lịch sử tới Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7-2015. Khi hai bên chuẩn bị cũng nảy sinh nhiều khác biệt như trong vấn đề lễ tân, thủ tục, hình thức ngoại giao. Thông thường, phía Mỹ không có quy định về đón người đứng đầu một đảng. Tuy nhiên, với chuyến thăm này, phía Mỹ đã dành các nghi lễ và xem đây là chuyến thăm của người đứng đầu thể chế chính trị của VN. Đó là điều khác biệt và rất đặc biệt.
Trong chuyến thăm, Tổng bí thư của VN và Tổng thống Barack Obama đã hội đàm tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng; cùng họp báo và ra Tuyên bố về tầm nhìn về quan hệ giữa hai nước. Cái chất của quan hệ đã có tầm vượt trên những thủ tục lễ tân thông thường, là sự công nhận cao nhất và đầy đủ nhất thể chế chính trị của nhau.
"Phá vây" thành công
. Xuyên suốt 75 năm qua, đâu là cột mốc quan trọng quyết định vận mệnh và sự phát triển của VN như hiện nay?
Mỗi giai đoạn lịch sử, phát triển của VN nói chung và đối ngoại nói riêng đều để lại những bài học quý báu. Chỉ xin đơn cử như bài học về tự cường, tự chủ để tự quyết định vận mệnh của mình; kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế; kiên quyết chống ngoại xâm nhưng hòa hiếu, sẵn sàng hòa giải với cựu thù, khép lại quá khứ, xây dựng những mối quan hệ mới trên cơ sở hợp tác, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
Mỗi giai đoạn đều có những cột mốc ý nghĩa, như giành và giữ độc lập, thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển và hội nhập. Gần hơn, để nói về cột mốc lớn nhất, chắc chắn phải nói đến công cuộc Đổi Mới, một bước ngoặt đưa đất nước VN ngày càng phát triển và có vị thế trên trường quốc tế. Nhớ lại, vào những năm 1980 và đầu 1990, hệ thống các nước ở Liên Xô và Đông Âu suy yếu và tan rã. VN khi ấy cũng gặp muôn vàn khó khăn. Đổi mới đã đưa VN thoát khỏi khủng hoảng, đời sống mọi mặt của người dân và xã hội đều đã thay đổi.
Còn với những người làm ngoại giao thì thời gian đó là giai đoạn "phá vây". Chúng ta đã "phá vây" thành công, nhất là đã giải quyết vấn đề Campuchia, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ và tham gia Hiệp hội ASEAN. Điều này đã mở ra một thời kỳ mới cho đất nước, trong đó có đối ngoại, hội nhập khu vực và quốc tế.
Làm sao đưa đất nước đi vào giai đoạn phát triển mới, cao hơn, chắc chắn có nhiều câu chuyện mà VN tiếp tục phải suy nghĩ, tìm ra giải pháp để có hướng phát triển phù hợp và nâng cao hơn nữa vị thế quốc gia.
. Xin cám ơn đại sứ.
Nhận thức mới về "đức" và "tài" trong xây dựng cán bộ Trong bất cứ giai đoạn nào, cán bộ cũng đóng vai trò quyết định sự thành bại của cách mạng bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh "cán bộ là cái gốc của mọi công việc" và "muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Những phẩm chất nhân cách cần có của người cán bộ đã...