‘Sục sôi’ tranh luận quanh đề xuất gây khó việc xử trộm chó
Đề xuất sửa đổi tăng mức định lượng tối thiểu để xử lý hình sự trong nhóm tội xâm phạm sở hữu từ 2 triệu đồng lên 5 triệu đồng đã làm cho mọi người “sôi sục” bày tỏ quan điểm. Rất nhiều bạn đọc gửi ý kiến phản đối đề xuất này.
Đã có hai luồng quan điểm tranh cãi: Một luồng cho rằng tăng mức định lượng tối thiểu xử phạt đối với “trộm cắp vặt” là nhằm phi hình sự hóa những hành vi không còn quá nguy hiểm cho xã hội; một lại cho rằng sẽ làm gia tăng vi phạm pháp luật, tạo sự bất ổn về tình hình an ninh – trật tự xã hội. Các ý kiến gửi về phần lớn đều nghiêng về việc phản đối đề xuất này. Tuy nhiên, nhóm ý kiến đối lập, đồng tình nâng mức định lượng xử phạt cũng có lập luật khá chặt chẽ và hợp lý không kém.
“Nếu chỉ vì 1 con chó mà bắt người ta đi tù thì quá đáng”
Đây là những ý kiến mà nhóm bảo vệ quan điểm đồng tình nâng mức định lượng xử phạt viện dẫn nhiều nhất. Theo ý kiến của các bạn, pháp luật hình sự hiện hành đã có cơ chế xử lý các tội trộm cắp vặt dù có trộm ít hay trộm nhiều và khá hợp lý. Việc tăng mức định lượng xử phạt thực tế không có tác động đến việc tăng hay giảm các vi phạm của loại tội phạm này mà quy định này lại khá… nhân văn khi đã không phạt tù đối với người mà chỉ “lỡ” trộm một con chó. Có ý kiến còn cho rằng, đây thực sự là quy định có tính giáo dục.
Một nhóm “cẩu tặc” bị bắt cùng với tang vật
Bạn Luật gia Nam bày tỏ sự ủng hộ việc nâng mức định lượng lên thành 5 triệu đồng. Bạn viện dẫn: Khoản 1 Điều 138 BLHS (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Rõ ràng, cơ chế để xử lý bọn trộm chó đã có chứ không phải là không (thông qua việc phạt hành chính trước). Do vậy, việc nâng mức định lượng tối thiểu lên 5 triệu đồng, tôi nghĩ hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến công cuộc phòng chống nạn trộm chó hay phạm tội vặt cả”. Theo bạn, pháp luật hình sự đã có cơ chế xử lý là phạt hành chính (lần 1), nếu lại tái phạm (lần 2) thì sẽ khởi tố. Chứ nếu chỉ vì 1 con chó mà bắt người ta bị tù tội thì quá đáng”.
Bạn DungVN không đồng tình ý kiến này, bạn bức xúc: ” Ls Nam à, ở đây không phải chỉ bắt có 1 con, mà đã bắt nhiều rồi. Chắc nhà ông ko nuôi chó nên mới nói như vậy?”.
Tuy nhiên, đại đa số các ý kiến gửi về lại đều bày tỏ sự hoang mang, lo lắng cho rằng nếu tăng mức xử phạt “trộm vặt” lên 5 triệu đồng mới xử phạt thì tình hình an ninh thật sự đáng ngại. Nhiều bạn bày tỏ sự bức xúc với đề xuất và kiên quyết không đồng tình nâng mức định lượng lên.Trộm của người nghèo là không phạm tội?
Bạn Lương Trung phân tích: “Nâng lên 5 triệu đồng thì chỉ phù hợp khi đời sống kinh tế xã hội đáp ứng với nhu cầu của tuyệt đại đa số của người dân. Như hiện nay, quy định này là chưa phù hợp bởi thu nhập của người dân còn quá thấp, giá trị của cải, tài sản của họ cũng chẳng đáng là bao, nhưng công sức, mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của họ bỏ ra là rất lớn. Chắt chiu lắm mới có được tài sản chân chính này (hầu như là dưới 5 triệu đồng). Vậy để kẻ trộm vào lấy mất tài sản giá trị nhất của họ thì nhức nhối đến cỡ nào?”.
Theo bạn Lương Trung, tăng mức định lượng xử phạt lên 5 triệu sẽ tạo điều kiện cho tội phạm này “gia tăng, phát triển gấp bội phần, an ninh trật tự xã hội không an toàn, ổn định, ảnh hưởng xấu đến sự bình yên của người dân”.
Đồng tình, bạn Trần Thanh Tùng cũng cho rằng người dân nghèo sẽ là những người phải gánh hậu quả đối với quy định này, bạn lập luận: ” Quy định này sẽ khiến loại tội phạm này… giảm đáng kể. Tuy nhiên, chúng ta nghĩ sao khi xã hội “ít” tội phạm trộm cắp tài sản nhưng tài sản của người dân lại luôn bị đe dọa chiếm đoạt? Có ai thống kê xem có bao nhiêu hộ có thu nhập dưới 5 triệu/tháng? Và hành vi trộm tài sản của những hộ này đương nhiên không bị xem là tội phạm (vì dưới 5 triệu). Có thể suy ra, trộm của người nghèo là không phạm tội (?) hay nói cách khác, người nghèo không được pháp luật hình sự bảo vệ quyền sở hữu tài sản”.
Bạn Minh Tan bức xúc : “Đừng tạo kẻ hở cho tội phạm lách luật. Xin hỏi lương cơ bản hiện nay là bao nhiêu, làm gì tới 5 triệu? Ngày trước bọn trộm chó chỉ trộm 2 con để không bị tội, giờ thì chúng nó cười kaka bắt 8 con cũng không bị gì. Mong các vị nghĩ kĩ một chút đi”.
Video đang HOT
Một “cẩu tặc” bị đánh khi trộm chó
Rất nhiều bạn đọc cùng có chung quan điểm về việc không thể nâng mức định lượng lên 5 triệu mới xử lý hình sự trong khi trộm cắp vặt, trộm chó táo tợn còn nhan nhản ngoài xã hội.Gây ra những hệ lụy khó lường
Nhiều ý kiến cũng lấy ví dụ tội trộm chó để minh họa cho việc không nên nâng định lượng xử phạt lên 5 triệu đồng. Theo đó, con chó khi bị trộm, bán ra chỉ mấy chục ngàn một ký, chiếu theo mức định lượng này có khi sẽ không bị xử phạt về tội trộm cắp. Tuy nhiên, liên quan tới việc trộm chó, ai cũng biết đây là điểm nóng về an ninh trật tự xã hội hiện nay. Nóng từ việc, những tên “cẩu tặc” chỉ vì muốn trộm con chó chỉ có giá trị vài trăm ngàn đồng mà sẵn sàng chống trả quyết liệt những người chủ, người dân ngăn cản chúng. Đã có những vụ chết người xảy ra.
Ngược lại, cũng từ đó người dân vì quá bức xúc với tình trạng trộm cắp, sự chống trả táo tợn của nhóm “cẩu tặc” đã “ra tay xử lý”. Có tình trạng người dân, cả làng vây đánh chết “cẩu tặc”, đốt xe… gây ra những điểm nóng về tình hình mất an ninh trật tự, gây đau đầu đối với lực lượng đảm bảo trật tự, an toàn xã hội nói riêng và bức xúc trong xã hội nói chung.
Như vậy, nếu nâng mức định lượng lên 5 triệu đồng, rất có thể nhiều vụ trộm chó sẽ không bị xử phạt nghiêm theo BLHS nữa, thay vào đó sẽ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Khó có thể nói trước được sự bức xúc của người chủ chó sẽ như thế nào khi con chó, với nhiều người vốn dĩ vẫn là con vật là có giá trị không thể đong đếm được về tinh thần, có mối quan hệ thân thiết sâu sắc về tình cảm lại đột ngột bị mất ngay trước mắt mình thương tâm như thế mà kẻ gây ra vụ trộm lại không bị xử phạt xứng đáng. Không thể không tính tới việc sẽ có nhiều hành vi tiêu cực xảy ra khi người chủ chó muốn xử phạt thích đáng tên cẩu tặc cho xứng với nỗi đau họ phải chịu khi họ biết chắc tên cẩu tặc sẽ không bị pháp luật xử lý nghiêm minh.
“Quy định 5 triệu thì làm sao bọn tội phạm sợ pháp luật được, nhất là bọn trộm chó. Có những con chó quý trị giá hàng chục triệu nhưng đem tính mỗi ký có mấy chục ngàn đồng, rồi khi bị truy đuổi chúng sẳn sàng giết người để thoát thân. Theo tôi không những giữ ở mức 2 triệu, nếu có thể thì nên tăng hình phạt” bạn Dung đề xuất.
Bạn Nguyễn Thái Thuận cũng bày tỏ không đồng ý với mức 5 triệu đồng. Bạn Thuận cho rằng đã phạm tội là phải xử lý hình sự, tùy mức độ vi phạm mà xử lý ở các mức khung hình phạt từ nhẹ đến nặng và tùy theo tình tiết mà tăng nặng, giảm nhẹ: “Luật quy định thời gian qua từ 2 triệu đồng trở lên mới xử lý hình sự nên xã hội đã xuất hiên trộm vặt quá nhiều, gây hệ lụy cho người dân nghèo, an ninh trật tự bị xâm phạm. Những người bắt trộm chó còn đầy, xảy ra khắp nơi, nạn nhân bị trộm chó không thể chờ cơ quan xử lý nếu xác định trộm chó trên năm triệu đồng thủ phạm mới bị xử lý hình sự [...] dân bức xúc đánh kẻ trộm, gây thương tích hoặc bị tử vong đã xảy ra rồi”. Bạn Thuận đề xuất đối với tội trộm cắp nên bỏ cả mức 2 triệu luôn thì mới có thể bảo đảm an ninh xã hội được.
Bác Bảy cũng cảm thán: “dân mình còn nghèo lắm, họ nuôi mấy con gà, con chó, chiếc xe cà tàng, chiếc xuồng….nên 500.000 đồng thì xử đi”.
“Khi xác định giá trị tài sản trong tội trộm cắp thì thường thấp hơn nhiều giá trị thực tế. Mất một tài sản nào đó, nạn nhân có thể phải bỏ ra một số tiền lớn hơn để khắc phục hậu quả. Ví dụ: Gia đình mua xe máy 15 triệu đã sử dụng được 3 năm thì bị mất trộm. Nạn nhân phải mua lại xe để đi làm. Nhưng khi định giá tài sản giá trị xe lúc này chỉ còn là 4 triệu và không xử lý hình sự. Như vậy giá trị tổn thất ở đây không chỉ dừng lại ở mức 5 triệu đồng. Mà nếu không có hành vi phạm tội đó, người ta đã không phải bỏ ra một số tiền lớn (xét chung với các gia đình hoàn cảnh) để khắc phục hậu quả. Ngoài ra, nếu không xử lý hình sự, nạn nhân muốn đòi lại tài sản phải giải quyết bằng con đường tố tụng dân sự. Tội phạm thực hiện hành vi trộm cắp đa phần là người không nghề nghiệp, nghiện ngập, kẻ cả giang hồ… Vậy cơ chế để nạn nhân dám đòi lại tài sản liệu có an toàn?” bạn Học Viên Luật đặt vấn đề.
Một người dân “tự xử” khi bị trộm cướp. Ảnh minh họa
***
Tựu chung, các ý kiến gửi về đều cho rằng việc nâng mức tối thiểu để xử lý hình sự tội trộm cắp vặt lên 5 triệu đồng là không ổn trong tình hình xã hội hiện nay.
“Tội phạm không thể đem so sánh với tiền bạc, sự phát triển của xã hội phải tách bạch rõ ràng không tạo lỗ hổng cho sống bằng con đường cướp giật, trộm cắp… Tôi thấy không nên quy định đồng nào cả trộm cắp, cướp giật dù bất cứ hình thức nào cũng phải xử lý, phạt tù” bạn đọc có nick Bác Bảy về hưu nêu ý kiến.
Bạn Quang đề xuất: “Theo tôi, xử lý các tội trộm cắp, giựt dọc là nên theo “hành vi” và có xem xét cụ thể trường hợp để xử lý hình sự thì mới mong giảm các tội phạm “nhỏ lẻ” nhưng ngày càng phổ biến và táo tợn được. Nhất là ở vùng nông thôn, nhiều gia đình chỉ có chừng chục con vịt, gà nuôi để dành cho ngày giỗ, ngày tết… giá chưa tới 2 triệu, nhưng cũng là một tài sản của gia đình họ rồi đó. Không nên dùng “định lượng” để đo, vì 5 triệu đối với người “giàu” thì cũng không giá trị bằng 50 ngàn của người nghèo đâu!”.
“Theo tôi không nên nâng mức định lượng từ 2 triệu lên 5 triệu, bởi lẽ chính việc định lượng ban đầu sẽ giúp răn đe tội phạm, vì thế định lượng càng thấp càng tốt,chúng ta có thể chia định lượng ra để định khung hình phạt. Theo tôi nghĩ, lý do tăng số tiền không xuất phát từ việc trượt giá mà xuất phát từ sự ngại việc của cơ quan chức năng” bạn Lê Trung Phát phán đoán.
Đồng tình, bạn Nguyễn Thái Thuận cũng nêu quan điểm: “Đừng vì, muốn giảm việc cho cơ quan tố tụng hình sự và tòa án mà giảm đi tính công bằng của pháp luật”.
Theo Phap luât TPHCM
Hành trình tới lò mổ của những chú chó sống tại Việt Nam
Từ một vật nuôi gần gũi, trung thành với con người, những chú chó bị bắt trộm, giết thịt và trở thành món mồi ngon trên bàn nhậu.
Dù mỗi ý kiến tranh luận cho quan điểm nên hay không nên đều có lý lẽ riêng của mình, nhưng có những con số và hình ảnh đang gợi lên rất nhiều suy nghĩ.
Theo thống kê của Liên minh bảo vệ chó châu Á (ACPA) thì có tới 5 triệu cá thể chó bị giết thịt mỗi năm ở Việt Nam. Con số khổng lồ này không chỉ làm giật mình với những người yêu động vật mà còn cả với những người thích ăn thịt chó.
Cũng theo ACPA, nguồn cung cho thị trường thịt chó chủ yếu từ việc buôn bán chó nuôi và chó bị bắt trộm. Các chú chó bị bắt bằng kìm sắt kẹp quanh cổ hoặc chân, sau đó bị kéo lê rồi nhấc lên xe tải.
Tình trạng này đã trở nên cực kì nghiêm trọng, khiến rất nhiều gia đình trong cả nước phải làm hàng rào để bảo vệ chó của mình. Cả xã hội phải gánh chịu các chi phí và sự bất tiện này trong khi nạn buôn bán chó trái phép vẫn tiếp diễn hàng ngày.
Những sạp hàng bán thịt chó rất phổ biến ở Việt Nam
Những chú chó thường bị giết hại bằng cách dùng gậy sắt hoặc sống dao đập vào đầu (Ảnh: Animal Asia)
Sau đó xác của những cá thể chó này thường được xẻ thịt và chế biến
Giá của mỗi một kg thịt chó trung bình khoảng 100.000 VNĐ, và là món ăn nhậu khoái khẩu của đàn ông Việt Nam
Tuy nhiên, thịt chó không rõ nguồn gốc xuất xứ lại tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hại đối với sức khỏe con người
Mỗi phi vụ trộm chó thành công có thể lãi tới hàng triệu đồng là nguyên nhân chính dẫn đến việc "cẩu tặc" ngày càng lộng hành. Có tới hàng trăm vụ ẩu đả mỗi năm được ghi nhận nguyên nhân từ trộm chó. "Cẩu tặc"ngày càng hung bạo khi sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng như súng bắn đạn hoa cải, súng điện tự chế để chống trả khi bị truy đuổi.
Gần đây nhất, vụ việc xảy ra sáng 16/3 tại xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang, một tên "cẩu tặc" bị người dân phát hiện và đánh trọng thương khi câu trộm chó.
Sau khi bị bắt, những chú chó thường bị vận chuyển qua các chặng đường dài, đôi khi kéo dài tới vài ngày. Chúng thường bị nhồi chặt trong các lồng, cũi mà không được ăn uống và thường phải chịu đựng bệnh tật cũng như các vết thương do bị đối xử thô bạo. Rất nhiều chú chó đã bị chết vì nghẹt thở và mất nước hoặc sốc nhiệt trước khi chúng đến được điểm cuối cùng.
Hành trình của những chú chó kết thúc tại một lò mổ, chợ, hay quán thịt chó. Cách thức giết mổ chó ở các nước, các tỉnh thành, lò mổ hay nhà hàng khác nhau, nhưng đều có điểm chung là chó bị đập vào đầu bằng vật cứng cho bất tỉnh, bị cắt cổ, hay bị mổ bụng bằng một con dao lớn. Hành động này thường diễn ra trước mặt những chú chó khác.
Được cho là nguồn thực phẩm giàu chất đạm và ngon miệng, tuy nhiên việc buôn bán, vận chuyển và giết mổ chó với số lượng lớn lên tới hàng triệu cá thể chó mỗi năm lại gây ra nguy cơ lớn đối với sức khỏe con người mà điển hình là bệnh dại, dịch tả và các bệnh dịch nguy hiểm khác.
Bên cạnh đó còn một nguồn cung cấp thịt chó khác khiến những người thích ăn thịt chó nhất cũng phải rùng mình. Đó là nguồn thịt chó từ các bãi rác thải.
Theo tìm hiểu của PV, đã có không ít trường hợp những người bới rác ở bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) bới được xác vật nuôi như chó, mèo... đang trong quá trình phân hủy được nhà hàng thu mua với giá từ 15.000 tới 20.000 đồng/con.
Nguồn thịt này chủ yếu được chế biến thành món "rựa mận". Do thịt được ninh nhừ cùng xả, riềng, mẻ, mắm tôm, rượu khiến thực khách khó có thể phát hiện được thịt đã thiu, thối.
Nguyễn Thành An (Tổng Hợp)
Theo NTD
Xây đảo lấn biển, Trung Quốc định "chơi cờ vây" trên Biển Đông Trung Quốc thực hiện nhiều dự án xây đảo trái phép để lấn từng bước độc chiếm Biển Đông. Báo National Interest của Mỹ ngày 8/12 cho biết: Trung Quốc đang đào đắp xây đảo tại bãi đảo Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, dường như đã tạo ra được đường băng dài 3.000 mét và những bến tàu đủ để những...