Sức mua càng “kích” càng yếu – Kỳ 2: Vật liệu xây dựng ế ẩm
Cuối năm là mùa cao điểm của dân xây dựng khi người dân đua nhau xây, sửa nhà đón tết. Năm nay, không khí tại các “chợ” vật liệu xây dựng khá đìu hiu.
Chơi bài giết thời gian
Năm nay khó khăn, bán hàng không được, chỉ trông chờ vào dịp cuối năm, nhưng với tình hình này buôn bán chắc sẽ thất bát
Ông Giang, chủ cửa hàng
Khu “chợ” VLXD trên đường Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM những ngày này không còn thấy cảnh tấp nập người ra vào mua bán. Thay vào đó là cảnh ế ẩm, nhân viên của hầu hết các cửa hàng chỉ ngồi chơi xơi nước. Tại một cửa hàng chuyên bán ván ép, 4 nhân viên ngồi trên một tấm ván lớn… chơi bài. Theo anh Thắng, nhân viên cửa hàng, khách mua hàng ít, rảnh không biết làm gì nên ngồi chơi bài giết thời gian. Tình trạng ế ẩm đã kéo dài mấy năm nay, nhưng từ đầu năm 2012 đến nay là thê thảm nhất. Hiện đang là mùa cao điểm xây dựng nhưng số lượng giao dịch cũng không tăng nhiều so với những tháng trước.
Tại gian hàng của Công ty Song Trân, ông Trịnh Hoài Hùng buồn bã kể hầu hết nhà nằm trên đường Tô Hiến Thành đều bán VLXD nhưng người mua thưa thớt. So với năm 2009-2010, sức mua giảm 50%. Hiện đã vào mùa cao điểm nhưng từ chủ đến nhân viên chỉ ngồi chơi. Người dân ít sửa chữa nhà nên bán được ít.
Cách đó mấy căn, DNTN Hoàng Nga chuyên bán các loại đá, gạch trang trí mặc dù treo biển giảm giá đến 30% nhưng khách hàng vẫn thưa. Theo chủ DN này, những năm trước đây việc buôn bán đã ế ẩm nhưng năm nay tình hình còn thê thảm hơn. Công trình xây dựng ít nên hàng bán rất chậm.
Cát, xi măng, sắt thép là VLXD chính yếu nhưng theo ông Giang, chủ cửa hàng VLXD trên đường Đất Mới (Q.Bình Tân), thì sức mua rất yếu. “Năm nay khó khăn, bán hàng không được, chỉ trông chờ vào dịp cuối năm, nhưng với tình hình này buôn bán chắc sẽ thất bát”, ông Giang than vãn.
Video đang HOT
Cửa hàng VLXD ế khách, hàng tồn kho tại các công ty sản xuất tăng cao. Theo ông Nguyễn Trung Kiên, phụ trách kinh doanh Công ty Bảo Lộc, hiện công ty còn tồn kho 7 triệu viên gạch. Gạch tồn, chất lượng xuống cấp nên giá cũng giảm. Bình thường bán giá 750 đồng thì nay chỉ bán được 720 đồng/viên. Nếu năm 2008 bán được cả 100 triệu viên thì đến năm 2011 bán được 70 triệu viên và năm nay cố gắng lắm cũng chỉ được 60 triệu viên. Không chỉ ế, lượng hàng ít ỏi bán được lại bị nợ. Thông thường, vào mùa cao điểm, mỗi tháng được 8-10 triệu viên còn nay bán được hơn 5 triệu viên. Công ty của ông cũng chỉ hoạt động cầm chừng.
Khu bán vật liệu xây dựng trên đường Tô Hiến Thành (Q.10) không còn nhộn nhịp như trước đây – Ảnh: Đình Sơn
Khuyến mãi vẫn ế
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho hay hiện tồn kho xi măng khoảng 2.600 tấn, kính là 80 triệu m2. Công suất sản xuất kính mỗi năm khoảng 170 triệu m2 thì nay chỉ chạy nửa công suất mà vẫn tồn kho tới 80 triệu m2 nên đây là ngành sản xuất VLXD gặp khó khăn nhất. Gạch ceramic trong khi mọi năm sản xuất khoảng 80% công suất thì năm nay sản xuất được 50%. Sản lượng giảm mạnh khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa và cũng đang tồn kho 4 tháng sản xuất. Nhà máy sản xuất dây điện, công tắc, trang trí nội thất cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nguyên nhân khiến thị trường VLXD tồn kho lớn, theo ông Nam, là do năm nay tổng mức đầu tư toàn xã hội, vốn tư nhân, ODA giảm mạnh. Nếu năm trước đầu tư toàn xã hội khoảng 42% GDP thì năm nay còn 30-32%. Dự án ít, người dân cũng ít xây sửa nhà do thu nhập ít đi dẫn đến tồn kho ngày càng gia tăng.
Ông Nguyễn Thanh Vân, Tổng giám đốc Công ty tư vấn – quản lý chất lượng Đầu Tiên (FQM), chuyên về thi công, quản lý dự án xác nhận, tại các khu công nghiệp, tình trạng xây dựng nhà máy chỉ nhỏ giọt. Thị trường trông cậy vào khách hàng cá nhân nhưng người dân cũng đã và đang cắt giảm mạnh việc xây, sửa nhà. Nhu cầu về sắt thép, xi măng, gạch, hàng nội thất… đã giảm 50-60% so với năm trước.
Theo TNO
Tồn kho không đến nỗi bi đát
Đó là khẳng định của ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công thương tại phiên thảo luận chiều nay 16.10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách 2012-2013.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Công thương, tỷ lệ hàng tồn kho của các doanh nghiệp (DN) 9 tháng qua vẫn ở mức cao: lượng than tồn kho khoảng 8,9 triệu tấn sắt, thép và gang tăng 40,6% so với cùng kỳ năm trước, nhiều nhà máy sản xuất cầm chừng với công suất từ 30 đến 45%.
Còn các nhóm hàng may trang phục, phân bón và hợp chất ni-tơ, sản phẩm khác từ nhựa, pin ắc-quy, dây điện và cáp điện, mô-tô, xe máy, sản xuất xe có động cơ... tỷ lệ tồn kho tăng hơn 20%. Ðiều này gây khó khăn cho DN, ảnh hưởng tiêu cực tới việc phát triển sản xuất, kinh doanh, thu nhập của người lao động.
Tuy nhiên trước phiên thảo luận, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, quan điểm của Bộ Công thương không lạc quan tếu, nhưng tồn kho cũng không đến nỗi ách tắc. Xu thế các tháng cuối năm đã khởi sắc hơn, phần lớn các mặt hàng công nghiệp chế biến, đường sữa, phân bón, hóa chất, giấy... đến 9.2012 tồn kho tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, nằm trong khoảng an toàn tồn kho cho phép (tuy nhiên con số này đã được loại trừ sắt thép, xi măng).
Cụ thể, theo ông Tuấn, lượng phôi thép còn tồn kho 250.000 tấn, tương tự cán nguội 300.000 tấn, thép xây dựng 500.000 tấn - với mức tiêu thụ của thị trường hiện nay, và mức giải ngân xây dựng cơ bản cuối năm cũng không đến nỗi bi đát.
Ông Tuấn cho biết, hiện Bộ Công thương đang xây dựng giải pháp hành chính như rào cản để hạn chế nhập khẩu thép Trung Quốc, khi mặt hàng này phải trải qua kiểm nghiệm khắt khe, nhưng cơ bản để tháo gỡ cho DN trong nước thì các DN phải tiếp cận thị trường đổi mới công nghệ...
Cần kích hoạt thị trường bất động sản
Đó là khẳng định của ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết, khi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 2012-2013 và ngân sách của Ủy ban thường vụ Quốc hội vào chiều nay 16.10.
Dự báo về tình hình kinh tế xã hội 2013, ông Hiển khẳng định nền kinh tế chỉ nhích lên, không đột biến do sức mua và thị trường chưa thể cải thiện, bên cạnh đó DN sau giai đoạn đình đốn, đổ vỡ chưa thể hồi phục ngay được. Vấn đề quan trọng sắp tới cần làm gì để giải quyết khó khăn, khi mà dư địa chính sách không còn nhiều như: việc miễn giảm, giãn thuế gặp phải áp lực thu ngân sách, bội chi giữ 2012...
Theo ông Hiển, hiện có ba nút thắt lớn gồm tồn kho, nợ xấu ngân hàng, và sức mua của thị trường thấp. Trong đó, điểm mấu chốt nhất phải mở rộng thị trường, cởi trói được thì sức mua khi đó sẽ giải phóng tồn kho, xử lý được nợ xấu.
"Phải kích hoạt thị trường ở điểm nào, thì cần tìm khâu quan trọng nhất, đó là thị trường bất động sản và việc đầu tư giao thông, thuỷ lợi. Vì nó liên quan rất nhiều ngành nghề khác", ông Hiển nói.
Cũng theo lãnh đạo Ủy ban Tài chính ngân sách, ngoài kích bất động sản, đầu tư thì tiêu dùng của nhân dân khó khăn cũng là rào cản lớn vì vậy có thể tính tới tăng lương là cách để kích hoạt tiêu dùng.
Ngoài ra, bản thân ngân hàng cần thấy rằng cần tập trung cứu DN cũng là cứu mình, NH chỉ đưa ra giải pháp hạ lãi suất không đủ và không tối ưu mà phải thực hiện: Thứ nhất là khoanh nợ, nợ nào cho vay rồi do khó khăn thì khoanh cả gốc và lãi - tạo niềm tin cho DN thứ hai là giãn nợ - không nên dồn vào cùng một lúc thứ ba là mua lại nợ xấu, giải pháp này đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính để mua nhưng phải mua hợp lý, tránh như mô hình một số công ty mua bán nợ đổ vỡ vì lợi dụng, tham nhũng, tiêu cực.
Ngoài ra, đưa thêm giải pháp về thuế, có thể giãn, giảm nhưng không phải trên diện rộng, mà lựa chọn địa chỉ có thể hồi phục, có điều kiện, có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiền. "Bằng các giải pháp tổng thể này, điểm đúng huyệt bất động sản có thể tạo điều kiện phát triển, để 2013 có sức phát triển mới", ông Hiển nói.
Đồng tình quan điểm trên, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, cần phải sớm giải phóng hàng tồn kho, nợ xấu thông qua kích hoạt, giúp thị trường bất động sản hồi phục trở lại.
"Sáng nay Báo Thanh Niên đưa kiến nghị của nhiều chuyên gia, nếu cứ để tình trạng tồn đọng, dự án dang dở thì sẽ vô cùng nguy hiểm", ông nói.
Theo TNO
Sức mua càng kích càng yếu Thời điểm này mọi năm thường là cao điểm tiêu thụ, mua sắm của người dân, thế nhưng năm nay, tình trạng ế ẩm đang xảy ra khắp nơi dù các siêu thị, doanh nghiệp đã tìm đủ cách kích cầu. Thấp bất thường Dịp lễ Noel này, hệ thống siêu thị Big C tung ra chương trình khuyến mãi "Vui mua sắm,...