Sức mạnh toàn diện của kho tên lửa Việt Nam
Với đầy đủ các chủng loại từ phòng không, đối hạm, chống ngầm… kho tên lửa Việt Nam có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ cương giới Tổ quốc.
Tên lửa phòng không: Trong kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam đã làm cho tên lửa S-75 (Sam-2 tên gọi tại Việt Nam) trở nên nổi tiếng thế giới khi sử dụng nó bắn rơi pháo đài bay B-52 năm 1972. Ngoài S-75, quân đội Việt Nam còn sở hữu S-125 nhưng năm 1972 chưa kịp tham chiến.
Cho đến nay, ngoài S-75, phòng không Việt Nam đang có trong biên chế tên lửa nâng cấp S-125-2TM và những tên lửa phòng không hiện đại hơn. Đó là tên lửa phòng không S-300PMU1 do Nga sản xuất. Đây là loại tên lửa phòng không hiện đại có tầm bắn xa và khả năng bắt nhiều mục tiêu cùng lúc. Tuy nhiên, số lượng tên lửa S-300 vẫn còn ít và tên lửa phòng không Sam vẫn được coi lực lượng chủ lực.
Các tên lửa chống hạm: Tên lửa diệt hạm là loại phong phú nhất trong kho tên lửa của quân đội Việt Nam. Trong đó bao gồm các tên lửa phóng từ tàu, từ trên bờ và từ máy bay. Về tên lửa diệt hạm đặt trên bờ, hiện tại Việt Nam có 3 hệ thống là tên lửa P-15 Termit, tên lửa P-35, tên lửa Bastion-P.
Hệ thống P-15 mà Việt Nam sở hữu có tầm bắn 80 km mang đầu đạn nặng khoảng 500 kg và bay với vận tốc cận âm. Theo tính toán nó có khả năng bắn chìm chiến hạm vài ngàn tấn. Hệ thống tên lửa P-35 có tầm bắn từ 460 km đến 750 km tùy các biến thể khác nhau. Toàn bộ tên lửa nặng 5000 kg, riêng đầu đạn nặng khoảng 1000 kg. P-35 có vận tốc cao hơn P-15 với Mach 1,4.
Hiện đại nhất trong các tên lửa phòng thủ bờ biển của Việt Nam là hệ thống K-300 Bastion-P. Mỗi tổ hợp gồm 4 xe phóng (mỗi xe mang 2 ống phóng chứa đạn tên lửa), 1 hoặc 2 xe điều khiển cùng 4 xe chở đạn.
Video đang HOT
Bastion-P sử dụng đạn là tên lửa Yakhont có tầm bắn 300 km với khả năng tiêu diệt chiến hạm đối phương chỉ trong 1 lần khai hỏa. Yakhont có thể đạt tốc độ siêu âm ở mọi giai đoạn bay, (tối đa là Mach 2,6), tạo nên uy lực công phá rất mạnh mẽ, đủ sức vô hiệu hóa mọi loại tàu chiến đang có mặt trên khắp các đại dương.
Cùng với các tên lửa diệt hạm đặt trên bờ còn có nhiều loại tên lửa diệt hạm trang bị trên tàu mặt nước và tàu ngầm. Trên các tàu mặt nước của Việt Nam hiện tại có một số loại tên lửa như biến thể P-15, Kh-35 Uran-E. Biến thể P-15 phóng từ tàu được trang bị cho các tàu Tarantul. Mỗi tàu có 4 tên lửa loại này đặt ở hai bên sườn tàu. Cũng giống biến thể phóng từ đất liền, biến thể phóng từ tàu cũng có tầm bắn 80 km.
Tên lửa Kh-35 Uran E. Loại này được trang bị trên các tàu tên lửa tốc độ cao Molniya mà Việt Nam đang đóng với số lượng lớn. Tên lửa Uran E có trọng lượng 630 kg, riêng đầu đạn nặng 145 kg. Nó có vận tốc cận âm (Mach 0,8) với tầm bắn tối đa 130 km.
Ưu điểm của tên lửa loại này là có nhiều phiên bản cho máy bay chiến đấu và trực thăng. Như vậy, có nhiều phương tiện có thể mang được loại tên lửa này trong tình huống tác chiến để thực hiện nguyên tắc tập trung hỏa lực.
Tên lửa đối đất: Hiện tại, theo các thông tin đã công bố, ngoài tên lửa Club-S trang bị cho tàu ngầm có khả năng tấn công cả chiến hạm lẫn mặt đất, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết Việt Nam sở hữu một loại tên lửa đất đối đất là tên lửa Scud. Đầu đạn của tên lửa nặng 985 kg thuốc nổ thường hoặc có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Các tên lửa lưỡng dụng: Trong trang bị của quân đội Việt Nam cũng có một số loại tên lửa có thể vừa đối đất vừa đối hạm. Đó là tên lửa Kh-29 và tên lửa Club-S. Ngoài những tên lửa kể trên, Việt Nam còn sở hữu loạt tên lửa không-đối-không khác cùng dàn tên lửa bờ thế hệ mới do Israel sản xuất. Trong ảnh: Tên lửa Scud. (tổng hợp).
Theo Đất Việt
Điều đặc biệt trên chiến hạm tên lửa Việt Nam
Ngoài dàn tên lửa P-15, chiến hạm lớp Osa-II của Hải quân Việt Nam còn được trang bị pháo hạm cực mạnh AK-230 cùng chiến thuật đánh địch không giống ai.
AK-230 là một hệ thống pháo hải quân của Liên Xô, có cấu tạo gồm 2 nòng pháo 30 mm NN-30 sử dụng cơ cấu làm mát bằng nước, được dẫn bắn bởi radar Drum Tilt hoặc Muff Cobb với chức năng chính là phòng không.
Bên cạnh đó, AK-230 còn có thể sử dụng để tiêu diệt những mục tiêu mặt nước cỡ nhỏ như xuồng cao tốc hay thủy lôi...
Công việc phát triển loại pháo tự động này bắt đầu từ thập niên 1950 và hoàn thành trong năm 1969, nó được chấp nhận trang bị cho tàu tên lửa tấn công nhanh Osa cùng với tàu phóng lôi cỡ nhỏ lớp Shershen.
Đã có tổng cộng 1.450 khẩu AK-230 được sản xuất tại Liên Xô và khoảng 300 chế tạo ở Trung Quốc dưới tên gọi Type 69.
Mặc dù tốn khá nhiều thời gian nghiên cứu nhưng AK-230 lại nhanh chóng bị lạc hậu, đến cuối thập niên 1970 nó đã bị thay thế bởi "đàn em" AK-630.
Tốc độ bắn: 1.000 phát/phút/nòng; tầm bắn tối đa 6,7 km; tầm bắn hiệu quả 2,5 - 4 km; sơ tốc đạn: 1.050 m/s; cơ số đạn dự trữ: 500 viên cho mỗi nòng pháo độc lập (bao gồm đạn nổ mảnh OF-83D đi kèm đạn xuyên giáp BR-83).
Ngoài pháo hạm AK-230, vũ khí chủ lực trên tàu tên lửa lớp Osa II của Hải quân Việt Nam là tên lửa P-15.
Đạn tên lửa P-15 Termit đạt tầm bắn tối đa 80 km, lắp đầu đạn thuốc nổ mạnh nặng tới 454 kg. Tính toán trên lý thuyết, nếu phóng đủ 4 quả đạn thì tàu Osa II có khả năng tiêu diệt tuần dương hạm cỡ 16.000 tấn.
Chiến thuật chiến đấu của tàu tên lửa Osa II thường là "đánh và chạy". Sau khi phóng tên lửa thì tàu Osa II nhanh chóng tăng tốc bỏ chạy.
Con tàu được trang bị 3 động cơ công suất 12.000 mã lực và 3 chân vịt cho phép nó đạt tốc độ cao 40 hải lý/h.
Theo Đất Việt