Sức mạnh tấn công của Trung Quốc sánh ngang Mỹ trong 5 năm
Công nghệ quân sự, vũ khí của Trung Quốc được chú trọng đầu tư và đang có những bước phát triển tiệm cận với sức mạnh quân sự của Mỹ.
Hải quân Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật trên biển. Ảnh: Sina
Trong cuốn sách “Sức mạnh quân sự Trung Quốc: Đánh giá khả năng hiện nay và tương lai”, chuyên gia Roger Cliff thuộc tổ chức tư vấn RAND Corp cho rằng quân đội Trung Quốc đang trải qua quá trình phát triển mạnh mẽ và có thể đọ sức cùng Mỹ và phương Tây chỉ trong vài năm tới.
Sự tự tin của Trung Quốc
“Đến năm 2020, chất lượng học thuyết quân sự, trang bị, nhân lực và huấn luyện của quân đội Trung Quốc nhiều khả năng sẽ cận tiệm ở nhiều khía cạnh khác nhau với quân đội Mỹ và phương Tây”, ông Cliff nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, dù quân đội Trung Quốc vẫn còn những điểm yếu về cấu trúc, hậu cần và văn hóa tổ chức, ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại vũ khí và khí tài, việc đánh bại được Trung Quốc trong các cuộc xung đột khu vực sẽ là điều rất khó khăn và tốn kém đối với Mỹ. Hơn nữa, Trung Quốc có nhiều lợi thế về địa hình.
Mới đây, khi Trung Quốc mời 27 quan chức hải quân Mỹ lên tham quan tàu sân bay Liêu Ninh, tờ Global Times dẫn lời chuyên gia Zhang Junshe tại Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc, cho rằng động thái thể hiện sự tự tin của hải quân nước này trước Mỹ.
Ông Cliff nhận định thập niên 2020 nhiều khả năng sẽ là thời kỳ chuyển giao quyền lực ở Đông Á. Quyền lực ở khu vực này sẽ chuyển từ nước Mỹ có khả năng bảo vệ đồng minh trước bất cứ cuộc tấn công nào sang một Trung Quốc có thể dùng vũ lực thách thức quyền kiểm soát trên biển và trên không mà không nước nào có thể chống lại. Ông cho rằng việc đối đầu với Trung Quốc trên phương diện này là quá nguy hiểm và tốn kém cho bất kỳ nước nào, kể cả Mỹ.
Một báo cáo về tương quan sức mạnh quân sự Mỹ – Trung gần đây của RAND cũng cho rằng Trung Quốc tỏ rõ tự tin về tiềm lực quân sự của mình. Trung Quốc “có khả năng thu hẹp khoảng cách trong mọi khía cạnh và thậm chí còn vượt lên ở một số lĩnh vực”, khiến “xu thế sức mạnh tổng thể đang không có lợi cho Mỹ”.
Tốc độ thay đổi, hiện đại hóa trong quân đội Trung Quốc diễn ra nhanh hơn của Mỹ. “Trung Quốc đang bật nhảy, còn Mỹ thì đang lê bước”, báo cáo nhận định. Tốc độ hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, những khoản đầu tư tiền tỷ, hai con số cho quốc phòng, và những loại vũ khí mới mà nước này đang chế tạo, mua sắm đều thể hiện mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là áp đảo sức mạnh quân sự Mỹ và lấn át trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ.
Video đang HOT
Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong nước, nhưng bản thân nước Mỹ cũng vậy. Nợ công ngày càng lớn và cơ chế đảng phái chính trị ở Washington khiến chi tiêu quốc phòng của nước này bị cắt giảm nghiêm trọng. Nhưng quân đội Mỹ lại phải đối phó với mối đe dọa an ninh ngày càng lớn ở Trung Đông và cả châu Âu, khiến họ có nguy cơ sụt giảm khả năng và hiệu quả sẵn sàng chiến đấu vào cuối thập niên này.
Theo các chuyên gia, để giành chiến thắng trước Trung Quốc, quân đội Mỹ phải có khả năng đánh bại chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2AD) của Trung Quốc. Một số người cho rằng cách hiệu quả nhất để phá chiến lược A2AD là sử dụng chiến tranh thông tin, tác chiến điện tử để vô hiệu hóa những hệ thống vũ khí phòng thủ của Trung Quốc, đặc biệt là các hệ thống vệ tinh, trinh sát, dẫn đường và liên lạc.
Những vũ khí lợi hại
Báo cáo của RAND cho thấy các biện pháp tác chiến điện tử, tác chiến không gian, chẳng hạn như chương trình tấn công vệ tinh trong vũ trụ, của Trung Quốc đang phát triển nhanh hơn chương trình phòng thủ không gian của Mỹ.
Báo cáo mới nhất của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung (USCC) của Mỹ nhận định Trung Quốc theo đuổi một chương trình lớn về năng lực tấn công trong không gian, gồm các tên lửa diệt vệ tinh, các hệ thống diệt vệ tinh cùng quỹ đạo, tấn công mạng, thiết bị gây nhiễu vệ tinh trên mặt đất và các vũ khí năng lượng định hướng.
Vũ khí không gian của Trung Quốc có thể tiêu diệt vệ tinh của Mỹ trong quỹ đạo. Ảnh minh họa: Military
Ngoài ra, Trung Quốc có thể sử dụng các cuộc tấn công dựa vào mạng máy tính, điện tử và động học để chống lại các vệ tinh hoặc các kết cấu hỗ trợ dưới mặt đất, trong trường hợp xảy ra xung đột với Mỹ.
Chuyên gia Malcolm Davis của trang Strategis nhận định Trung Quốc đang có những bước tiến lớn trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng. Lầu Năm Góc mới đây công bố chiến lược “Bù đắp lần thứ ba” nhằm đầu tư nhiều hơn cho công nghệ quân sự, trong khi Trung Quốc đã phóng thử vũ khí siêu thanh, triển khai các loại radar chống tàng hình, và chế tạo phương tiện bay không người lái lớn nhất thế giới.
Trong tác chiến chống ngầm, hải quân Trung Quốc cũng vừa tiếp nhận mạng lưới trinh sát thủy âm chống ngầm ven biển và tàu hộ vệ tên lửa chống ngầm lớp Thanh Đảo, cùng một loại máy bay tuần tra biển mới.
Điểm yếu lớn của hải quân Trung Quốc hiện nay là các tàu ngầm của họ quá ồn và dễ bị đối phương phát hiện. Gần đây, Trung Quốc đã cải thiện và triển khai tàu ngầm lớp Nguyên và Kilo 636 hoạt động êm và khó phát hiện hơn rất nhiều.
“Các tàu ngầm mới của Trung Quốc ngày một êm hơn, có vũ khí mạnh hơn. Có nhiều lý do để tin rằng khả năng phát hiện và tấn công tàu mặt nước đã được cải thiện rất nhiều”, RAND đánh giá.
Chuyên gia Andrew Erickson cho biết những tàu ngầm này có khả năng phóng các tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh (ASCM), chẳng hạn như tên lửa mới YJ-18 có tầm bắn 290 hải lý, giúp Trung Quốc đọ được với các vũ khí chống tàu nổi tầm xa của Mỹ.
Về năng lực phòng không, quân đội Trung Quốc nhiều khả năng sẽ sắm tên lửa S-400 của Nga, có thể tiêu diệt được máy bay tàng hình. Trên không, chiến đấu cơ tầm xa J-20 của Trung Quốc sẽ đánh vào điểm yếu của Mỹ là sự phụ thuộc rất lớn vào máy bay cảnh báo sớm và tiếp liệu trên không.
Ông Davis cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ quân sự là không thể phủ nhận, và việc quân đội nước này bắt kịp Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian. “Điều đáng quan tâm hiện nay là quân đội Trung Quốc sẽ có những cuộc phiêu lưu nào khi bắt kịp Mỹ, và Bắc Kinh sẽ sử dụng sức mạnh quân sự của họ ở châu Á ra sao”, ông nói.
Trí Dũng
Theo VNE
Trung Quốc không thể "sáng tạo" trật tự thế giới mới theo ý riêng!
Bắc Kinh luôn tự đề cao về sức mạnh quân sự nhưng không thể tự cho mình quyền áp đặt điều kiện đối với nước láng giềng khác.
Hình ảnh vệ tinh chụp lại các hoạt động bồi lấp trái phép của Trung Quốc trên Đá Gạc Ma của Việt Nam.
Theo nhận định của báo Le Monde, về quân sự, hiện nay Bắc Kinh không chỉ tăng tốc hiện đại hóa quân đội, mà còn ngang ngược lấn chiếm các khu vực thuộc chủ quyền của các nước khác trên Biển Đông và Hoa Đông. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn luôn tìm mọi cách quảng bá rùm beng cho cái gọi là "những sáng kiến" nhằm mục tiêu thay đổi "luật chơi" tại châu Á (?).
Về kinh tế, xem ra thế mạnh từ "bàn đạp" lèn đầy ngoại tệ đã cho phép Trung Quốc vung tay vào những khoản đầu tư khổng lồ ở nước ngoài, thu lợi về cho các doanh nghiệp trong nước.
Chẳng hạn như các "con đường tơ lụa" mới một mặt được kỳ vọng sẽ cho phép các tập đoàn lớn của Trung Quốc có thêm nhiều đơn đặt hàng mới, mặt khác có thể giúp Bắc Kinh giành được danh hiệu "đem lại sự phát triển" cho các khu vực Đông Nam Á và Trung Á.
Mùa xuân vừa qua, Bắc Kinh được cho là đã thành công trong việc lôi kéo cả các đồng minh của Mỹ tham gia vào Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu, trong đó đặc biệt là có cả một số cường quốc như Anh và Pháp.
Về vấn đề an ninh, Trung Quốc đang muốn làm sao để có thể tái cấu trúc an ninh khu vực. Tháng 5/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gợi lên một khái niệm mới về an ninh châu Á đó là do người châu Á đảm đương để phục vụ người châu Á (nghĩa là không cần đến vai trò của Mỹ).
Theo nhận định của chuyên gia Pháp Jean-Pierre Cabestan làm việc tại Hồng Kông, Hội nghị Trung ương về Ngoại giao của Trung Quốc hồi tháng 10/2014 đã "đánh dấu sự cáo chung của chính sách ngoại giao "nhẫn nhịn" (của thời ông Đặng Tiểu Bình), mở ra thời kỳ "trỗi dậy" của Trung Quốc thể hiện rõ qua phương cách dùng sức mạnh quân sự để "thúc đẩy chính sách ngoại giao kinh tế".
Báo Le Monde nêu nhận xét tiếp rằng, số vốn đầu tư khổng lồ ở nước ngoài và khối lượng áp đảo trong giao dịch thương mại quốc tế bước đầu đã giúp Trung Quốc có các phương tiện để gây áp lực hoặc trả đũa đối với các quốc gia không muốn chấp nhận trật tự mới do Bắc Kinh áp đặt, mà giới chuyên môn gọi theo thuật ngữ chính trị là: "hòa bình kiểu Trung Quốc".
Tự đề cao về sức mạnh quân sự, Bắc Kinh cũng tự cho mình quyền áp đặt điều kiện đối với các nước láng giềng khác? Nhưng cũng chính con dao hai lưỡi này cũng đã đẩy Trung Quốc đến chỗ luôn chạm trán với đối thủ khu vực Nhật Bản và dĩ nhiên là cả ngoài khu vực - Mỹ.
Trong lúc Mỹ tỏ rõ không thể chấp nhận việc bị ngăn cản quyền tự do đi vào các vùng biển mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền, thì Bắc Kinh xem ra vẫn tưởng tượng mình đang trong cảnh bị Mỹ bao vây và ngăn chặn với lý do Mỹ thiết lập mạng lưới liên minh và căn cứ quân sự ở một số quốc gia nằm cạnh các vùng biển bao quanh Trung Quốc.
Chính sự trái ngược về quan điểm đó đã khiến quan hệ giữa hai bên trở nên căng thẳng, nhất là sau khi Trung Quốc bất chấp phản ứng của dư luận khu vực và thế giới vẫn liên tục xây dựng và bồi đắp trái phép đảo nhân tạo trên vùng biển thuộc chủ quyền của các nước láng giềng quanh khu vực Biển Đông.
Và cũng vẫn theo cái cách dường như chỉ muốn tự cho mình quyền "sáng tạo" trật tự thế giới mới theo ý riêng, Bắc Kinh tỏ ra rất kiên trì chiến lược giành giật lãnh thổ tại các vùng biển chính họ đang gây ra tranh chấp, dẫu chắc chắn họ phải biết rõ hơn ai hết rằng không ai cần hoặc có thể chấp nhận được cái gọi là sự "sáng tạo" chỉ có lợi riêng với Trung Quốc như thế!
Quý Cao
Theo Dantri
Quân đội Trung Quốc - Không đáng ngại Thời gian gần đây, Trung Quốc có rất nhiều tuyên bố hùng hồn về sức mạnh quân sự có thể đánh bật các lực lượng vũ trang của Mỹ. Song các chuyên gia nhận định Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thực chất lại là một đội quân rất mong manh, dễ vỡ, chưa từng tham gia một cuộc chiến tranh hiện...