Sức mạnh quân đội xếp hạng 25 thế giới của Triều Tiên
Bất chấp việc sử dụng nhiều vũ khí cũ kỹ, quân đội Triều Tiên vẫn được đánh giá là lực lượng có sức mạnh đáng gờm trên thế giới.
Quân đội Triều Tiên (KPA) có 700.000 lính chính quy và 4,5 triệu lính dự bị. Bên cạnh đó, nước này có khoảng 13 triệu người đủ điều kiện tham gia chiến đấu. Global Fire Power đánh giá Triều Tiên xếp hạng 25 trên thế giới về sức mạnh quân sự.
Lục quân có quy mô và vai trò quan trọng nhất trong quân đội Triều Tiên. Quân chủng này có số lượng binh sĩ lớn, nhưng vẫn chủ yếu sử dụng các loại vũ khí, trang bị cũ kỹ.
Pokpung-ho (rìa trái) là loại xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nhất do Triều Tiên tự nghiên cứu chế tạo trong thập niên 1990, dựa trên công nghệ của xe tăng T-62, T-72 và Type-88.
Điểm mạnh của lục quân Triều Tiên nằm ở lực lượng pháo binh, được đánh giá là sở hữu số lượng pháo thuộc hàng nhiều nhất thế giới và các kíp pháo thủ được huấn luyện kỹ lưỡng.
Triều Tiên có khoảng 4.300 khẩu pháo kéo, 2.250 pháo tự hành và 2.400 tổ hợp pháo phản lực phóng loạt.
Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn triển khai nhiều hệ thống pháo cố định với cỡ nòng lớn, tầm bắn xa. Hầu hết các loại pháo chủ lực của Triều Tiên đều có tầm bắn vươn tới thủ đô Seoul của Hàn Quốc.
Video đang HOT
Với 940 máy bay các loại, không quân Triều Tiên xếp hạng 10 thế giới về số lượng chiến đấu cơ có trong biên chế. Nước này sở hữu khoảng 16 đến 35 tiêm kích MiG-29 và số lượng không xác định MiG-23ML. Đây là các máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Triều Tiên.
Không quân Triều Tiên bị đánh giá là quá cũ kỹ khi vẫn phải vận hành nhiều loại tiêm kích già cỗi như MiG-17, MiG-19 và MiG-21. Chúng được sử dụng cho nhiệm vụ tấn công mặt đất, thay vì đối đầu trực tiếp với đối thủ hiện đại hơn như F-15, F-16 của Mỹ và Hàn Quốc.
Hải quân Triều Tiên là một trong những lực lượng sở hữu nhiều tàu ngầm nhất trên thế giới. Năm 2010, một tàu ngầm Triều Tiên bị cáo buộc đã phóng ngư lôi đánh chìm một tàu hộ vệ tên lửa của Hàn Quốc khiến 46 người thiệt mạng.
Tàu mặt nước của Bình Nhưỡng chủ yếu là các tàu pháo tuần tra cỡ nhỏ. Tuy nhiên, nước này đang đóng ít nhất hai tàu hộ vệ tên lửa với tính năng tàng hình, dựa trên thiết kế của Myanmar.
Bình Nhưỡng sở hữu nhiều loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung như Hwasong, Rodong, cùng với đó là các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đang thử nghiệm như Taepodong-2 và KN-08 với tầm bắn trên 10.000 km. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới đây tuyên bố nước này đang trong giai đoạn cuối cùng cho một cuộc thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tâm bắn vươn tới Mỹ.
Tử Quỳnh
Ảnh: Business Insider
Theo VNE
Lực lượng không quân đứng thứ 10 thế giới của Triều Tiên
Với 940 máy bay các loại, không quân Triều Tiên được coi là một trong 10 lực lượng sở hữu nhiều phi cơ nhất thế giới.
Không quân Nhân dân Triều Tiên (KPAF) là quân chủng lớn thứ hai của quân đội Triều Tiên, với quân số khoảng 110.000 người.
KPAF đang sở hữu 940 máy bay các loại, xếp thứ 10 thế giới. Hầu hết trong số này có xuất xứ từ Liên Xô và Trung Quốc, theo Flight Global.
Loại máy bay hiện đại nhất trong biên chế KPAF là tiêm kích MiG-29. Triều Tiên sở hữu mẫu MiG-29B và MiG-29UB cơ bản, cùng khoảng 3 chiếc MiG-29S nâng cấp.
Số lượng tiêm kích MiG-29 của Triều Tiên vẫn chưa được xác định. Các chuyên gia phương Tây cho rằng nước này đang biên chế khoảng 16 đến 35 chiếc MiG-29.
Máy bay của Triều Tiên được trang bị vũ khí chính là tên lửa tầm trung R-27R và tầm ngắn R-60MK, thay vì R-73 như các tiêm kích MiG-29 của nước ngoài.
Su-25K là cường kích chủ lực cho nhiệm vụ tấn công yểm trợ mặt đất của KPAF. Triều Tiên là quốc gia châu Á đầu tiên mua loại máy bay này trong giai đoạn 1987-1989.
Nước này đang vận hành 45 máy bay Su-25K và phiên bản huấn luyện Su-25UBK.
Su-25K có bán kính chiến đấu 750 km, mang được nhiều loại vũ khí như bom FAB-500, rocket cỡ nòng từ 57 đến 330 mm. Loại máy bay này có thể trang bị cả vũ khí thông minh, sử dụng đầu dò laser hay quang truyền hình như bom KAB-500, tên lửa Kh-25L và Kh-29.
Ngoài MiG-29, KPAF còn sở hữu loại tiêm kích tương đối hiện đại là MiG-23ML (NATO định danh: Flogger-G) với số lượng 56 chiếc. Phiên bản này được trang bị radar trinh sát mạnh, kháng nhiễu tốt và mang được tên lửa R-24 cải tiến.
Dù đã cũ kỹ, MiG-21 vẫn là một trong 3 loại tiêm kích chủ lực được KPAF tin dùng. Nước này vẫn còn ít nhất 26 chiếc MiG-21 trong biên chế.
Nữ phi công chiến đấu đầu tiên của KPAF chính là người điều khiển một trong hai chiếc MiG-21 biểu diễn tại triển lãm hàng không Wonsan, diễn ra vào cuối tháng 9/2016.
Nhiệm vụ vận tải chiến lược của KPAF được giao cho phi đội gồm 3 máy bay vận tải hạng nặng Il-76TD của hãng hàng không quốc gia Air Koryo, cùng một chiếc An-24.
40 chiếc trực thăng Mi-8 và Mi-17 đóng vai trò vận tải chiến thuật, chở quân đổ bộ và tấn công yểm trợ mặt đất.
Trực thăng MD-500 do Mỹ sản xuất là trường hợp đặc biệt trong biên chế KPAF. Triều Tiên mua 84 chiếc MD-500 theo đường không chính ngạch để tránh lệnh cấm vận của Mỹ. Ít nhất 60 chiếc trong số này được hoán cải để mang vũ khí tấn công như tên lửa chống tăng 9M14 Malyutka (NATO định danh: AT-3 Sagger).
Triều Tiên được cho là đang vận hành khoảng 300 máy bay đa dụng An-2. Loại máy bay này có tầm hoạt động 845 km, độ ồn rất thấp, thích hợp với nhiệm vụ đột nhập, thả biệt kích vào vào sâu bên trong lãnh thổ đối phương.
Tử Quỳnh
Ảnh: Livejournal
Theo VNE
Kim Jong-un khen chiến đấu cơ Triều Tiên bắn chính xác Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa có chuyến thị sát đợt huấn luyện đêm của lực lượng pháo binh và không quân nước này. Ông Kim Jong-un và các nữ phi công chiến đấu Triều Tiên. Ảnh: KCNA Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa thị sát một cuộc huấn luyện bắn đạn thật của các đơn vị pháo binh và buổi...