Sức mạnh đặc nhiệm tinh nhuệ bảo vệ thượng đỉnh Trump – Kim tại Singapore
Để bảo vệ hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều, một trong những sự kiện ngoại giao quan trọng nhất trong năm 2018, Singapore đã huy động lực lượng đặc nhiệm gốc Nepal – những chiến binh mũ nồi với kỹ năng thiện nghệ.
Đặc nhiệm Gurkha tuần tra bên ngoài khách sạn Shangri-la tại Singapore – nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. (Ảnh: Reuters)
Đặc nhiệm Gurkha là một phần không thể thiếu trong lực lượng an ninh được Singapore triển khai để bảo vệ cho cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 6/2018. Mặc dù cả ông Trump và ông Kim Jong-un đều mang theo đội ngũ an ninh riêng của mình, song lực lượng cảnh sát tinh nhuệ của Singapore, bao gồm đặc nhiệm Gurkha, vẫn được triển khai để bảo đảm an ninh tại các tuyến đường, khách sạn, nơi diễn ra cuộc họp.
Được tuyển chọn từ những thanh niên trẻ tại đất nước Nepal nghèo khó, lực lượng Gurkha trở thành một phần trong lực lượng cảnh sát Singapore từ năm 1949. Hiện có khoảng 1.800 đặc nhiệm Gurkha tại Singapore và họ thường xuyên xuất hiện trong các sự kiện đòi hỏi mức độ an ninh cao tại quốc đảo Đông Nam Á này.
Lịch sử thiện chiến
Một lính Gurkha cầm dao kukri trong cuộc diễn tập ở Hong Kong vào năm 1979. (Ảnh: SCMP)
Tên gọi Gurkha xuất phát từ vùng đồi Gorkha ở Nepal. Những tay súng Gurkha được triển khai trong các cuộc xung đột lớn và các cuộc chiến tranh từ sau khi trở thành một phần của quân đội Anh hồi thế kỷ 19.
Ban đầu, quân đội Anh bị đánh bại bởi lực lượng Gurkha trong cuộc xung đột với Nepal vào thế kỷ 19. Sau đó, do ngưỡng mộ tinh thần chiến đấu và sự thiện nghệ của lính Gurkha, Anh đã bắt đầu tính đến việc tuyển mộ chính những đối thủ trước đây của mình.
Hơn 200.000 lính Gurkha đã chiến đấu trong 2 cuộc chiến tranh thế giới và hàng loạt cuộc xung đột như chiến tranh vùng Vịnh, Bosnia, Kosovo và Afghanistan. Họ đã được ghi nhận về sự thiện chiến và dũng cảm, đúng với tinh thần của câu khẩu hiệu truyền thống của lực lượng này là “Thà chết còn hơn làm kẻ hèn nhát”.
Sau khi Ấn Độ giành độc lập vào năm 1947, Anh, Nepal và Ấn Độ đã đạt được thỏa thuận chuyển 4 trung đoàn Gurkha cho quân đội Ấn Độ. Các thuộc địa trước đây của Anh như Singapore và Malaysia cũng thuê lính Gurkha cho lực lượng cảnh sát và quân đội của mỗi nước.
Video đang HOT
Đặc nhiệm Gurkha đứng gác tại chốt kiểm tra an ninh trong thời gian diễn ra đối thoại Shangri-la năm 2018. (Ảnh: Reuters)
Tại Nepal, việc được lựa chọn để phục vụ cho lực lượng Gurkha ở nước ngoài được xem là cách để thoát nghèo. Ước tính hơn 10.000 ứng viên ứng tuyển mỗi năm để giành lấy khoảng 260 vị trí trong các đơn vị Gurkha của quân đội Anh. Còn tại Nepal, mỗi năm chỉ có 60 lính Gurkha được tuyển chọn. Họ sẽ phải trải qua nhiều tháng huấn luyện, bao gồm cuộc đua khắc nghiệt khi phải mang 25kg cát và di chuyển 4,2km đường dốc núi.
Hiện nay, lực lượng Gurkha phục vụ cho quân đội nhiều nước như Anh, Ấn Độ, Nepal, Brunei, Singapore. Tại Singapore, lực lượng Gurkha được bố trí sống cùng gia đình tại Trại Vernon ở khu vực ngoại ô thành phố. Người dân Singapore không được phép đến đây.
Được tuyển từ khi mới 18 hoặc 19 tuổi, lính Gurkha tại Singapore sẽ nghỉ hưu ở tuổi 45 trước khi được hồi hương về Nepal. Những người lính Gurkha sẽ không được phép kết hôn với phụ nữ bản địa ở Singapore, song con cái của họ vẫn có thể theo học các trường địa phương.
Một phụ nữ kết hôn với lính Gurkha và sống tại trại Vernon cho biết cuộc sống ở đây rất nghiêm ngặt.
“Chúng tôi có giờ giới nghiêm là 12h đêm. Với phụ nữ, chúng tôi có thể thông báo cho họ biết nếu chúng tôi có lý do chính đáng để về trễ. Còn đối với đàn ông, họ không được phép. Một trong những quy định đặt ra là chúng tôi phải đi ngủ trước 10h30 mỗi tối”, vợ của một lính Gurkha chia sẻ.
Lực lượng tinh nhuệ
Hai lính Gurkha đứng gác bên ngoài khách sạn nơi ông Kim Jong-un ở khi tới Singapore dự hội nghị thượng đỉnh năm 2018. (Ảnh: AP)
Lực lượng Gurkha được xem là “tài sản” quý báu của chính quyền Singapore và đóng vai trò như một lực lượng an ninh trung lập tại đất nước đa sắc tộc như Singapore. Truyền thống tuyển mộ lính Gurkha là một phần di sản mà Singapore thừa hưởng từ thời thuộc địa Anh.
Đặc nhiệm Gurkha được giao nhiệm vụ bảo vệ các nhân vật quan trọng (VIP) và chống bạo động. Ngoài ra, khi xảy ra xung đột khu vực, lực lượng Gurkha sẽ bảo vệ các trường quốc tế và thường được nhìn thấy ở khu vực biên giới Malaysia – Singapore.
Tại hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim hồi năm ngoái, người dân có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh đặc nhiệm Gurkha mặc áo giáp chống đạn, mang súng trường tấn công FN SCAR do Bỉ sản xuất và súng ngắn gài trong bao ở chân.
Dù được trang bị những vũ khí tối tân cỡ nào, những người lính Gurkha sẽ không sẵn sàng chiến đấu nếu không mang theo bên mình “kukri” – một con dao quắm đặc biệt dài khoảng 45cm. Đây là vũ khí truyền thống của lực lượng Gurkha và có phong tục rằng một khi kukri được rút ra khỏi bao, lưỡi dao đó bắt buộc phải dính máu.
Năm 2015, trong thời gian diễn ra Diễn đàn Shangri-la, một hội nghị cấp cao tại Singapore quy tụ các bộ trưởng quốc phòng và quan chức an ninh cấp cao từ khắp nơi trên thế giới, một đặc nhiệm Gurkha đã bắn chết một tài xế sau khi xe của người này vượt qua hàng rào an ninh bên ngoài nơi tổ chức hội nghị.
“Họ là lực lượng tinh nhuệ nhất mà Singapore có thể triển khai. Họ vẫn luôn là lực lượng trọng yếu tuyến đầu và những yêu cầu đặt ra đối với sự kiện (như thượng đỉnh Mỹ – Triều) chính xác là những hoạt động mà Gurkha đã được huấn luyện để xử lý”, Tim Huxley, chuyên gia về lực lượng vũ trang Singapore tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) nhận định.
Thành Đạt
Theo Dantri/ Reuters, ABC
Lý do Mỹ-Triều không tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 tại Thái Lan
Tình trạng ô nhiễm không khí lên mức báo động và chính trị bất ổn đã khiến Bangkok để vuột mất cơ hội tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại khu nghỉ dưỡng Capella, Singapore. Ảnh: AP
Hà Nội, Bangkok (Thái Lan) và Hawaii (Mỹ) là 3 địa điểm tiềm năng mà Mỹ và Triều Tiên cân nhắc lựa chọn để làm nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần 2. Tuy nhiên, thủ đô Việt Nam đã vượt lên trước hai ứng viên để trở thành sự lựa chọn cuối cùng của hai nước tổ chức hội nghị vào 27-28/2 tới.
Theo báo Bangkok Post, xét về khoảng cách địa lý và thời gian thích hợp diễn ra chuyến thăm, Hawaii bị gạt ra đầu tiên trong bảng danh sách. Chỉ còn lại Hà Nội và Bangkok là hai ứng viên "ngang tài ngang sức". Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm không khí lên mức báo động và tình hình chính trị bất ổn đã khiến Bangkok để vuột mất cơ hội tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ 2.
Đầu tiên, đây là hai quốc gia hoạt động tích cực cả trong cộng đồng khu vực lẫn quốc tế dưới vai trò là một thành viên Đông Nam á. Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ ngày 1/1/2020. Quan trọng hơn, Việt Nam cũng là thành viên duy nhất của châu Á - Thái Bình Dương được đề cử vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) vào năm 2021. Trong khi đó, Thái Lan lại có tiềm năng làm thành viên trong Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ trong giai đạn 2020-2022.
Thứ hai, cả hai quốc gia Đông Nam Á này cùng có mối quan hệ hữu nghị với cả các bên liên quan tới Bán đảo Triều Tiên, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc. Triều Tiên cũng có Đại sứ quán tại cả Hà Nội và Bangkok.
Thứ ba, Hà Nội và Bangkok cùng chung múi giờ và khoảng cách bay từ Bình Nhưỡng tới hai thành phố thủ đô này không cách biệt nhau là mấy, với chỉ hơn 3 giờ bay.
Thứ tư, thủ đô của hai quốc gia có hệ thống cơ sở hạ tầng tuyệt vời, cung cấp địa điểm phục vụ tốt cho các sự kiện quốc tế, cũng như có đủ kinh nghiêm ngoại giao để tổ chức các cuộc hội nghị cấp cao.
Tuy nhiên, ba nhân tố then chốt được nêu ra dưới đây đã giúp Việt Nam chiến thắng trước Thái Lan khi được chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Đó là tình hình chính trị bất ổn, ô nhiễm không khí tại Bangkok và mô hình kinh tế phát triển của Việt Nam.
Mặc dù Chính phủ Thái Lan tuyên bố tổng tuyển cử vào 24/3 trong một động thái làm dịu các nguy cơ biểu tình đường phố, song vẫn xuất hiện lo ngại chính quyền của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha có thể hoãn tổ chức. So sánh với Bankok, Hà Nội được đánh giá là có nhiều thuận lợi hơn cho công tác đảm bảo an ninh. Không hề có bất kỳ cuộc biểu tình nào ghi nhận trong khi diễn ra các sự kiện thượng đỉnh quốc tế tại Việt Nam.
Không chỉ có vậy, chỉ số bụi độc PM2.5 cao ngất ngưởng tại Bangkok trong một vài tuần trở lại đây cũng khiến thủ đô Thái Lan không còn giữ được hình ảnh hiếu khách, hấp dẫn vốn có. Tác giả Kavi cho rằng hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên chắc hẳn cũng không hề quen với chất lượng không khí như vậy và không ai muốn họ phải đeo khẩu trang bảo vệ.
Lý do cuối cùng khiến Việt Nam được lựa chọn chính là vì mô hình phát triển kinh tế vượt bậc trong hơn 3 thập kỷ qua. Tác giả Kavi lý giải hiện Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của khu vực Đông Nam Á.
Do đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn chứng minh sự tiến bộ và hiện đại hóa của Việt Nam là một hình mẫu mà Triều Tiên có thể noi gương. Theo tác giả Kavi, rất có thể việc bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam của Tổng thống Trump muốn bắn tín hiệu cho Triều Tiên thấy tình hữu nghị và sự hợp tác với Mỹ sẽ cho ra những kết quả tốt đẹp.
Việt Nam chính là địa điểm hội tụ các điều kiện tốt nhất để Mỹ và Triều Tiên tổ chức cuộc gặp thứ 2 giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un. Với những tiến bộ đáng kể liên quan đến tiến trình phi hạt nhân hóa, Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội cũng có thể đặt nền tảng cho Triều Tiên tiến vào vòng quay của cộng đồng Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời mang lại hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.
Vì Triều Tiên là thành viên của Diễn đàn Khu vực ASEAN và là bên ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, các quốc gia Đông Nam Á có thể hỗ trợ Triều Tiên làm quen với mọi mặt trong công tác hội nhập khu vực.
Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Theo Tintuc
Bangkok tiếc nuối khi thượng đỉnh Trump - Kim được tổ chức ở Hà Nội Bangkok Post cho rằng Hà Nội nổi bật hơn hẳn trong danh sách địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều và có ba yếu tố vượt qua thủ đô của Thái Lan để được lựa chọn. Bangkok, Hà Nội và Hawaii là ba trong số những địa điểm có thể được đề xuất khi Mỹ và Triều Tiên đồng...